Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Nâng cao vai trò của nhà nước...

Nâng cao vai trò của nhà nước và tổ chức dân sự trong kinh tế thị trường vì sự phát triển con người[i]

[Thạc sĩ, NCS. Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Hà My.
Đăng: Tạp chí Mặt trận, số 132, tháng 10.2014, tr.49-51]

 
Kinh tế thị trường có đồng hành với sự phát triển con người hay không?

Kinh tế thị trường (KTTT) và phát triển con người (PTCN) là hai phạm trù không đồng cấp. Một bên là hoạt động kinh tế, coi trọng chất lượng hiệu quả của phát triển kinh tế; một bên là hoạt động chú trọng vào nâng cao chất lượng con người, chú trọng tính nhân văn, tính người. Tuy nhiên, hai hoạt động này giao thoa với nhau, hỗ trợ cho nhau. Hoạt động KTTT lấy con người làm nguồn lực cơ sở thúc đẩy, lấy mục đích lợi nhuận làm trung tâm; hoạt động PTCN lấy phát triển kinh tế làm phương thức, nền tảng và mục tiêu nhân văn, tiến bộ là đích hướng tới. Do vậy, suy cho cùng hoạt động KTTT là điều kiện, tiền đề của PTCN; PTCN lại là nhân tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế.

Trong thực tế, KTTT tồn tại tuân theo quy luật nội tại của nó (cung cầu, cạnh tranh, giá trị), về bản chất, nó không bị quyết định bởi ý chí chủ quan của người làm kinh tế mà là theo quy luật khách quan của kinh tế. KTTT trước hết là nhằm lợi nhuận kinh tế, không tự nhiên nhắm tới PTCN nhưng nó cũng không thể nằm ngoài mục đích cho con người, vì đời sống con người, do vậy, ở mức độ nào đó, sự PTCN là đích đến của nền kinh tế.

KTTT không có xu hướng làm tiêu cực hóa các hoạt động sống khác của con người, nhưng do tính vụ lợi của chủ thể kinh tế mà hoạt động thị trường có nguy cơ đe dọa tính nhân văn, tiến bộ của PTCN.

PTCN theo quan niệm của chủ nghĩa Mác là giải phóng con người và xã hội loài người khỏi sự tha hóa kinh tế, khỏi sự áp bức bóc lột bất công. Theo quan niệm của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), PTCN, chính là nâng cao năng lực và cơ hội lựa chọn cho con người. Một quan niệm coi sự PTCN ở tầm triết học, nhấn mạnh vào nâng cao vai trò của chủ thể người, giải phóng những tha hóa người; một quan niệm coi trọng tính ứng dụng, hành động định lượng đo lường được của PTCN; hai quan niệm này bổ trợ cho nhau. Dù là PTCN theo quan niệm của Mác hay của UNDP thì đều có sự thống nhất với nhau: con người đều được coi là trung tâm của sự phát triển, con người là đích đến của sự phát triển bền vững.

KTTT được coi là một phương thức phát triển cao về lực lượng sản xuất của nhân loại, là bước phát triển tất yếu khách quan, mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với PTCN: tạo điều kiện và cơ hội cho phát triển người nhờ tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tạo ra của cải khổng lồ, và được điều tiết phân phối bởi các quy luật thị trường. Do vậy, KTTT là phương thức, là công cụ của PTCN.

Điều đáng nói là bên cạnh đó, KTTT đã làm cho đời sống con người, sự PTCN chứa đựng những nguy cơ sai lệch, tha hóa, do mấy nguyên nhân căn bản sau đây:

Một là, KTTT luôn có nguy cơ xung đột với mục tiêu nhân văn do việc thúc đẩy tìm kiếm lợi nhuận một cách mù quáng. Ví dụ, việc xây dựng một nền y tế nhân đạo là một mục đích tốt đẹp, song khi thừa nhận sự can thiệp của thị trường, thì cơ chế thị trường có nguy cơ bóp méo tính bình đẳng, các quan hệ thị trường sẽ xâm hại tính nhân đạo của y tế. Người có tiền sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn những người không có tiền.

Hai là, KTTT chứa đựng tiềm ẩn những rủi ro kinh tế, từ đó tác động tới sự PTCN ví dụ như sự khủng hoảng tiền tệ, lạm phát... hơn thế nữa, trong KTTT với sự thao túng của lợi ích nhóm thiếu lành mạnh, sẽ có nguy cơ gạt các mục tiêu con người ra ngoài lề của sự phát triển thay vào đó ưu tiên các mục tiêu kinh tế.

Ba là, KTTT có khả năng làm gia tăng các vấn đề xã hội, các nguy cơ an ninh tới con người, nhất là khi sự định hướng, quản lí điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế còn tồn tại nhiều yếu kém.

