Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Bài tháng 4/2013: Buồn vì những điều trông thấy nơi lễ, hội

Buồn vì những điều trông thấy nơi lễ hội, Chuyên đề Mặt trận và cuộc sống số 21, tháng 4/2013

         Với tâm thức tín ngưỡng "bàng bạc" của người Việt, Tết- mùa xuân như đến hẹn lại lên, đã gắn liền với lễ hội, gắn với không khí nhà thờ, đình chùa. Trong không gian tín ngưỡng ấy, tâm hồn mỗi người dường như được thăng hoa cùng không khí của đất trời. Tuy nhiên, không phải mọi hoạt động đó đều lành mạnh, nếu chúng ta nhìn nhận chúng từ góc độ văn hóa. Bài viết này, chúng tôi nhận diện một số mặt trái của lễ hội.
- Lễ lạt cầu kỳ, tốn kém!
Trong dòng người tấp nập về các lễ hội, chắc hẳn đều mang theo những tâm trạng và mong ước khác nhau. Đi lễ để cầu may và đi lễ cũng là dịp tham quan du lịch mang màu sắc tâm linh, đó là một truyền thống tốt đẹp. Bởi may mắn luôn là niềm mơ ước của con người, song may mắn là duyên lành tự đến chứ không thể cầu mà được. Nhưng dân gian mình, với tâm lý "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", đã đi lễ nhiều nơi, nào là đền, nhà thờ, chùa, thậm chí rất nhiều ngôi chùa. Nếu có thời gian và điều kiện, việc đi đền đi chùa cũng tốt cho tâm linh, tuy nhiên, cũng có không ít người đã đi đền, chùa đến mức "say mê" và đi lễ với hành vi cầu kỳ, tốn kém. Đây mới là điều đáng nói.
Chúng ta không khó nhận ra những hành vi có phần thái quá này. Hãy nhìn vào những mâm lễ cầu kỳ, hàng triệu thậm chí hàng chục triệu được dâng lên thần, phật được chuẩn bị công phu cả nửa tháng trời. Mâm lễ 40 triệu đồng tại lễ khai Ấn đền Trần gần đây là một ví dụ (xem Đất Việt online, 23/2/2013). Không ít người đi lễ tất bật và chạy xô hết cả tháng giêng. Nhiều công việc gác lại, thậm chí bỏ bê vì hành lễ. Chính điều này mà không ít người ca thán về sự nặng nề của tết cổ truyền, về sự phung phí thời gian của người Việt. Tháng giêng là tháng ăn chơi, xem ra không còn phù hợp với một xã hội công nghiệp và một nước nghèo trong bối cảnh hội nhập quốc tế như Việt Nam hiện nay.
Với số tiền quá lớn mà không ít cá nhân bỏ ra tại lễ hội, đó là niềm mơ ước của nhiều người nghèo. Tại sao, quý vị không dành tiền đi lễ chùa để thực hiện hạnh bố thí của Phật. Bố thí cho người nghèo, bố thí cho những người bất hạnh. Những hành vi ấy sẽ được Phật pháp chứng giám và hiệu ứng cộng đồng là rất lớn.
          Đành rằng đi lễ và hành lễ như thế nào là quyền và nhu cầu của mọi người nhưng tính chính đáng của các hành lễ đôi khi cần được xem xét. Nếu ai đó đến với lễ với lòng ngưỡng mộ đạo hạnh của thần thánh thì nên đi lễ, còn đi lễ với mục đích cầu những món lợi nên cần nhận thức lại. Đọc những truyền thuyết về Phật đạo, chúng ta đều nhận thấy một điểm quan trọng: Phật tại tâm, nếu tâm vô nhiễm, tâm lành thì hiệu quả của việc cúng dường Phật mới nẩy sinh lợi lạc, nếu một thái độ hành lễ thực dụng, đôi khi còn bị quả báo. Mê tín dị đoan là những kiểu hành vi như thế. Giá trị của lễ thần thánh là giá trị tâm linh, không thể dùng nhiều tiền để cầu, và càng không thể mua bằng tiền như những vật thể đời sống khác. Hiện tượng mà dân gian gọi là "hối lộ" thần thánh, hoặc "rửa tiền", "tán lộc" tại các lễ hội không phải là không có lý. Nhưng đôi khi khó mà nhận diện về tính chính đáng của hành lễ cho nên mọi hành vi đến với phật như cúng dường, thường được các cơ sở thờ tự hoan nghênh. Cho nên để có một cái nhìn đúng đắn, cần phải có sự thông hiểu tinh thần của đạo Phật, của đạo đức tôn giáo để có hành vi cúng lễ phù hợp và tiết kiệm.
