Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Bầu cử Quốc hội và đón Tổng thống Mỹ

Ngày 22 tháng 5 năm nay, với Việt Nam, có hai sự kiện trọng đại, một là toàn dân đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; hai là, Nhà nước đón chào ngài Tổng thống Mỹ Barack Obama. Có thể chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng trong một ngày có hai sự kiện lớn như thế người dân không thể không chú ý. Nghe qua thì không liên quan, nhưng nhìn sâu thẳm bên trong lại có sự liên quan ở chỗ, hai sự kiện đều được mong đợi sẽ là những luồng gió mới thổi vào đời sống chính trị của đất nước.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là để đại diện cho tiếng nói cử tri ít ra trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Những vị trúng cử sẽ là đại diện cho tiếng nói của người dân, thực hiện nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh của đất nước và các địa phương. Đặc biệt Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất sẽ có những quyết định to lớn đến đường hướng phát triển của đất nước, đối mặt và giải quyết những vấn đề lớn nổi lên như tham nhũng, nợ công, vấn đề môi trường và chủ quyền biển đảo.
Còn việc đón ngài Tổng thống Obama, mặc dù cuối nhiệm kỳ vẫn là đại diện cho tinh thần nước Mỹ, dẫu ông ta có nghỉ hưu thì đường lối xoay trục châu Á- Thái Bình Dương sẽ vẫn ảnh hưởng lớn đến chính trị Việt Nam, đến đường lối phát triển kinh tế và chính sách quân sự của Việt Nam.
Hoạt động bầu cử là thông lệ năm năm một lần. Nhưng năm nay thấy có một không khí mới, người dân đã ý thức nhiều hơn quyền của mình, và không khí dân chủ bầu cử đã được nâng lên nhiều...
Sự kiện ngài Tổng thống Obama đến Việt Nam thực sự cũng là sự kiện được nhiều người mong đợi, nhất là giới doanh nhân.
Mong đợi là đúng khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu mà sự gia nhập TPP vừa rồi có thể coi là một thành công lớn của công cuộc hội nhập. Sự gia nhập TPP được cho là sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích mà trong mười năm gia nhập WTO vừa qua Việt Nam không có được. Giới doanh nghiệp Việt Nam đang mong đợi một cú hích từ TPP, và Mỹ.
Trong bối cảnh gia tăng tranh chấp Biển Đông, sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ ở Việt Nam cho thấy chính sách tái xoay trục vẫn được duy trì và tiếp tục đẩy mạnh. Việt Nam không liên minh quân sự để chống nước thứ ba, nhưng trong bối cảnh hiện nay, những động thái trên Biển Đông thời gian qua cho thấy Mỹ đã có những ưu tiên hành động dù đôi khi bị coi là chưa cứng rắn. Sự ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông trên phương diện pháp lý và đa phương hóa của Mỹ, là điều Việt Nam rất cần và coi trọng.
Một điểm nữa là, với sự chuyến thăm lần này, nếu Mỹ  bỏ cấm vận hoàn toàn việc buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, phòng vệ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Quốc hội chắc chắn sẽ có tác động quyết định đường lối kinh tế- xã hội Việt Nam trong năm năm. Thành công hay không tùy vào năng lực cải tổ chính trị của Đảng và Nhà nước, sự suốt và nhiệt thành của các đại biểu Quốc hội.
Cuộc viếng thăm của  tổng thống Mỹ trong mấy ngày tới sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam, và cả về phía Mỹ,  là tùy thuộc vào khả năng thu hẹp sự khác biệt, giải quyết những bất đồng và đáp ứng ở mức độ nào những vấn đề mà phía đối tác quan tâm.
Nhân dân cả nước thực sự đang mong đợi cả hai sự kiện trên đồng quy về một hướng: vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.  
