Xem tại đây: http://www.mekongnet.ru; or at:
http://www.vanhoanghean.com.vn/dat-va-nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/hang-so-tinh-cach-nguoi-nghe-trong-boi-canh-dat-nuoc-hoi-nhap; http://www.ngheandost.gov.vn/JournalDetail/ar1622_Hang_so_
tinh_cach_nguoi_xu_Nghe_trong_boi_canh_dat_nuoc_hoi_nhap.aspx
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/12/12/hang-so-tinh-cach-nguoi-xu-nghe-trong-boi-canh-dat-nuoc-hoi-nhap/
(i). Ý chí vượt khó, khắc phục hoàn cảnh, giàu chí tiến thủ. Người Nghệ trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hoàn cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. GS. Đinh Gia Khánh nhận xét: “Người Nghệ Tĩnh quen chịu đựng gian khổ, làm việc rất cần cù và sinh hoạt rất tiết kiệm”(Đinh Gia Khánh - Cù Huy Cận, 1995, tr.140).
Vì khó khăn nên phải chắt chiu tằn tiện. Hình ảnh ông đồ Nghệ đi dạy học với con cá gỗ đã trở thành một giai thoại đôi khi mang tính châm biếm về sự chắt chiu tằn tiện của người Nghệ. Điều này, có lý của nó, người Nghệ quanh năm đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, làm không đủ ăn nên làm cho họ phải tiết kiệm, phải làm nhút, làm tương, muối cà, muối mắm để dự trữ lâu dài. Trong chi tiêu đều phải chừng mực, đắn đo sao cho hợp với hoàn cảnh của mình, do vậy “Người Nghệ -Tĩnh không thích xa hoa. Họ yêu chuộng sự giản dị, thật thà, chắc chắn”(Đặng Thai Mai, 1960, tr.37); “Nắng hạn, gió giông, bão, lụt... không khuất phục được họ mà chỉ khiến tinh thần họ thêm kiên cường, nghị lực họ thêm bền bỉ, sức vóc họ thêm dẻo dai và cốt cách họ thêm cứng cáp” (7; tr.52).
Vì nghèo khó nên giàu chí tiến thủ. Trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, khó khăn, khắc khổ người Nghệ luôn mơ ước vươn cao bay xa, thoát khỏi cảnh lam lũ, vì thế người Nghệ có rất nhiều con em đi ra, lập nghiệp ở các vùng thành phố và những vùng kinh tế mới, nhiều con em xứ Nghệ học tập trụ lại thành phố, “tha hương cầu thực”, thành danh ở xứ người. Nếu khảo sát khắp đất nước, số lượng cư dân trong thời hiện đại có gốc gác Nghệ Tĩnh là chiếm tỉ lệ rất lớn.
(ii). Chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn.
Học tập có liên quan đến ý chí tiến thủ của người Nghệ, là con đường khả dĩ, đi bằng chính nội lực để tạo ra sức bật cho khát vọng vươn cao bay xa.
Con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành, thành đạt trên con đường khoa cử trong các triều đại phong kiến còn lưu danh sử sách, nhiều học giả, tên tuổi văn hóa lừng danh trong thời hiện đại, đó là niềm tự hào không phải vùng đất nào cũng có được. Theo một tổng kết, cho thấy “suốt 39 khoa thi Hội, thi Đình thời Nguyễn, học trò đất Hồng Lam lại chiếm ngót 1/5 tổng số” (1; tr.29), là một trong ba lò đào tạo nên những ông đồ”(2). Truyền thống đó vẫn được tiếp nối trong từng gia đình xứ Nghệ không phải trong hoàn cảnh nghèo khó mà ở những gia đình thành đạt, giàu có thì họ vẫn ý thức rất rõ giá trị của học vấn, của sự thành đạt bằng con đường học vấn. Trên đất nước này, đất Nghệ được coi là một vùng đất học. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, nhà nhà ai cũng mong con em mình học hành đỗ đạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để con cái được học tập thành danh, thành người, dẫu chỉ bằng củ sắn củ khoai đắp đổi tháng ngày thì người Nghệ cũng dốc sức ăn học thành tài.
