Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

CẢM NGHĨ NGẮN NHÂN ĐỌC "UỐNG RƯỢU VỚI NGUYỄN DU" CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN TRỌNG TẠO.

Hàng trăm năm qua những hậu thế vẫn không ít người thao thức cùng Nguyễn Du và đau cùng nỗi đâu thân phận nàng Kiều. Người đời thường nói những tư tưởng lớn gặp nhau, những nỗi cô đơn cũng giống nhau. Bao người đã gặp cụ Nguyễn trong giấc mơ, bao người lấy cụ làm cảm hứng sáng tạo, nhưng vẫn chưa đủ, nhân thế vẫn mong "gặp" Cụ! 
Thì đây, 250 sau, tại chính quê hương đại thi hào, nhà thơ hậu sinh đồng hương xứ Nghệ Nguyễn Trọng Tạo đã gặp và nâng chén hầu rượu bậc tiền nhân. Nhà thơ uống với tượng nhà thơ, nhà thơ uống với tình nhà thơ và nhà thơ sầu những nỗi sầu hàng trăm năm của cụ Nguyễn đã sầu. Những thi nhân dù ở những thế kỷ nào đi chăng nữa, mối đồng cảm giữa họ thường sâu sắc. Vị thế nhà thơ có thể khác nhau đi chăng nữa, thì thiên chức cao cả của họ là phải viết cho được về Con người, trả về cho con người những giá trị chân chính nhất.
Nhân thế bao la, bao chén rượn nồng đã cạn, bao be rượu đã lăn lóc góc sân, khoảng vườn đất Tiên Điền. Cụ Nguyễn vẫn bước đi trong dáng thế của kẻ sĩ, trong tầm vóc vĩ nhân, không cúi đầu, lừng lững bước đi!.
UỐNG RƯỢU VỚI NGUYỄN DU
Vẫn chén vẫn be mà ông thì đi vắng
Vào núi Hồng săn nai hương?
Sang Trường Lưu hát giao duyên cùng phường vải?
Cô gái quán Tiểu Khê mời tôi uống rượu
Một chén một be đợi ông về.
Tôi đợi đến tận khuya
Nghe câu Kiều bạc tóc
Mình thương mình xa xót
Hoa lê rụng cuối vườn
Ông vẫn đi cùng thập loại chúng sinh
Khóc thương từng con chữ
Con chữ như phận người
Lập lòe trong cỏ
Con chữ như tên nỏ
Bắn vào nỗi u mê
Ông vẫn đi
250 năm không nghỉ
Nàng Kiều sống cùng ông
Hương cuối mùa thơm mãi
Sông Tiền Đường vẫn chảy
Sóng động bến Giang Đình
Vẫn còn đó Thúc Sinh
Vẫn còn đây Từ Hải
Gã bán tơ sống lại
Mụ Tú Bà hồi sinh
Giật mình mình lại thương mình
Thương cây bút bị đòn roi bao đận…
Vẫn quán Tiểu Khê tôi đợi ông đến sáng
Nghe tiếng ông văng vẳng:
“Có rượu cứ nghiêng bầu” (*)
Hình như tiếng ông phát ra từ pho tượng
Còn ông vẫn đi
Đi mãi
Chẳng cúi đầu
Be rượu cạn lúc nào
Chén rượu cạn từ lâu
Bao giờ
Dù có
Mai sau…
Hà Nội, 30.8.2015
NGUYỄN TRỌNG TẠO.
_______
(*) Thơ chữ Hán của Nguyễn Du: “Hữu tửu thả tu khuynh”
(Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo đọc thơ dưới tượng Nguyễn Du, khai mạc Ngày thơ VN lần thứ nhấ tại Tiên Điềnt, 2003)

Văn hóa biển Việt Nam

Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa- Nghệ thuật 345, 2012, bản giấy. Tạp chí Văn hiến điện tử đăng lại online. Hy vọng sẽ viết được nhiều hơn về biển đảo, địa chính trị biển đảo.
--------------------------------------------------------------------------------------------

 http://vanhien.vn/vi/news/Bai-viet/Van-hoa-bien-Viet-Nam-15996/

Thứ sáu - 21/08/2015 21:55

Việt Nam với 3260 km đường bờ biển và khoảng 1 triệu kmvùng biển có chủ quyền đã tạo nên nhiều dấu ấn văn hóa biển đặc trưng. Truyền thốngvăn hóa biển ở Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục, truyền thống chống ngoại xâm của cư dân ven biển...Văn hóa biển nảy nở trên đất nước có chiều dài đường bờ biển gấp đôi đường bộ, người dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển.
 Việt Nam, văn hóa biển là một khái niệm khá mới mẻ. Theo Trần Ngọc Thêm, văn hóa biển "là hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại, lấy biển cả làm nguốn sống chính...Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường...”(1). Ngô Đức Thịnh quan niệm văn hóa biển "là hệ thống tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu tượng rút ra từ những hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển"(2).

