Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Thăng Long ngóng Biển Đông

                                         Hoàng sa, Trường Sa, Cha Rồng biển Đông đang nơi đầu sóng dữ,
Thăng Long lại giục mình giang tay níu đảo xa!
***
Đêm qua, trong giấc mơ tôi thấy rồng Hà Nội lại thăng thiên. Con rồng ấy hình như là con rồng thời Lý (1009-1225), rồng dáng dấp hiền hòa mềm mại mềm mại của rắn, nhỏ nhắn, thanh thoát nhưng oai hùng, con rồng ấy lưng chừng trời ngắm nhìn thủ đô bốn hướng rồi, rồng rướn mình bay về phía biển Đông. Trong miệng rồng mang theo lá thư của người Thăng Long, mà không, của lòng người cả nước, được chấp bút từ Thăng Long, trao gửi cho các chiến sĩ nơi biển xa đang gồng mình dập tắt những vòi rồng quái gỡ đến từ Trung Hoa, bảo vệ giang sơn của đức Cha rồng chốn biển Đông và trao cùng những con dân nước Việt đang thao thức, khắc khoải hàng ngày hàng giờ với biển Việt mến yêu đang trong cơn nguy hiểm cận kề.
Với biển, người Hà Nội vẫn mang trong mình một duyên nợ.  
Thuở xa xưa ấy, cư dân Hà Nội còn ít ỏi, cư trú trên những dõi đất cao lập thành làng và mưu sinh ven các hồ lớn như Hồ Tây (Dâm Đàm), Bảy Mẫu và ít nhiều trên các vùng đầm phá (Thanh Trì). Người Hà Nội đặc biệt gắn bó với sông Hồng, coi đấy là con đường huyết mạch về với ngược Bắc xuôi Đông.
            Thuở ấy, người Hà Nội chưa biết nhiều về biển như bây giờ, nói đến ai đi biển là nghĩ đến cả một hành trình xa xôi và đầy mạo hiểm. Những người đi đến biển chủ yếu là “dân thương hồ” và trong hình dung của người Thăng Long đấy là một điều gì lớn lao phi thường. Đi du lịch, tắm biển lại là câu chuyện không chưa có trong ý tưởng của người Hà Nội xưa.
Thi thoảng những cư dân vùng Duyên Hải, theo sông Hồng mang cá muối lên đổi chác, buôn bán với kinh đô. Người Thăng Long sử dụng thức ăn biển như một sản vật mà chủ yếu vẫn là đồ khô, muối biển, mắm biển vì ngày ấy đường xa, đi lại khó khăn, lại chưa có dụng cụ bảo quản lạnh như bây giờ. Những con tàu chở cá thường phủ lên những loại lá vừa khử mùi, vừa bảo quản tránh ruồi, côn trùng xâm hại thực phẩm. Những con thuyền đến và đi mang theo nỗi nhớ và niềm hi vọng, gắn kết biển với đất liền, với những người yêu biển.
            Cư dân biển vùng duyên hải cũng không phải ai có cơ duyên đến với kinh đô, bởi “đường ngái bái xa”, đi lại chủ yếu bằng thuyền bè và đi bộ, chỉ những quan lại và kẻ sĩ thi thoảng có việc lên kinh kì, hoặc dân thương lái đi về đem ba câu chuyện kinh đô văn hiến thanh lịch kể cho bà con, với họ thực sự cũng là một khám phá. Kinh đô vẫn luôn ở trong lòng họ như một nỗi nhớ niềm mong, ao ước được một lần trong đời được đặt chân đến.
