ThS. Phạm
Thạch HoàngĐH Lâm nghiệp - Tạp chí Thanh
niên, số tháng 8/2008
06:33' PM - Thứ tư, 21/08/2013
1. Từ từ đi đâu mà vội, đời còn dài! (không quí trọng và tiết kiệm thời gian)
Nghĩ tới lớp trẻ hôm nay người ta nghĩ tới một lớp người năng động, xông xáo, hoạt động với một cường độ và nhịp độ cao nhưng không ít người không biết tiết kiệm thời gian, đợi nước đến chân mới nhảy. Ví dụ, sinh viên đến lúc thi mới học, bài đến hạn mới làm, làm việc cứ khất lần việc này việc kia vì cho rằng đi đâu mà vội, nhưng có sự biến đột xuất là công việc bỏ bê, cuống quít cả lên, chất lượng không cao. Một bộ phận học sinh, sinh viên sa vào ăn chơi lêu lổng, không học hành phấn đấu, ai có ý thức nhắc nhở thì được nghe đi đâu mà vội đời còn dài chơi cái đã. Thực ra những ngôn từ trên đây chỉ là lời bao biện. Hãy nghe những câu châm ngôn để biết quý trọng thời gian hơn. Ví như: “việc hôm nay chớ để ngày mai”; “thời gian không chờ đợi ai cả”; “vàng đã quý thời gian còn quý hơn vàng”!
2. Làm gì nhiều cho mệt, chơi cái đã hoặc thử một lần cho biết (tâm lý hưởng thụ)
Ngày nay, phần lớn ai nấy đều có chức phận riêng của mình. Thậm chí nhiều người bận tối mắt tối mũi với hàng núi công việc, họ làm việc chăm chỉ, ít khi có thời gian cho bản thân. Tất nhiên thái quá không hẳn đã là tốt, song có một bộ phận tuy trẻ tuổi nhưng đã có tâm lý thích hưởng thụ quá sớm. Ví dụ sinh viên không chịu đọc sách, không chịu đi thư viện mà thích ăn chơi, đua đòi. Trí thức trẻ không chịu nghiên cứu thì trình độ làm sao được nâng lên. Nhiều người chỉ thích chơi bời mà không chịu làm việc. Tôi quen một trí thức trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội, anh rất ít khi chịu đọc sách nghiên cứu khi thấy bạn mình chịu khó mày mò thì anh bạn tôi buông một câu: đọc làm gì nhiều cho mệt, đọc nhiều có hái được ra tiền đâu. Thử hỏi như vậy sẽ có đâu những kiến thức sâu sắc mới mẻ phục vụ cho chuyên môn. Một số bạn trẻ đi ra học hành, làm ăn giao lưu bị rủ rê ăn chơi, đã tự cho mình cái quyền thử một lần cho biết. Xin thưa, có những cái chỉ thử một lần thì sẽ có nguy cơ lần thứ hai và gây nghiện như hút ma túy chẳng hạn. Ai đã dính vào nàng tiên nâu thì khó từ biệt, bao nhiêu cơ hội cũng sẽ rời ta. Thực ra, trong thời buổi kinh tế thị trường, xã hội tiêu thụ xuất hiện con người rất dễ nẩy sinh tâm lý thực dụng và hưởng thụ. Thanh niên chúng ta không ít người đã cổ vũ với những quan niệm đó. Đó cũng là một nhận thức sai lệch.
3. Có tiền là có tất cả! (coi trọng sức mạnh của đồng tiền)
Sức mạnh quái ác của đồng tiền đã được các nhà văn, nhà thơ trong lịch sử văn chương cảnh báo, ví như Shakepear của nước Anh, Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Ấy vậy, nhưng trong lớp trẻ hôm nay không ít thanh niên cậy có tiền là cư xử thô lỗ thiếu văn hóa với người khác nhất là những người nghèo. Sẵn sàng bỏ tiền để thuê làm chuyện này, chuyện kia. Biểu hiện một số sinh viên bỏ tiền chạy điểm, số khác bỏ tiền để tìm kiếm tình yêu, bỏ tiền nhờ học thuê, thi mướn... Đây là những lệch lạc mà bản thân họ rồi cũng phải trả giá. Không ít thanh niên ngày nay ảnh hưởng quan niệm của xã hội đen cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền. Đây là những quan niệm hết sức sai lầm, nếu đồng tiền có thể thay thế được mọi thứ thì sẽ không có tri thức chân chính, tình cảm chân thành và mọi thứ đều có thể trở thành hàng hóa thì thật là nguy hiểm. Thanh niên cần phải phê phán những quan niệm sai trái này.
