Bài viết chung cùng Đặng Văn Luận,tạp chí Giáo dục và xã hội, số 1+2/2013 |
Tóm tắt
Kinh tế thị trường (KTTT) đã và đang có
những tác động không nhỏ đối với sự phát triển con người Việt Nam nói chung, sinh viên (SV) Việt Nam nói
riêng. Bên cạnh những mặt tích cực cần phát huy, còn không ít những tiêu cực
cần loại bỏ, đặc biệt nguy hại nếu các mặt tiêu cực tiếp tục nảy sinh và tồn
tại ở lớp SV. Tuy nhiên, nếu được giáo dục định hướng tốt, trong môi trường
lành mạnh, các em có thể sớm hoàn thiện nhân cách và thể hiện những phẩm chất đạo
đức ưu trội, góp phần tạo nên những con người Việt Nam thời đại mới. Bài viết nêu lên
một số yêu cầu và các giải pháp để giáo dục nhân cách cho SV Việt Nam
trong điều kiện KTTT hiện nay.
1. Đặc điểm của
SV Việt Nam
trong điều kiện KTTT hiện nay
Con người ra đời và tồn tại, ít nhiều mang những đặc
điểm của con người truyền thống, lại vừa là sản phẩm của nền kinh tế - xã hội
hiện thời. Do vậy, ngoài những nét tính
cách truyền thống được trao truyền lại, con người Việt Nam hiện tại, về cơ bản,
cũng chính là kết quả của sự vận hành KTTT, cũng như quan hệ tác động qua lại
giữa KTTT với các mặt chính trị, văn hóa, xã hội. Bàn đến nhân cách SV Việt Nam trong điều kiện KTTT chỉ là khu biệt với một
lớp người Việt Nam
trong KTTT hiện nay.
Nước ta đang xây dựng nền KTTT định hướng XHCN. Điều
kiện KTTT hiện nay với những mặt năng động, tính cạnh tranh và đề cao hiệu suất
của các khâu sản xuất, phân phối, lưu thông đã sản sinh ra một lớp người lao
động “mới” khác với con người của cơ chế kinh tế cũ(1).
Nhìn một cách khái quát trên phương diện tích cực, con người Việt Nam nói
chung, SV nói riêng trong KTTT, đã hình thành các phẩm chất nổi bật đó là tính
năng động, coi trọng thực tế, chú trọng hiệu quả, có phong thái linh lợi, cởi
mở và dân chủ hơn (nếu so sánh với các thế hệ cũ).
- Năng động để cạnh tranh, thích nghi với sự thay đổi,
tích cực tìm kiếm cơ hội và ứng phó với hoàn cảnh thực tế, đó là một yêu cầu
của thị trường. Do vậy, trong điều kiện KTTT, SV phải năng động trong học tập,
nghiên cứu khoa học, trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Các em phải liên tục học
tập trong nhiều lĩnh vực, nội dung khác nhau, từ chuyên môn đến ngoại ngữ, CNTT,
các kỹ năng mềm (soft skills),... để đáp ứng các yêu cầu của công việc khi ra
trường, của nhà tuyển dụng lao động và sự thay đổi không ngừng trong lĩnh vực khoa
học công nghệ.
- Thực tế: KTTT đặt mọi thứ lên bàn cân lý tính, sự
hơn thiệt, lợi ích, hiệu quả, do vậy đã tham gia vào sản xuất thị trường, nghĩa
là cũng phải thực tế trong nhìn nhận và giải quyết vấn đề, chú trọng tính hiệu
quả và tính thực lợi. Ví dụ: Ngày nay trong giao tiếp, mọi người chú trọng đi
vào nội dung, không rườm rà, tiết kiệm thời gian. Với ảnh hưởng này, SV cũng
nhìn mọi thứ thực tế hơn như về chi tiêu, sinh hoạt trong đời sống, về quan hệ tình
cảm kể cả quan hệ thầy trò. Không ít người cho rằng, trong KTTT tình cảm thầy- trò
có phần phai nhạt; quan hệ tình cảm của SV trở nên thực dụng hơn; sự xây dựng
các mối quan hệ cũng như độ bền chặt của các quan hệ được chủ yếu thông qua
công việc, lợi ích hơn là những lí do khác.
