Ngày 22 tháng 5 năm nay, với Việt Nam, có hai sự kiện trọng đại, một là toàn dân đi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; hai là, Nhà nước đón chào ngài Tổng thống Mỹ Barack Obama. Có thể chỉ là sự ngẫu nhiên, nhưng trong một ngày có hai sự kiện lớn như thế người dân không thể không chú ý. Nghe qua thì không liên quan, nhưng nhìn sâu thẳm bên trong lại có sự liên quan ở chỗ, hai sự kiện đều được mong đợi sẽ là những luồng gió mới thổi vào đời sống chính trị của đất nước.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là để đại diện cho tiếng nói cử tri ít ra trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Những vị trúng cử sẽ là đại diện cho tiếng nói của người dân, thực hiện nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh của đất nước và các địa phương. Đặc biệt Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất sẽ có những quyết định to lớn đến đường hướng phát triển của đất nước, đối mặt và giải quyết những vấn đề lớn nổi lên như tham nhũng, nợ công, vấn đề môi trường và chủ quyền biển đảo.
Còn việc đón ngài Tổng thống Obama, mặc dù cuối nhiệm kỳ vẫn là đại diện cho tinh thần nước Mỹ, dẫu ông ta có nghỉ hưu thì đường lối xoay trục châu Á- Thái Bình Dương sẽ vẫn ảnh hưởng lớn đến chính trị Việt Nam, đến đường lối phát triển kinh tế và chính sách quân sự của Việt Nam.
Hoạt động bầu cử là thông lệ năm năm một lần. Nhưng năm nay thấy có một không khí mới, người dân đã ý thức nhiều hơn quyền của mình, và không khí dân chủ bầu cử đã được nâng lên nhiều...
Sự kiện ngài Tổng thống Obama đến Việt Nam thực sự cũng là sự kiện được nhiều người mong đợi, nhất là giới doanh nhân.
Mong đợi là đúng khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu mà sự gia nhập TPP vừa rồi có thể coi là một thành công lớn của công cuộc hội nhập. Sự gia nhập TPP được cho là sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích mà trong mười năm gia nhập WTO vừa qua Việt Nam không có được. Giới doanh nghiệp Việt Nam đang mong đợi một cú hích từ TPP, và Mỹ.
Trong bối cảnh gia tăng tranh chấp Biển Đông, sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ ở Việt Nam cho thấy chính sách tái xoay trục vẫn được duy trì và tiếp tục đẩy mạnh. Việt Nam không liên minh quân sự để chống nước thứ ba, nhưng trong bối cảnh hiện nay, những động thái trên Biển Đông thời gian qua cho thấy Mỹ đã có những ưu tiên hành động dù đôi khi bị coi là chưa cứng rắn. Sự ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông trên phương diện pháp lý và đa phương hóa của Mỹ, là điều Việt Nam rất cần và coi trọng.
Một điểm nữa là, với sự chuyến thăm lần này, nếu Mỹ bỏ cấm vận hoàn toàn việc buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực quốc phòng, phòng vệ trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.
Quốc hội chắc chắn sẽ có tác động quyết định đường lối kinh tế- xã hội Việt Nam trong năm năm. Thành công hay không tùy vào năng lực cải tổ chính trị của Đảng và Nhà nước, sự suốt và nhiệt thành của các đại biểu Quốc hội.
Cuộc viếng thăm của tổng thống Mỹ trong mấy ngày tới sẽ mở ra cơ hội gì cho Việt Nam, và cả về phía Mỹ, là tùy thuộc vào khả năng thu hẹp sự khác biệt, giải quyết những bất đồng và đáp ứng ở mức độ nào những vấn đề mà phía đối tác quan tâm.
Nhân dân cả nước thực sự đang mong đợi cả hai sự kiện trên đồng quy về một hướng: vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam.
* Bài đăng trên Văn hóa Nghệ An, http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/bau-cu-quoc-hoi-va-don-tong-thong-my