Sống trong thời đại mới, thời đại kỹ thuật số, nhiều thông tin đã được số hóa, qua kết nối mạng, dễ dàng được chuyển tải và tiếp cận tới mọi tầng lớp công chúng, không dừng lại ở một địa phương nào đó mà trên phạm vi toàn cầu. Chỉ cần có vốn tri thức nhất định ai cũng có thể tiếp cận được các thông tin hoặc công bố dưới dạng ấn phẩm hoặc online và có thể sử dụng những khối lượng thông tin từ các quốc gia bên ngoài nếu biết ít nhất một ngoại ngữ. Do vậy, thông tin giờ đây không dành cho một đối tượng nào đó, mà thông tin là của mọi người. Ví như blog, nơi được xem là nhật ký cá nhân thì giờ đây blog đã trở thành kênh thông tin được xã hội quan tâm, chia sẻ và không ít blog cá nhân của những người nổi tiếng trở thành địa chỉ chú ý của dư luận. Hoặc như face book, mạng xã hội đang được quan tâm nhất hiện nay;...
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, dù thông tin hay hay dở thì điều quan tâm của đa số công chúng là các thông tin được "tung ra" đều phải là thông tin của sự thật, thông tin về sự thật, chứa hàm lượng sự thật cao.
Sự thật, có thể hiểu một cách chung nhất, là sự kiện có thật, là điều xác thực, là cái gì đó được kiểm nghiệm là đúng đắn hay nói theo ngôn ngữ nhà triết học là sự phản ánh sự vật, hiện tượng như nó vốn có.
Trong cuộc sống ngày càng bận rộn và đầy áp lực như ngày nay, những người lao động nghiêm túc ít ai có thời gian vô bổ để đi tìm kiếm những thông tin mà chỉ toàn là ảo hoặc là sự tưởng tượng của người viết hay người cung cấp thông tin. Do vậy, dù với một thái độ như thế nào thì sự thật cần được đặt lên hàng đầu, cần có một thái độ thượng tôn sự thật. Nhưng xem ra trong thực tế, thông tin đảm bảo sự thật vẫn chỉ là một trạng thái lý tưởng. Bởi vì những lý do chủ quan hoặc khách quan nào đó mà thông tin bị bưng bít, hay bị nhiễu loạn, thậm chí bị bóp méo.
Thực tế cho thấy, với mạng internet ngày càng nhiều như hiện nay đang có tình trạng nhiễu loạn thông tin, kẻ nói xuôi, người nói ngược. Sự khác biệt giữa thông tin nhà nước và thông tin dân sự, giữa thông tin đại chúng và các mạng xã hội, giữa thông tin tuyên giáo và thông tin vỉa hè đôi khi quá xa nhau, thậm chí "đá" lẫn nhau. Những năm gần đây không ít vụ việc như Vinashine, vụ Tiên Lãng, Dương Chí Dũng... nếu ta đọc trên mạng và các báo, sẽ thấy có những sự vênh nhau về con số, về sự kiện, vậy cái nào là sự thật, cái nào độ trung thực cao hơn, chẳng dễ trả lời.
Sự đa chiều trong nhìn nhận là một nhẽ, bởi thông tin không phải từ một nguồn mà từ nhiều nguồn, và chưa nói đến cấp độ bản chất thông tin là gì, để xác định điều này thì khó khăn hơn, nhưng sự thật thì chỉ có một, không ai có thể vẽ ra sự thật hoặc làm biến dạng được sự thật, lâu hay chóng rồi cũng sẽ bị/được trưng ra. Do vậy, chưa nói đến cấp độ lý giải bản chất của thông tin, ít ra về mặt đưa tin cũng cần đưa ra những sự kiện xác thực và khách quan.
Hiện nay trong dân chúng, nhiều người đang tiếp nhận một luồng thông tin ngầm, thông tin không công khai, phi chính thống nhiều hơn là chính thống. Ví dụ các blog cá nhân như Wordpress.com, blogspot.com..., các trang mạng xã hội như facebook, twitter... thậm chí các trang mạng bị chính quyền khuyến cáo cấm như: quanlambao, danlambao, biendong.net, vẫn được người ta tìm đọc. Và trong dư luận, dường như giờ đây người ta tin và dễ tin vào các thông tin "lề trái" hơn là thông tin của các báo chí "lề phải"! Đó cũng là một thực trạng ít nhiều đang thách thức báo chí - truyền thông chính thống.