-                     Ô nhiễm môi trường.
Ngày Tết, nhìn đâu cũng thấy rác, rác vất vưởng dày đặc trong sân chùa. Chùa Bái Đính tết năm nay là một ví dụ, vì số lượng du khách quá đông, đường đi quá xa và khu vực chùa rộng, du khách phải tự chuẩn bị thức uống đồ ăn, đôi khi dùng xong, bạ đâu vứt đấy mất vệ sinh. Câu chuyện này các nhà quản lý chắc biết nhưng tình trạng này diễn ra nhiều nơi hành lễ chứ không riêng Bái Đính!
         Không phải ngẫu nhiên mà bây giờ xã hội đề cao Phật giáo, vì trong nhiều quan tâm, Phật giáo rất quan tâm đến môi trường sống- một vấn đề nóng của đời sống hiện nay. Đối với Phật giáo, đời sống của sinh linh cũng có ý nghĩa như đời sống con người. Việc vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường rõ ràng không có lợi cho đời sống môi trường và chính là đời sống con người. Đi lễ vẫn giữ được sự xanh sạch của môi trường mới là điều nên làm. Các chùa ngày nay hạn chế thắp hương nghi ngút rất độc hại cho con người chính là vì đảm bảo không khí trong lành, song bản thân cơ sở thờ tự không thể quán xuyến hết nếu không có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh của du khách.
- Tệ nạn xã hội gia tăng nơi hành lễ:
         Không nói thêm thì nhiều người cũng biết, đi lễ được chứng kiến những tệ nạn xã hội sờ sờ: trộm cắp, bài bạc, buôn gian bán lận...Không ít người đi chùa, lễ bị mất cắp điện thoại, máy ảnh...; và không ít người rỗng túi vì mê trò đỏ đen thử vận may nơi của chùa, lễ hội.
          Tôi đã được chứng kiến cảnh đỏ đen trước chùa cổ Bái Đính vào sáng mồng 5 tết Quý Tỵ. Việc này diễn ra tự nhiên, có hội, nhóm, không thấy ai nhắc nhở hoặc có lực lượng kiểm tra, giải tán. Ở nhiều lễ hội làng, có công an đảo qua để kiểm tra tình hình này, nhưng cấm đuổi chỗ này lại mọc chỗ kia và cuối cùng thì không ít nơi, ít nhà chức trách nhắm mắt làm ngơ cho qua mấy ngày lễ hội!
          Phật giáo rất kỵ với việc cờ bạc, đó là hành vi gian lận làm tha hóa con người. Thiết nghĩ, một môi trường lễ hội trong sạch phải là môi trường diễn ra những trò chơi lành mạnh chứ không có trò cờ bạc, móc túi. Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ cờ bạc đi thì còn gì là lễ hội! vậy xin hỏi cứ để cờ bạc tràn lan trong lễ hội thì ai sẽ bị thiệt. Chắc chắn đó là người dân, là du khách sẽ là đối tượng bị móc túi và tiền sẽ về kẻ gian, kẻ cơ hội, lười lao động.
        Bên cạnh cảnh tệ nạn nói trên, thì không ít nơi lễ hội, bày bán những loại thảo mộc được quảng báo là dược liệu quý hiếm, có khả năng chữa bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Đường lên Yên Tử (Quảng Ninh) ta dễ bắt gặp cảnh buôn bán này. Thực sự thì không phải như lời rao, giá đắt đỏ chặt chém nhưng tiền mất mà tật vẫn mang. Hoặc nhiều sản phẩm du lịch của địa phương, của tâm linh, bị nâng giá, chào mời, hét giá cắt cổ. Đây là hiện tượng ăn theo lễ hội rất đáng phê phán, nhân dân cần cảnh giác.
