Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Mãi nhớ ơn Thầy!

Bài viết về thầy cô đã lâu, nay xin đăng lại trên blog cá nhân. Xin chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam!!!  ThS. Phạm Xuân Hoàng[1]
"Không thầy đố mày làm nên"! Câu ngạn ngữ ấy, thiết nghĩ sẽ là một lời răn dạy cho mãi muôn đời, khi con người tồn tại và cần đến tri thức. Người thầy không phải chỉ hiện diện trong mỗi đời ta ở bước đầu của ngày đi học mà nó còn là ở mọi cung đường lập nghiệp, lập thân.
Nhân loại đã vinh danh rất nhiều người thầy. Khổng Tử từng được tôn là chí thánh tiên sư, Mạnh tử được tôn là á thánh. Khổng tử bậc thầy của nhiều nội dung tri thức nhưng nhân loại nhớ Ông nhiều bởi những lời răn về đạo đức làm người. Đó là chữ nhân. Một cách ngắn gọn nhất: nhân là “ái nhân”, tức là thương người.

Ở Việt Nam, thời trung đại Chu Văn An đã trở thành người thầy biểu tượng cho tinh hoa khí phách của dân tộc. Thế kỷ XX, đối với dân tộc Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại. Người không chỉ là người thầy cách mạng mà người thầy của lối sống, của khoa học, của đạo đức nhân văn. Người đã để lại tấm gương sáng của một bậc chân sư đáng kính!.
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, ta sẽ được chứng kiến hoặc biết đến những người thầy cụ thể, những người thầy trực tiếp dạy dỗ ta  hoặc dạy ta “thầm lặng”, người thầy đó để lại những dấu ấn với ít hay nhiều với cộng đồng, trong những ngành nghề, ở những phạm vi chuyên môn khác nhau. Có thể nói, ai cũng có một người thầy của riêng mình và có thể sẽ chịu ơn một người thầy trong đời mình, chỉ có điều, dấu ấn ấy với chúng ta đôi khi không rõ nếu những người thầy đó dạy dỗ ta khi ta còn thơ bé. Mỗi người thầy ở một vị trí khác nhau trên những chặng khác nhau của những cung đường cuộc sống đời ta, đều tỏa vào ta những năng lượng ấm áp, nếu ta cảm được thì nhân cách ta sẽ lớn hơn lên. Khi thành đạt nghĩ về nguồn cội thành công, chắc hẳn ai cũng thấy bóng dáng người thầy và lòng thầm tri ân. 
Trong cuộc đời mình, tôi tự thấy chút niềm tự hào, vì tôi ít nhiều có được những niềm may mắn được gặp gỡ và dìu dắt bởi những thầy cô tâm huyết. Có những thầy đã có những dấu ấn tác động lên cuộc đời tôi nhất là trong những bước ngoặt của cuộc sống. Đó là người thầy dành cho tôi sự chỉ bảo chân tình, từ thuở học phổ thông, người thầy giúp tôi định hướng nghề nghiệp, người thầy giới thiệu công việc khi tốt nghiệp đại học, người thầy chỉ bảo cho tôi trên con đường đi tới khoa học và những người thầy cô đồng nghiệp đã san sẻ với tôi những khó khăn của cuộc sống. Tôi nhớ mãi những người thầy cấp I-II, cấp III, những người thầy đại học; những người thầy trong nghiên cứu khoa học trong các cấp học sau đại học. Mỗi người, một tính cách, một kiến văn khác nhau, nhưng những người thầy tôi được hạnh ngộ đều có điểm chung: lòng nhân ái, sự vô tư với học trò, nhiệt tâm nâng đỡ bước trò đi, trân trọng với những nỗ lực và thành công của học trò đạt được. Nhiều người để lại những dấu ấn tác động rõ nét lên cuộc đời tôi nhất là vào những thời điểm có tính chất bước ngoặt của cuộc sống. Ngày nay, khi tôi bước đi trên con đường khoa học mênh mông và đầy bất ngờ mới mẻ của tri thức và đối mặt với không ít những khó khăn của cuộc sống, những lúc "bí" tôi không ngại chia sẽ với những người thầy mình gắn bó. Và khi đó, tôi luôn nhận được những ý kiến quý giá, hoặc giúp mình vững tâm hơn, tự tin hơn, hoặc giúp mình có những cách nhìn khách quan để điều chỉnh mình sáng suốt hơn. Tôi luôn khắc ghi trong tim mình những điều nhận được từ các thầy cô. Dù xa hay gần, dù thành đạt hay là người bình thường, tôi mãi mãi là học trò của các thầy cô!
Thử làm một sự so sánh giữa nghề giáo và nghề y. Khá thú vị! Cả hai người thầy giáo và thầy thuốc đều được xã hội gọi là Thầy. Nhưng có một điểm khác. Trong nghề y, có bác sĩ đa khoa, có đào tạo bác sĩ đa khoa, còn trong nghề dạy học không có người thầy đa khoa và không đào tạo được người “thầy đa khoa”. Nhưng có một điều, người học trò một khi đã tin quý thầy mình thì vạn thiên tỷ chuyện đều tâm tình với thầy học để được thầy tư vấn. Khi đó người thầy với trãi nghiệm và kiến thức, phương pháp của mình, vô hình chung đã trở người “thầy đa khoa” cho cuộc sống của trò.
