Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Một số yêu cầu về giáo dục nhân cách sinh viên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường

Bài viết chung cùng Đặng Văn Luận,tạp chí Giáo dục và xã hội, số 1+2/2013










Tóm tắt
Kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang có những tác động không nhỏ đối với sự phát triển con người Việt Nam nói chung, sinh viên (SV) Việt Nam nói riêng. Bên cạnh những mặt tích cực cần phát huy, còn không ít những tiêu cực cần loại bỏ, đặc biệt nguy hại nếu các mặt tiêu cực tiếp tục nảy sinh và tồn tại ở lớp SV. Tuy nhiên, nếu được giáo dục định hướng tốt, trong môi trường lành mạnh, các em có thể sớm hoàn thiện nhân cách và thể hiện những phẩm chất đạo đức ưu trội, góp phần tạo nên những con người Việt Nam thời đại mới. Bài viết nêu lên một số yêu cầu và các giải pháp để giáo dục nhân cách cho SV Việt Nam trong điều kiện KTTT hiện nay.  
1. Đặc điểm của SV Việt Nam trong điều kiện KTTT hiện nay
Con người ra đời và tồn tại, ít nhiều mang những đặc điểm của con người truyền thống, lại vừa là sản phẩm của nền kinh tế - xã hội hiện thời. Do vậy,  ngoài những nét tính cách truyền thống được trao truyền lại, con người Việt Nam hiện tại, về cơ bản, cũng chính là kết quả của sự vận hành KTTT, cũng như quan hệ tác động qua lại giữa KTTT với các mặt chính trị, văn hóa, xã hội. Bàn đến nhân cách SV Việt Nam trong điều kiện KTTT chỉ là khu biệt với một lớp người Việt Nam trong KTTT hiện nay.
Nước ta đang xây dựng nền KTTT định hướng XHCN. Điều kiện KTTT hiện nay với những mặt năng động, tính cạnh tranh và đề cao hiệu suất của các khâu sản xuất, phân phối, lưu thông đã sản sinh ra một lớp người lao động “mới” khác với con người của cơ chế kinh tế cũ(1). Nhìn một cách khái quát trên phương diện tích cực, con người Việt Nam nói chung, SV nói riêng trong KTTT, đã hình thành các phẩm chất nổi bật đó là tính năng động, coi trọng thực tế, chú trọng hiệu quả, có phong thái linh lợi, cởi mở và dân chủ hơn (nếu so sánh với các thế hệ cũ).
- Năng động để cạnh tranh, thích nghi với sự thay đổi, tích cực tìm kiếm cơ hội và ứng phó với hoàn cảnh thực tế, đó là một yêu cầu của thị trường. Do vậy, trong điều kiện KTTT, SV phải năng động trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Các em phải liên tục học tập trong nhiều lĩnh vực, nội dung khác nhau, từ chuyên môn đến ngoại ngữ, CNTT, các kỹ năng mềm (soft skills),... để đáp ứng các yêu cầu của công việc khi ra trường, của nhà tuyển dụng lao động và sự thay đổi không ngừng trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
- Thực tế: KTTT đặt mọi thứ lên bàn cân lý tính, sự hơn thiệt, lợi ích, hiệu quả, do vậy đã tham gia vào sản xuất thị trường, nghĩa là cũng phải thực tế trong nhìn nhận và giải quyết vấn đề, chú trọng tính hiệu quả và tính thực lợi. Ví dụ: Ngày nay trong giao tiếp, mọi người chú trọng đi vào nội dung, không rườm rà, tiết kiệm thời gian. Với ảnh hưởng này, SV cũng nhìn mọi thứ thực tế hơn như về chi tiêu, sinh hoạt trong đời sống, về quan hệ tình cảm kể cả quan hệ thầy trò. Không ít người cho rằng, trong KTTT tình cảm thầy- trò có phần phai nhạt; quan hệ tình cảm của SV trở nên thực dụng hơn; sự xây dựng các mối quan hệ cũng như độ bền chặt của các quan hệ được chủ yếu thông qua công việc, lợi ích hơn là những lí do khác.
- Tính "linh lợi", tính "đa diện", khó ước đoán: trong điều kiện KTTT do hoàn cảnh sống và làm việc, với những quan hệ đa chiều của thị trường, con người không còn thuần túy, hiền lành chân chất mà mang "tính thị trường", giao lưu, cởi mở và hội nhập. Do vậy, trong tính cách vừa mang những thuộc tính bản chất vốn có, vừa năng động và luôn thay đổi, có chút tinh khôn thị trường, có chút "thời cuộc", hội nhập,... thậm chí là cả sự tinh vi, lọc lõi. Dường như trong nền kinh tế này, người ta khó chấp nhận một con người nhìn cuộc đời đơn giản, chân chất, thiếu hiểu biết, thiếu nhạy bén và mỗi người trở nên "đa diện" hơn, khó ước đoán qua vẻ bề ngoài. Với SV, trong môi trường sống ở các khu đô thị, công nghiệp, với các quan hệ thương mại sôi động, sự thay đổi khá nhanh của CNTT, "đời sống số" (digital life), đã làm cho tư duy của họ nhanh nhạy hơn, trở nên “sớm” khôn ngoan hơn. Linh lợi để học tập và hoàn thiện tốt hơn, linh lợi cũng để thay đổi đáp ứng các yêu cầu của thị trường đang vận động, đó là một phẩm chất không thể thiếu của con người hiện đại.
Bên cạnh những mặt ưu trội nêu trên, điều kiện KTTT cũng làm nảy sinh trong con người Việt Nam nói chung, SV Việt Nam nói riêng những tính cách xấu, khơi dậy những bản tính thấp kém của con người, không ít học giả gọi mặt trái của KTTT đối với đạo đức con người như: tính giả dối, thực lợi, coi trọng đồng tiền, hưởng thụ, chờ đợi, thói vô cảm, cá nhân cực đoan,… Những mặt tiêu cực này, đặc biệt nguy hại nếu tiếp tục nảy sinh và tồn tại ở lớp trẻ, bởi tuổi trẻ, hơn ai hết là lớp người đang hình thành và hoàn thiện nhân cách, họ chính là mùa xuân của xã hội, là tương lai dân tộc sẽ kế tục sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
SV là tầng lớp năng động, nhạy cảm với thời cuộc, cảm xúc sôi nổi dễ hòa nhập với thời đại nhưng cũng còn nhiều bồng bột, dễ  sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống. Tuy nhiên, nếu họ được giáo dục, định hướng tốt, trong một môi trường lành mạnh, sẽ sớm hoàn thiện nhân cách và thể hiện những phẩm chất đạo đức ưu trội để góp phần tạo nên những con người Việt Nam mới năng động và hội nhập, thông minh, giàu lòng nhân ái, đủ sức gánh vác những trọng trách của thời đại.