            Trong tư duy người Thăng Long xa xưa, vùng biên giới phía Nam vẫn đất nước mới chỉ dừng lại ở đất Nghệ Tĩnh, nơi mà xưa kia đền Cuông (Mộ Dạ) lưu dấu đức An Dương Vương. Truyền thuyết còn lưu, nhà vua khi từ kinh thành Cổ Loa mấy ngày trời dong ngựa chạy giặc đến đấy thì gặp biển bao la, không có đường tiến đành rút gươm chém con gái rồi nhảy xuống biển sâu tự vẫn. Đấy là một huyền thoại nhắc nhở người Việt về lòng cảnh giác, một sự cảnh giác cao độ với láng giềng phương Bắc. Sau này, nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ chứa chan tiếc nuối:
“Vẫn nhớ ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm lỡ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
Tư duy biển của người Hà Nội-gắn liền với hình tượng con Rồng  cháu Tiên thuở xa xưa trong huyền thoại nhất là khi Lý Công Uẩn đời đô về lại đất này, tính kế muôn đời. Khi nhà Vua dời đô từ Tràng An (Ninh Bình) về Đại La (Tống Bình- Hà Nội xưa) thì thấy rồng vàng bay lên nên ngài đặt tên đất này là Thăng Long (hình tượng rồng bay) và rồi rồng không trú ngụ trên trời xanh hay chốn non cao mà chỗ Rồng Việt cư trú là ở biển đông, vì thế mới có Hạ Long (nơi rồng đáp xuống nước) và Bạch Long Vĩ (đuôi rồng) nơi vùng Quảng Ninh ngày nay.
Người Đại Việt sau này cũng coi trọng đất liền và cũng hướng về biển nhưng chủ yếu là biển ven bờ (cận duyên). Ra khơi xa gió to sóng dữ những con thuyền mỏng manh đâu dễ và vì vậy biển khơi với họ vẫn là một câu chuyện li kì, đầy huyền hoặc. Nhưng người Thăng Long cũng như con dân Đại Việt luôn biết và luôn ghi nhớ những câu chuyện qua các đời nối tiếp nhau dân mình đã thắng giặc trên những cửa sông lớn đổ ra biển mà cửa biển Bạch Đằng là một tử huyệt khiếp đảm của quân Tống, sau nữa là quân Nguyên Mông. Những Trận đánh sấm vang chớp giật ấy được các sử gia Thăng Long chú tâm ghi lại cho con cháu muôn đời trong sử sách oai hùng của dân tộc. Nhờ những trận đánh ấy mà thủ đô Thăng Long được giữ vững, giang san được vẹn toàn.
            Vì thế, các nhà quân sự sau Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo rất chú ý đến sông nước biển, chú ý đến thủy quân. Những vùng biển hiểm trở đều là những huyệt đạo quân sự đánh giặc dữ nước. Cửa biển Thần Phù trên đất Tam Điệp Ninh Bình ngày nay là một yếu địa như thế. Qua được cửa biển Thần Phù phải mấy đời “tu”, và giặc qua biển Thần Phù phải đóng thuyền lớn, đội chèo tinh nhuệ, thông thạo đi biển, nếu không bỏ mạng tức thì. Thần Phù là nơi trấn giữ cận kề Thăng Long ở Phía Nam thời Đại Việt.
            Biển không phải là tất cả nhưng là thành tố quan trọng bậc nhất hợp thành đất nước     
Cư dân Việt cổ và nhà nước Đại Việt sau này với lực lượng sản xuất còn thấp kém, chủ yếu vẫn khai phá ở lãnh địa nông nghiệp. Vì thế hai thành tố đất, nước là hết sức quan trọng. Mẫu Địa- mẹ đất, Mẫu thoải- mẹ nước. Đất sinh sôi và chở che vạn vật, nước tưới tắm chăm bón sự sinh trưởng tạo nên đời sống phồn thực, tươi tốt. Hai yếu tố tối quan trọng với cư dân nông nghiệp nên hai từ đất và nước ấy lại tạo thành một danh từ mang nghĩa hàm ngôn là Quốc gia dân tộc.
Trong dân gian vẫn có những từ kiểu dạng từ xuất phát từ những danh từ được sử dụng như vậy cũng để chỉ đất nước, ví dụ: non nước (Sơn Hà). Non là núi, nước chỉ sông hồ; hai thực thể vây quanh gắn bó với con người. Thêm nữa, với người Việt mình rừng cũng quan trọng. Dân gian đã gán cho rừng hình tượng thiêng Mẫu Thượng Ngàn. Cho nên bộ tứ Phủ: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn đã hợp thành không gian vừa thực vừa huyền bí tâm linh tạo nên sự tính thiêng cho sự tồn tại của nước Việt muôn đời nay.