Vì muốn vượt lên khó khăn, khẳng định sức mạnh của mình nên mưu cầu học tập, lấy học tập làm động lực con đường vinh quang. Học tập được xem là một phương thức tối ưu nhất để thoát nghèo, thoát khổ, vươn cao bay xa, khẳng định sức mạnh của con người về mặt trí tuệ, sự thành đạt theo kiểu nếp nghĩ của Nho giáo “học nhi ưu tắc sĩ”. Có thể nói “... sự ham mê, chuyên cần học hỏi, học không chỉ hiểu biết mà học còn để “đổi đời” nữa”(Ngô Đức Thịnh, 2009, tr.195).
Hiếu học trở thành một phẩm chất nổi trội, một hằng số trong văn hóa tính cách của người Nghệ. Bởi vậy, có ý kiến đánh giá “Nét tiêu biểu rất đáng quý và trân trọng, được cả nước biết đến và kính nể trong gia phong xứ Nghệ là nêu cao truyền thống hiếu học, coi trọng mục đích và hiệu quả của việc học” (Nguyễn Đắc Hưng, 2009, tr.188). Chính vì thế, đất Nghệ được xem là một vùng đất học, trở thành một địa chỉ danh tiếng được nhiều người ghi nhận và mến phục.
(iii). Khí khái, thẳng thắn nhưng giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ và trong ứng xử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn là Nguyễn Ái Quốc, trong tác phẩm “Nghệ Tĩnh đỏ”, Người đã mô tả “Nhân dân Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu. Trong thời kỳ Pháp xâm lược cũng như các phong trào cách mạng quốc gia (1905-1925) Nghệ Tĩnh đã nổi tiếng”(3). “Cứng đầu” mà Nguyễn Ái Quốc dùng ở đây chính là chỉ phẩm cách khí khái của người Nghệ. Cái khí khái làm nên cái gan góc, cứng cỏi đến bướng bỉnh, tạo thành “nét độc đáo trong tính cách người Nghệ Tĩnh là gan góc, mưu trí” (Đinh Gia Khánh-Cù Huy Cận, 1995; tr.142); “Họ sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn. Khảng khái, thủy chung, trung thực, đó là những nét dễ bắt gặp ở dân xứ Nghệ”(1;tr.23).
Trong quan hệ ứng xử, người Nghệ thường là chân thành thẳng thắn đến mức mà như GS. Vũ Ngọc Khánh gọi là cứng cỏi trong giao lưu. Vì thế, trong quan hệ không phải lúc nào cũng dễ được người xứ khác hiểu, chấp nhận. Đôi lúc cứng rắn nguyên tắc đến mức xem là “gàn”. Tiêu biểu cho nét tính cách này là tầng lớp các ông đồ (Thầy dạy học). Có câu phương ngôn: “Đồ gàn xứ Nghệ”. Lớp người này tuy với một cuộc sống “nghèo khó nhưng không hề hèn kém”(Ngô Đức Thịnh, 2009; tr.197). Có thể nói “gàn” cũng là một nét tính cách người Nghệ, trở thành một thứ “bệnh”: bệnh gàn! và “bệnh gàn của người xứ Nghệ vừa đáng yêu vừa đáng phục nhưng cũng tội nghiệp vì đến một giới hạn nào đó trở thành lực cản-bệnh sĩ”(4). Có tác giả nhìn nhận đầy cảm thông “phải hiểu cái gàn ở đây không phải là thứ gàn dở thông thường đáng ghét mà là một hình thức đặc biệt để bao bọc nhân phẩm”(5).
Phong thổ khí hậu có ảnh hưởng đến tính cách con người, có lẽ đúng phần nhiều với xứ Nghệ. Vùng đất Nghệ vào mùa đông thì ẩm ướt, mùa hè thì quá khô nóng. Hàng năm hứng chịu nhiều cơn bão đổ bộ, có khi gây thiệt hại nặng nề, những đợt gió nắng nóng từ Lào thổi qua trong mấy tháng mùa hè, nắng nóng lại càng oi bức... Sinh ra trong môi trường thiên nhiên không mấy ưu đãi, luôn luôn đối mặt và thậm chí gồng mình lên với cuộc sống, do vậy, người Nghệ thường khí khái, coi trọng nghĩa khí, không chịu luồn cúi, ít xu nịnh giả tạo... người Nghệ khi mới tiếp xúc, người vùng miền khác không phải lúc nào cũng dễ chịu nhưng khi đã chơi tiếp xúc lâu thì dễ thân quý vì người Nghệ nhìn chung rất chân thành và nhiệt tình với bè bạn.