Rõ ràng, trong chừng mực nhất định, KTTT đồng hành với sự PTCN nhưng lại chứa đựng khối mâu thuẫn làm chúng khó có thể song hành một cách nhất quán cùng nhau, mà nhất định phải có một chủ thể lợi ích sáng suốt biết điều hòa mâu thuẫn này, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa đạt tới các mục tiêu tiến bộ con người và loài người, đó không gì khác là nhà nước, bên cạnh đó là các tổ chức dân sự.

Vai trò của Nhà nước và tổ chức dân sự trong phát triển KTTT vì tiến bộ con người

Nhà nước trong nền chính trị hiện đại đó phải là nhà nước pháp quyền và dân chủ. Chính hai yếu tố pháp quyềndân chủ sẽ là thể chế quan trọng và căn bản để điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mà hoạt động trước hết và căn bản đó là kinh tế. Do đó, để khắc phục mặt trái KTTT, phát huy tính tích cực trong thúc đẩy PTCN, nhà nước phải “thân dân”, phải đặt lợi ích người lao động lên trên hết thảy, hoạt động có hiệu quả và đảm bảo ổn định hướng tới bền vững.

Vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Sự quan trọng này thể hiện ở việc can thiệp có mức độ vào nền kinh tế, sự biết kết hợp hiệu quả bàn tay thị trường và chính sách của mình, ở việc xây dựng một hệ thống pháp luật cấp tiến và phù hợp; sử dụng hài hòa công cụ kinh tế, luật pháp, hành chính và các giải pháp xã hội khác để làm cho một nền hành chính hiệu quả vững mạnh, phát huy được hiệu ứng tích cực với nền kinh tế.

Nhà nước không thể làm thay thị trường, nhưng nhà nước có thể làm những việc mà thị trường, với bản tính “tự nhiên” và “tự do”, tự nó không làm được ví dụ phân phối một cách công bằng các thành quả kinh tế, giảm thiểu sự phân hóa giàu nghèo, hướng tới các giá trị đạo đức, giải quyết những vấn đề thuộc phạm trù văn hóa.

Nhà nước phải tôn trọng một cách tối đa tính tự do của thị trường, chứ không can thiệp hành chính một cách chủ quan vô lối; đồng thời, nhà nước không thể để tính tự do hoang dã của thị trường lấn át nền kinh tế và chi phối tiêu cực tới các hoạt động xã hội, có nguy cơ làm hao hụt các giá trị người, xâm hại những nét đẹp, nhân bản của con người. Nhà nước phải phát huy được chức năng và vai trò xã hội của mình.

Để khắc phục được tính cứng nhắc của nền hành chính và lạm quyền của mình, nhà nước cần có sự tham gia của các tổ chức dân sự của nhân dân (hiểu rộng ra là xã hội dân sự). Về thực chất đây, là mở rộng dân chủ và đảm bảo dân chủ cho sự tồn tại và phát triển của nền kinh tế.

Sự tham gia của các tổ chức dân sự, có mấy khía cạnh lợi ích sau đây:

Một là, góp phần huy động các nguồn lực của nhân dân, của xã hội vào phát triển kinh tế xã hội theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm (điện, đường, trường, trạm) để giải quyết tốt các nhu cầu của nhân dân, của người lao động;

Hai là, giúp giám sát phản biện các chính sách kinh tế, giám sát những sai sót có thể có của nhà nước đối với kinh tế, như sự lạm quyền, sự ra quyết định quản lí hành chính xơ cứng, nguy cơ tham nhũng lãng phí nguồn lực của nhân dân.

Ba là, tăng thêm tính độc lập, tự do, dân chủ của con người trong nền kinh tế vì những mục tiêu không chỉ dừng lại ở kinh tế mà còn những giá trị tiến bộ xã hội khác.

Để khắc phục mặt trái KTTT, thúc đẩy PTCN, theo chúng tôi, Nhà nước (dưới định hướng chính trị của Đảng) cần chú trọng:

Thứ nhất, kết hợp hài hòa mục tiêu tăng trưởng với phát triển và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, môi sinh trong mỗi bước phát triển và trên mọi lĩnh vực kinh tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng “vốn người” - động lực của phát triển kinh tế thông qua nâng cao chất lượng hệ thống y tế, giáo dục- đào tạo.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế tạo dựng môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh. Coi trọng chữ tín, tính hiệu quả, tính ứng dụng cao

Thứ tư, nâng cao hoàn thiện nhà nước pháp quyền, xây dựng hệ thống pháp luật vững mạnh; kết hợp một cách hữu hiệu công cụ pháp lí và sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức dân sự trong quản lí, phát triển kinh tế xã hội.

Về thực chất xã hội dân sự không nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước, điều quan trọng là nhà nước phát huy được sức mạnh của tổ chức dân sự trong tham gia phát triển kinh tế và quản lí xã hội.

 

Tài liệu tham khảo:

1.     Trần Ngọc Hiên, “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta”, tạp chí Cộng sản điện tử, 16/5/2008.

2.     Trần Du Lịch, “Vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”, tạp chí Kinh tế và dự báo, số 14, tháng 7/2014.

 




[i] Bản của tác giả