Dân tộc Việt Nam được xem là một dân tộc hiếu học, người Việt
Nam
được xem là người hiếu học. Hiếu học được hiểu một cách chung nhất đó là tinh
thần ham học hỏi, ham hiểu biết, say mê khám phá, tích lũy tri thức. Đó là một
vốn quý cần được giữ gìn và phát huy, bởi chỉ có phát huy được sức mạnh hiếu
học, dân tộc ta mới trở nên một dân tộc thông minh sáng suốt, có khả năng thực
hiện khát vọng vươn lên giàu mạnh sánh ngang với các cường quốc năm châu.
“Thế giới phẳng” (The World is Flat)
của Thomas Friedman, một cuốn sách nổi tiếng của học giả chính trị người Mỹ bàn
về nhiều vấn đề của Toàn cầu hóa*, trong đó ta bắt gặp công thức mà ông đưa ra
về sự học, đáng để suy ngẫm.
Ông cho rằng, ngày nay, chỉ số C.Q (curiousity quotient - tò mò, ham hiểu biết) + P.Q
(Passion quotient - say mê) > IQ (Intteligence quotient - chỉ số thông minh).
Thomas viết “Trong một thế giới
phẳng, đam mê và ham học hỏi đối với một công việc và một sự thành công, một
lĩnh vực hay thậm chí một sở thích trở nên quan trọng gấp bội. Bởi trong một
thế thế giới phẳng bạn có thêm rất nhiều công cụ để đào sâu và thúc đẩy bản thân
mình cũng như lòng ham học hỏi của mình”(Thomas Friedman, 2006, tr.447-448). Công
thức và kiến giải của Thomas nêu ra trên đây quả là có lý. Đây là điều một học
giả phương Tây viết về xu hướng và triển vọng của thế giới hiện đại, nhưng
dường như điều này đã được ngạn ngữ Việt Nam ta đề cập từ lâu lắm rồi.
Ông cha ta thường nói: “cần cù bù
thông minh”. Quả thật, trí thông minh rất quan trọng nhưng đó chỉ là một chỉ số
căn bản và quan trọng nhưng không phải là cái quyết định cuối cùng để tạo dựng
nên thành công và thành đạt của mỗi người. Để thành công, thành đạt rất cần đến
sự đam mê, sự học hỏi không ngừng.
Các bậc trí giả từ xưa đến nay, đều
khiêm tốn cho rằng yếu tố Thiên phú (trời cho) chỉ là rất ít ỏi, mà quan trọng
là lao động, là mồ hôi và nước mắt. Có biết bao dẫn dụ hết sức thuyết phục để
chứng minh cho điều này. Êđinxơn là một thí dụ. Chính Êđinxơn đã trãi qua hàng
ngàn lần thí nghiệm thất bại mới thực hiện thành công thí nghiệm chuyễn hóa từ
nhiệt năng thành điện năng. Một nhà khoa học nổi tiếng khác đã từng nói: Thành
công, do 99% là mồ hôi và nước mắt, chỉ có 1% là tài năng.
Trong “Thế giới là Phẳng”, Thomas nói
thêm: “Các nhà khoa học và kĩ sư không tự mọc lên như cây cối. Họ phải được đào
tạo qua quá trình lâu dài bởi, thưa quý ông và quý bà, đó thực sự là khoa học
tên lửa”(tr.523). Khoa học tên lửa mà Thomas muốn đề cập nói trên chính là khoa
học giáo dục. Điều này ít nhiều tương đồng với quan điểm của Đảng ta. Đảng và
Nhà nước ta, khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu; về chủ trương
xây dựng một xã hội học tập.