(iiii). Tính cộng đồng đùm bọc lẫn nhau giữa người Nghệ rất cao.
Tính cố kết cộng đồng là một phẩm chất được xác định là giá trị truyền thống của người Việt. Nét phẩm chất này càng được thể hiện rõ ở người Nghệ, khiến không ít cộng đồng vùng miền khác lấy làm thán phục.
Do bao đời nay nhân dân Nghệ Tĩnh quen sống trong cơ cấu xóm làng, với những mối quan hệ bà con, láng giềng mật thiết, đã tạo dựng nên ở người Nghệ tinh thần giúp đỡ đùm bọc nhau, nhất là trong cơn hoạn nạn, coi trọng tình nghĩa xóm làng thân thuộc. Chính cái khó khăn, gian khổ của cuộc sống đời sống sinh hoạt vật chất, làm cho người Nghệ có nhu cầu yêu thương, đùm bọc, giàu tình cảm, do vậy ở đâu họ cũng quan tâm lẫn nhau, thể hiện tình cảm gắn bó quê hương thân thuộc. Trong phương ngữ người Nghệ cũng có những từ mang đậm sắc thái đó, ví dụ: “quê choa”, “nhà choa”. Cũng vì điểm coi trọng tình đồng hương này, nên người Nghệ bị coi là cục bộ! Một điểm tính cách thường không được chấp nhận trong mắt người vùng miền khác... Thực tế, theo quan sát, so với nhiều vùng, địa phương trên đất nước thì cộng đồng đồng hương xứ Nghệ phát triển, với số lượng rộng khắp, không chỉ ở trong nước mà ở cả nước ngoài.
Tóm lại, những điểm trên đây khá tiêu biểu cho con người xứ Nghệ và tính cách người Nghệ là một chủ đề cần được khảo chứng thêm, song cần phải khẳng định rằng, có nhiều phẩm chất của người Việt đặc biệt nổi trội trong con người xứ Nghệ, đúng như GS. Đinh Gia Khánh đã nhận xét: “Dầu sao, nếu như khẳng khái, thẳng thắn, biết quên mình vì nghĩa lớn, có ý thức cộng đồng mạnh mẽ, tha thiết yêu quê hương đất nước là những nét tích cực trong tính cách Việt Nam nói chung thì những nét ấy lại thể hiện một cách sắc cạnh bộc trực nhất trong con người Nghệ Tĩnh” (Đinh Gia Khánh - Cù Huy Cận, 1995, tr.142).
Nhiều người đã lý giải khác nhau về văn hóa xứ Nghệ, tính cách Nghệ, nhưng phần lớn đều cho tính cách ấy là do thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống nghèo khổ tạo dựng nên. Theo chúng tôi, tính cách người Nghệ đó là sự cộng hưởng của hàng loạt nhân tố hội tụ Thiên - Địa - Nhân, hay nói cách khác là bị quy định bởi các nhân tố địa tự nhiên, địa kinh tế và địa nhân văn rất riêng của người Nghệ, đúng như C.Mác đã từng luận chứng trong luận điểm “Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội”. Những yếu tố tự nhiên-xã hội-con người xứ Nghệ, cộng hưởng nhau, tác động lẫn nhau tạo ra một môi trường văn hóa cho người Nghệ. Đến lượt nó, hoàn cảnh và truyền thống lịch sử văn hóa xứ Nghệ đã sản sinh ra những con người, lớp người với những đặc điểm tính cách riêng, và chính những con người ấy tiếp tục cộng hưởng bồi đắp cái “bản sắc riêng” thành hằng số văn hóa của một vùng miền.
