Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Bạo hành trẻ em ở nước ta qua những vụ việc nổi cộm được đề cập trên báo chí trong thời gian gần đây

« Quay lại

CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN SỐ 6/2015

Bài viết nêu lên một số vụ việc bạo hành nghiêm trọng gây bức xúc dư luận được các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập trong thời gian gần đây. Qua đó, tác giả phân tích một số điểm chung của các vụ việc bạo hành như hoàn cảnh đối tượng của các trẻ bị bạo hành, về người gây bạo hành đối với trẻ, sự bất thường về mặt xã hội của hiện tượng bạo hành. Tác giả cũng lí giải nguyên nhân của bạo hành trẻ em và từ đó đưa ra một số giải pháp giảm thiểu bạo hành, tiến tới ngăn chặn bạo hành đối với trẻ em.
1. Một số vụ bạo hành nghiêm trọng đối với trẻ em trong những năm gần đây qua các phương tiện truyền thông đại chúng
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin được đề cập đến những vụ việc bạo hành trẻ em qua một số vụ việc điển hình trong khoảng 7 năm trở lại đây được các phương tiện truyền thông đề cập, nổi bật trên báo truyền hình, đặc biệt là báo điện tử.
Trong hai năm 2008 - 2009, cả nước đã xảy ra 5.956 vụ (bình quân gần 3.000 vụ/năm), trên 100 vụ giết trẻ em và 50 vụ bắt cóc, buôn bán trẻ em được phát hiện và xử lý, trong đó có nhiều vụ gây bức xúc trong dư luận xã hội(1). Một số liệu khác(2), ước tính, mỗi năm cả nước có khoảng 7.000 - 8.000 vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì đây là chỉ là con số được trình báo, thực tế còn cao hơn nữa. Theo Tin nhanh Việt Nam Vnexpress.net, năm 2008, có 5 vụ bạo hành nghiêm trọng(3). Theo báo Bưu điện Việt Nam, năm 2009 nổi lên 5 vụ bạo hành trẻ em đau lòng.
Nhiều vụ việc nghiệm trọng được nêu trên các phương tiện báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội, trong thời gian 7 năm qua, mà kẻ gây ra bạo hành đã bị bắt, chịu khởi tố hình sự, điển hình như vụ em Nguyễn Thị Bình, người giúp việc cho vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương (Thanh Xuân, Hà Nội), bị gia chủ hành hạ hơn 10 năm, mới được phát giác và ngăn chặn năm 2008. Lúc đó, em đã phải chịu 424 vết thương, tỉ lệ giám định thương tật 34%; cũng năm 2008: vụ bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa (Đồng Nai), bạo hành trẻ mà mình nhận chăm sóc bị ghi lại bằng video clip hết sức dã man; vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý, 9 tháng tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại bạo hành, bị phát giác vào tháng 9/2010. Liên tiếp trong năm 2010: vụ vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm (chủ trại tôm giống Minh Đức) ở Cà Mau bạo hành cháu Nguyễn Hào Anh 14 tuổi trong thời gian dài, khiến cháu chịu thương tật: 66, 83%;  tháng 11/2010, bảo mẫu tên Phụng ở T.P Hồ Chí Minh bạo hành bé Hồ Thị Thúy Ngân 3 tuổi hơn 1 năm trời bị phát giác gây bức xúc dư luận xã hội; bé Đỗ Nhất Long (TP.Hồ Chí Minh) 18 tháng tuổi bị bạo hành tới chết, trong ngày 16/11/2013. Năm 2014, dư luận hết sức bức xúc với tình cảnh bé Kim Ngân 4 tuổi (ở Bình Dương) bị mẹ ruột cháu là Nguyễn Thị Thùy Trang và người tình là Đỗ Trọng Minh hành hạ bằng đánh đập, chích điện trong một thời gian dài, mà lần bạo hành cuối cùng trước lúc được giải cứu là cháu bị đánh đến mức thâm tím mặt mày, bỏ đói qua đêm đến độ ngất xỉu và chịu đa chấn thương, trong đó có chấn thương sọ não, nguy kịch đến tính mạng.
Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình được báo chí đề cập và dư luận xã hội bức xúc, trong hàng nghìn vụ bạo hành với những mức độ nặng nhẹ khác nhau ở các môi trường khác nhau (trong gia đình, trên nhà trường, ngoài xã hội..) trên phạm vi cả nước, và cũng khó có thể có một con số thống kê đầy đủ về nạn bạo hành trẻ em ở nước ta hiện nay.