Khi đề cập đến văn hóa là đề cập đến các giá trị, vì thế văn hóa biển có thể hiểu là tập hợp các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và tích lũy dần trong quá trình chung sống với biển. Văn hóa biển của người Việt có thể nhìn nhận từ phương diện vật chất (chiếm hữu, khai thác, bảo vệ), phương diện tinh thần (yêu biển, hướng biển, tư duy về biển, các sinh hoạt tinh thần trong mối quan hệ với biển).

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG

Gs.Trần Quốc Vượng- Nguồn: Tiền Phong online
Tôi từng bị mê hoặc bởi lối nói chuyện cuốn hút và tri thức quảng bác, uyên thâm của GS.Trần Quốc Vượng trong những năm tôi còn là sinh viên Trường ĐH KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội. Có một lần vào dịp cận hè, vì vội việc gì đó mà tôi để lỡ một cơ hội nghe thêm Giáo sư nói tại buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên. Sau này thấy tiếc mãi.

Nghe thì vậy nhưng đọc không dễ. Để đọc những bài viết của GS phải có nhiều và hiểu rất nhiều tri thức mới thấu được! Bởi những tri thức trong các bài viết là xuyên liên ngành (sử học, địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, ...)
Với tôi, giáo sư là một nhà bác học, một trí thức "ngông" khoa học!
Gần đây, trong một lần được ngồi trò chuyện cùng nhà thơ - nhạc sĩNguyễn Trọng Tạo, nhà thơ đã chia sẻ khá nhiều điều lý thú về những kỷ niệm giữa nhà thơ với Giáo sư. Có lẽ, với những người bạn và các thế hệ học trò thì hình ảnh Giáo sư còn mãi in đậm trong tâm trí. 
Mới đó, đã 10 năm cuộc viễn du bất tận của một con người!
Với chúng tôi, những người ngoại đạo của khoa học lịch sử, vẫn ước gì nền sử học nước nhà có được nhiều những cây đại thụ như Giáo sư Trần Quốc Vượng. 
HN 21.8.2015

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ


Résultat de recherche d'images pour "bắt tay"Mình về làm nghiên cứu, cũng mạnh dạn tham gia một số HT/TĐ của Đoàn Thanh niên trong tháp tòa khoa học VASS. Hôm nay lần đầu tham gia một vấn đề của liên chi đoàn cơ sở của khối nghiên cứu quốc tế - VASS, hi vọng đúng sân chơi của mình. Bài đã xong và ấn đã gửi! Okie!
Chính trị và quan hệ quốc tế luôn có những điểm nóng, những vấn đề nổi cộm. Đồng thuận và xung đột lợi ích luôn đan xen. Vì lợi ích mà quan điểm thái độ của các chủ thể quốc gia/khối/liên minh có thể đổi chiều liên tục, không giống như cuộc chơi của những người bạn và những người hàng xóm kiểu nhà mình. Bạn bè, hàng xóm, nói một là một, coi đạo nghĩa làm đầu, để mất niềm tin không có chơi, thậm chí bị tẩy chay! Quan hệ quốc tế không phân liệt như vậy (trừ sự phân liệt cực đoan kiểu cũ của các khối kiểu cũ: CNXH/CNTB), mà là hợp tác và đấu tranh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đấy anh chàng khổng lồ Trung Quốc ngang tàng trên Biển Đông, một mình một phách, vô lối. Nhiều anh khác rất bực mình, chỉ trích nhưng vẫn phải chơi với anh chàng khổng lồ này. Anh CS không cùng đường với anh TB nhưng vẫn phải giương cao lá cờ hợp tác, chung sống, cùng có lợi. Nói là có thù địch, chống phá, phản động đấy, nhưng đấu tranh vẫn phải là tranh không đấu! Có ai chối bỏ/triệt tiêu được ai đâu!
Đọc và phân tích chính trị chiến lược quốc tế thực sự là thú vị, luôn mới (sự kiện, tình tiết, quan điểm, thái độ, hành động) ngay cả những vấn đề đã cũ.
Nhớ 2012, đi Hội thảo Việt Nam học, được gặp và chụp hình với Gs.Carl Thayer (Đại học Quốc phòng Úc), nhà phân tích chính trị hàng đầu về Châu Á- Thái Bình Dương, rồi thi thoảng đọc các phát biểu, phân tích của ông, thực sự là ngưỡng mộ Ông. Hình như Ông đi theo tốc độ "gió" của các sự kiện nóng hổi. 
Cái hay của nhà nghiên cứu quốc tế là đi cùng sự kiện, sống cùng sự kiện nhưng cái tài của họ phải là đi xuyên sự kiện, đi trên sự kiện và giữ được thái độ trung tính, khách quan trong nghiên cứu, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Chưa nói là mỗi bài viết, bài trao đổi cần phải chắc chắn, sắc sảo và có sức thuyết phục. 
Và nghiên cứu quốc tế thì khó mà "nói không" với ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh. Tiếng Anh ngày nay không còn là English của người xứ England mà là Globish!
Thú vị thay nhưng cũng khó khăn thay!