* Bài đăng trên Văn hóa Nghệ An, http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/bau-cu-quoc-hoi-va-don-tong-thong-my

SÁCH GIẤY TRONG THỜI ĐẠI SỐ




* Sách trong thời thịnh trị của facebook

Thời internet toàn cầu với sự xuất hiện khá phổ biến của mạng xã hội trong trao truyền và phố biến tri thức đã khiến thông tin ngồn ngộn chảy. Đặc biệt, sự xuất hiện của facebook với những tính năng tương tác tuyệt vời của nó khiến thông tin được chia sẻ, lan truyền nhanh đến chóng mặt, hiệu ứng xã hội của các trang facebook đôi khi lớn hơn một trang báo điện tử, có sức gây chú ý đối với cộng đồng mạng trên diện rộng. Face trưng diễn những câu chuyện thường ngày và nghiễm nhiên đi vào đời sống tinh thần xã hội như một kênh giao tiếp không thể thiếu. Mỗi người hầu như đều có một tài khoản facebook để tự phô diễn thông tin cá nhân (selflife) và hướng ra đời sống thông tin bên ngoài của xã hội. Từ tài khoản face của mình, mỗi cá nhân có thể link đọc tỉ thứ chuyện trên đời, và tỉ thứ chuyện trên đời, nói không ngoa, chỉ cần lướt trên cộng đồng face sẽ có. Face trở thành mối quan tâm không chỉ của người trẻ, tuổi teen, người rỗi việc mà của các nhà hàn lâm, thậm chí chính khách tầm nguyên thủ. Face cũng đã trở thành câu chuyện nóng trong việc quản lý thông tin ở nước ta hiện nay. Hiện có vô số mạng xã hội free khác nhau, nhưng face vẫn được người dùng tin lựa chọn bởi những tính năng tương tác tuyệt vời và hiệu ứng xã hội rộng rãi của nó.
Sách- cái mà ta hình dung trong truyền thống đó là cuốn có khuôn khổ nhất định, có gáy, có bìa, in trên các loại giấy với ngồn ngộn chữ, thì ngày nay đang biến đổi một cách đa dạng. Các phiên bản sách in cũ ngày nay cũng đã được số hoá, thậm chí ra đời những muốn mới gọi là sách điện tử được làm rất công phu, giao diện thông minh cũng dần trôi nổi trên mạng, trong các bộ sưu tập, kho dữ liệu. 
Vậy, số phận sách giấy sẽ đi về đâu? Đương nhiên, việc coi trọng văn hóa đọc mạng, sách - công cụ chủ đạo của một thời nay xuống hàng thứ yếu. Thứ yếu nhưng không hẳn đã mất đi vai trò. Không hẳn là thời đại điện tử thì sách giấy truyền thống bị vứt vào xó xỉnh, thậm chí với công nghệ in ấn giá rẻ và tiện lợi như hiện nay, sách giấy ngày càng được xuất bản nhiều với mẫu mã, trình bày đa dạng, bắt mắt.
Ngày nay có thể nói là thời bùng nổ của công nghệ số cũng là thời bùng nổ của ngành xuất bản, chí ít là ở Việt Nam. Sách giấy vẫn được xuất bản ngày càng nhiều. Người người có thể in sách, nhà nhà có thể xuất bản sách. Những cuốn sách tìm thị trường của mình đáp ứng nhu cầu và sở thích của đa dạng công chúng. Sách về kỹ năng cuộc sống được xuất bản với số lượng lớn, sách làm giàu, sách tâm lý, sách ẩm thực, sách tâm linh tràn lan, chen dày trên các giá sách bày bán trên thị trường. Chỉ có việc xuất bản các cuốn sách hàn lâm, những món ăn của thiểu số người đọc là có phần khó khăn hơn, trừ việc các đề tài và các cá nhân bỏ tiền in, còn lại thì các nxb không mấy mặn mà với chủng loại này. Những dự án sách tinh hoa cũng chỉ còn là độc quyền của một số nhà xuất bản hoặc các đơn vị truyền thông thế mạnh về tài chính như nhà xuất bản Trẻ, các công ty truyền thông lâu đời.
Nước ta hiện có 60 nhà xuất bản, hàng năm cho ra đời hàng chục nghìn cuốn sách với hàng trăm triệu bản sách. Trong mấy năm gần đây, tỉ lệ xuất bản liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước về số lượng sách xuất bản. Năm 2015 là 396,5 triệu bản sách (tăng 5% so với năm 2014).
Thực tế, không phải có mạng thì sách giấy mất vị trí, sách bản giấy lâu nay không chỉ là đối tượng chiếm hữu tri thức mà là một người bạn đối thoại, tâm tình đầy tin cậy, là một thứ làm sang trọng đời sống tinh thần vẫn tồn tại song sách với sách điện tử, với các dạng chuyển tãi thông tin trên mạng. Sách bản giấy chưa hề mất đi vai trò ý nghĩa trong đời sống tinh thần, vấn đề đáng nói là có hai thách thức chính với sự tồn tại của sách giấy: một là, việc in lậu, vi phạm tác quyền sách trên thị trường sách. Hiện sách in lậu, vi phạm tác quyền tràn lan, không ít thương nhân làm sách buôn bán bằng các mánh lới để kiếm lời, bất chấp tác quyền và chất lượng sách in ra. Lối xuất bản thiếu trách nhiệm do chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ nội dung của việc xuất bản online, lẫn sản phẩm in đang làm đau đầu các nhà quản lý thị trường; hai là, lối tiếp cận thông tin có phần dễ dãi của người đọc, ít nhiều thách thức sự tồn tại của sách giấy. Việc đọc trở nên thực dụng, ăn nhanh, ăn xổi khiến người ta thích những ấn phẩm online, ấn phẩm ngắn, dễ tiêu hóa, thay vì đọc các cuốn sách dày, nhiều chữ. Cũng chính vì thế, trong thời đại số người đọc không mặn mà với thư viện- nơi mà phần lớn sách, báo được lưu trữ phục vụ, nhưng số lượng người quan tâm đọc tại thư viện hiện không nhiều, hoạt động của các thư viện có phần ảm đạm.