Do vậy, trong các yếu tố “Thiên - Địa - Nhân”, nổi lên vẫn chính con người (yếu tố Nhân) đóng vai trò to lớn. “Nhân” ở đây không còn chỉ là yếu tố chủ quan của từng con người cụ thể mà là lối sống, nếp sống của nhiều người, nhiều thế hệ, của một cộng đồng người được hình thành và lưu giữ qua bao đời. Chính yếu tố con người đã khắc chế được thiên nhiên, hòa hợp trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đúng hơn là một sự chịu đựng quyết liệt, để rồi vượt lên nghịch cảnh của mình, tạo nên dấu ấn bản ngã độc đáo như nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu đã nhận định.
II. Sự vận động của tính cách người xứ Nghệ trong bối cảnh mới
1. Khả năng biến đổi của tính cách người xứ Nghệ
Xét cho cùng, tính cách con người là sản phẩm của điều kiện kinh tế - xã hội. Điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì văn hóa tính cách tất nhiên sẽ có những biến đổi để thích ứng. Tính cách người xứ Nghệ là kết quả của quá trình lịch sử - tự nhiên, do vậy những nét ưu trội nói trên sẽ là một hằng số mà người Nghệ có quyền tự hào, song cũng có những nét tính cách dễ bị phê phán ở người Nghệ như: phân tán, tự mãn, hẹp hòi, bảo thủ, cục bộ địa phương, kinh nghiệm chủ nghĩa... là những nét ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ và sự phát triển của người xứ Nghệ.
Thực tế, cùng với thời gian, sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa các vùng miền, tính cách của người Nghệ, văn hóa Nghệ đã ít nhiều biến đổi. Những nét đẹp trong tính cách người Nghệ vẫn được và cần được giữ gìn phát huy. Ví như các phẩm chất nổi bật chịu khó, hiếu học vẫn được coi trọng vì đó là một tập tính tốt đẹp mà bao đời nay người Nghệ đã cổ vũ phát huy truyền thống này; đồng thời người Nghệ đã trở nên năng động cởi mở hơn, bớt đi tính cục bộ địa phương, bớt đi tính khí khái bộc trực, hội nhập tiếp biến với thế giới bên ngoài, những cái xấu, bảo thủ (như gia trưởng, cục bộ, tằn tiện...) dần dần được loại trừ hoặc trở thành cái tính không nổi trội ở người Nghệ nữa. Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh khi so sánh sự thay đổi ở người Nghệ với người Huế, Hà Nội trong cuộc di cư, đã cho rằng “... người Nghệ đi đến vùng đất mới thì lại rất dễ hòa nhập với người dân sở tại và vì thế chất văn hóa “Nghệ” ở họ có phần phôi pha” (Ngô Đức Thịnh, 2009, tr.210). Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, tính cách luôn có tính nhất quán và ổn định của nó, do vậy, có những nét tính cách trở nên thành tập tính, ăn vào tiềm thức, bảo thủ khó thay đổi trong ngày một ngày hai.
Nói tóm lại, tính cách người Nghệ là một hằng số khá ổn định, đặc biệt sẽ khó biến đổi nếu ai đó sinh ra và sinh sống trên chính quê hương xứ Nghệ, còn khi đã đi ra giao lưu văn hóa với các cộng đồng người bên ngoài, người Nghệ sẽ có những thay đổi trông thấy, khác ít nhiều với người Nghệ “bản địa”.
2. Một số ý kiến về phát huy phẩm chất tốt đẹp của người Nghệ trong bối cảnh đất nước hội nhập
Người Nghệ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam có một ví trí, một ý nghĩa lớn, có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển của quốc gia dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến, không đâu không có mặt tham gia của người xứ Nghệ. Thêm nữa, như nhiều nhà nghiên cứu nhận định “... bất cứ thời nào Nghệ Tĩnh cũng là một trong những cái nôi đào tạo và cung cấp nhân tài cho Tổ quốc” (1; tr.27); “... đóng góp lớn nhất của Nghệ Tĩnh cho Tổ quốc vẫn là cái “vốn” con người có chất lượng cao”(6).