            Với biển thì người Việt có một cảm thức khá đặc biệt. Trong tâm thức xa xưa thì cha người Việt –Lạc Long Quân- một bản thể dương lại từ biển. Điều này được ghi dấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Nàng Âu Cơ sắc màu huyền thoại. Theo đó, chàng Lạc Long Quân một ngày nọ, từ biển đi dạo vùng núi non đã gặp nàng tiên Âu Cơ để rồi nên duyên sinh con đẻ cái từ đó tỏa đi lên rừng, xuống biển cai quản núi sông và mưu sinh, đẻ ra lớp lớp cháu con người Việt sau này.
Như vậy, đến với biển của người Việt là một quá trình có thể thấy từ vùng đất tổ Hùng Vương (Non cao, Thượng ngàn) về với đồng bằng- sông (Địa-Thủy) và ven biển (Thủy) là một dòng hợp lưu Rừng- Đồng bằng - Biển cả kiến tạo nên không gian đất nước, hội tụ đầy đủ các thực thể tự nhiên quan trọng đối với đời sống của con người.
Trong so sánh với rừng, biển cũng hung dữ hơn và mạo hiểm hơn rừng. Thường theo quan niệm dân gian, biển là nơi quỷ dữ trú ngụ, là các loài thủy quái hành tàng, do vậy trấn biển phải thường là các vị thần, thường là các vị thủy thần trong truyền thuyết như Long Vương, Vua Thủy Tề, các vị thần hữu danh và vô danh, các vị nhân thần người Việt và đó thường làm nam tính.
Ngũ vị Đẳng thần được cho là có liên quan trực tiếp tới Biển Đông của Việt Nam[i], đó là: Bạt hải Đại vương tôn thần, vị thần "hữu vi, vô danh" tức có nhiều công giúp nước nhưng không biết đến danh tính, là một vị thần liên quan trực tiếp đến biển. Ngài Thiên Quan Bình lãng Đại Vương, cũng là vị Hữu vi Vô danh, là vị thần giúp nhân dân bình được sóng gió. Ba vị Mạnh Tướng Đăng Kinh Đại Vương, Hỏa thần Đống Duy Đại Vương, Thần Kỳ Cửa Chùa Đại Vương, là những vị Nhãn Thần, được coi như những con mắt dõi theo và bảo vệ dân. Đó còn là những người có công khai phá biển, trấn biển là những vị tướng quân được nhân dân ghi nhớ và tôn thờ như Nguyễn Công Trứ (khai phá đất Thái Bình), Hưng nhượng Vương Trần Quốc Tảng (Hòn Gai, Cưả Ông), là tướng công Trần Khánh Dư (Vân Đồn)... và đi biển thường là những nam dân vạn chài lực lưỡng, ngực trần đón gió, lướt trên sóng đầy sức mạnh chiếm hữu như là các chàng trai trong hải đội Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân đảo Lý Sơn.
Có một lịch sử dài hàng trăm năm chống xâm lăng của người Việt gắn liền với biển, từ đời Lí, đời Trần cho đến Tây Sơn, nhà Nguyễn và các cuộc chiến tranh về sau này. Trong chiến chống Mỹ, những trận chiến trên biển, sự hình thành và hoạt động của đoàn tàu không số vận chuyển bí mật tác chiến trên biển, mang vũ khí quân lực ra Bắc vào Nam đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển đông, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh.
Nhưng với biển, người Đại Việt thuở trước cho đến người Việt về sau này vẫn chủ yếu dừng lại ở đỉnh cao chiến tranh, của nghệ thuật quân sự, đó không còn là điều phải bàn cãi.