Việt Nam chúng ta, trong điều đại
phong kiến, có một truyền thống khoa cử, song chủ yếu vẫn là cái học nặng về
sách vở, học nhi ưu tắc sĩ (học để làm quan), theo kiểu “mô hiền thánh phạm”,
“tập đại thành”, “tầm chương trích cú”, “từ chương huấn hỗ” tức là nói lại và
lý giải bổ sung vào những điều người trước đã nói. Kẻ sĩ không ít nhiều thực
dụng, học chủ yếu về đường lối và cách cai trị đất nước, ít học về khoa học tự
nhiên, kỹ thuật.. Trong nhân dân, nhiều tấm gương về tự học thành tài như Mạc
Đĩnh Chi, …đã chuyễn đổi thân phận địa vị xuất thân thấp hèn của mình, làm lợi,
ích dân, giúp nước. Nhiều người đã trở thành những bậc thức giả như Trạng trình
Nguyển Bỉnh Khiêm, Nhà bác học Lê Quý Đôn, La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp…Trong đấu
tranh cách mạng và xây dựng đất nước, nhiều tấm gương chủ yếu tự học thành tài,
có nhiều đóng góp to lớn như Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu…nhiều người thành
đạt trên con đường học tập làm rạng danh quê hương, dòng họ, xán lạn quốc gia
dân tộc.
Song trong thời buổi kinh tế thị
trường, đã bộc lộ không ít những xuống cấp về sự học, học thực dụng (để mưu
lợi), không thực học, chạy theo bằng cấp, danh vị, học nhờ đồng tiền…những biểu
hiện đó ít nhiều làm cho tinh thần hiếu học của dân tộc bị xuống cấp. Có nhiều
học giả qua những nghiên cứu của mình đã chỉ ra điều này và cũng đã chỉ ra
những tác hại của nó. Trong xã hội đang có tâm lý bi quan về dạy về học. Tình
trạng học sinh bỏ học ở các cấp thấp trên toàn quốc diễn ra với những con số
đáng báo động. Trong các gia đình, và trên toàn xã hội, tỉ lệ đầu tư cho giáo
dục, đào tạo còn thấp, khoảng chưa đầy 20 % GDP nhưng có biểu hiện thất thoát
và lãng phí. Chưa bao giờ giáo dục, đào tạo lại được nhiều sự quan tâm, bình
luận của mọi ngành, mọi nhà, mọi người như thời gian gần đây.
Một nền “kinh tế tri thức” (knowledge based
economy) bắt đầu được hình thành ở Việt Nam. Trên thế giới, cuộc cách mạng khoa
học công nghệ tiếp tục phát triển như vũ bão, vai trò của thông tin, tri thức
ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và hết sức quan trọng. Truyền
thống hiếu học Việt Nam cần được phát huy và bồi đắp lên thêm.
Hiếu học giờ đây là phải say mê học
hỏi, biết khám phá, khai phá các lĩnh vực khoa học mũi nhọn. Thường xuyên cập
nhật thông tin. Có khả năng xét đoán về bản thân, về thế giới. Có thái độ cầu
thị trung thực, trong khoa học. Học đi đôi với hành, tạo dựng các khả năng thực
tế về nghề nghiệp, chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, làm
việc và thích ứng với thế giới toàn cầu hóa.
Trong một thế giới mà tri thức ngày
càng tăng tiến theo cấp số nhân, thì học hỏi là không có điểm dừng. Ngày nay,
chúng ta đề ra phương châm, học thường xuyên, học suốt đời đó là một phương
châm đúng đắn để ứng phó với một thế giới đổi thay mạnh mẽ và tăng trưởng không
ngừng nghỉ đó.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”,
sinh viên thanh niên là những chủ nhân tương lai của đất nước, Sinh viên, thanh
niên càng ham học, hiếu học thì đó đất nước càng có tiềm lực trí tuệ để phát
triển. Phẩm chất hiếu học của thanh niên, sinh viên đó là hồng phúc lớn của
quốc gia dân tộc.
Sinh viên Việt Nam nói riêng, mỗi
người dân Việt đều cần phải ý thức được “tri thức là sức mạnh”, chỉ có thể trên
sức mạnh của trí tuệ, của tri thức đất nước Việt Nam mới vươn lên giàu mạnh,
văn minh.
Học tập là một con đường chông gai
nhưng thành quả lại ngọt ngào, ý thức đươc ích lợi to lớn của học tập mới có
động lực để ham học hỏi, hiểu biết. Hiếu học là cần thiết để hiểu biết sâu sắc,
để sống hài hòa, để làm người có đạo đức, làm việc có hiệu quả, bắt nhịp nhanh
với đổi thay và phát triển cùng thế giới. /.
* Thomas L.Friedman, Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, TP HCM, 2006