Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Viết cho ngày thương binh, liệt sĩ

Những năm gần đây, vào ngày thương binh liệt sĩ, nếu không vô tình quên, tôi tự nhủ mình phải ghé đài hoặc nghĩa trang liệt sĩ dâng nén nhang tưởng niệm các liệt sĩ!
Đất nước mình sau chiến tranh, đi đâu cũng thấy mộ liệt sĩ, cũng đài tưởng niệm vinh danh, chưa kể những nấm mồ vô danh và những hài cốt còn đâu đó trong lòng đất. Người sống vẫn đang đau đáu mong được tìm thấy và đưa các anh trở về quê cha đất tổ.

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Bạo hành trẻ em ở nước ta qua những vụ việc nổi cộm được đề cập trên báo chí trong thời gian gần đây

« Quay lại

CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN SỐ 6/2015

Bài viết nêu lên một số vụ việc bạo hành nghiêm trọng gây bức xúc dư luận được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập trong thời gian gần đây. Qua đó, tác giả phân tích một số điểm chung của các vụ việc bạo hành như hoàn cảnh đối tượng của các trẻ bị bạo hành, về người gây bạo hành đối với trẻ, sự bất thường về mặt xã hội của hiện tượng bạo hành. Tác giả cũng lí giải nguyên nhân của bạo hành trẻ em và từ đó đưa ra một số giải pháp giảm thiểu bạo hành, tiến tới ngăn chặn bạo hành đối với trẻ em.
1. Một số vụ bạo hành nghiêm trọng đối với trẻ em trong những năm gần đây qua các phương tiện truyền thông đại chúng
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến những vụ việc bạo hành trẻ em qua một số vụ việc điển hình trong khoảng 7 năm trở lại đây được các phương tiện truyền thông đề cập, nổi bật trên báo truyền hình, đặc biệt là báo điện tử.
Trong hai năm 2008 - 2009, cả nước đã xảy ra 5.956 vụ (bình quân gần 3.000 vụ/năm), trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có nhiều vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội(1). Một số liệu khác(2), ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 - 8.000 vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì đây là chỉ là con số được trình báo, thực tế còn cao hơn nữa. Theo Tin nhanh Việt Nam Vnexpress.net, năm 2008, có 5 vụ bạo hành nghiêm trọng(3). Theo báo Bưu điện Việt Nam, năm 2009 nổi lên 5 vụ bạo hành trẻ em đau lòng.
Nhiều vụ việc nghiệm trọng được nêu trên các phương tiện báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội, trong thời gian 7 năm qua, mà kẻ gây ra bạo hành đã bị bắt, chịu khởi tố hình sự, điển hình như vụ em Nguyễn Thị Bình, người giúp việc cho vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội), bị gia chủ hành hạ hơn 10 năm, mới được phát giác và ngăn chặn năm 2008. Lúc đó, em đã phải chịu 424 vết thương, tỉ lệ giám định thương tật 34%; cũng năm 2008: vụ bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa (Đồng Nai), bạo hành trẻ mà mình nhận chăm sóc bị ghi lại bằng video clip hết sức dã man; vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại bạo hành, bị phát giác vào tháng 9/2010. Liên tiếp trong năm 2010: vụ vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm (chủ trại tôm giống Minh Đức) ở Cà Mau bạo hành cháu Nguyễn Hào Anh 14 tuổi trong thời gian dài, khiến cháu chịu thương tật: 66, 83%;  tháng 11/2010, bảo mẫu tên Phụng ở T.P Hồ Chí Minh bạo hành bé Hồ Thị Thúy Ngân 3 tuổi hơn 1 năm trời bị phát giác gây bức xúc dư luận xã hội; bé Đỗ Nhất Long (TP.Hồ Chí Minh) 18 tháng tuổi bị bạo hành tới chết, trong ngày 16/11/2013. Năm 2014, dư luận hết sức bức xúc với tình cảnh bé Kim Ngân 4 tuổi (ở Bình Dương) bị mẹ ruột cháu là Nguyễn Thị Thùy Trang và người tình là Đỗ Trọng Minh hành hạ bằng đánh đập, chích điện trong một thời gian dài, mà lần bạo hành cuối cùng trước lúc được giải cứu là cháu bị đánh đến mức thâm tím mặt mày, bỏ đói qua đêm đến độ ngất xỉu và chịu đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não, nguy kịch đến tính mạng.
Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình được báo chí đề cập và dư luận xã hội bức xúc, trong hàng nghìn vụ bạo hành với những mức độ nặng nhẹ khác nhau ở các môi trường khác nhau (trong gia đình, trên nhà trường, ngoài xã hội..) trên phạm vi cả nước, và cũng khó có thể có một con số thống kê đầy đủ về nạn bạo hành trẻ em ở nước ta hiện nay.