Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2015

Hà Nội - chuyện cây xanh và lòng người

Hà Nội không của riêng ai
Kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Trường Yên Hoa Lư Ninh Bình cho tới nay Hà Nội đã hơn một nghìn năm có lẽ. Nghìn năm ấy bao tinh hoa hội tụ. Đất văn vật, văn hiến cũng là ở đây, sự thanh bình quyến rũ là ở đây, những tinh hoa muôn phương là ở đây. Hà Nội đã từng ba mươi sáu phố phường đi vào sử sách, văn chương, có cả một nền văn minh của các dòng sông, có những làng nghề, và Hà Nội hôm nay được vinh danh là thành phố hoà bình, với khí thế hội nhập năm châu đang tiếp bước Hà Nội xưa để phát triển đi lên.
Người Hà Nội đi qua bao thăng trầm lịch sử, những lời ca câu hát da diết nhớ thương. Ai một lần đến Hà Nội cũng ấn tượng bởi những nét riêng của Hà Nội. Ai đã sinh sống lâu năm ở Hà Nội đều có một mối tình sâu đậm với mảnh đất này. Nhớ về Hà Nội là nhớ về một tinh hoa của nước Việt. Hướng về Hà Nội là hướng về trái tim Việt Nam. Hà Nội chứa trong mình chiều kích không gian lịch sử. Quá khứ, hiện tại đong đầy. Hà Nội trở thành một trời thương nhớ của người mỗi người Việt Nam yêu nước.
Kể từ 2008, Hà Nội được mở rộng, nét thỉêng xưa ít nhiều mất đi, Hà Nội rộng hơn nhưng sự phức tạp nhiều hơn và nhiều người có chung niềm cảm nhận Hà Nội sau mở rộng không còn là Hà Nội ngày xưa. Cư dân đông đúc hơn, Hà Nội phải giải quyết nhiều vấn nạn hơn. Bao thách thức về phát triển đô thị đặt lên vai nhà lãnh đạo.
Trong tiến trình đi lên hiện đại, nhiều con phố mới, nhiều ngôi nhà cao tầng xây lên, thì cùng với đó, diện tích sông hồ bị thu hẹp, các khu dân cư phải chịu nhiều ô nhiễm do nước và rác thải sinh hoạt. Hà Nội khói và bụi nhiều hơn, những con đường trở nên đông đúc chen lấn nhất là các buổi sáng buồi chiều. Nhiều người gắn bó với Hà Nội chạnh lòng tiếc nuối về một Hà Nội xưa văn vật và mơ ước thủ đô phát triển xứng tầm của nó nhưng dường như Hà Nội đã có một số phận không thể khác. Bao câu hỏi còn đó với mỗi người dân. Hình như mấu chốt của câu chuyện phát triển thủ đô nằm ở cơ chế chính sách nhiều hơn là ở nguồn lực và tiềm năng.
Qua những tình cảm người dân muôn nơi dành cho Hà Nội, có thể thấy Hà Nội không chỉ là sở hữu riêng của chính quyền và nhân dân thủ đô mà Hà Nội là mối quan tâm chung của cả nước, người dân cả nước yêu mến và tự hào. Với Hà Nội, họ cũng có quyền hi vọng về một Hà Nội hoà bình phát triển như bao công dân thủ đô chính hiệu.
Chuyện cây xanh bị đốn và nỗi niềm công dân
Cả tuần nay người Hà Nội sục sôi với chuyện hàng nghìn cây xanh bị chặt, có những cây là dấu tích của Hà Nội nghìn năm, có những cây mới trồng hàng chục năm nhưng cũng đã kịp tỏa bóng cho người Hà Nội. Trên mạng xã hội, ngoài quán nước, nhiều người tiếc thiêng cho những đời cây và đặt câu hỏi, sao chính quyền Hà Nội lại làm thế!
Tác dụng của cây xanh như mọi người đã biết, đó là nơi dưỡng khí trời, là nơi hút khói bụi độc hại, là nơi tạo bóng rậm, là nơi làm mềm cảnh quan nhà kính bê tông, tạo nên nét duyên cho mỗi phố phường Hà Nội.
Thử hình dung, 6700 cây kia nếu đem trồng trên một diện tích liên tục thì đã trở thành một rừng cây. Mỗi cây chiếm 5 m2 thôi thì đã với ngần ấy cây, con số diện tích cây xanh sẽ là hơn 30 km2, đâu có hề nhỏ.