- Tính "linh lợi", tính "đa diện",
khó ước đoán: trong điều kiện KTTT do hoàn cảnh sống và làm việc, với những
quan hệ đa chiều của thị trường, con người không còn thuần túy, hiền lành chân
chất mà mang "tính thị trường", giao lưu, cởi mở và hội nhập. Do vậy,
trong tính cách vừa mang những thuộc tính bản chất vốn có, vừa năng động và
luôn thay đổi, có chút tinh khôn thị trường, có chút "thời cuộc", hội
nhập,... thậm chí là cả sự tinh vi, lọc lõi. Dường như trong nền kinh tế này,
người ta khó chấp nhận một con người nhìn cuộc đời đơn giản, chân chất, thiếu
hiểu biết, thiếu nhạy bén và mỗi người trở nên "đa diện" hơn, khó ước
đoán qua vẻ bề ngoài. Với SV, trong môi trường sống ở các khu đô thị, công
nghiệp, với các quan hệ thương mại sôi động, sự thay đổi khá nhanh của CNTT, "đời
sống số" (digital life), đã làm cho tư duy của họ nhanh nhạy hơn, trở nên “sớm”
khôn ngoan hơn. Linh lợi để học tập và hoàn thiện tốt hơn, linh lợi cũng để
thay đổi đáp ứng các yêu cầu của thị trường đang vận động, đó là một phẩm chất
không thể thiếu của con người hiện đại.
Bên cạnh những mặt ưu trội nêu trên, điều kiện KTTT cũng
làm nảy sinh trong con người Việt Nam nói chung, SV Việt Nam nói riêng những
tính cách xấu, khơi dậy những bản tính thấp kém của con người, không ít học giả
gọi mặt trái của KTTT đối với đạo đức con người như: tính giả dối, thực lợi,
coi trọng đồng tiền, hưởng thụ, chờ đợi, thói vô cảm, cá nhân cực đoan,… Những
mặt tiêu cực này, đặc biệt nguy hại nếu tiếp tục nảy sinh và tồn tại ở lớp trẻ,
bởi tuổi trẻ, hơn ai hết là lớp người đang hình thành và hoàn thiện nhân cách,
họ chính là mùa xuân của xã hội, là tương lai dân tộc sẽ kế tục sự nghiệp xây
dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
SV là tầng lớp năng động, nhạy cảm với thời cuộc, cảm
xúc sôi nổi dễ hòa nhập với thời đại nhưng cũng còn nhiều bồng bột, dễ sa ngã trước những cám dỗ của cuộc sống. Tuy
nhiên, nếu họ được giáo dục, định hướng tốt, trong một môi trường lành mạnh, sẽ
sớm hoàn thiện nhân cách và thể hiện những phẩm chất đạo đức ưu trội để góp
phần tạo nên những con người Việt Nam mới năng động và hội nhập, thông minh, giàu
lòng nhân ái, đủ sức gánh vác những trọng trách của thời đại.
2. Giáo dục
nhân cách cho SV trong điều kiện KTTT - một số khía cạnh cần chú ý
Giáo dục nhân cách con người Việt Nam cho các thế hệ
trẻ cần phải hiểu rõ những mặt tích cực để làm vững chắc thêm, đồng thời phải
nhận thấy tác hại của những mặt tiêu cực, phản tiến bộ, phản nhân văn để đầy
lùi, loại trừ, thanh lọc, sao cho trong xã hội phần tích cực, nhân văn tiến bộ
lớn hơn những mặt trái.
Cái khó khăn nhất của giáo dục con người là đặt nó
trong môi trường biến động. Cũng giống như người đi tu theo đạo Phật, tu ở am/động
chắc dễ hơn tu tại gia, tu ở đời trần tục, vì ở đời có nhiều sự biến động và
tác động, mà căn tu chưa cao, bản lĩnh chưa thâm sâu, người tu rất dễ bị cám dỗ
và tha hóa(2).
Do đó, có hai khía cạnh cần quan tâm trong giáo dục
nhân cách cho SV là:
- Môi trường xã hội cho hình thành và hoàn thiện nhân
cách sinh viên. Trong điều kiện KTTT, thị trường không chỉ vận hành kinh tế mà
thị trường góp phần điều tiết các quan hệ xã hội. Do đó, cùng với tạo dựng môi
trường kinh tế lành mạnh là phải xây dựng được môi trường xã hội tốt đẹp cho sự
phát triển con người.