HN 20.8.2015

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Nên tự vấn thay cho tự hào!

  •   PHẠM THẠCH HOÀNG
  • Thứ tư, 12 Tháng 8 2015 20:46
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Nên tự vấn thay cho tự hào!Chẳng nhẽ đây là linh vật của VN mà họ lạ đưa ra nước ngoài quảng bá?
Người Việt hơn hàng ngàn năm lịch sử đã tạo dựng nên những truyền thống đáng tự hào: dũng cảm, kiên cường, bất khuất, nhân ái, nghĩa tình...; nhưng soi xét trong thế giới văn minh, người Việt cũng còn vô số những "thói hư, tật xấu"!
Ứng xử truyền thống là: với tốt đẹp, thì ngợi ca và tự hào (phô ra), với xấu xa thì che giấu đừng để người ngoài biết (đậy lại). Nhưng đó đã là chuyện ngày xưa trong lũy tre làng.  
Chúng ta có quyền tự hào về chính chúng ta về những điều tốt đẹp, song với thói xấu thì cần thẳng thắn, cởi mở nhìn nhận và cởi bỏ. Đó là những thái độ lên làm trong buổi hôm nay.
Không cẩn thận, trên con thuyền hội nhập, trong đoàn người hành hương về tương lai, người Việt chúng ta dễ như những kẻ lạc đàn.
Những hiện tượng ăn cắp vặt, những thói xấu không giống ai trong thế giới văn minh mà báo chí nói hàng chục năm nay, vẫn tiếp diễn, bị nhiều nước có thái độ khó chịu phản ứng ra mặt. Mới đây, hai công dân Việt Nam đi du lịch châu Âu ăn cắp mỹ phẩm bị phạt 1000 Euro, bị cộng đồng mạng không ngớt lời che trách: đã có tiền để đi du lịch tận châu Âu, mà còn làm mấy cái trò lưu manh ấy!
“Con sâu làm rầu nồi canh”, hành vi của một vài người đã là nỗi nhục của hàng triệu người!
Ở cấp độ từng cá nhân đã đành, đôi khi ở cấp độ đại diện tổ chức, đại diện bộ mặt của đất nước, những người thi hành nhiệm vụ, những người tiếng "mang chuông đi đánh đất người" thường là tại các cuộc triển lãm (như triển lãm "Ngôi nhà Việt Nam" Exro2015), dường như đang làm cho có, làm lấy được và kết quả là hình ảnh người Việt không những chẳng được nâng lên, thậm chí bị coi là thấp kém.
Những ngày qua nhiều ý kiến cá nhân trên mạng xã hội than phiền về các gian hàng, cách thức phục vụ của đoàn Việt Nam tại hội chợ Expro 2015 tổ chức ở Ý. Mới đây báo Thanh niên với bài “Khách Việt phẫn nộ khi ghé 'Ngôi nhà VN' tại Expo 2015”[i], phản ánh tâm tư thất vọng của nhiều người Việt ghé tham quan gian hàng và khi so sánh nhà mình với các nước khác.
Trong khi đó, cũng trong bài báo này dẫn lời một người có trách nhiệm khi được hỏi lại cho rằng: Việt Nam đang làm rất tốt!
Không thể có chuyện làm tốt lại bị mang tiếng xấu như vậy. Với lòng tự hào, tự tôn, tình yêu đất nước, người Việt không thể đổ lỗi oan cho cái xấu thành cái tốt, mà thực ra, việc tổ chức có phần yếu kém đã làm cho họ bức xúc và lên tiếng, thậm chí không ít người coi đó là ‘nỗi nhục quốc thể!”[ii].
Câu chuyện Việt Nam tại triển lãm Expro 2015, hi vọng là chuyện cuối cùng trong các hoạt động “mang chuông đi đánh đất người” của người Việt, nếu người Việt nhận thức nghiêm túc và làm một cách đường hoàng với các sự kiện có ý nghĩa danh giá “quốc thể” như vậy. Bởi không cẩn thận, cái đẹp chẳng được phô ra, cái xấu xa trở thành mất điểm trong mắt bạn bè.