Hàng nghìn cây xanh có thể coi là nghìn bình dưỡng khí của Hà Nội. Đời cây, đời người. Hàng trăm cây xanh đã bị đốn, không có gì thay thế nổi trong ngày một ngày hai. Do đó câu chuyện cây không còn đơn giản là câu chuyện của đời thực vật mà là câu chuyện của đời sống con người.
Các vị chức sắc trách nhiệm của Hà Nội có giải thích chuyện chặt cây với hàng trăm lí do hợp lý đi chăng nữa thì cũng không thể biện bạch một sự thật hiển nhiên là cách làm của Hà Nội đã sai. Cái sai này đã được nhiều chuyện gia về cây xanh đô thị, về kiến trúc cảnh quan lên tiếng. Ai là người không cảm thấy đau bởi sự đốn hạ những đời cây kia? Mà ở một góc độ nào đó thì chúng đang bị chính con người bức tử. Và dân tình chẳng ai có thể chấp nhận cho một cái sai sờ sờ ra đấy dù là vị quan nào nói lời biện minh trăm ngàn lần đi nữa
Nếu không có những công dân thủ đô công tâm và nhân ái như nhà báo Trần Đăng Tuấn, những chuyên gia về môi trường đô thị, những người hiểu biết sớm lên tiếng thì chỉ một tháng nữa thôi Hà Nội sẽ trơ trọi giữa thiên nhiên. Hà Nội chỉ còn những ngôi nhà cao hướng lên trời xanh, những còn đường trống trải và cái nắng mùa hè hầm hậm thiêu đốt người đi đường. Những thân phận mưu sinh nơi phố phường còn nơi đâu trú ngụ.
Nếu không có trách nhiệm lớn lao để nói lên tiếng nói của mình ở những người yêu Hà Nội, nếu không có báo chí lên tiếng thì 6700 thân phận cây kia sẽ bị chết oan mà tự chúng không thể lên tiếng bảo vệ cho mình.
Bao người dân bày tỏ trên Facebook, trên các mạng xã hội, bao bài báo của các phóng viên đã phản ánh về những chuyện chặt cây. Và còn đó hàng chục câu hỏi của các phóng viên chưa được trả lời thoả đáng. Với chuyện này lòng dân chưa hề thông tỏ và cũng chẳng dễ gì cảm thông cho chính quyền!
Những ngày qua, cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu mến thủ đô của người Hà Nội. Đó là sức mạnh của lòng dân, đó là sức mạnh của tình yêu Hà Nội, là tiếng nói đầy ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.
Lòng người cả nước đang hướng về Hà Nội với trách nhiệm công dân, với tình yêu thủ đô. Và mỗi công dân thủ đô đang dõi theo các động thái của chính quyền trong giải quyết vụ việc này. Đó là điều Hà Nội cần tôn trọng và không thể lảng tránh những câu trả lời.
Tôi cho rằng, sự hoãn lại kịp thời việc chặt cây của Hà Nội là cần thiết. Hà Nội cần phải minh bạch với người dân và Hà Nội phải dũng cảm thừa nhận sai, sớm truy cứu những người có trách nhiệm trong vụ việc này; đồng thời, tìm cách cứu vãn những chồi xanh còn lại để bảo tồn, phát triển một cách tốt hơn.
Ca nhân tôi không ít lần tôi tự hỏi, Hà Nội ở trung tâm, có bao nhiều nguồn lực và thế mạnh về mọi phương diện, tại sao chính quyền chưa tận dụng và phát huy được, để công dân thủ đô cảm thấy tự hào và đáng sống như người dân Đà Nẵng đang tự hào về thành phố của họ? Hà Nội đang thiếu cái gì. Hà Nội sao lại quá khó để biến ước mơ thành hiện thực.
Là công dân thủ đô tôi hi vọng thật nhiều về một môi trường sống thanh bình, về một thủ đô phát triển văn minh hiện đại. Hà Nội không chỉ hôm nay mà có tầm nhìn phát triển tới hàng trăm năm sau. Những hi vọng này xin được gửi gắm tới các vị lãnh đạo, các nhà quy hoạch và nhà chiến lược phát triển thủ đô./.

