Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

CẢM QUAN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ VÀ THÁI ĐỘ CỦA NHÀ CHÍNH TRỊ




Nhìn hình ảnh hai đứa trẻ đẩy xe trên con đường đầy bùn đất sau khi nhận hàng cứu trợ tại Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình của bạn Nguyễn Linh (Đà Nẵng), tôi bỗng nhớ những câu thơ của thầy tôi: TS. Mỹ học Phạm Thế Hùng:
"Cháu vẽ gì?
Cháu vẽ hoa và thiếu nữ
Năm phút, mười phút
Điếu thuốc tàn trên tay
Sao cháu không vẽ người ăn mày?".
[Mười phút với Nguyễn Tuân]
Tôi nhớ lúc chia sẻ bài thơ này trước lớp tôi, thầy nói: thầy không thích vẻ đẹp khổ hạnh!
*
Có một thời người ta phân tuyến hai trường phái nghệ thuật rất rõ: Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
Nếu theo lời thơ trên đây mà xét thì:
Vẽ hoa và thiếu nữ- thiên về "nghệ thuật vị nghệ thuật"
Vẽ người ăn mày- sự khổ hạnh- thiên về "Nghệ thuật vị nhân sinh"
Quan niệm, sự khổ hạnh còn đâu cho vẻ đẹp, cũng đúng.
Nhưng đôi khi trong gian khổ người ta vẫn tìm thấy nét đẹp, ví dụ một nụ cười, sự lạc quan, tình thân ái, ...Đó cũng là một góc nhìn.Nhìn một thiếu nữ đẹp bị phụ tình đứng bên bờ sông hững hờ xa xăm ai bảo không đẹp. Vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn và trí tuệ lại càng là phạm trù khó xác định.
Nói chung bàn về cái đẹp cũng đa dạng phong phú, đâu có sự thuần nhất, vì thế cho nên Phơ Bách mới nói: cái đẹp không phải trên gò má hồng người thiếu nữ mà trong con mắt của kẻ si tình.
Kẻ si tình thường nhìn nhận chủ quan và cảm tính về cái đẹp mà mình yêu.
*
Thầy tôi thích vẻ đẹp của cái đẹp thuộc về miền nghệ thuật. Thầy là một trong số ít nghệ sĩ đa tài năng. Thơ, nhạc, họa của Thầy đều có một phong cách riêng.
Cụ Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp "vang bóng một thời" và từ thực tế cuộc sống, tìm và nâng vẻ đẹp cuộc sống lên tầng nấc nghệ thuật- đọc "Người lái đò sông Đà" sẽ rõ. Cụ Nguyễn đã đi vào văn học dân tộc thành công với vai trò là “người đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi)
Viết gì, vẽ gì đó là do cảm quan của người nghệ sĩ, đó là sự lựa chọn. Không ai có thể trói buộc sự tự do trong tâm hồn họ, bắt họ viết điều này, vẽ cái kia. Trừ phi là sự đặt hàng được người nghệ sĩ chấp thuận.
Nhưng người khát vọng của những người nghệ sĩ chân chính là đều hướng tới cái đẹp và ngợi ca cái đẹp.
*
Nhân mấy câu thơ này và bức hình những đứa trẻ nói trên, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác. Đó là sự quan tâm của nhà chính trị đối với cuộc sống và nhân dân.
Nhà chính trị khác người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể phiêu lưu trong trường cái đẹp, hướng tới đối tượng trữ tình mà họ lựa chọn. Nhưng nhà chính trị không thể phiêu lưu trên cuộc sống và sinh mệnh chính trị của nhân dân. Không thể lấy nhân dân để thử nghiệm những ý đồ cá nhân.
Nghệ sĩ, có thể tạm quên khổ đau để đắm chìm vào nghệ thuật, nhưng nhà chính trị không thể không biết hay hờ hững, né tránh sự sự đau khổ của cuộc đời, của người dân, dù có thể, cá nhân nhà chính trị rất thích hoa và mê thiếu nữ.
*
Yêu hoa và thiếu nữ là cảm quan muôn đời của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của tự nhiên và con người. Bằng tài năng, họ có thể để lại cho đời những áng văn hay, những bức hoạ tuyệt tác!
Còn yêu dân, chăm lo cho nhân dân phải là bổn phận của nhà chính trị, của nền chính trị vì dân. Bản chất của chính trị tử tế càng phải là như thế. Với sự nỗ lực của mình và sự hiệp thông hành động, nhà chính trị tâm huyết và thực lòng vì dân có thể mang đến cho nhân dân một miền hạnh phúc mà ở đó, hoa có chỗ nẩy nở và khoe sắc, thiếu nữ bình yên phô diễn vẻ đẹp xuân thì.
Pa xu ho, 10/2016.