Đất nước hôm nay đang trên đà đổi mới và hội nhập. Lẽ đương nhiên người Nghệ cũng có sự đổi mới và hội nhập nằm trong trào lưu chung của đất nước, đồng thời vẫn thể hiện những bản ngã của mình. Người Nghệ cũng sẽ tiếp nhận được nhiều cái hay cái đẹp, đồng thời cũng phải chấp nhận ở mức độ nhất định những “cái dở” từ bên ngoài mang lại. Ở đây nhân tố con người, đặc biệt những con người có cơ hội đi ra khỏi địa phương, những người có cơ hội giao lưu học hỏi đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nhận đổi mới và hội nhập của người Nghệ.
Phát huy truyền thống đẹp đẽ để phát triển đó là một nguyên lý của mọi cộng đồng người. Người Việt Nam nói chung, người Nghệ nói riêng cần phải nhìn nhận nghiêm túc khoa học về vấn đề này, để tận dụng lợi thế “tiềm năng sẵn có” của mình. Theo chúng tôi, người Nghệ hôm nay và có thể là trong tương lai nữa, cần:
Một là, cần ý thức được sức mạnh văn hóa truyền thống để từ đó coi trọng, tôn vinh, tạo điều kiện để các nhân tố điển hình được nẩy nở, phát huy. Vì văn hóa bao giờ cũng được biểu hiện thông qua tấm gương văn hóa (nhà văn hóa, không gian văn hóa, vật thể văn hóa...)
Hai là, xóa bỏ những tập tính xấu, cởi mở đón nhận văn hóa bốn phương, khắc phục những điểm yếu trong tính cách để thích nghi theo hướng hiện đại, chuẩn mực, văn minh.
Ba là, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện để con em học hành làm vẻ vang truyền thống quê hương, cần có chính sách khuyến khích những nhân sĩ trí thức xứ Nghệ trở về bằng nhiều cách khác nhau, giúp đỡ quê hương.
Bốn là, tạo dựng các tượng đài danh nhân, các nhà văn hóa, vườn danh nhân,... để các thế hệ sau noi theo học hỏi, nhân lên sức mạnh truyền thống của quê hương (lòng tự hào, tự tôn cũng là một động lực thúc đẩy sự phát triển rất mạnh mẽ).
Trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và văn hóa trên cơ sở ổn định chính trị - xã hội là những nội dung cơ bản để đi tới bến bờ hạnh phúc, văn minh, tiến bộ. Để làm được điều này, người Nghệ chỉ có thể trên cơ sở khai thác hiệu quả nội lực văn hóa của mình, đó cũng là một cách để bồi đắp, khẳng định những hằng số văn hóa xứ Nghệ bao đời, không những thế còn nâng văn hóa ấy lên một tầm cao mới.
Chú thích:
(1) Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung bộ (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, 1997), Nxb KHXH, Hà Nội, tr.118.
(2) Phạm Đức Dương, xem: 2; tr.55.
(3) HCM (2009). Toàn tập. T3, tr.70, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(4) Phạm Đức Dương, xem: 2; tr.56.
(5) Nguyễn Đình Chú, xem: 2; tr.88.
(6) Vũ Ngọc Khánh, xem: 8; tr.10.
Tài liệu tham khảo:
(1). Nguyễn Đổng Chi (2003), Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Quyển 3: Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
(2). Gia phong xứ Nghệ trong bối cảnh đất nước đổi mới (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, 2004), Nxb Nghệ An.
(3). Nguyễn Đắc Hưng (2009), Việt Nam văn hóa và con người, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
(4). Đinh Gia Khánh - Cù Huy Cận, Cb. (1995), Các vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
(5). Đặng Thai Mai (1960), Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn học, Hà Nội.
(6). Ngô Đức Thịnh (2009), Bản sắc văn hóa vùng, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
(7). Tập thể tác giả (1986), Nghệ Tĩnh hôm qua và hôm nay, Nxb Sự thật, Hà Nội.
(8). Văn hóa truyền thống các tỉnh Bắc Trung bộ (Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, 1997), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
ThS. Phạm Xuân Hoàng