Bạo lực đưa người Việt về đâu?


Ảnh minh hoa [nguồn internet] Ảnh minh hoa [nguồn internet]
Con số 6.200 nói lên điều gì...!
6.200 người bị nhập viện do ẩu đả trong dịp tết nguyên đán Ất Mùi 2015 nói lên điều gì, chẳng phải là bạo lực đang lên ngôi! Nếu chấp nhận cái lí rằng bạo lực không sinh ra do một người thì 6.200 người là nạn nhân của bạo lực ấy nhân đôi với đối tượng đảthương anh ta thì con số người tham gia bạo lực sẽ là 12.400 người. Và cũng có thể hơn nếu như trong số đó không ít người là nạn nhân của những vụ đánh hộiđồng không phải 2 mà là 3 hoặc 5 người cùng tham chiến, thì con số người tham gia hành vi bạo lực sẽ lớn hơn nhiều.
Khó có thể hình dung nổi ngầnấy con người kia bị tấn công bởi hình thức nào: bị thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bị sử dụng vũ khí thô sơ hay vật dụng nguy hiểm đả thương? Chỉ biết hậu quả là chừngấy người phải đi viện điều trị, tổn thương thân thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thiệt hại về kinh tế. Thậm chí, nhiều người trong số đó, mạng sống có nguy cơbị đe dọa. Những ngày qua ai đã lành, ai còn giằng xé nỗi đau. Nỗi đau thể xác là của mỗi người phải gánh chịu nhưng nỗi đau xã hội thật lớn biết nhường nào.
6.200 con người kia đã bị đả thương trong những tình huống không giống nhau: có thể là bị đã thương trong tranh cướp lễ hội; có thể là chấp nhau sau cuộc nhậu, ngấm rượu bia ma men trỗi dậy, hay xích mích nhau dẫn đến bạo lực, có thể là ...muôn vàn tình huống dẫnđến bạo lực! Nhưng dù khác nhau về hình thức đi chăng nữa thì có một nguyên nhân chung giống nhau là bản năng bị kích động, tính ác trổi dậy không thể kiềm soát và đả thương đối phương là giải pháp mà họ đã lựa chọn.
Đương nhiên khi hành xửnhư vậy thì cái bản tính “con” đã lấn át cái trí tuệ và lương tri hành xử sáng suốt cuả phần người. Hành vi ẩu đả, đả thương người khác dù bất kì lí do gì thìđều đáng bị lên án và cần được ngăn chặn trước khi hậu quả không mong muốn xẩy ra.
Thật sợ hãi khi phải chứng kiến các hành vi bạo lực, những con người như những con thú say mồi lao vào nhau cắn xé, lao vào nhau mà đấm mà đạp mà tát mà vung gậy mà đả thương. Những người chứng kiến các hành vi ấy, có xót xa đến mấy thì cũng có mấy ai dám nhảy vào chỗ nguy hiểm như vậy mà cứu người, bởi không cẩn thận mang vạ vào thân. Đây chính là điều mà mọi người lâu nay nói về sự vô cảm. Vô cảm vì trước hết họ sợ vạ lây, vô cảm bởi vì sự nguy hiểm có thể đến với họ bất cứ lúc nào, chứkhông phải trái tim họ vô cảm. Sau những sự chứng kiến như vậy, nhiều người xót xa, day dứt về một xã hội chưa bình yên, về một xã hội mà kẻ yếu thế không được bảo vệ một cách đáng lí ra phải được bảo vệ bởi đám đông.
Lâu nay trên báo chí, dưluận hết sức bức xúc về bạo hành gia đình, bạo hành học đường mà đối tượng chủyếu là trẻ em và phụ nữ. 6.200 người bị đả thương phải nằm viện trong 9 ngày tết nguyên đán thì quả là có thể hình dung rằng, bạo lực là câu chuyện xã hội không hề nhỏ. Liệu người Việt có bị mang tiếng là hành xử dã man! Nếu có chịu tiếng như vậy, có lẽ không hề oan!
Nghịch lý của phát triển!
Xã hội càng phát triển,đời sống con người càng sung túc hơn, tại sao bạo lực có nguy cơ gia tăng, con người mất an toàn, lòng người bất an. Chưa nói là nhiều thói xư tật xấu có nguy cơ lên ngôi. Nghịch lí của sự phát triển đang hiện sờ sờ ra đấy nhưng chưa có một giải pháp nào giải quyết rốt ráo. Chẳng lẽ thế kỷ XXI vẫn còn rơi rớt lại cách hành xử của xã hội dã man vậy sao. Thật không dễ gì chấp nhận.
Thường chỉ khi con người ta tức giận lắm mới thượng cẳng tay hạ cẳng chân hoặc khi bị dồn vào cảnh cùngđường yếu thế mới sử dụng nắm đấm, gậy gộc. Nhưng đó đâu phải là một cơ chế tâm lí bản năng bình thường, bởi con người khác con vật là có ý thức, không dễ làm bừa, làm càn. Chẳng lẽ người thời nay tiếng là thông minh, lại không đủ tỉnh táo để tìm một giải pháp hay hơn mà phải trổi dậy bạo lực.