[i]http://m.thanhnien.com.vn/story/khach-viet-phan-no-khi-ghe-ngoi-nha-vn-tai-expo-2015-sid-1005603
[ii]https://www.danluan.org/tin-tuc/20150812/noi-nhuc-quoc-the-o-milan-expo-2015
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/nen-tu-van-thay-cho-tu-hao

Góp bàn về xây dựng văn miếu

  •   PHẠM THẠCH HOÀNG
  • Thứ hai, 17 Tháng 8 2015 17:15
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Văn miếu ở Việt Nam trước đây
Từ lâu, trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, văn miếu đã trở thành biểu tượng của đạo Nho, thờ đức Thánh Khổng tử và các vị tiên hiền, là nơi để các nho sĩ đến thể hiện niềm kính đạo thánh hiền, lấy cảm hứng và cầu học cách trị quốc, an dân. Văn miếu chính là một phương thức để tôn vinh Nho học.
Ở Việt Nam, Văn miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng vào 1070, thời Lý là nổi tiếng nhất, được vinh danh là trường đại học đầu tiên, nơi đào tạo các nhân tài bậc cao cho cả nước. Ở các tỉnh, các địa phương cũng có các văn miếu nhưng quy mô nhỏ hơn, ví dụ như Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn miếu Huế, Văn miếu Trấn Biên (Đồng Nai).v.v...
Sau khi Nho học hết thời, văn miếu vẫn lưu lại nhưng chủ yếu như là địa chỉ để vọng tưởng, chiêm ngưỡng văn hóa Nho giáo hơn là tồn tại với tư cách là một tượng đài tinh thần có tính chủ đạo trong thượng tầng kiến trúc như thuở trước.
Phục dựng văn miếu hiện nay: đâu là lí do chính đáng
Gần đây cùng với xu thế phục dựng các giá trị văn hóa cổ, văn miếu cũng được nhiều địa phương cổ súy. Trong năm nay, đáng chú ý là  việc xây dựng văn miếu Vĩnh Phúc (gần 300 tỉ VNĐ), văn miếu Hà Tĩnh (gần 100 tỉ NVĐ), được dư luận hết sức quan tâm bởi nhiều lẽ. Văn miếu thời nay thờ ai? và số tiền chi để xây dựng văn miếu như vậy có đáng không!.
Câu hỏi giành được sự quan tâm của đông đảo là đối tượng được thờ trong văn miếu thời nay là ai. Đây là điểm giống nhau trong quy hoạch xây dựng văn miếu ở cả Vĩnh Phúc và Hà Tĩnh mà cho đến nay những người có trách nhiệm cũng chưa xác định được một cách rành mạch. Nếu thờ các vị đạo cao, đức trọng của đất nước và địa phương thì e là phải đặt cho nó một cái tên khác. Nếu gọi là văn miếu thì nghe ra ít nhiều còn dính dáng đến cung cách, mô hình văn miếu xưa kia.
Trong dân chúng cũng có nhiều thái độ khác nhau: người đồng tình, kẻ phản đối. Mỗi bên đều có những viện dẫn lí lẽ hợp lý của riêng mình. Và nếu nghiêng về việc coi lý do xây dựng văn miếu là thuyết phục đi chăng nữa, thì câu chuyện kinh tế bỏ ra để xây dựng văn miếu lại được coi là một nghịch lý.
Điểm mấu chốt quan trọng khiến dư luận bức xúc là số tiền xây dựng văn miếu không hề nhỏ, trong khi đời sống của người dân đang có nhiều khó khăn, thiếu thốn, bao việc cần chính quyền quan tâm săn sóc (đói, nghèo, tàn tật, trẻ mồ côi...). An dân đang là câu chuyện lớn của xã hội ta hiện nay. Trong khi còn có nhiều lớp người đang cần được Nhà nước có những chính sách cứu giúp thì việc bỏ ra những khoản tiền lớn để xây dựng các văn miếu thực sự là một việc chi tiêu không hề nhỏ!
Đành rằng, những người làm văn hóa sẽ có cái lý ở chỗ: đầu tư cho văn hóa là đầu tư không thể tính toán một sớm một chiều, cái lợi văn hóa là cái lợi chiều sâu và về lâu dài, đâu có thể so đo được! Nhưng trong khi sự lí giải về lí do xây dựng văn miếu chưa hề thuyết phục thì những băn khoăn, thắc mắc từ dân tình là điều chính quyền cần quan tâm!
Khi mà nền kinh tế đang khó khăn thì việc đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào là câu chuyện lớn và đúng ra, với các công trình sử dụng tiền thuế của dân thì luôn cần được minh bạch trước dân. Việc xây dựng các công trình văn hoá để đời lại càng hết sức thận trọng. Phải có được sự đồng thuận cao của xã hội thì mới được coi là thành công./.
         http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/dien-dan/gop-ban-ve-xay-dung-van-mieu