Ngày nay, các nhà tuyên giáo cũng khó khăn hơn trong việc cung cấp thông tin. Thực ra công tác tuyên giáo khó có thể thắng lợi nếu không đưa trung thực thông tin và có một sự lý giải thẳng thắn, thấu đáo. Không ít báo cáo viên đã bị phản đối, không trực diện thì cũng ngoài hành lang hội trường, hoặc sau khi giải tán hội nghị về độ tin cậy của thông tin, về chất lượng thông tin mà người báo cáo cung cấp. Đọc trên mạng không ít những thông tin than phiền về chuyện này. Mọi sự nhìn nhận đơn chiều trong phát biểu, trong thảo luận giờ đây dễ bị coi là phiến diện và độ tin cậy sẽ giảm sút, nhất là trong tình hình hiện nay, với một xã hội trình độ dân trí ngày càng cao, một xã hội thông tin toàn cầu trải rộng đến từng ngóc ngách của ngõ phố, làng quê, gia đình. Do vậy, chỉ có sự trung thực trong thông tin, thông tin có hàm lượng sự thật... Và chỉ có với một thái độ thẳng thắn và trung thực mới có thể gây dựng sự tin cậy vào thông tin. Người đời không dễ gì tin vào điều vô bổ, nhảm nhí, sặc mùi vụ lợi... và cũng chẳng ai dễ gì tin vào những lời hoa mỹ, ngụy biện nào đó của người viết, người đưa tin.
Những chỉ thị, chỉ đạo gần đây của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, của ngành tuyên giáo về thông tin có khá nhiều, song chưa thể cải thiện được tình hình, bởi cái khó giờ đây trong bối cảnh mới không đơn giản là định hướng, là kiểm soát áp đặt từ trên xuống, mà quan trọng là tạo ra một cơ chế tự do thông tin, bởi đó là quyền đã được Hiến pháp nước ta ghi nhận. Điều quan trọng để công tác thông tin có chất lượng là tôn trọng xu hướng cởi mở, đa chiều, đa dạng thông tin và trên cơ sở phát triển kinh tế, nâng cao dân trí, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tương tác thông tin thì khi đó, dẫu ai có muốn "thông tin" xấu cũng khó có thể tin được và dễ bị phát hiện; ngược lại, khi bản thân nền kinh tế yếu kém, chính trị rối ren, văn hóa xuống cấp thì thông tin dẫu có hay, có chải chuốt thì mọi người cũng không dễ gì tin, thậm chí hoài nghi, bức xúc.
Mọi sự lo lắng của các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm về thông tin "đen", về sự lợi dụng của thông tin để phá hoại chính thể và gây mất ổn định xã hội là có lý và cần thiết, song có lẽ không cần phải lo lắng thái quá, bởi người dân Việt Nam xưa nay vốn có bề dày phản kháng văn hóa "độc", không ai dễ gì lừa được họ dù là đầu độc để "ngu dân" như chính sách rượu cồn - thuốc lá của thực dân Pháp hay gọi là tuyên truyền "văn hóa phẩm độc hại" như của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở miền Nam mà ta quan niệm một thời, và trong dân chúng, nếu trình độ dân trí còn thấp thì bao giờ cũng có một bộ phận giới tinh hoa, chính họ sẽ lưu ý số đông mức độ trung thực có hay không của thông tin. Thật ra, dân gian bao giờ cũng tinh tế và nhạy cảm, không ai có thể qua mặt được dân, nhất là khi dân trí ngày càng lên cao, ý thức về quyền lợi và trách nhiệm với đất nước, xã hội ngày càng lớn.
Quả thật, giữa thông tin, sự thật và niềm tin luôn có một mối quan hệ hữu cơ tuyến tính và liên thông như một nguyên lý vận hành hữu hiệu của thông tin và cơ chế hình thành niềm tin xã hội. Điều cần thiết hiện nay là: mỗi người đưa tin, dùng tin cần nâng cao năng lực thông tin trao truyền và tiếp nhận các thông tin có chất lượng, tôn trọng sự thật, đề cao cởi mở, đối thoại, nhìn nhận đa chiều, đó có lẽ là cách để thông tin không bị mất niềm tin trong xã hội.
Phạm Xuân Hoàng
Khoa học xã hội nhân văn Nghệ An, số 3/2016