Người ta vẫn thường tin rằng, khi trình độ dân trí nâng lên, con người sẽ hành xử với nhau văn minh, lịch sựhơn. Thực tế không hẳn như vậy. Ngay cả khi khi trình độ dân trí nâng lên, một người bình thường ai cũng nhận ra cái nguy hại bạo lực có thể gây tổn thương sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm chết người bất cứ lúc nào thế mà vẫn có thể tham gia xô xát ẩu đã! Người bình thường ai cũng yêu chuộng hòa bình, ai cũng thích được xửsự mọi thứ bằng đối thoại đàm thoại, một cách lịch sự ôn hòa. Đó mới là lẽ bình thường.
Chẳng lẽ người Việt lại khoái chi với việc gây thương tích cho người khác?. Không phải, chẳng ai thích gây sự, chẳng ai muốn gây sự, nhưng vì khi lâm sự mỗi chúng ta không làm chủ được mình, hành xử bản năng, yêng hùng, bề trên, thiếu sáng suốt mới ẩu đả, xô xát, làm tổn thương nhau. Có lí do nào đó từ các “trò chơi bạo lực” game online mà dưới tác động của internet đã làm cho người Việt bị ám ảnh bởi bạo lực và hành xử một cách manh động hơn!. Có lí do nào từ mặt trái của kinh tế thị trường mạnh ai nấy thắng, chộp dật còn hiện diện chưa được đẩy lùi. Có lý do nào khác chìm sâu hơn mà chưa gọi đúng tên? Chắc hẳn là có các nguyên nhân tâm lí xã hội cần có lời giải từ các nhà khoa học xã hội mà trước hết là các nhà tâm lí học xã hội.
Hàng chục năm qua có phát triển con người và xã hội đấy nhưng đâu phải đã phải hiện diện một lối sống hành xử đẹp giữa con người và con người. Thậm chí, nhiều người cho rằng, bây giờ ứng xử giữa người với người không bằng những thập kỷ 60 của thế kỷ XX? Đâu phải trong xã hội đã hiện diện những hình ảnh đẹp như thường thấy trong những bộ phim của những nước phát triển: sau cú đấm là cái bắt tay, hiếm có chuyện quay lại trả thù bằng dao kiếm. Một anh bạn hàm vụ phó ở Lào sang Việt Nam học, khi chứng kiến chuyện đánh nhau của người Việt trên đường phố đã quả quyết với tôi rằng, ở Lào, khi đụng xe trên phố, người ta có tranh cãi, phân bua, nhưng ít khi động tay động chân, nếu không tự phân xử được thì mời gọi cảnh sát. Một quốc gia được cho là kém phát triển ở bên cạnh ta, thì cách ứng xử con người với nhau coi trọng sự dàn hòa. Còn ở ta, va chạm chưa biết nặng nhẹ, thiệt hại ra sao nhưng dễ “tay chân”, “gậy gộc”, nói chuyện với nhau trước đã, và vô hình chung cái xung đột nhỏ đã bị đẩy lên thành cái lớn, thậm chí có người rút vũkhí nóng (dao găm, mã tấu...) để dạy đối phương gây thiệt mạng như chơi!
Người Việt Nam trong bảng thang giá trị của mình vẫn tự hào khoan dung, nhân ái, yêu chuộng hòa bình, điều này được văn kiện Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi nhận. Vậy phải chăng là những giá trị đã chìm sâu đâu đó hay tồn tại trên trang sách chứ đâu phải là nếp sống, lối hành xử đẹp trên thực tế.
Nhân ái là khi người có hoạn nạn phải dang tay giúp đỡ, nhân ái là yêu thương lẫn nhau chung sống trong an toàn, an ninh chứ không có kiểu nhân ái chung chung nào đó mà không thể hiện ra hành động. Nếu nhân ái được ca tụng mà thực tế còn nhiều hành vi bạo lực, là mối nguy cơ mất an toàn xã hội, là sự đe dọa tới mạng sống con người, thì đó chỉ là nhân ái có vỏ mà không có lõi.
Một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật, tôn trọng con người không thể là một xã hội bạo lực tràn lan, con người mất sự kiểm soát và không được bảo vệ như những hỗn loạn ta đang chứng kiến. Nghịch lí của sự phát triển không dễ lí giải nhưng không thể lí giải và hóa giải, vì một hình ảnh người Việt thân thiện và đáng mến hơn trong mắt quốc tế.
Phải chăng với sự tái diễn bạo lực trên phạm vi rộng, người Việt đang cho thấy mối hận thù con người và con người trong xã hội có nguy cơ đẻ ra, phát sinh ngày càng nhiều và bạo lực là một sự lựa chọn không mới nhưng là sự “tái sinh” đầy nguy hiểm. Bạo lực lại tiếp tục đẻ ra bạo lực-một vòng quay nhân quả khó dứt. Kết cục không nói thì cũng đáng buồn và thực đáng lo ngại thay.