* Niềm cảm hứng với sách giấy nay còn không?
Với công nghệ mạng như hiện nay, rõ ràng sách giấy và các thư viện truyền thống đang đối mặt với các thách thức không hề nhỏ. Tuy vậy, dù lối tiếp cận trực tuyến đang trở thành mốt của đại đa số thì nhiều người vẫn giữ thói quen đọc sách giấy, họ vẫn yêu sách theo cách của mình. Theo họ, sách giấy là nơi cung cấp thông tin, tri thức có độ "dày", bài bản, có thể lưu trữ và tìm đọc khi cần, ngay khi thế giới mạng có những trục trặc bất thường. Đọc và sưu tầm lưu trữ sách giấy vẫn là lối tiếp cận tri thức kinh điển được nhiều người quan tâm, nhất là những người làm chuyên môn như giảng dạy, nghiên cứu, hoạt động văn học, nghệ thuật... sách giấy là công cụ tra cứu, trích dẫn đáng tin cậy nhất. Niềm cảm hứng với sách tưởng như mất đi khi công nghệ nghe nhìn ngày càng hiện đại nhưng thực ra nó vẫn tồn tại trong đời sống sinh hoạt tinh thần của công chúng. 
Người đọc ngày nay vẫn mua sách, tặng sách cho nhau như coi đó là món quà hết tinh thần hết sức quý giá, nhất là những cuốn sách dạng best seller, những cuốn sách gây nhiều tranh cãi, hoặc đang bàn về những chủ đề nóng được xã hội quan tâm.
Việc đọc trên những cuốn sách cầm tay vẫn có thú vị riêng của nó. Ta có thể mở sách ra, lật giở từng trang, đọc và đóng sách lại rồi lặng mình suy ngẫm. Có thể chú thích bằng bút chì, tô đậm bằng bút màu.v.v... Nhiều cuốn là sách gối đầu giường, đọc trước lúc đi ngủ. Có những lúc không mang theo công cụ máy tính, không có kết nối mạng ta vẫn có thể tiếp cận tri thức qua sách mang theo. Có ai đó nói, thế giới tri thức trong sách giấy ta đọc vẫn khác nhiều với các thế giới mà ta đọc online. Cảm xúc đọc sách giấy khác nhiều với tiếp cận thông tin trên mạng internet. Đó cũng là lý do để những cuốn sách tiếp tục ra đời và tồn tại.
Người viết đã từng có dịp chứng kiến sự quan tâm đến sách của bạn đọc hiện nay. Năm ngoái, hội thảo ra mắt cuốn sách: “Kỷ Nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc” do công ty Anpha Books chủ trì đã thu hút đông đảo người quan tâm tới tham dự. Hội trường Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam hôm đó chật kín người, nhiều người đã phát biểu rất sôi nổi về những nội dung cuốn sách đề cập; hoặc cuối năm 2015, tại lễ ra mắt sách dịch truyện Kiều bản tiếng Nga, trong một thời khắc ngắn hàng nghìn cuốn sách được trao tặng cho người tham dự mà nhiều người đến sau muốn có cũng không còn. Những hiện tượng đó nói lên điều gì. Đó chính là sự quan tâm đến tri thức, đến sách, và sức sống của văn hóa đọc.
Người viết cũng đã từng chứng kiến cảnh xếp hàng mua sách tại các hội chợ sách dưới trời nắng nóng, nếu không có nhu cầu thực đọc sao phải xếp hàng chờ đợi và sẵn sàng bỏ tiền chi phí tốn kém vào những cuốn sách không hề rẻ! Những giá sách vẫn được chú trọng trong nhiều gia đình và ken chật kín sách dày lên qua tháng năm...sách chưa mất đi sức hấp dẫn của nó và có lẽ đã trở thành phương thức chuyển tải kinh điển, sách giấy chẳng bao giờ mất đi giá trị của nó trong đời sống tinh thần của nhân loại.
Phạm Xuân Hoàng, Bài đăng Tạp chí Tri thức thời đại, số 46, 4/2016