Tư duy hướng biển của người Việt ngày càng rõ nét
Phải nói rằng, biển là một phần từ lâu trong tâm thức Việt, của người Thăng Long nhưng do những hạn chế khác nhau, sự chiếm hữu biển của người Việt, khoảng 7 thế kỉ đầu thời kì Trung Đại, khi hình thành nhà nước tập quyền chuyên chế đến khi nhà Nguyễn khai phá vùng đất phương Nam, vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế trong việc vươn ra biển lớn, hạn chế trong kĩ nghệ đóng tàu thuyền, trong hoạt động kinh tế biển và hàng hải biển. Thậm chí đó không phải là điều được sử sách đề cập bao nhiêu. Nhưng có lẽ trong tâm thức người Thăng Long nói riêng, người Đại Việt nói chung vẫn theo con nước sông Hồng, sông Mã, sông Cả (sông Lam) về với cha biển Đông, mang nỗi niềm từ hàng nghìn năm trước đó từng ấp ủ, coi biển như là một miền của cơ thể đất nước chưa được khai phá, nơi nuôi dưỡng những tiềm năng đợi con cháu muôn đời sau.
Mặc dù có những hạn chế về phương tiện và kĩ thuật tiếp cận biển nhưng người Việt luôn mang trong mình một tâm thế khai phá, do vậy, với cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn mà khởi đầu là nguyễn Hoàng đã vượt dãy Hoành Sơn (Kỳ Anh) đã mở ra một giang sơn mới ở phía Nam đầy tiềm năng hứa hẹn sự trù phú lâu dài. Cũng từ đó, “tư duy hướng biển”, theo con đường Nam tiến đã rộng mở hơn, rộng hơn và xa hơn và như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc, người Việt có một “nỗi niềm biển Đông” trên hành trình nam tiến ấy.
Các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) đã lập các hải Đội Hoàng Sa, trường Sa đi tới các đảo vùng xa xôi ấy, đo đạc, thu lượm sản vật và cai quản biên giới; kĩ nghệ hàng hải phát triển, giao lưu và buôn bán với các nước lân bang bằng đường biển nở rộ thời kì bấy giờ.
Đến thời hiện đại, người Việt “bận bịu” với chiến tranh, với kiến tạo trên đất liền, mà phần nào chưa chú trọng biển. Từ hành trình khởi đầu từ các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) ấy, phải đợi đến chừng 200 năm sau, năm 2007, người Việt mới có một chiến lược về biển, và năm 2012, Luật biển Việt Nam ra đời, đánh dấu một sự trưởng thành trong tư duy biển. Một hành trình quá dài và quá đỗi nhọc nhằn. Nhưng đó là cả một quá trình dồn nén và tích tụ, chắc hẳn rồi đây, trước biển Đông, người Việt sẽ phải có những tư duy mới về địa chính trị, về văn hóa biển, để không bỏ lỡ hơn thêm những cơ hội cho giàu lên từ biển, mạnh lên với biển như chiến lược biển Việt Nam đã đề ra.
Thư Thăng Long bay về phía biển
Đất nước có hơn 3260km đường bờ biển, xuyên qua 28 tỉnh thành, với bao làng vạn chài mưu sinh nơi bể rộng, song có lẽ khắc khoải nhiều nhất cho biển Đông vẫn là từ thủ đô Hà Nội, có thể nói như vậy, bởi nơi đây là chốn trung tâm, nơi tập hợp những người nắm giữ trọng trách của đất nước, nơi hội tụ tinh hoa hiểu biết sâu dày về lịch sử, văn hóa nước Nam mình. Với ý nghĩa ấy, sự khắc khoải đó không còn là chỉ của riêng Hà Nội nữa mà là sự khắc khoải tiêu biểu của muôn dân nước Việt với Biển Đông, với khơi xa mà người Hà Nội nhận thấy trách nhiệm lớn của mình với biển, với sự an nguy của chủ quyền biển đảo.