Làm gì để hóa giải bạo lực?
Các triết lí tôn giáo thường khuyến cáo: bạo lực đẻ ra bạo lực, hận thù nuôi hận thù, chỉ có hóa giải sự thù hận bằng ân nghĩa. Lời khuyên tưởng chừng như đã rõ nhưng sự thực là chưa hề tỏ. Ai người tỉnh lại, sống sót sau cơn hôn mê do bạo lực mà thấy sám hối, thức tỉnh nội tâm rằng bạo lực không phải là con đường tốt nhất để ứng xử. Còn ai vật vã trong cơn đau do chấn thương lại sinh lòng nuôi hận thù và sẽ trả thù. Có ai thấy rằng, giá như mình tìm một giải pháp khả dĩ hơn thì không phải đã thương đối phương, không phải chịu vạ vào thân để rồi hối hận, thiệt hại do đền bù hay vào vòng lao lý để chuộc tội! Sự thức tỉnh đó, nếu có thường là đã muộn.
Vậy cơ chế nào sẽ có thểkiểm soát bạo lực? Nhiều công an có kiểm soát được bạo lực không. Công an không thể kiểm soát được bạo lực, vì công an không phải lúc nào cũng có mặt trong các cuộc ẩu đả và công an không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các tình huống đối mặt với vũ khí nguy hiểm. Nhiều vụ việc, khi công an đến để giải tỏa thì sựviệc đã quá muộn, máu đã chảy và người đã mang thương tật. Nên nhớ rằng, công an bảo vệ trật tự bình yên xã hội nhưng một xã hội không thể cứ giăng công an ra để bạo vệ người dân. Chẳng thể có sự bình yên toàn diện nếu mỗi người dân không chủ động bảo vệ mình. Tự bảo vệ mình trước lúc được bảo vệ đó mới chính là nguyên tắc của an ninh, trật tự.
Trách nhiệm giải tỏa bạo lực không chỉ riêng công an, đó là công chuyện của cả hệ thống chính trị. Sau các câu chuyện bạo lực các nhà chức trách sẽ thường có hai cách phản ứng: Hoặc là lấy làm tiếc, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm! Một lối phản ứng khác của không hiếm cán bộ lại đổ lỗi cho dân chúng! Mọi sự lấy làm tiếc không hề là thái độ để cần sự thông cảm hay trấn an dân. Mọi sự phân bua, né tránh trách nhiệm không phải là cách hay. Điều cần thiết là phải tìm được giải pháp tổng thể cho vấnđề, mà các công bộc “chăn dân” phải là người ngăn chặn bạo lực từ ngay nguồn gốc phát sinh bạo lực. Giải pháp khã dĩ nhất để có thể được giải quyết được bạo lực là phải bắt đầu từ việc triệt tiêu nguồn gốc sinh ra bạo lực.
Nhiều người cho rằng,điều cần thiết là cần đề cao “văn hóa hòa bình” giữa con người với con người, hạn chế rượu bia; giáo dục lòng tôn trọng con người, lòng khoan dung, tập huấn khả năng kiềm chế cảm xúc bản thân cũng như kĩ năng tự vệ hòa bình ở người trẻ;nâng cao tính thượng tôn pháp luật của mỗi công dân và xử lí nghiêm những hành vi gây hại đến thân thể con người. Đó là một giải pháp tổng thể về mặt an sinh xã hội cho đến an ninh con người xã hội.
Người viết bài này cho rằng, về lâu dài, chỉ có thể đề cao văn hóa hòa bình trong phát triển, đề tìm những phương thức ứng xử khoan dung trong quan hệ xã hội, thượng tôn pháp luật, mới có thể hóa giải được bạo lực và những điều này chỉ có thể đặt trên nền tảng giáo dục văn hóa tôn trọng con người, coi trọng sinh mạng và nhân phẩm của con người là đáng quý, mọi thứ khác chỉ là công cụ và phương tiện của con người có một chất lượng sống văn minh và văn hóa hơn mà thôi.
Xưa nay nhân loại chưa có thể giải quyết được mối quan hệ giữa người với người bằng bạo lực, đó chỉ là hành vi man rợ của con người dã man mông muội. Đối với con người văn minh, tính người, tính nhân văn, đức khoan dung phải được là thuộc tính thường trực trongứng xử của mỗi con người và các cộng đồng người.
Bạo lực xưa nay luôn đẻra sự chết chóc thù hận. Bạo lực không hề làm nên sự hơn thua, chiến thắng. Bạo lực một khi đẩy lên cao sẽ làm cho con người có nguy cơ giết hại lẫn nhau. Điều cần cảnh giác trong xã hội đang phát triển của nước Việt Nam hôm nay. Bạo lực chỉ làm người Việt xa nhau và khoác thêm những nỗi đau mà thôi.
 http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/bao-luc-dua-nguoi-viet-ve-dau

