Mình về làm nghiên cứu, cũng mạnh dạn tham gia một số HT/TĐ của Đoàn Thanh niên trong tháp tòa khoa học VASS. Hôm nay lần đầu tham gia một vấn đề của liên chi đoàn cơ sở của khối nghiên cứu quốc tế - VASS, hi vọng đúng sân chơi của mình. Bài đã xong và ấn đã gửi! Okie!
Chính trị và quan hệ quốc tế luôn có những điểm nóng, những vấn đề nổi cộm. Đồng thuận và xung đột lợi ích luôn đan xen. Vì lợi ích mà quan điểm thái độ của các chủ thể quốc gia/khối/liên minh có thể đổi chiều liên tục, không giống như cuộc chơi của những người bạn và những người hàng xóm kiểu nhà mình. Bạn bè, hàng xóm, nói một là một, coi đạo nghĩa làm đầu, để mất niềm tin không có chơi, thậm chí bị tẩy chay! Quan hệ quốc tế không phân liệt như vậy (trừ sự phân liệt cực đoan kiểu cũ của các khối kiểu cũ: CNXH/CNTB), mà là hợp tác và đấu tranh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đấy anh chàng khổng lồ Trung Quốc ngang tàng trên Biển Đông, một mình một phách, vô lối. Nhiều anh khác rất bực mình, chỉ trích nhưng vẫn phải chơi với anh chàng khổng lồ này. Anh CS không cùng đường với anh TB nhưng vẫn phải giương cao lá cờ hợp tác, chung sống, cùng có lợi. Nói là có thù địch, chống phá, phản động đấy, nhưng đấu tranh vẫn phải là tranh không đấu! Có ai chối bỏ/triệt tiêu được ai đâu!
Đọc và phân tích chính trị chiến lược quốc tế thực sự là thú vị, luôn mới (sự kiện, tình tiết, quan điểm, thái độ, hành động) ngay cả những vấn đề đã cũ.
Nhớ 2012, đi Hội thảo Việt Nam học, được gặp và chụp hình với Gs.Carl Thayer (Đại học Quốc phòng Úc), nhà phân tích chính trị hàng đầu về Châu Á- Thái Bình Dương, rồi thi thoảng đọc các phát biểu, phân tích của ông, thực sự là ngưỡng mộ Ông. Hình như Ông đi theo tốc độ "gió" của các sự kiện nóng hổi.
Cái hay của nhà nghiên cứu quốc tế là đi cùng sự kiện, sống cùng sự kiện nhưng cái tài của họ phải là đi xuyên sự kiện, đi trên sự kiện và giữ được thái độ trung tính, khách quan trong nghiên cứu, thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Chưa nói là mỗi bài viết, bài trao đổi cần phải chắc chắn, sắc sảo và có sức thuyết phục.
Và nghiên cứu quốc tế thì khó mà "nói không" với ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh. Tiếng Anh ngày nay không còn là English của người xứ England mà là Globish!
Thú vị thay nhưng cũng khó khăn thay!
HN 20.8.2015