Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Vấn đề “nhạy cảm”trong nghiên cứu, lối đi nào cho các nhà khoa học?

Chuyên san KHXH & NV Nghệ An, 8/2013 
Đã một thời các nhà nghiên cứu tiến hành các nghiên cứu của mình theo kiểu minh hoạ chính trị và như vậy chính trị luôn phải đặt lên hàng đầu. Người ta thường gọi nó là tính đảng trong nghiên cứu. Trong văn chương, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến đã dùng một khái niệm khái niệm “văn chương phải đạo” để chỉ tình trạng này. Và rồi, tình hình cũng không khá hơn, thậm chí kéo dài.
Cho đến nay, nhiều vấn đề trước coi là nhạy cảm, như là "vùng cấm" thì giới khoa học đã được đụng đến và vượt qua được những lực cản nào đó để nói lên tiếng nói trung thực, tôn trọng sự thật của chính mình.
Tuy vậy, còn nhiều vấn đề giới khoa học cảm thấy rất khó nói, và có những người dũng cảm lên tiếng thì tiếng nói đó cũng khá dè dặt, hoặc đơn lẻ. Ví dụ: vấn đề xã hội dân sự, vấn đề đất đai, vấn đề đời tư lãnh tụ, vấn đề lịch sử quan hệ quốc tế Việt -Trung…Nhiều chủ đề đã trở nên “nhạy cảm” đến nỗi mà khi các nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu định tiến hành một công trình nghiên cứu thì không ít người khuyên ngăn, vấn đề nhạy cảm, chớ có đụng vào mà gặp phiền hà, rắc rối.
Trong thực tế, nhiều khuyến cáo của các nhà khoa học chưa được giới chính trị lắng nghe, cầu thị thực sự, dẫu có quan tâm, có tổ chức vài ba cuộc hội thảo để lấy ý kiến…nhưng "tính đảng" vẫn vượt lên trên dẫn dắt và tính khoa học, có đấy nhưng hãy lùi lại phía sau.
Nếu theo định nghĩa Từ điển tiếng Việt thì từ "nhạy cảm" có ý nghĩa tích cực, đó là: có khả năng nhận biết nhanh và tinh bằng các giác quan, bằng cảm tính*, tuy nhiên, khi nói "vấn đề nhạy cảm" lại mang một trạng huống không mấy tích cực: đó là vấn đề "đụng chạm", vấn đề "khó nói", có nói thì cũng khó mà tới nơi, tới chốn. 
Đối với không ít nhà khoa học khi đứng trước một đối tượng được coi là nhạy cảm nghĩa đó là điều không nên nhảy vào hoặc thậm chí nên tránh xa, gác lại. Và thực tế, phần lớn họ đã chấp nhận như vậy để được an toàn.
Không ít đề tài nghiên cứu sinh, đã tái hồi nhắc đi nhắc lại những đề tài đã cũ, và thậm chí không phát hiện ra cái mới là bao nhiêu, còn nhiều phạm vi lẽ ra cần phải nghiên cứu và có chính kiến thì bị coi là nhạy cảm hoặc khó nói, làm nhụt chí không ít người nghiên cứu có nội lực.
Có không ít nhà khoa học đã từng bị lâm nạn khi đề cập đến những vấn đề mà được coi là sớm trong thời đại của mình. Nhưng chân lý vẫn là chân lý, hậu thế sẽ công minh phán xét. Giáo sư vật lý học Hoàng Phương gần như là người đi tiên phong trong nghiên cứu tâm linh, bản thân ông phải trả giá đắt cho sự lựa chọn dũng cảm của mình. Ông đi trên con đường độc đạo cô đơn để thoả mãn đam mê chân lý, không ít bạn bè cùng thời xa lánh ông không phải vì ghét bỏ ông và vì sợ liên lụy. Ngày nay, vấn đề tâm linh đã được trở nên rộng mở và giới khoa học được phần tự do "đụng" đến nó như những vấn đề nghiên cứu, mặc dù cũng còn có không ít nhạy cảm chính trị thường trực.
Đã chục năm qua, giới khoa học đòi hỏi về tính dân chủ trong nghiên cứu đặc biệt trong nghiên cứu khoa học xã hội với hy vọng thay đổi tư duy, tránh dẫm lên lối mòn, thui chột sự sáng tạo. Nhưng tình hình chưa thấy khả quan hơn. Nhiều vấn đề các nhà nghiên cứu trẻ e ngại tiếp cận sâu, nếu có đề cập thì cũng là những nhà khoa học thành danh, có tuổi. Thậm chí, với những người này, không ít người "nói mạnh", "phê" mạnh sau khi về hưu, thôi ghế chức vụ. Còn đương chức chỉ cần lỡ miệng cọi như là tội vạ vào thân tứ bề nan nguy.
Để được nghiên cứu điều đam mê có phần nhạy cảm thì chỉ còn cách nhà khoa học phải biết dấn thân, dấn thân một cách dũng cảm và quyết liệt. Không có một nhà triết học Việt Nam Trần Đức Thảo nổi danh thế giới nếu không xác định đị dưới tấm biển chỉ đường của lý trí, và sẽ không có những công trình giải quyết những vấn đề vĩ mô chiến lược hay quốc kế dân sinh nếu không đụng vào những vấn đề bị coi là "nhạy cảm" mãi.
Khoa học xã hội hơn ai hết cần phải có tiếng nói với những vấn đề được coi là nhạy cảm của đất nước. Bởi chính sự nhạy cảm đó là đòi hỏi thực tiễn rất cần thiết có tiếng nói của nhà khoa học. Chỉ có nói nên bằng sự trung thực chân thành khoa học, vấn đề mới có cơ may được giải quyết rốt ráo.
Xin mượn lời ông Ăng ghen: một dân tộc không thể phát triển, nếu không đứng trên đỉnh cao của khoa học. Nếu thừa nhận điều này, nghĩa là đỉnh cao khoa học đó phải được xây dựng nên bởi đội ngũ những nhà khoa học có tư duy phản biện, coi trọng chân lý, dám dấn thân vào nghiên cứu những vấn đề gai góc, phá dỡ những lực cản thậm chí đụng chạm đến những cái vẫn thường được bị coi là ‘nhạy cảm”. Vượt qua sự nhạy cảm chính trị mới có thể tiến gần với chân lý khách quan./.  
P.X.H










* "Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.707