Chút tình quê lũ: Con không về được với quê hương...

Bài thơ ngắn đậm tình như lòng người con nơi xa ngóng trông về miền Trung, và cũng như miền quê nghèo ấy, bình dị mà sâu lắng, diết da tình...

NGÓNG LŨ PHÍA QUÊ XACon không về được với quê hương
Nghe tin lũ lòng miên man con nước
Đêm thức ngủ mơ những ngôi nhà còn đỉnh chóp
Bàng bạc sóng bùn trôi mãi miết vô tình

 
Chút tình quê lũ: Con không về được với quê hương...

Con không về được với miền Trung
Ngày dõi theo từng mẫu tin
Tim con nung lửa
Ngôi nhà thân yêu nước tràn bậu cửa
Tiên tổ linh thiêng đau đáu nhìn ra
Trời thì xa mà bão lũ thì gần
Cháu nhớ bà
Mắt rớm nước quê hương...


Chút tình quê lũ: Con không về được với quê hương...
 

Bạn gần xa
Thăm tin san sẻ
Anh em gần nhau thêm
Trong hoạn nạn quê hương
 
Miền Trung ơi mấy đoạn trường
Ai đo cho nỗi ai lường cho xa
Thương quê lòng lại về nhà
Ngóng con nước rút với bà thân yêu!
  
Hà Nội, 23h00 18/10/2010Phạm Thạch Hoàng

Những nhận thức sai lệch của Tuổi Trẻ

ThS. Phạm Thạch HoàngĐH Lâm nghiệp - Tạp chí Thanh niên, số tháng 8/2008
06:33' PM - Thứ tư, 21/08/2013
Trong lớp trẻ hiện nay, tồn tại không ít những quan niệm sai lệch. Có thể nói, nhân sinh quan của một bộ phận thanh niên có vấn đề. Một số quan niệm sau đây cho thấy điều đó.
1. Từ từ đi đâu mà vội, đời còn dài! (không quí trọng và tiết kiệm thời gian)