4. Đời có số (phó mặc số phận)
Một số thanh niên ngày nay có tâm lý tin vào số phận. Biểu hiện: thi trượt, tại số. Không xin được việc, tại số. Làm ăn thất bát tại số. Số phận là gì, điều này không ai lý giải được dưới góc độ khoa học, đó vẫn là niềm tin, đành rằng mỗi người đều có những lôgic cuộc đời không ai giống ai cả. Tuy nhiên, nếu quá tin vào cái gọi là số phận sẽ rơi vào duy tâm, phản khoa học mà thanh niên ngày nay cần có trí tuệ nhận biết những gì là hợp lý, không hợp lý. Nếu có số phận ngồi chờ số phận thì mọi sự nỗ lực của bản thân mỗi người sẽ thừa, vì không học vẫn có thể đỗ đạt, không làm vẫn có thể giàu có, không tập luyện cũng có thành tích cao…những điều này là không tưởng. Cơ hội may mắn chỉ đến với ai bền lòng, có hiểu biết và nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh.
5. Xưa quá rồi! (coi thường những cái xưa cũ)
Một bộ phận thanh niên ngày nay chạy theo thời đại mà quên mất những giá trị xưa cũ. Biểu hiện coi thường hoặc nhận thức sai lệch về những gì ông cha đã làm trong quá khứ. Họ thường nói vấn đề đó xưa lắm rồi, bây giờ ai nghĩ thế, ai làm thế. Chúng ta đâu biết rằng chỉ có văn minh là xưa cũ, còn văn hóa không bao giờ mất đi sức sống, văn hóa luôn bắt rễ vào hiện tại và thúc đẩy hiện tại. Nếu ta không coi trọng những giá trị văn hóa gia đình và dân tộc, ta sẽ mất gốc và thiếu đi sức sống bên trong vì vậy sự phát triển của ta sẽ không thể lâu bền được. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc thanh niên ngày nay cần phát huy như coi trọng chữ hiếu kính trên nhường dưới, coi trọng lòng yêu quê hương đất nước, trọng nghĩa, trọng tình…
6. Việc đó dễ ợt, mình cũng làm được! (chưa biết lượng sức mình, thiếu khiêm tốn)
Thanh niên là lứa tuổi căng tràn nhựa sống, nhất là trong thời đại mới, thanh niên rất hãnh tiến, tự tin vào bản thân mình. Vì thế, nhiều thanh niên sinh ra tự cao, tự phụ coi mình là có tài, xem thường người già, và người khác. Thanh niên ôm nhiều mộng lớn đôi khi cứ ngỡ việc gì mình cũng có thể làm được. Nhiều người khi thấy bạn mình làm được việc này việc kia cũng xem thường việc đó mình không làm chứ nếu làm cũng làm được. Điều này làm cản trở sự tiến bộ của thanh niên. Thực ra nói và làm khác nhau, để bắt tay vào làm việc gì đó đạt thành công lại càng không dễ. Vì điểm này mà nhiều thanh niên là sinh viên, là trí thức, công chức trẻ tuổi thường mang tiếng là thiếu khiêm tốn, thiếu cầu thị, chưa biết lượng sức mình. Cổ nhân đã dạy: đừng có ngựa non háu đá, để nhắc nhở những người không biết lượng sức mình. Thanh niên cần khắc phục điểm này mới có thể vươn lên tiến bộ.
Trên đây là những nhận thức sai lệch mà không ít người trẻ tuổi đang gặp phải. Rõ ràng, tác hại của nó là rất lớn, chúng cản trở quá trình học tập rèn luyện trưởng thành của mọi người.
Tuổi trẻ có nhiều điểm mạnh vì họ là lứa tuổi thanh xuân của cuộc đời, cái sức và cái trí còn dồi dào, minh mẫn, song cũng có không ít những điểm yếu. Có những hạn chế là không tránh khỏi của tuổi đời và trải nghiệm nhưng cũng có những hạn chế là do bảo thủ, định kiến, ích kỷ. Vấn đề quan trọng là sự tự nhận thức của mỗi thanh niên, có được cách nhìn nhận đúng đắn và tiến bộ về những vấn đề của cuộc sống. Để làm được điều đó không có cách gì hơn là thanh niên phải không ngừng quan sát, lắng nghe, học hỏi chuyên gia, những người thành đạt đi trước, giao lưu thân thiện với những bạn tốt, bạn tiến bộ. Như Bác Hồ đã dạy, là học trong sách vở, học ở trường đời. Thanh niên cũng rất cần có được sự giáo dục, giúp đỡ của những người có kinh nghiệm, của các bậc phụ huynh, của thầy giáo, cô giáo và các đoàn thể chính trị - xã hội. Một khi những điểm yếu được khắc phục thì mỗi thanh niên sẽ là chủ nhân tương lai có ích.
P.T.H
Tạp chí Thanh
niên, số tháng 8/2008
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nhung_nhan_thuc_sai_lech_cua_tuoi_tre.html