- Mất an toàn giao thông
        Giao thông lộn xộn các khu vực lễ hội là điều dễ nhìn thấy. Bãi đỗ xe được dựng lên một cách tạm bợ, tranh thủ; các lối đi ken kín hàng quán hoặc xe cộ. Những dòng người chen chúc đi trẩy hội, ùn tắc hàng chục phút, đôi khi không tìm được lối thoát khiến leo trèo, dẫm đạp lên cây hoa, trông mất mỹ quan. Chưa kể cảnh trèo tường, leo thang để vào chùa nhằm tiết kiệm đường đi như cảnh chùa Bái Đính năm nay du khách chứng kiến. Cũng với Bái Đính trong mùa xuân năm nay, không ít người ngạc nhiên lấy làm phiền toái vì con đường lâu nay đi qua trước cổng chùa bị chắn lại, bất tiện cho nhân dân đi lại. Vả lại với một nhà chùa ngày lễ, đóng cửa mặt tiền để đi cửa ngách vì mục đích để du khách đi xe điện (nhằm mục đích kinh doanh là chính) đấy là điều không hợp lý.
Người tham gia lễ hội đã có không ít phen chứng kiến cảnh không ít cụ già, trẻ em bị chen lấn nghẹt thở, rác thải bừa bãi cả lối đi, dịch vụ lan tràn phiền toái cho người tham gia lễ hội tại không ít lễ hội. Với tình hình giao thông như vậy đã diễn ra từ hàng năm nay ở nhiều lễ hội mà chưa có giải pháp khắc phục. Nếu có, tình hình không cải thiện được nhiều, ví như lễ hội chùa Hương (Hà Nội).
        Qua phương tiện truyền thông, chúng ta được chứng kiến những cảnh hành hương đảnh lễ Phật nơi quê hương Phật giáo với những đoàn người lặng lẽ hành nhi tự tiến trật tự và thành kính, mà thấy rằng, sự trật tự nơi các lễ hội đẹp lắm thay!
        Đôi điều suy nghĩ về văn hóa lễ hội từ những hiện tượng nêu trên
        (i) Chúng tôi cho rằng, các nhà văn hóa các nhà quản lý cần tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền quảng bá về văn hóa lễ hội và khuyến cáo cũng như có cơ chế đảm bảo để người dân thực hành văn hóa lễ hội nơi các cơ sở thờ tự. Có làm được điều đó, thì với một đất nước có hàng nghìn lễ hội và vô số các đền chùa, miếu mạo, nhà thờ như Việt Nam hiện nay sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn của cải cho địa phương, mang lại những ích lợi rất lớn về của và sức người cũng như đảm bảo một đời sống tín ngưỡng lành mạnh cho nhân dân tham gia lễ hội.
         (ii), Đối với nhân dân các địa phương có cơ sở thờ tự và lễ hội, cần sớm nhận thức rằng: lễ, hội, cơ sở thờ tự nơi các địa phương mình sinh sống là niềm tự hào của chính mình, nhưng niềm tự hào đó cần phải đi liền với ý thức tôn trọng giữ gìn, và khai thác một cách có văn hóa. Không nên xô bồ, chộp giật, vì để kiếm tiền mà làm mất đi hình ảnh đẹp về vùng đất và con người địa phương nơi mình sinh sống. Bởi suy cho cùng, lễ hội phản ánh văn hóa con người, cho nên dẫu các cơ sở thờ tự có linh thiêng, có đẹp bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng cách tổ chức thiếu hợp lý, dịch vụ buông tuồng, chặt chém thì có thể du khách đến một lần rồi "nói lời tạm biệt" và có thể họ sẽ tuyên truyền một hình ảnh không đẹp về nơi họ đã đến. Đó là một sự thất thiệt về lâu dài. Du lịch tâm linh là kinh doanh văn hóa tinh thần đặc thù, vậy nên cần phải chú ý khía cạnh xã hội nhân văn của nó chứ không nên biến các cơ sở tâm linh thành nơi kinh doanh lợi nhuận thuần túy!
        Mỗi năm tết đến xuân về lòng người lại lâng lâng đi trẩy hội du xuân. Mong sao cái văn hóa sẽ hiện diện ngày càng đậm nét trong các lễ hội và sẽ luôn mang đến cho mỗi người hành lễ cũng như nhân quần xã hội chúng ta niềm hoan hỉ lợi lạc vô bờ bến!
......