Vụ
phá rừng ở Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh được phát hiện vào tháng 3/2012
đã chấn động dư luận, nhiều tờ báo dùng những từ đắt giá để mô tả vụ
việc này: vụ phá rừng “tàn khốc” nhất ở Hà Tĩnh, vụ “móc ruột” kinh
hoàng! Tuy nhiên, phát hiện vụ việc này không phải là lực lượng bảo vệ
rừng- kiểm lâm viên mà công thuộc về bộ độibiên phòng Hà Tĩnh. Lực lượng
biên phòng này đã phát hiện và đưa ra khỏi rừng 333/487 m3 gỗ lậu. Được
biết, rừng Sơn Hồng rộng hơn 17.000 ha do Ban quản lý bảo vệ rừng Hồng
Lĩnh (Công ty lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn) và xã Sơn Hồng quản lý.
Dọc tuyến đường biên giới “độc đạo” có đến 5 trạm kiểm soát lâm sản của 5
cơ quan chức năng, nhưng từ tháng 6-2011 đến thời điểm bị phát hiện
vùng rừng này vẫn bị lâm tặc tàn phá như chỗ không người. 333 m khối gỗ
không hẳn là con số cuối cùng, nếu truy ngược về trước đó, cũng có thể
nhiều hơn khi tìm kiếm trong những bụi bờ rừng, nơi mà lâm tặc đang che
dấu những thớ gỗ quý chờ thời cơ tiêu thụ!
Trách
nhiệm thuộc về ai? chưa cần cơ quan chức năng kết luận cũng đã có thể
đoán thấy. Chỉ thương những cánh rừng đầu nguồn đang hoang toàng bởi lâm
tặc, mà không biết trong số đó, có bao nhiêu kẻ có thế lực đứng đằng
sau tiếp tay cho những vụ chặt phá và tuồn gỗ ra khỏi rừng trót lọt. Dư
luận đặt câu hỏi, những sự vụ này, dễ gì thực hiện được nếu không có sự
“bảo kê” của người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng. Và nguy cơ trông
thấy trước mắt là, nếu không được phát hiện sớm và xử lý triệt để, chỉ
ít năm nữa, cánh rừng này chỉ còn cái vỏ không lõi!
Tàn phá rừng đâu chỉ ở riêng Hà Tĩnh
Từ vụ phá rừng Hà Tĩnh nhìn lại, thì việc phá rừng diễn ra gần khắp đất nước này và dường như đã thành “dớp”.
Năm
2006, báo Lao Động đưa tin: những cánh rừng nguyên sinh nằm ngay trong
vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh bị tàn phá không thương
tiếc. Hàng ngàn mét khối gỗ quý hiếm từ rừng đặc dụng phòng hộ bị triệt
hạ ngang nhiên ngay trước mũi cơ quan chức năng và chính quyền địa
phương. Cảnh tàn phá rừng còn ngang nhiên diễn ra ngay dọc ven những con
đường lớn. Tuyến đường tuần tra biên giới Đồn biên phòng 661 thuộc địa
bàn xã Đắc Pring, huyện Nam Giang. Chỉ một đoạn đường ngắn chừng 7 km,
có tới hàng trăm cây gỗ quý hiếm các loại lim, kiền kiền… có đường kính
từ 0,5 – 1 m đã bị tàn sát vô tội vạ.
Báo
Tamnhìn.net ngày 29/2/ 2012 cho hay: nhiều cánh rừng cạy dọc tỉnh lộ
14C nối từ huyện Đắk Song (Đắk Nông) đi sang biên giới Cămpuchia đã bị
lâm tặc phá nát. Tuy nhiên điều đáng nói là trên tuyến đường này lại có
rất nhiều cơ quan chức năng đóng.
Báo
Nông nghiệp điện tử Việt Nam ngày 21/03/2012, đưa tin một cách hóm
hỉnh: Mấy năm gần đây, những cây nghiến (loại gỗ nhóm 2a quí hiếm) cổ
thụ tại khu rừng núi đá thuộc 3 xã: Vũ Muộn, Cao Sơn, Sỹ Bình huyện Bạch
Thông tỉnh Bắc Kạn liên tục bị kẻ gian xẻ thịt, khi phát hiện chính
quyền chỉ còn làm mỗi việc đo đếm khối lượng tận thu, bán đấu giá thu
công quĩ, còn ai đốn hạ cây nghiến thì luôn kín đáo như một ẩn số?