2. Một số đặc điểm chung qua các vụ việc bạo hành đối với trẻ em
Về hoàn cảnh trẻ em trong các vụ bạo hành và đối tượng gây bạo hành.
Trẻ em bị bạo hành: Theo luật pháp hiện hành, người từ 01 tuổi đến 17 tuổi được xem là trẻ em. Vậy, bạo hành trẻ em là bạo hành với các em trong độ tuổi này. Qua các vụ việc nêu trên báo chí cũng như thực tế cho thấy, những trẻ em bị bạo hành thường là các bé đang đi mẫu giáo, nhà trẻ (công hoặc tư); các trẻ em ở các gia đình nghèo, gia đình bố mẹ không hạnh phúc, ly thân hoặc ly hôn, hoặc trẻ em lang thang không nơi nương tựa phải đi làm thuê kiếm sống. Một đặc trưng rất đáng chú ý là nhiều trẻ em bị bạo hành là trẻ ít được quan tâm về mặt xã hội, thiếu các cơ hội để phát triển một cách bình thường.
Khi bị bạo hành, các em ở tuổi các em còn nhỏ, thì không thể nhận thức được quyền lợi của mình cũng như các yếu tố pháp lý để có thể bảo vệ mình. Bạo hành với các em diễn ra với những mức độ nhẹ hoặc nghiêm trọng, đều để lại những hậu quả nặng nề về mặt thể xác và tâm hồn đối với trẻ, làm tổn thương trí não và có nguy cơ gây lệch lạc nhân cách của trẻ về sau.
Đối tượng gây bạo hành: điều đáng lên án là ở chỗ, các nhân vật gây bạo hành trong đời chính là các bảo mẫu, người chủ cho trẻ làm thuê, các cô giáo, thầy giáo, thậm chí là bố mẹ trẻ - những người rất gần gũi trẻ, những người có quyền và nghĩa vụ sát thực đối với trẻ. Họ là những công dân có đầy đủ hành vi năng lực dân sự, có khả năng nhận thức được tác hại của việc bạo hành và hoàn toàn có điều kiện để hành xử hoặc thay đổi cách hành xử với trẻ theo một xu hướng tích cực hơn nhưng đáng tiếc là đã không ứng xử theo hướng đó mà đã mất tự chủ, kiểm soát hành vi gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ.
Bạo hành trẻ em: một hiện tượng xã hội bất bình thường trong xã hội văn minh, thể hiện đạo đức của xã hội "có vấn đề".
Rõ ràng, chúng ta đang tồn tại trong một xã hội sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật, các quyền con người được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thì mọi hành vi bạo lực với bất kỳ ai đều là vi phạm pháp luật chứ không phải đối với trẻ và đều cần phải loại trừ chứ không chỉ đáng lên án. Với trẻ em, bộ phận dễ bị tổn thương về thể chất và tâm lý, khả năng tự bảo vệ kém thì bạo hành đối với đối tượng này đương nhiên là tội ác.
Những vụ việc nêu trên cho thấy, không ít trẻ bị đánh đập, đối xử bất nhẫn, bị hành hạ từ chính người thân, người tin cậy nhất của mình mà đáng lý ra những người này hơn ai hơn phải bảo vệ thân thể, coi trọng sinh mệnh và giúp đỡ các cháu được lớn khôn, được phát triển lành mạnh. Bởi như chúng ta vẫn thường ví "Trẻ em như búp trên cành", là "tương lai của xã hội" thì trẻ phải là lớp người được ưu tiên chăm sóc bảo vệ chứ không thể bị đối xử tàn bạo ngay trong xã hội tiến tới văn minh. Bạo hành với trẻ là hành vi đầy phi lý, bất công, phi nhân văn, phản tiến bộ. Trong khi, một xã hội văn minh, tiến bộ phải là một xã hội mà các quyền con người cần phải được đảm bảo và tôn trọng, dù là những đứa trẻ.