Nghĩ tới lớp trẻ hôm nay người ta nghĩ tới một lớp người năng động, xông xáo, hoạt động với một cường độ và nhịp độ cao nhưng không ít người không biết tiết kiệm thời gian, đợi nước đến chân mới nhảy. Ví dụ, sinh viên đến lúc thi mới học, bài đến hạn mới làm, làm việc cứ khất lần việc này việc kia vì cho rằng đi đâu mà vội, nhưng có sự biến đột xuất là công việc bỏ bê, cuống quít cả lên, chất lượng không cao. Một bộ phận học sinh, sinh viên sa vào ăn chơi lêu lổng, không học hành phấn đấu, ai có ý thức nhắc nhở thì được nghe đi đâu mà vội đời còn dài chơi cái đã. Thực ra những ngôn từ trên đây chỉ là lời bao biện. Hãy nghe những câu châm ngôn để biết quý trọng thời gian hơn. Ví như: “việc hôm nay chớ để ngày mai”; “thời gian không chờ đợi ai cả”; “vàng đã quý thời gian còn quý hơn vàng”!
2. Làm gì nhiều cho mệt, chơi cái đã hoặc thử một lần cho biết (tâm lý hưởng thụ)
Ngày nay, phần lớn ai nấy đều có chức phận riêng của mình. Thậm chí nhiều người bận tối mắt tối mũi với hàng núi công việc, họ làm việc chăm chỉ, ít khi có thời gian cho bản thân. Tất nhiên thái quá không hẳn đã là tốt, song có một bộ phận tuy trẻ tuổi nhưng đã có tâm lý thích hưởng thụ quá sớm. Ví dụ sinh viên không chịu đọc sách, không chịu đi thư viện mà thích ăn chơi, đua đòi. Trí thức trẻ không chịu nghiên cứu thì trình độ làm sao được nâng lên. Nhiều người chỉ thích chơi bời mà không chịu làm việc. Tôi quen một trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội, anh rất ít khi chịu đọc sách nghiên cứu khi thấy bạn mình chịu khó mày mò thì anh bạn tôi buông một câu: đọc làm gì nhiều cho mệt, đọc nhiều có hái được ra tiền đâu. Thử hỏi như vậy sẽ có đâu những kiến thức sâu sắc mới mẻ phục vụ cho chuyên môn. Một số bạn trẻ đi ra học hành, làm ăn giao lưu bị rủ rê ăn chơi, đã tự cho mình cái quyền thử một lần cho biết. Xin thưa, có những cái chỉ thử một lần thì sẽ có nguy cơ lần thứ hai và gây nghiện như hút ma túy chẳng hạn. Ai đã dính vào nàng tiên nâu thì khó từ biệt, bao nhiêu cơ hội cũng sẽ rời ta. Thực ra, trong thời buổi kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ xuất hiện con người rất dễ nẩy sinh tâm lý thực dụng và hưởng thụ. Thanh niên chúng ta không ít người đã cổ vũ với những quan niệm đó. Đó cũng là một nhận thức sai lệch.
3. Có tiền là có tất cả! (coi trọng sức mạnh của đồng tiền)
Sức mạnh quái ác của đồng tiền đã được các nhà văn, nhà thơ trong lịch sử văn chương cảnh báo, ví như Shakepear của nước Anh, Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Ấy vậy, nhưng trong lớp trẻ hôm nay không ít thanh niên cậy có tiền là cư xử thô lỗ thiếu văn hóa với người khác nhất là những người nghèo. Sẵn sàng bỏ tiền để thuê làm chuyện này, chuyện kia. Biểu hiện một số sinh viên bỏ tiền chạy điểm, số khác bỏ tiền để tìm kiếm tình yêu, bỏ tiền nhờ học thuê, thi mướn... Đây là những lệch lạc mà bản thân họ rồi cũng phải trả giá. Không ít thanh niên ngày nay ảnh hưởng quan niệm của xã hội đen cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền. Đây là những quan niệm hết sức sai lầm, nếu đồng tiền có thể thay thế được mọi thứ thì sẽ không có tri thức chân chính, tình cảm chân thành và mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa thì thật là nguy hiểm. Thanh niên cần phải phê phán những quan niệm sai trái này.
4. Đời có số (phó mặc số phận)
Một số thanh niên ngày nay có tâm lý tin vào số phận. Biểu hiện: thi trượt, tại số. Không xin được việc, tại số. Làm ăn thất bát tại số. Số phận là gì, điều này không ai lý giải được dưới góc độ khoa học, đó vẫn là niềm tin, đành rằng mỗi người đều có những lôgic cuộc đời không ai giống ai cả. Tuy nhiên, nếu quá tin vào cái gọi là số phận sẽ rơi vào duy tâm, phản khoa học mà thanh niên ngày nay cần có trí tuệ nhận biết những gì là hợp lý, không hợp lý. Nếu có số phận ngồi chờ số phận thì mọi sự nỗ lực của bản thân mỗi người sẽ thừa, vì không học vẫn có thể đỗ đạt, không làm vẫn có thể giàu có, không tập luyện cũng có thành tích cao…những điều này là không tưởng. Cơ hội may mắn chỉ đến với ai bền lòng, có hiểu biết và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