            Quay lại giấc mơ về lá thư Thăng Long. Lá thư ấy không là giấc mơ mà là chuyện thực trong đời. Lá thư ấy hình như được bắt đầu từ vương triều nhà Lý, trao chuyển qua nhà Trần và các đời vua sau trên cõi Đại Việt, lá thư ấy chuyển trao thông điệp, rằng:
“Sông núi Nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”; “Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di” (Lê Thánh Tông); “các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Hồ Chí Minh)
Rằng: “rừng vàng biển bạc” (ngạn ngữ), “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”; Và dù vật đổi sao dời có một chân lí cũng không được bao giờ thay đổi, đó là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lá thư ấy, không được viết bởi một người mà được chấp bút tiếp nối sâu đậm những dòng chữ của các bậc minh quân mang ý chí của cả nước, hồn cốt của toàn dân tộc, của muôn nẻo kiếp người, muôn con dân trên dãi đất nước non mến yêu này.
Ý chí ấy, đang được khẳng định và tiếp nối bởi người đứng đầu cao nhất của nhà nước Việt Nam hôm nay- Ngài Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Người Việt, với tinh thần hồn cốt Thăng Long, hào khí Đông A phải thực hiện cho được tâm nguyện của các thế hệ Cha Ông về giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hà Nội, 2014





[i] [i] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/23142502-noi-dau-tien-tho-nhung-vi-than-giu-bien-dong.html

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHÙA NINH DUYÊN –MỘT ĐỊA CHỈ CẦU DUYÊN

(Ảnh Internet)
Về Ninh Bình, di theo cung đường Tràng An- Bái Đính, từ thành phố Ninh Bình lên khoảng 10 km, ta gặp chùa Duyên Ninh tại thôn cổ Chi Phong, Trường Yên, Ninh Bình. Ngôi cổ tự được dân gian đồn là linh thiêng trong việc cầu duyên, cầu tự.
Ai có dịp du xuân Tràng An, Bái Đính, nhất là các bạn trẻ muộn duyên xin hãy chứng nghiệm cơ hội này.
Theo wikipedia: tương truyền, Chùa Duyên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh- Lê thường qua lại. Tại đây, công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng công Lý Công Uẩn đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vào năm 1000. Sau này khi Lý Thái Tông trở về đây dẹp loạn Khai Quốc Vương đã đổi tên chùa thành chùa Duyên Ninh. Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, Hoàng hậu đã tác hợp cho nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng và từ đó Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở cố đô Hoa Lư. Cầu duyên được hiểu là cầu cho duyên phận, duyên tình, duyên số,... được như ý. Chữ duyên bao hàm sự may mắn, có yếu tố “thiêng” bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân mỗi người.
Có chàng trai kể rằng, vào chùa Ninh Duyên cầu duyên, ra đường gặp và va phải một cô gái, từ đó nên duyên, nên vợ nên chồng.
Nghe hài nhưng mà lý thú phải không.
Thực hư chuyện cầu duyên như thế nào không hẳn đã rõ ràng, nhất là dưới lăng kính khoa học duy vật. Có thể, việc tìm hiểu câu chuyện nơi đây, với không gian thiền, tâm lý thư giãn sẽ cho các bạn một nguồn cảm hứng mới về tình yêu. Còn chuyện linh nghiệm hay không thì ai có “cơ duyên chứng nghiệm” mới hay.
Nhưng tôi cho rằng, có một nguồn năng lượng vô hình khi ta đến với ngôi chùa nơi dân gian đã gửi vào đó những sắc màu tâm linh mà thiết nghĩ không hẳn tự nghĩ ra, thêu dệt nên, chắc hẳn phải có nhưng sự trùng hợp với xác suất cao.
Đầu xuân, vào ngày lễ Thánh Tình yêu 14/2, xin giới thiệu với các bạn đôi dòng về chùa Duyên Ninh mà tôi từng nghe, từng biết trên cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Paxuho,2016

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Hà "lội" phố

Mưa chiều. Nhiều phố Hà Nội biến thành sông. Mỗ tôi tháo dày đi trên sông.
Nên có thơ rằng:
"Phố thành sông, chẳng phải "sông" Hồng
Ì oạp nước, chân trần em lội nước
Vừa lội vừa dò hiểm nguy phía trước
Hà Nội ơi, ống cống ở phương nào
Mộng mơ Hà Nội vươn cao
Mà chân vẫn nước biết chừng nào thôi..."
(Paxuho)
Ps. Ảnh chụp trên phố Đội Cấn