Nhiều ý kiến của những người có trách nhiệm trong công tác xã hội đã lên tiếng về bạo hành. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội, từng cho rằng, các vụ bạo hành được đưa lên truyền thông "làm cho xã hội cảm thấy bất an"(4). Những hành vi bạo hành thời gian qua, chứng tỏ đạo đức xã hội đang có những vấn đề nghiêm trọng cần có nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo từ nhiều góc độ và có giải pháp cứu vãn. Nhìn nhận vấn đề bạo hành qua câu chuyện của cháu Hào Anh, GS. Tương Lai cho đó "là một sự xuống cấp về mặt đạo lý"(5). Cũng theo bà Trương Thị Mai: "Nếu cứ một khoảng thời gian lại xuất hiện một vụ việc bạo hành trẻ trên phương tiện thông tin đại chúng là không ổn và đã đến lúc vai trò của nhà nước phải mạnh mẽ hơn"(6).
Thực tế cho thấy, các vụ bạo hành đang có tác động tiêu cực đối với sự phát triển thể chất và sự hình thành nhân cách của trẻ em, để lại những hậu quả đau đớn dai dẳng về mặt thể xác, sự ám ảnh về tinh thần trong suốt cuộc đời của trẻ bị bạo hành. Điều này đã được các nghiên cứu tâm lí học về bạo hành chỉ ra, tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu và có năng lực làm chủ hành vi để không gây bạo hành.
3. Một số nguyên nhân của bạo hành với trẻ em và giải pháp
3.1. Nguyên nhân
Để trả lời đầy đủ khoa học nguyên nhân bạo hành có lẽ cần phải có một khảo sát nghiên cứu liên ngành, tuy nhiên qua nhiều vụ việc nói trên, qua tìm hiểu dư luận xã hội, qua những tài liệu báo chí, chúng tôi nêu lên một số nguyên nhân căn bản dẫn đến bạo hành trẻ em nói chung, bao hàm cả những trường hợp nêu trên, như sau:
Một là, người lớn không đầy đủ nhận thức về quyền lợi nghĩa vụ trẻ. Bạo hành với trẻ cũng cho thấy nhận thức pháp lí về hành vi của người lớn đối với trẻ rất mơ hồ, hoặc không tồn tại những khái niệm quyền lợi và nghĩa vụ của trẻ em. Hoặc quan niệm của các bậc cha mẹ, người lớn về con trẻ còn bảo thủ, chưa thay đổi nếp nghĩ, thói quen suy nghĩ về con trẻ. Dẫn tới, họ đối xử với trẻ như là vật sở hữu, như thân phận những con vật chứ không phải con người. Trong khi những điều này từ lâu đã được Công ước quyền trẻ em thừa nhận và bảo vệ. Trẻ em cũng là một thực thể người có quyền lợi nghĩa vụ đồng đẳng như người lớn, chỉ khác là các em chưa phải là những công dân thực thụ.
Thực tế, người lớn, kể cả trong gia đình và ngoài xã hội còn chưa tôn trọng tiếng nói của trẻ em, chưa tạo cơ hội cho trẻ em bình đẳng với người lớn. Các quan niệm: "đồ trẻ con", "trẻ ranh thì biết gì"; "trẻ em đi chỗ khác chơi"...vẫn còn tồn tại không ít trong các gia đình, ở nhiều người; lối nghĩ truyền thống "Thương cho roi cho vọt" đôi khi bị đẩy đến cực đoan. Hoặc không ít ông chủ/bà chủ sử dụng lao động là trẻ em, họ quan niệm chúng là người làm thuê, người đầy tớ nên bắt nạt, chèn ép chúng, nếu không nghe lời lại sử dụng bạo lực để quản lí và kiểm soát.
Ba là, hệ thống giám sát kém, nhiều vấn đề bị thả nổi, thiếu sự quản lí sát sao trong đó công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em. Thực tế cho thấy, công tác chăm sóc giáo dục trẻ em, nhiều nơi có phần buông lỏng. Do chưa có cơ sở vật chất an sinh đảm bảo dành cho trẻ, thực trạng đầu tư cơ sở vật chất cho trẻ em chưa tương xứng với nhu cầu đang đặt ra. Chỉ có một số ít trẻ em Việt Nam được nuôi dưỡng và chăm sóc ở các cơ sở của nhà nước (làng trẻ SOS, nhà mở...), trong khi đó công tác kiểm tra, giám sát còn yếu; vẫn còn thiếu một khung pháp lý toàn diện, việc thực thi pháp luật còn chưa chặt; chưa có hệ thống bảo vệ trẻ em một cách toàn diện cũng như chưa có các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Các công tác về trẻ em thường lồng ghép trong các chương trình hành động xã hội nên phân cấp trách nhiệm đôi khi là không rõ ràng.