- Cách thức tiếp cận, phương pháp giáo dục nhân cách. KTTT
là kinh tế biến đỗi và đào thải để thích nghi, do vậy, việc giáo dục nhân cách
đòi hỏi phải năng động và sáng tạo, thích ứng với nhu cầu thị trường và các quy
luật của thị trường.
Từ quan sát thực tế đời sống giáo dục, kết hợp với suy
ngẫm về các nguyên lý giáo dục hiện hành, chúng tôi nhận thấy, có mấy đòi hỏi
căn bản, đó là:
(i) Gắn lý thuyết với thực tế: Không thể giáo huấn chính trị, đạo đức một cách giáo
điều, khô cứng, thiếu tính thực tiễn mà điểm nổi bật của giáo dục-đào tạo trong
bối cảnh thị trường là tính thực tiễn. Dù có nói hay đến đâu nhưng sáo rỗng,
không liên hệ sâu sắc với thực tiễn sẽ dễ là lý thuyết suông, rất khó đi vào lòng
người và khó được SV tiếp nhận. Trong điều kiện KTTT, việc học tập gắn liền với
nhu cầu nghề nghiệp, đòi hỏi tính ứng dụng, khả năng thực hành cao. Do vậy, học
phải đi đôi với hành, phải chỉ ra cho người học thấy được tính ứng dụng
(applied) của vấn đề, ý nghĩa thực tiễn (practical) đối với các hoạt động của
chính SV.
(ii) Phương pháp giáo dục phải linh hoạt và sáng tạo: Trong KTTT, mọi việc đều cần sự năng động, do vậy,
người học khó có thể tiếp nhận một phương pháp trao truyền thụ động "thầy
đọc- trò ghi" hay độc thoại một phía. Do đó, giáo viên phải thiết kế một
bài giảng cởi mở, trong đó nêu lên được các vấn đề trong quan hệ nhiều chiều
của cuộc sống, cho SV tham gia vào đó càng nhiều càng tốt. Ví dụ: dạy lịch sử phải
làm sao mang hơi thở sử cũ vào cuộc sống hôm nay, nêu bật được ý nghĩa lịch sử
với đời sống đương đại, như thế chắc rằng SV sẽ thấy thấm thía và yêu lịch sử hơn.
(iii) Người thầy phải là tấm gương: Vì người thầy là hình ảnh tiêu biểu mà người học
mong đợi và hướng tới xây dựng nhân cách. Không thể có một trò giỏi nếu không
có được những người thầy tử tế, có lương tâm và trách nhiệm.
Do đó, KTTT với những mặt trái của nó dễ làm tha hóa
con người, thì hình ảnh người thầy cần được chú trọng. Người thầy không thể "sống
sượng" khi lên lớp, thiếu nghiêm túc trong ứng xử, tự thấy mình phải luôn
phấn đấu để có được một tác phong đĩnh đạc, thái độ nghiêm túc, cởi mở, nhân ái
khoan dung với học trò. Tất cả những điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với giáo
dục nhân cách cho SV.
3. Về phương
pháp giáo dục nhân cách cho SV trong điều kiện KTTT
Giáo dục đạo đức nhân cách là việc khó, vì con người
là đa dạng (không thuần nhất một kiểu, loại), là tư lợi (chú trọng đến lợi ích
cá nhân) và coi trọng "tự do" (không bị áp đặt) trong tiếp nhận. Để
giáo dục nhân cách cho SV trong điều kiện KTTT, theo chúng tôi, cần chú trọng
một số giải pháp sau:
(i) Gắn hữu cơ giảng dạy lý luận, lý thuyết cho SV đi
liền với thực hành thực tế, đề cao tính hiệu quả và nhân văn. Cần đặt giáo dục nhân cách SV trong các quan hệ của
cuộc sống, của đời sống kinh tế, thấm văn hóa vào trong giáo dục, trong các
hoạt động của người học. Trong điều kiện KTTT, giảng dạy chính trị, đạo đức không
thể dừng lại ở lý thuyết suông, xơ cứng mà phải có thực tiễn, am hiểu về kinh
tế - xã hội; đề cao tính hiệu quả của mọi hoạt động, chú trọng giáo dục các yếu
tố nhân văn, giá trị nhân bản.
(ii) Làm gương, nêu gương, thuyết phục SV bằng hành
động của người thầy, của tổ chức và các cơ sở giáo dục. Mỗi người thầy phải là tấm gương về nhân cách, không
bị tha hóa bởi những thói hư tật xấu của KTTT như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói"...