5. Xưa quá rồi! (coi thường những cái xưa cũ)
Một bộ phận thanh niên ngày nay chạy theo thời đại mà quên mất những giá trị xưa cũ. Biểu hiện coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ. Họ thường nói vấn đề đó xưa lắm rồi, bây giờ ai nghĩ thế, ai làm thế. Chúng ta đâu biết rằng chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống, văn hóa luôn bắt rễ vào hiện tại và thúc đẩy hiện tại. Nếu ta không coi trọng những giá trị văn hóa gia đình và dân tộc, ta sẽ mất gốc và thiếu đi sức sống bên trong vì vậy sự phát triển của ta sẽ không thể lâu bền được. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…
6. Việc đó dễ ợt, mình cũng làm được! (chưa biết lượng sức mình, thiếu khiêm tốn)
Thanh niên là lứa tuổi căng tràn nhựa sống, nhất là trong thời đại mới, thanh niên rất hãnh tiến, tự tin vào bản thân mình. Vì thế, nhiều thanh niên sinh ra tự cao, tự phụ coi mình là có tài, xem thường người già, và người khác. Thanh niên ôm nhiều mộng lớn đôi khi cứ ngỡ việc gì mình cũng có thể làm được. Nhiều người khi thấy bạn mình làm được việc này việc kia cũng xem thường việc đó mình không làm chứ nếu làm cũng làm được. Điều này làm cản trở sự tiến bộ của thanh niên. Thực ra nói và làm khác nhau, để bắt tay vào làm việc gì đó đạt thành công lại càng không dễ. Vì điểm này mà nhiều thanh niên là sinh viên, là trí thức, công chức trẻ tuổi thường mang tiếng là thiếu khiêm tốn, thiếu cầu thị, chưa biết lượng sức mình. Cổ nhân đã dạy: đừng có ngựa non háu đá, để nhắc nhở những người không biết lượng sức mình. Thanh niên cần khắc phục điểm này mới có thể vươn lên tiến bộ.
Trên đây là những nhận thức sai lệch mà không ít người trẻ tuổi đang gặp phải. Rõ ràng, tác hại của nó là rất lớn, chúng cản trở quá trình học tập rèn luyện trưởng thành của mọi người.
Tuổi trẻ có nhiều điểm mạnh vì họ là lứa tuổi thanh xuân của cuộc đời, cái sức và cái trí còn dồi dào, minh mẫn, song cũng có không ít những điểm yếu. Có những hạn chế là không tránh khỏi của tuổi đời và trải nghiệm nhưng cũng có những hạn chế là do bảo thủ, định kiến, ích kỷ. Vấn đề quan trọng là sự tự nhận thức của mỗi thanh niên, có được cách nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ về những vấn đề của cuộc sống. Để làm được điều đó không có cách gì hơn là thanh niên phải không ngừng quan sát, lắng nghe, học hỏi chuyên gia, những người thành đạt đi trước, giao lưu thân thiện với những bạn tốt, bạn tiến bộ. Như Bác Hồ đã dạy, là học trong sách vở, học ở trường đời. Thanh niên cũng rất cần có được sự giáo dục, giúp đỡ của những người có kinh nghiệm, của các bậc phụ huynh, của thầy giáo, cô giáo và các đoàn thể chính trị - xã hội. Một khi những điểm yếu được khắc phục thì mỗi thanh niên sẽ là chủ nhân tương lai có ích.
P.T.H
 Tạp chí Thanh niên, số tháng 8/2008
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhung_nhan_thuc_sai_lech_cua_tuoi_tre.html

Thơ vui về vợ và bồ

Bản tiếng Anh:

Wife is like TV, girlfriend is like mobile

At home watch TV, go out bring mobile

No money, sell TV. Got money change mobile

Sometimes enjoy TV, but most of the time play with
mobile

TV free for life but mobile, if you don't pay the
services will be terminated..

TV is big, bulky and most of the time old! But mobile
is cute, slim, curvy and very portable at any time.

Operational cost for TV is often acceptable but for
mobile is high and often demanding.

TV got remote, mobile don't have 

Most important, mobile is two ways communication (talk
and listen), but with TV you MUST listen to it (either
you want to hear nagging or not).

Last but not least!

TV do not have virus, but mobile, yes, they do have
VIRUS!
  
If you would like to run the risk of having fun then
mobile, otherwise if you want to play safe then it's
better to stay with TV!
_______________________

Phạm Thạch Hoàng chuyển nghĩa

Vợ như là chiếc ti vi
Bồ như di động mang đi bên mình
Ở nhà thì xem ti vi
Ra đường bất ly di động 
Hết tiền ta bán ti vi
Có tiền lên đời di động
Thỉnh thoảng giải trí truyền hình
Nhưng mà di động không khi nào ngừng
Ti vi miễn phí người dùng
Nhưng mà di động thì không bao giờ 
Ti vi to lớn thô kềnh
Lại dễ lỗi mốt dáng hình
Di động mảnh đẹp duyên xinh
Dễ dàng cơ động bất kỳ thời gian
Phí sửa ti vi chấp nhận dễ dàng
Phí cho di động xem nào
Vừa cao vừa lại yêu cầu người ta 
Ti vi cần điều khiển
Di động chẳng cần chi
Di động, cần cho liên lạc
Quan trọng là gọi và nghe
Ti vi bạn phải lắng tai 
(dù muốn hay không cũng thế!)
Chương trình kéo dài, hiếm khi là ngắn

Ti vi không lo vi rút
Với di động cần diệt thường xuyên
Nếu bạn thích mạo hiểm để có nụ cười:
Xin mời dùng di động
Nếu muốn an toàn vui sống:
Tốt hơn là yêu mến chiếc ti vi.

                   Nguon:Pham Xuan Nguyen