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Con người tiếp tục cảnh giác với bạo lực và tội ác, tự mình bảo vệ lấy mình (GDVN)

Con người tiếp tục cảnh giác với bạo lực và tội ác, tự mình bảo vệ lấy mình

(GDVN) - Hàng ngày mở mạng Internet ra, có biết bao tin tức về bạo lực, bạo hành, nhiều người cảm thấy xã hội ta đang ở tình trạng bất an ghê gớm. 
ThS. Phạm Xuân Hoàng
LTS: Gần đây các vụ thảm sát liên tục xảy ra từ Bắc vào Nam, tính chất manh động, bạo lực đang có xu hướng trẻ hóa.
Trước tình hình đó, ThS. Phạm Xuân Hoàng công tác tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội có lời khuyên đến với mỗi người để bảo vệ lấy sinh mệnh của chính mình.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả lời khuyên chân thành đó. 


Những vụ việc giết người gây bức xúc và lo lắng gần đây trong nhân dân là những vụ việc có số người mất mát không hề nhỏ: vụ 3 mạng người ở Bắc Giang, vụ 4 mạng người ở Nghệ An, vụ 6 mạng người ở Bình Phước và gần đây nhất là 4 người cũng trong một gia đình ở Yên Bái bị giết hại dã man.

Tất cả các nạn nhân đều bị sát hại bởi những người trẻ, không phải là đao phủ chuyên nghiệp, không ít sát thủ từng được những người được bà con hàng xóm đánh giá là hiền lành!

Tại sao, những bộ mặt con người “hiền lành” thường ngày như Lê Văn Luyện, Nguyễn Hoàng Dương, Vi Văn Hai lại trong phút chốc có thể trở thành kẻ sát nhân, mang khuôn mặt của ác quỷ.

Hành vi giết, tước đoạt mạng sống của một nhóm người lại có thể thực hiện dễ dàng bởi những con người bình thường. Trong hình dung của nhiều người, gây án mạng như vậy phải là các sát thủ chuyên nghiệp, chứ người bình thường khó mà làm được!

Những vụ việc giết người vì những lí do không giống nhau: vì mục tiêu cướp của, vì “xả” những mâu thuẫn cá nhân xuất phát từ tình cảm và có vụ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt khác trong cuộc sống...

Nghĩa là những lý do thuộc về “tham, sân, si” của xã hội con người, xưa nay vốn vẫn có như thế. Điều đáng nói là cấp độ manh động, sự tàn độc, máu lạnh của những tên giết người ngày càng ghê rợn. Và kẻ gây án là những đối tượng còn khá trẻ.

