1. Đạo Phật với giáo dục Thanh niên
Đạo phật là đạo nhập thế. Nhập vào thế giới nhân gian để bằng những thâm diệu tinh túy cùng với những phương pháp tha lực của mình mà giải thoát con người. Bằng cớ là đức Phật sau khi xuất gia thành đạo, Ngài đã quay lại phổ độ giáo pháp cho dân chúng thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ, thuộc Nepal), cho cả những người thân của mình, đặc biệt là cậu con trai Rahula (La Hầu La).
Đạo Phật khác với những giáo lý trường phái hiện thực chủ nghĩa khác, ở chỗ, tìm con đường giải phóng bằng sự cởi trói khỏi những lực cản và tha hóa của xã hội loài người. Đạo Phật không dạy con người làm kinh tế, đạo phật không đưa ra lí thuyết về cách mạng, đạo Phật chỉ ra cho con người con đường "tự thắp đuốc lên" mà đi để đạt tới đức hạnh và trí tuệ. Trong đạo Phật, mục tiêu tối cao cần đạt tới là sự giải thoát. Giác ngộ và giải thoát là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người.
Đạo Phật rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Trong kinh Thiện Sanh, Đức Phật đã dành những lời giáo huấn cho chàng thanh niên Yasa, con một vị trưởng giả giàu có. Đức Phật dạy cho Yasa đạo lý: "Đời có những mặt khổ đau và có những mặt màu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lệch về cuộc đời". Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe tin Yasa đi tu, họ cũng xuất gia, tất thảy đều là những trai trẻ từ 20-30 tuổi, khoảng 54 vị. Như vậy, trong số 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển đã có 55 người trẻ tuổi.
Nhiều học giả Phật học, nhà thực hành Phật học cho rằng, đạo Phật phù hợp với thanh niên, bởi tuổi thanh niên là tuổi có khả năng giác ngộ nhanh chóng, mạnh mẽ. Hòa thượng Thích Thanh Từ viết: "đạo Phật là đạo chung cho tất cả nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ mới có đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao siêu của đạo Phật và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường, tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ. Do vậy, Phật dạy bốn pháp kiên cố đến quả Bồ Đề, "tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành" là một trong bốn điều ấy vậy"1.
Quả thực, mới nhìn qua, ta nghĩ đạo Phật là đạo yếm thế, dạy con người xa lánh cuộc đời và diệt dục phàm trần. Trong khi cuộc đời là với tư cách là một sinh thể có đủ "thất tình": Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục (mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn), vừa có phần "con", vừa có phần "người". Nếu chấp nhận như thế và sống một cách thành thật theo bản năng thì mọi triết thuyết văn hóa trên cuộc đời này quả thực không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng khi đi sâu vào Phật pháp và những thực hành của đạo Phật trong cuộc đời thì những triết lí và thực hành đó gần gũi với mọi lứa tuổi thanh niên, lứa tuổi tràn đầy khát vọng và dấn thân. Cũng theo hòa thượng Thích Thanh Từ, sự thích hợp của đạo Phật với tuổi trẻ thể hiện rõ ở mấy điểm: (1). Đức thanh tịnh: tuổi thiếu niên tâm hồn còn trong trắng, những tính xấu nếu có, cũng chỉ một vài điểm nhỏ, nếu biết sớm thức tỉnh tẩy trừ thì cũng dễ dàng; (2). Chân thật: Tuổi trẻ là tuổi ngây thơ chất phác, nên ít dối trá, xảo quyệt, gần với đạo Phật; (3). Từ bi: Đức từ bi với khát vọng và sức trẻ của tuổi xuân, kết hợp với nhau thì rất tốt; (4). Tinh tấn: Công tu tập rất gian khó, đòi hỏi sức dồi dào, lòng quả cảm. Thanh niên là tuổi máu nóng đang lên, nhựa sống căng thẳng, đời sống còn dài nên dễ thực hiện được công việc này; (5). Trí tuệ: Muốn có trí tuệ phải có thân hình tráng kiện. Tuổi trẻ rất dễ phát khởi trí tuệ.