          Có một thời tôi cũng đã làm thầy. Khi tôi rời giảng đường đại học để làm công tác khác, tôi không còn là một người thầy của trường lớp nữa, nhưng với tôi, đã có được những học trò cũ thân quý, nhiều em sau khi ra trường vẫn đến với thầy, vẫn chia sẽ và giao lưu, điều đó cũng đủ làm tôi thấy hãnh diện và vui, niềm vui ấy không phải nghề nào cũng có được. Tôi hiểu rằng, điều gì đi từ trái tim sẽ đến trái tim, người thầy nào nhiệt tâm cho sự dạy dỗ, dành sự quý mến với sinh viên, các thầy luôn được các em trân trọng và ghi nhận. Và tình yêu người Thầy đồng nghĩa với yêu tri thức, trọng trí tuệ, khao khát hướng thượng. Những tình cảm đó cần được nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ và sẽ đi theo người học trò suốt cuộc đời.
Bởi vậy, giờ tôi đã là bố của những đứa con, mỗi ngày tôi đón chúng đến lớp, dù là cấp thấp nhất của bậc học tập thì tôi luôn chào Cô, chào Thầy. Đó là sự trân trọng của bậc phụ huynh đối với những người có công dạy dỗ con cái mình và tôi cũng muốn các con tôi biết tôn trọng người Thầy. Bởi tôi biết, người thầy là một danh hiệu cao quý, sự lao động của người thầy đôi khi không thể tính bằng giá trị đồng tiền, sự nhọc nhằn của họ kiến tạo nên những giá trị xã hội, để được nên người không ai có thể coi khinh người thầy. Với các con tôi, tôi muốn chúng phải đến với con đường học vấn thông qua những người thầy giỏi và đầy nhiệt tâm. Chỉ có tri thức chân chính mới làm nên giá trị con người.
          Ngày hôm nay, cuộc sống có nhiều điều làm cho xã hội bức xúc trăn trở. Một thực tế trông thấy, là sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Tất nhiên, thầy và trò đều chịu những tác động ảnh hưởng ấy. Có nhiều quan ngại về tình thầy trò. Học trò đi học hết môn là thôi, gặp thầy không thèm chào. Thầy giáo vòi tiền học sinh, chạy điểm, o ép, xúc phạm học trò, đổi tình lấy điểm...Tất cả những cái đó, những người trẻ tuổi cần phải cảnh giác và xã hội phải có sự điều chỉnh đúng đắn trở lại các chuẩn giá trị.
Về phía người trò, cuộc sống có thể khắt khe với chúng ta nhiều điều nhưng cũng luôn ban cho ta những ân huệ, những điều quý giá. Một trong những điều đấy là cho ta được đến trường, được thầy cô dạy dỗ làm người và trở nên người. Vậy cớ gì ta phải nghĩ "ngắn", phải thoái thác bổn phận của một học trò, tiếc chi một câu chào theo thói quen của người văn minh lịch sự. Quả thật cũng có những người thầy làm ta buồn, nhưng đó là câu chuyện không hay và không ai mong gặp phải. Hy vọng rằng, các thế hệ con cháu của mỗi chúng ta luôn gặp những người thầy tốt và giữ được đạo thầy-trò.
Có bao giờ bạn tự hỏi, ta đã làm gì để đáp ơn Thầy cô. Theo tôi, đền đáp công lao của thầy cô cũng như công ơn cha mẹ, đó là điều khó cân đo đong đếm. Báo đáp thầy cô, không chỉ là đồng quà tấm bánh, là sự thăm hỏi, quý hơn là ta vươn lên thành đạt trở thành người có ích cho xã hội. Khi biết được điều đó, lòng thầy sẽ cảm thấy mãn nguyện hạnh phúc. Và như vậy, ghi ơn thầy, ta chỉ có thể nỗ lực trở thành người tốt, chuyên tâm với nghề nghiệp, thành đạt với xã hội. Lúc đó chỉ một câu thăm hỏi thầy thôi, niềm vui sẽ dâng lên trong mắt thầy, người học trò ấy đã trở thành niềm tự hào của nhiều thầy cô và mái trường khác nhau.  
Tôi cũng hiểu rằng, đôi khi những lời chỉ dạy của thầy giống như cẩm nang giúp ta đi suốt cuộc đời, song tôi cũng nhận thức rằng, cái thầy dạy cho ta là một phần, cái trải nghiệm cuộc đời sẽ dạy ta là nhiều hơn thế, bởi không lúc nào thầy cô cũng có thể dõi được theo ta, không phải lúc nào ta cũng có cơ hội gắn bó nhiều với các thầy cô đáng kính của mình. Vậy nên, ta chỉ có thể làm người học trò chung thủy, chứ không nên làm một người học trò "trung thành" một cách máy móc với những bài giảng của thầy, vì tri thức có thể thay đổi theo hướng tiến bộ hơn, tiếp cận chân lí đúng đắn hơn nhưng người thầy chỉ đi qua trong đời ta một lần rồi về đi vào kỉ niệm quá khứ đời ta. Nếu ai đó, tôn sùng thầy mình một cách thiếu tiếp nhận người khác và thiếu đầu óc phản tỉnh, vô tình chúng ta cũng đã phụ ân thầy.
Bể học mênh mông, đường đời lắm lúc cam go. Xin được cám ơn Thầy cô những người đã cho chúng em lẽ sống, phương pháp làm việc, những động lực sức mạnh vô hình nhưng vô cùng quý giá. Một lần nữa, chúng ta cùng nhắc nhau: không thầy đố mày làm nên!, để suy ngẫm - hành động cho phải đạo. Không phải chỉ trong giới hạn cá nhân ta mà cho thế hệ tương lai mai sau của chúng ta.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm nay, xin kính tặng Thầy, Cô đã từng dạy dỗ em 4 câu thơ:
"Nhân sinh, dưỡng dục công đầu
Dạy con chữ nghĩa, ân sâu là Thầy!
Dẫu cho đời hóa tóc mây
Thầy cô luôn vẫn mãi là Thầy của em!"






[1] Cựu giảng viên