Vụ cướp của giết người như Lê Văn Luyện (Bắc Giang) trong khi cướp của bị gia chủ phản ứng đã là một nhẽ.

Giết và tận diệt những người đã từng là hàng xóm với nhau như Vi Văn Hai (Nghệ An) do cơn tức giận nổi lên đã là khủng khiếp hay ngay cả những người có quan hệ thân tộc như vụ giết người ở Yên Bái cũng vậy.
Đoàn xe kéo dài hơn 1km đưa tiễn các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình Phước (Ảnh: tuoitre.vn)
Lên kế hoạch cướp, giết cả gia đình của người mình từng có quan hệ yêu thương như vụ việc do Nguyễn Hoàng Dương (Bình Phước) gây ra lại càng khủng khiếp hơn.

Dân gian hiện truyền nhau câu: “Bắc - Luyện, Nam - Dương, Trung - Mằn” (tên gọi khác của Vi Văn Hai), để chỉ 3 kẻ ác thủ giết người phi nhân tính.
Trong 4 vụ việc nói trên đều có 4 đứa trẻ nhỏ, thì chỉ có 1 bé là may mắn sống sót (bé Na- Bình Dương), còn 3 bé (Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái) đã phải chịu chết dưới lưỡi dao của tên giết người không ghê tay.

Những vụ án chấn động dư luận như vậy đã trở thành trọng án của lực lượng công an.

Từ người đứng đầu ngành, cho đến những chiến sĩ tinh nhuệ nhất được điều động chẳng quản đêm ngày để tập trung phá án.

Sự rúng động xã hội của các vụ án nói trên là rất lớn. Nhiều người từng phút, từng giờ truy cập mạng nghe ngóng tin công an phá án, sốt ruột với tiến độ vụ án và mong sớm bắt được kẻ thủ ác để công lý sớm được thực thi.

Nhiều người chỉ nghe, đọc qua phương tiện thông tin đại chúng mà ám ảnh và nhỏ lệ thương khóc cho những những người bị thiệt mạng.

Mất mát lớn nhất với mỗi vụ giết người vẫn là sinh mạng con người, đó có thể nói là thứ quý giá nhất trong mọi sự tồn tại trên cõi đời này.

7 sự kiện nổi bật tuần qua

(GDVN) - Bắt "sát thủ" giết 4 người ở Yên Bái; Bé trai 7 tuổi rơi từ tầng 10 may mắn thoát chết; Bé trai 12 ngày tuổi bị đâm xuyên sọ...
Tước đoạt mạng sống là tước đoạt không chỉ sự sống của một cá nhân, một cá thể mà vô hình chung tước đoạt đi niềm hạnh phúc của bao gia đình, bao mối quan hệ thân thuộc của con người đó.

Mỗi vụ án còn gây nên biết bao tổn thất cho các gia đình và xã hội về người, về của, về tinh thần, về sự bình yên. Điều đáng nói là những mất mát về phương diện tinh thần của xã hội.
Câu chuyện xã hội (giáo dục, đạo đức) của mỗi vụ trọng án là không hề nhỏ. Sự sang chấn tinh thần của xã hội vẫn còn sau khi những vụ án đã lùi xa.

Những kẻ ác thủ gây nên tội “trời không dung đất không tha”, sớm hay muộn cũng sẽ phải chịu hình phạt tương ứng.
Kẻ tội phạm cũng chết là hết, về cơ bản coi như công lý được thực thi nhưng còn những người sống, những bậc phụ huynh của chúng cũng rơi vào tình trạng đang sống mà coi như chết rồi.

Bởi các mặc cảm tội lỗi của người thân mình gây ra cho người khác cho xã hội là rất ghê gớm, sẽ ám ảnh họ suốt cuộc đời làm cha làm mẹ của họ.

Những điều này, liệu kẻ ác thủ có nghĩ đến trước khi xuống tay hành động?. Chắc là không! Khi con quỷ dữ nổi lên cũng là lúc phần người bị che lấp và những kết cục thê thảm diễn ra, khiến cả xã hội phải đau lòng, xót xa cho những phận người.

Nếu mỗi tên tội phạm trước lúc gây án đều biết nghĩ, biết tự kiềm chế thì chắc chắn những hậu quả đáng tiếc là không thể xẩy ra và mọi sự vẫn trong giới hạn an toàn.
Cơ hội sống và làm người của chúng vẫn rộng mở. Chắc chắn bố mẹ và người thân của chúng không phải đau khổ vì tội tình mà chúng gây ra cho người khác.