Một tấm gương sống có giá trị hơn gấp một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(3).. Những hoạt động của người thầy
sẽ có ý nghĩa nhất định (tích cực hoặc tiêu cực) tới việc rèn luyện tư tưởng,
tình cảm của sinh viên.
(iii) Xây dựng môi trường lành mạnh, lối sống khoa học
đi đôi với chống mặt phản tiến bộ.
Xây dựng môi trường văn hóa, đặc biệt là môi trường học tập tốt đẹp, thân thiện
với SV; chú trọng lối tư duy khoa học, nếp sống và làm việc, ứng xử khoa học
cho SV. Tư duy khoa học là sản phẩm của nền văn minh, đưa tư duy khoa học vào
giảng dạy thì mới có thể hình thành lối suy nghĩ khoa học, làm việc hiệu quả,
ứng xử văn minh cho SV; bài trừ các hành vi tiêu cực, phản văn hóa trong môi
trường sư phạm, giáo dục, khoa học ảnh hưởng không tốt tới SV.
(iv) Dân chủ, cởi mở trong giảng dạy và đối thoại với SV.
Người dạy và người học cần tăng cường mối liên hệ đối thoại, dân chủ và cởi mở. Người thầy cần tạo sự tin cậy cho SV trong tiếp xúc,
trao đổi; học trò mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp và trao đổi với thầy cô để
có thể tiếp nhận chân lý một cách cởi mở, hiệu quả. Giảng viên cần bổ sung
những kiến thức khoa học về hành vi con người để tiếp cận người học một cách
tốt hơn.
(v) Coi trọng yếu tố "cá nhân" người học,
đặt cá nhân SV trong quan hệ liên hệ với cộng đồng và các chương trình hành
động xã hội. Tôn trọng những nét
tích cực của người học, khuyến khích những nhu cầu, sở thích chính đáng của SV.
Tuy nhiên, cần phê phán tính cá nhân chủ nghĩa, tư lợi, thực dụng thái quá; cần
hướng cá nhân tới các hoạt động của cộng đồng, hài hòa với xã hội vì lợi ích
chung.
* * *
Trên đây là những phương pháp giáo dục nhân cách cho SV,
điều này là hết sức cần thiết, tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở phương pháp kỹ
thuật trong giáo dục nhân cách sẽ là cứng nhắc, bản thân người thầy không đủ
sức để giáo dục nhân cách cho các em. Bởi lẽ, phát triển và hoàn thiện nhân
cách là câu chuyện của xã hội, từ môi trường gia đình, môi trường học đường và bao
quanh đó là môi trường xã hội. Nếu không có sự gắn kết hài hòa các yếu tố này
thì sự nỗ lực của người thầy sẽ không thể mang lại hiệu quả cao.
(1) Kinh tế kế hoạch hoá
tập trung.
(2) Trường hợp nhà sư Thích Pháp Định bị "khóa môi"
bởi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng như báo chí đưa tin gần đây khiến nhà sư này chịu không
ít búa rìu của dư luận về đạo hạnh và căn tu. Xem: http://www.tinmoi.vn/nhung-nha-tu-hanh-tro-thanh-diem-nong-cua-du-luan-121108777.html
________________
Tài liệu tham khảo
1. Đại học Quốc gia Hà Nội. “Đạo đức SV trong quá trình chuyển sang nền
KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa-thực trạng và giải pháp”. Đề tài Nghiên
cứu khoa học đặc biệt, mã số QG-01-18, H. 2003.
2. Nguyễn Ngọc Hà. Đặc điểm tư duy lối sống của người Việt Nam hiện nay một số vấn đề lý
luận và thực tiễn. NXB Khoa học xã
hội, H. 2011.
3. Trần Thị Anh Đào. Công tác giáo dục lý luận
chính trị cho SV Việt Nam hiện nay. NXB Chính
trị Quốc gia, H. 2011.
4. Phạm Xuân Hoàng. “Đảm bảo tiêu chí nhân văn trong giáo dục đào tạo hiện nay”. Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 14 (74),
tháng 4/2012, tr.45-46, 49.
5. Báo Giáo dục và Thời đại Online, Rèn luyện nhân cách để giải quyết tốt các
tình huống sư phạm, ngày 29/11/2012.
6. Báo Người Lao động. “Lổ hổng lớn nhất là giáo dục nhân cách!”. Ngày 9/10/2012.