2. Thanh niên tu tập theo tinh thần đạo Phật
Theo đức Phật, tu tập phải được tiến hành từ những năm tháng rất trẻ chứ không phải đợi đến già hay lúc nhàn rỗi. Chính Đức Phật đã dạy: "Ngươi nói: tôi còn trẻ thì cần phải chơi bời vui vẻ, đến ngày già sẽ tu. Nhưng cái chết có khác nào kẻ cướp cầm gươm bén theo rình rập ngươi, một miếng mồi ngon của nó; như vậy làm sao ngươi chắc mà đợi đến ngày già đặng đưa tâm trí qua đường Đạo đức"2. Điều này, cũng phù hợp với một lời khuyên của người xưa "Mạc đãi lão lai phương học đạo/ Cô phần đô thị thiếu niên nhân" (Chờ đợi đến già mới tu học/ Mộ phần đầy rẫy những kẻ đầu xanh).
Thông thường, khi bàn chuyện tu, ta sẽ gặp một câu hỏi, nếu ai trên cuộc đời này cũng đi tu, tu tập theo nhà Phật thì lấy ai sống và dựng xây cuộc đời trần thế. Nhìn bề ngoài, dường như một mâu thuẫn, nhưng tu theo Phật cần được hiểu là tu theo tinh thần đạo Phật, theo tâm Phật, tính Phật chứ không phải cạo tóc, xuất gia hay xa lánh cuộc đời.
Tu tập theo đạo Phật của tuổi trẻ không phải là diệt bỏ hoàn toàn nhân dục hoặc lánh xa cuộc đời trần thế. Bởi đạo Phật không chủ trương diệt nhân dục và cũng không xa lánh cuộc đời trần tục, đạo Phật dạy con người sống làm người thánh thiện và có khả năng giải thoát ngay ở cuộc đời. Đạo Phật chỉ ra triết lí "Si mê là gốc khổ đau" (Kinh Cú pháp). Đạo Phật hòa vào cuộc đời, để từ đó như đóa sen thơm vươn lên từ bùn nhơ, tỏa ngát hương, làm đẹp cho đời. Với những tích chuyện, lời răn như "buông đao thành phật", "không chấp là ngộ", "quay đầu là bờ",...những triết lí hóa giải bản năng, mê lầm, tục tính rất giản đơn và cũng không quá khó để thực hành. Vì vậy, tu theo Phật để giải thoát ngay chính cõi đời trần tục, để làm cuộc sống cân bằng, hài hòa và an lạc hơn, thì quả là việc nên làm.
Tu tập của thanh niên theo tinh thần Phật đạo cần phải hiểu đó là sự nỗ lực tu dưỡng cả về cả mặt đạo đức lẫn trí tuệ, thân và tâm, tình cảm và tài năng để có một thân thể khỏe mạnh, điều độ; có một tâm hồn từ bi, khoan dung, bác ái; có một trí tuệ rộng mở, sâu sắc và tài năng để có ích cho đời, sống và phấn đấu không chỉ cho riêng mình mà làm lợi cho nhân quần xã hội
Ngày nay, đi vào chùa chiền, ta thấy số lượng nam thanh nữ tú đi chùa không phải là ít, rồi đến những giáo đường Phật học, ta thấy số lượng học sinh trẻ tuổi đi tu chiếm khá đông. Hiện nay trong cả nước đã có 04 học viện Phật giáo, 01 trường Cao đẳng, 08 lớp cao đẳng, với hơn 2000 tăng sinh đang theo học; có 32 trường Trung cấp Phật học và hàng trăm lớp sơ cấp Phật học3. Số lượng tăng sinh ấy phần lớn đi tu từ lúc tuổi đời còn rất trẻ. Đi tu cũng là một hình thức giác ngộ và đó cũng là một hạnh duyên để giúp nước giúp dân. Phải là những người có căn cơ, duyên lành mới đắc ngộ được chứ không phải ai cũng có thể dễ dàng theo con đường Như Lai. Điều đó để nói rằng, đến với đạo Phật cần phải có một trái tim và tấm lòng thành thật, không phải núp bóng từ bi, hay che đậy sự xáo trá, phải có sự buông xả và hi sinh lớn lao.