Bốn là, những nguyên nhân về mặt tâm lý - xã hội. Phải chăng tâm sinh lý của những người bạo hành đang diễn ra những bất thường? Điều đó có biểu hiện sự bất thường sức khỏe tinh thần của xã hội? Có ý kiến cho là, người lớn đánh trẻ em là để "xả stress" hay giải tỏa căng thẳng(7). Vì bản thân trẻ em, nhất là trẻ em ở lứa đi nhà trẻ, tuổi mẫu giáo, các cấp tiểu học, không có khả năng phản kháng tự vệ hoặc lên tiếng đòi quyền lợi của mình, nên những đối tượng bạo hành trẻ muốn làm gì thì làm, đối xử bất công, thậm chí dã man với trẻ. Điều này cần được các nhà tâm lý, xã hội học nghiên cứu, tổng kết thêm.
3.2. Giải pháp giảm thiểu và đẩy lùi bạo hành đối với trẻ em nói chung
Một là, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của bạo hành và nâng cao trách nhiệm cộng đồng xã hội, đặc biệt ý thức của từng gia đình trong việc "nói không" với bạo hành.
Cộng đồng xã hội cần được phổ biến sâu sắc những tác hại của việc bạo hành trẻ em. Các bậc cha mẹ cần được giáo dục về kiến thức nuôi dạy trẻ từ khi tiến hành hôn nhân. Xã hội cần được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ chung của cộng đồng với thế hệ tương lai đất nước. Toàn xã hội phải chung tay bảo vệ trẻ em, đặc biệt các gia đình cần quan tâm, kiên quyết nói "không" với bạo hành trẻ em. Đối với các hành vi có dấu hiệu bạo hành trẻ em, cộng đồng cần tích cực phát hiện, kịp thời ngăn chặn và trình báo kịp thời với các cơ quan chức năng để có giải pháp cứu trợ các em. Đừng để trẻ em phải chịu cảnh bạo hành kéo dài tổn thương trầm trọng như nhiều vụ bạo hành đau lòng gây bức xúc xã hội nêu ở trên.
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường tốt đẹp nhất của trẻ. Do vậy, các gia đình cần chú trọng quan tâm tới đời sống con em mình thường xuyên hơn. Cần coi gia đình và "xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em", đúng như mục tiêu đặt ra của Chiến lược phát triển Gia đình giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030(8).
Hai là, xây dựng bộ luật riêng điều chỉnh các hành vi bạo hành con trẻ.
Hiện nước ta chưa có Luật chống bạo hành điều chỉnh đối với trẻ em, ngoài việc điều chỉnh theo khung Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007) và Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (2004). Do vậy, tiến tới Quốc hội cần có luật riêng về chống bạo hành trẻ em mà đối tượng là các trẻ em trong gia đình, trên nhà trường và ngoài xã hội, với các khung hình luật chi tiết rõ ràng. Và điều quan trọng là phải đưa được luật này vào trong thực tế. Hoặc, trong điều kiện chưa xây dựng được luật riêng về bạo hành trẻ em, chúng ta phải triệt để thực thi Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em trong điều kiện đất nước mình.
Thực ra, Công ước quyền trẻ em được     UNESCO xây dựng và công bố với thế giới vào năm 1989 rất nhân đạo và tiến bộ. Đó chính là căn cứ pháp lý chung của toàn thể cộng đồng thế giới về quyền trẻ em. Việt Nam là nước sớm thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á ký cam kết thực thi Công ước nói trên. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đã ban hành Luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào năm 2004. Tuy nhiên, để tiến tới thực hiện các cam kết này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của chính phủ, các gia đình và cộng đồng.
Ba là, quy định làm rõ trách nhiệm các cơ quản lý nhà nước, đoàn thể về bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Chính phủ cần tăng cường công tác xây dựng bộ máy và hoạch định chiến lược tổng thể về đảm bảo phát triển trẻ em; đồng thời, thiết lập một hệ thống công lý thân thiện với trẻ em. Hiện tổ chức UNICEF đang hỗ trợ nhà nước Việt Nam về vấn đề này. Với sự hỗ trợ trực tiếp của UNICEF, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em trong giai đoạn 2006 - 2015. 
Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Quốc gia, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong... cần phối hợp hành động, đưa việc phòng chống bạo hành gia đình, và việc bạo hành trẻ em nói riêng vào chương trình nghị sự; hành động, giáo dục học đường, các cơ quan bảo vệ pháp luật không né tránh, mà cần xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi bạo hành thân thể và tinh thần trẻ nhỏ.
Cần xây dựng một đường dây nóng để kịp thời bảo vệ, cứu trợ trẻ em rơi vào hoàn cảnh hoạn nạn, hoạt động thường trực; chính quyền cần kiểm tra các nhà trẻ tư thường xuyên, có cam kết pháp lý giữa những người bảo mẫu với chính quyền trong việc nuôi dạy trẻ. Các bảo mẫu cần được huấn luyện kiến thức sơ cấp về nuôi dạy trẻ. Đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà trẻ mẫu giáo công lập, hoặc tư nhân có uy tín đấu thầu, tránh tình trạng bỏ bê, tự phát, buông lỏng quản lý đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em do tư nhân tiến hành. 
Phạm Xuân Hoàng
Nguồn:     http://ngheandost.gov.vn/chuyen-san-khxhnv?p_p_id=101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=column-1&p_p_col_count=1&_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_assetEntryId=140557&_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_type=content&_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_urlTitle=chuyen-san-khxh-nv-nghe-an-so-6-2015&redirect=http%3A%2F%2Fngheandost.gov.vn%2Fchuyen-san-khxhnv%2F-%2Fasset_publisher%2FY6w3vdzQM7wZ%2Fcontent%2Fchuyen-san-khxh-nv-nghe-an-so-5-2015%3F_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_redirect%3Dhttp%253A%252F%252Fngheandost.gov.vn%252Fchuyen-san-khxhnv%252F-%252Fasset_publisher%252FY6w3vdzQM7wZ%252Fcontent%252Fchuyen-san-khxh-nv-nghe-an-so-6-2015%253F_101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ_redirect%253Dhttp%25253A%25252F%25252Fngheandost.gov.vn%25252Fchuyen-san-khxhnv%25253Fp_p_id%25253D101_INSTANCE_Y6w3vdzQM7wZ%252526p_p_lifecycle%25253D0%252526p_p_state%25253Dnormal%252526p_p_mode%25253Dview%252526p_p_col_id%25253Dcolumn-1%252526p_p_col_count%25253D1#                  

Chú thích
(1). Thực trạng bạo lực trẻ em ở nước ta hiện nay - giải pháp, http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/ 75/newsid/51760/seo/thuc-trang-bao-luc-tre-em-o-nuoc-ta-hien-nay-giai-phap/language/vi-VN/Default.aspx;
(2). Bạo hành trẻ em thường xuyên cho thấy phát triển xã hội không bền vững. http://www.baomoi.com/ Home/ThoiSu/dantri.com.vn/Bao-hanh-tre-em-thuong-xuyen-cho-thay-phat-trien-xa-hoi-khong-ben-vung/5288999.epi.
(3). Những vụ bạo hành trẻ chấn động trong năm. Tin nhanh Express, http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/ 12/3BA09AF5/
(4). 5 vụ bạo hành trẻ em đau lòng nhất 2009. http://www.zing.vn/news/xa-hoi/5-vu-bao-hanh-tre-em-dau-long-nhat-2009/a72999.html
(5). Trẻ em bị xâm hại, chúng ta vô can?. RFA. /www.rfa.org/vietnamese/vietnam/xa-hoi/Are-we-responsible-QNhu-05102010142404.html. Ngày 05/10/2010.
(6). Xem: Bạo hành trẻ em và sự gây hại Quốc gia. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-28-bao-hanh-tre-em-va-su-gay-hai-quoc-gia
(7). Hội thảo Chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. http://www.molisa.gov.vn/news/detail/tabid/75/newsid/51294/seo/Hoi-thao-Chuong-trinh-Quoc-gia-Bao-ve-Tre-em-giai-doan-2011-2015/language/vi-VN/Default.aspx
(8). Hoa Hữu Vân, Trần Văn Thao, Nguyễn Hữu Minh (2011), "Một số khía cạnh cần quan tâm về trẻ em trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2011-2020", Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và giới, số 1, tr.13.