Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CÓ NÊN QUAY TRỞ LẠI ĐÀO TẠO MÔN TRIẾT HỌC RIÊNG BẬC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG Ở VIỆT NAM [Chuyên san KHXH & NV Nghệ AN, số 10/2014]

Lời tác giả: Có lẽ thời đại hiện nay không ai có thể làm nhà bách khoa, mặc dù tham vọng đó có và trong thực tế có nhiều học giả do tố chất và sự nỗ lực của mình khiến họ có tri thức quảng bác trong nhiều chuyên ngành khoa học. Tuy nhiên, câu chuyện đó không dành cho việc định hình chương trình giảng dạy.
Và nữa, người ta có thể đào tạo ra bác sĩ đa khoa nhưng không thể đào tạo người thầy đa môn, vì khoa học đã phân ngành hẹp và sâu. Trình độ hiện đại đòi hỏi mỗi người phải được chuyên môn hóa.
Hiện nay, vẫn có nhiều người dạy nhiều môn, điều này có nhiều lí do. Môn học "Những nguyên lí của chủ nghĩa Mác- Lênin" là một trong số đó. Môn học này là sự tích hợp nhiều môn, nhưng lợi bất cập hại, vì đã buộc người thầy dạy cái mình hiểu biết chứ không phải cái mình được đào tạo và vô hình chung đã giết chết "Niềm yêu mến Sự thông thái" (Philosophy). Sẽ phải thay đổi nếu khoa học- giáo dục đào tạo hướng tới bản chất đích thực truy tìm chân lí và nếu Việt Nam thực sự đặt mình trong sự hội nhập với thế giới toàn cầu hóa.
Câu hỏi chắc là không hề thừa!

_____________________________________

1. Vài nhận xét về giảng dạy triết học*
và tình hình học tập của sinh viên Việt Nam đối với Triết học.

Xin bắt đầu từ giáo trình Nguyên Lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì từ năm 2009 lại nay, triết học với tư cách là một môn học độc lập trước đây được gộp vào trong môn Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin (NNLCB), nội dung phần triết học được giới thiệu trong phần thứ nhất, có tên gọi: "Thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin" với dung lượng hơn 170 trang1. Do vậy, môn triết học hiện tồn tại nhiều trong ý niệm hơn là thực tế, mặc dù thực tế trong chương trình những nguyên lý cơ bản nói trên đã gói gọn phần kiến thức triết học trong các giáo trình trước đây. Hệ quả của việc nhập chung như vậy là, triết học không còn là triết học nữa. Vì do phải thu hẹp chương trình, phải đáp ứng những yêu cầu không còn dành riêng cho chuyên môn, học thuật, mà theo nhận xét của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện KHXHVN), là hiện nay đang có chủ trương các trường đại học dạy chính trị chứ không phải dạy triết học2; "chương trình học của chúng ta thì khô cứng và y hệt như nhau cho mọi đối tượng thuộc các chuyên ngành khác nhau" và đó là "điều đáng ngại"3