Tu tập của tuổi trẻ dù với tư cách là một cư sĩ của Phật hay không, thì ít nhiều đều mang những nội dung mà triết lý nhà Phật đề cập, đó là tu để ở đời và làm người, tu thân và dưỡng tâm, tu ngay chính giữa cuộc đời: tu động!
Tu động khác với tu tĩnh. Nếu như tu tĩnh là tới đền chùa, thiền viện, tịnh thất, trong thâm nghiêm, tĩnh lặng... thì tu động là "quán chiếu" thân tâm ngay giữa cuộc đời trần tục không ít ô trọc, đòi hỏi sự tỉnh táo và nổ lực bền bĩ. Xưa nay, có một câu ngạn ngữ: "khó nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa". Tu tại gia là tu chính trong nhà mình, trong những mối quan hệ thân quyến của mình, tu trong mỗi thái độ nhìn nhận và cách hành xử của mình.
Tu tập theo tinh thần Phật giáo là dù tu ở đâu, theo phương pháp nào của các trường phái Phật học thì cũng không ngoài mục đích hoàn thiện đạo đức cá nhân theo nguyên lí "tự lực lực tha, tự giác, giác tha" của Phật giáo. Phật giáo nhấn mạnh chủ thể tự giác, đề cao tính tự lực của bản thân mỗi người để tìm đến sự giải thoát. Với hàng ngàn bộ kinh được lưu giữ và truyền bá, xuyên suốt trong đó là một hệ thống tư tưởng, đạo đức sâu sắc, coi trọng tu dưỡng đạo đức nhân cách cá nhân. Nó phù hợp với nhiều thời đại, vấn đề là các thời đại khai thác và sử dụng Phật giáo như thế nào.
Với nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận "Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới"4 và "phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo"5, thì việc khai thác vận dụng giáo lí Phật giáo trong giáo dục, tu tập của thế hệ trẻ là điều có ý nghĩa và cần thiết.
Giáo dục thế hệ trẻ qua kênh của Phật giáo, không chỉ ở những quan niệm triết học Phật giáo được đào tạo trên nhà trường, mà thông qua kinh điển được ấn tống trong dân gian, những nghi lễ phật giáo (Phật đản, Vu Lan,...), sinh hoạt chùa chiền, qua các hình thượng thờ cúng, tổ chức tôn giáo nhằm tác động tới lối sống, để lại những dấu ấn sâu sắc về đạo đức, tư tưởng trong tâm trí của mỗi người trẻ theo học Phật, thờ Phật và kính Phật trong xã hội hiện đại bộn bề và không ít cám dỗ hôm nay./.
_____________________________
Nghiêm Châu Giang*, ThS., GV. Đại học Kinh tế Quốc dân.
Phạm Xuân Hoàng** ThS., NCV.Viện Thông tin KHXH
Chú thích:
1. Thích Thanh Từ (2001), Đạo Phật với tuổi trẻ, Nxb Tôn giáo, tr.11.
2. Dẫn theo: Thích Thanh Tứ, sđd, tr.12.
3. Nguyễn Văn Long, Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân, Website: Ban Tôn giáo Chính phủ.
4. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H., tr. 81.
Tài liệu tham khảo:
Trí Bửu, “Hoàng pháp với Thanh thiếu niên”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3, ngày 15/5/2011, tr.29-31.
Gil Fronsdal, Đức Phật dạy con như thế nào, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2 (112) (2011), tr.12-15.
Thanh Hà, “Suy nghĩ về giáo dục Phật giáo với thế hệ trẻ của người nữ Phật tử”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 3, (5)/2011
Phúc Nguyên, “Phật giáo môi trường lý tưởng giáo dục nhân cách con người”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3 (5) 2011.
Nguyên Thảo, “Đạo Phật: Nhập thế hay xuất thế?”, http://www.daophatngaynay.com
Lê Hữu Tuấn, “Đạo Phật với tuổi trẻ để sống tốt hơn trong thế giới ngày nay”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 6 (11) 2011
Thích Thanh Từ (2001), Đạo Phật với tuổi trẻ, Nxb. Tôn giáo
Nguyễn Đức Lữ (2011), “Văn hóa và đạo đức Phật giáo trong lòng dân tộc Việt Nam, Tạp chí Công tác Tôn giáo”, số 1+2, tr.63-65,70.