Báo
Giáo dục điện tử ngày 13/3 cho biết, hàng nghìn m2 rừng đặc dụng ở Đền
Hùng đã bị triệt hạ tan hoang. Đáng lưu ý, việc phá rừng, đốn cây xảy ra
ngay tại núi Nghĩa Lĩnh-nơi có mộ tổ Vua Hùng linh thiêng, khu vực có
ban bảo vệ dự tích trông coi.
Trồng mới ít- tàn phá nhiều, phép màu nào tái sinh nổi rừng?
Tại hội nghịtổng kết dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, giai đoạn 1998 – 2010, được tổ chức ngày 27/4/2011,
Bộ trưởng Cao Đức Phát – tư lệnh ngành nông lâm nghiệp cho biết, trong
giai đoạn 1998 – 2010 thực hiện dự án, cả nước đã trồng mới được 2,45
triệu ha rừng, đó là không tính diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh và
diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su. Nếu như năm 1998, độ che
phủ chỉ đạt 32%, thì năm 2005 đã tăng lên hơn 37% và năm 2010 đạt đến
gần 40%. Hội nghị này cũng khuyến nghị: độ che phủ của rừng đến năm 2015
phải đạt 42-43%, góp phần đảm bảo sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, tăng
khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gien và tính đa dạng sinh học.
Tuy
nhiên, đây là tính toán trong điều kiện bảo tồn và phát triển bình
thường. Còn nếu cứ để tái diễn tình trạng phá rừng như những vụ việc nêu
trên, thử hỏi, con số đó xuống hay lên, và chiến lược trồng mới 5 triệu
ha rừng đâu phải là bài toán khả thi.
Trồng
mới chỉ có thể đi liền với khoanh nuôi, bảo vệ. Không thể làm giàu tái
tạo rừng khi mà nạn lâm tặc hoành hoành. Nạn phá rừng, chính quyền và
người dân không phải khó khăn để biết, vấn đề ai đã tiếp tay tiếp sức
cho lâm tặc xè xẻo những cánh rừng, ai đã để những cánh rừng xanh ngút
ngát trơ trọi, tài nguyên rừng biến mất khỏi cánh rừng và chảy vào túi
lâm tặc chứ không hẳn rừng bị phá bởi những người dân nghèo đói, thiếu
việc làm, đang trộm rừng để mưu sinh!
Chưa
nói, lá chắn tự nhiên nơi nuôi dưỡng bầu khí quyển trong lành, nơi “giữ
đất, giữ nước” cho một quốc gia có ¾ diện tích là rừng, nếu nạn phá
rừng tiếp diễn, rồi đây sẽ ra sao?
Cảnh sát rừng, nên hay không?
Hàng
chục năm qua, các biện pháp phòng ngừa nạn lâm tặc lộng hành dường như
không đạt được hiệu quả. Không ít kiểm lâm viên đã đối mặt với hiểm nguy
thậm chí phải hi sinh tính mạng của mình, song đâu có bảo vệ nổi rừng. Ở
nước phát triển như Mỹ, có lực lượng cảnh sát bảo vệ động vật
hoang dã và họ được phép bắn kẻ tình nghi ngay khi người này vừa
có dấu hiệu bỏ chạy sau lệnh của cảnh sát. Ở ta, lực lượng bảo
vệ rừng tuy đại diện cho nhà nước, nhưng không có vũ trang và khả năng
hành động hạn chế. Các đây dăm năm, đại biểu quốc hội GS. Nguyễn Lân
Dũng đã đề xuất nên thành lập cảnh sát rừng. Thiết nghĩ, đề nghị đó
không phải không có cơ sở. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ rừng bằng một lực
lượng đủ mạnh, đó phải là lực lượng chính quy tinh nhuệ được trang bị vũ
khí tối cần thiết, lúc cần có thể hành động, chứ không phải là lực
lượng kiểm lâm viên vừa thiếu về yếu và nhiều nơi, nhiều vụ việc, kiểm
lâm viên chứ không phải ai khác lại chính là lâm tặc. Ý kiến của giáo sư
Dũng cũng đã nhận được sự đồng thuận của không ít người, nhưng đề đạt
thành lập cảnh sát rừng chưa khả thi. Đến tình trạng đáng báo động về
lâm tặc này, có lẽ một lần nữa, các nhà lập pháp phải nghiêm túc tính
toán, xây dựng một lực lượng bảo vệ rừng đủ công cụ và sức mạnh, may ra
mới “trấn” được “tặc”, “dưỡng” được rừng và những người dân miền rừng
không phải xót xa khi tài nguyên xanh của đất nước bị mất cắp một cách
trắng trợn./.
BD: Xuân Huy,
Chuyên đề Mặt trận và cuộc sống, số tháng 12/2012.
Chuyên đề Mặt trận và cuộc sống, số tháng 12/2012.