Những vụ giết người không ghê tay trong các năm từ 2011-2015 khiến cả xã hội cảnh báo về mức độ tàn độc của tội phạm. Vì những mâu thuẫn không lớn mà chúng sẵn sàng giết người, sẵn sàng gây án mạng khủng khiếp.

Sau mỗi vụ án đầy mất mát và đau xót như vậy, những người có lương tri xót xa ngậm ngùi. Sao xã hội càng văn minh, mà bạo lực lại triền miên! Sao người ta có thể giết nhau vì những lý do lãng nhách, vì những sự ghen tuông hậm hực không lối thoát!

Sao không có thể có giải pháp gì hữu hiệu hơn để ngăn chặn bạo lực phát sinh, tránh hậu quả đau lòng? Dường như an ninh con người vẫn là một trạng thái lý tưởng chứ thực tế đâu đã có và không thể có một sớm một chiều. Ước mơ về một xã hội yên bình nhân ái nghe vẫn còn xa.

Hàng ngày mở mạng Internet ra, có biết bao tin tức về bạo lực, bạo hành, nhiều người cảm thấy xã hội ta đang ở tình trạng bất an ghê gớm.

Từ con số những 6200 người bị thương vong do ẩu đả trong những ngày tết Nguyên Đán 2015 vừa rồi, cho đến những vụ án ở Bình Dương, Nghệ An gần đây, tiếng chuông báo động về tội ác đã ở cấp độ dữ dội.

Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến- Cục trưởng Cục Hình sự Bộ Công An thì, tội phạm hiện nay ngày càng hoạt động có tính chất manh động hơn, bạo lực hơn, đặc biệt đang có xu hướng trẻ hóa. 

Vụ thảm sát làm 4 người chết tại Yên Bái: “Đối tượng ra tay quá tàn độc”

(GDVN) - Chủ tịch huyện Văn Yên (Yên Bái) nhận định, đối tượng giết 4 người trong một gia đình “ra tay rất tàn độc...”.
Theo thống kê, lứa tuổi thành niên, vị thành niên chiếm 70-80% tội phạm. Đó là con số đáng suy nghĩ nghiêm túc. Với tình hình bạo lực gia tăng thời gian qua, có ý kiến cho là, xã hội Việt Nam hiện nay đang xuống cấp mạnh mẽ về đạo đức con người.

Bởi một trong những dấu hiệu của xã hội bình yên và văn minh là con người biết kìm chế bạo lực và biết nói không với bạo lực.

Những vụ trọng án trên đây, và những bạo lực diễn ra hàng ngày trong xã hội ta có nhiều nguyên nhân: nguyên nhân kinh tế, nguyên nhân tâm lý - xã hội, nguyên nhân văn hóa, giáo dục.

Với mỗi nguyên nhân đều có những lí giải khá xác đáng. Tuy nhiên, dù lí giải hợp lý như thế nào đi chăng nữa thì vấn đề cuối cùng là giải pháp nào để giảm thiểu bạo lực, trả lại môi trường bình an cho đời sống con người. Đó ắt là câu chuyện của toàn bộ hệ thống chính trị chứ không riêng ngành hay lĩnh vực nào.

Trong lúc tìm và chờ những giải pháp tốt có thể tháo gỡ vấn đề, hơn bao giờ hết, mỗi người, mỗi công dân trong xã hội vẫn phải tiếp tục đề cao cảnh giác với các ác, với tội phạm. Khuyến ái lẫn nhau cơ chế tự phòng vệ trước bạo lực và tội ác.

Dù gì, an toàn sinh mệnh vẫn là hạnh phúc số một, là điều kiện tiền đề cho mọi sự hạnh phúc chính đáng ở trên đời.

Tài liệu tham khảo: 
1 'Tổng tư lệnh' cảnh sát hình sự kể hậu trường phá hai thảm án, 25/7/2015,
http://nghean24h.vn/news/Phap-luat-An-Ninh-Giao-thong/Tong-tu-lenh-canh-sat-hinh-su-ke-hau-truong-pha-hai-tham-an-318624.html
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, cách hành văn là của riêng tác giả.