Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Văn hóa biển Việt Nam

Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa- Nghệ thuật 345, 2012, bản giấy. Tạp chí Văn hiến điện tử đăng lại online. Hy vọng sẽ viết được nhiều hơn về biển đảo, địa chính trị biển đảo.
--------------------------------------------------------------------------------------------

 http://vanhien.vn/vi/news/Bai-viet/Van-hoa-bien-Viet-Nam-15996/

Thứ sáu - 21/08/2015 21:55

Việt Nam với 3260 km đường bờ biển và khoảng 1 triệu kmvùng biển có chủ quyền đã tạo nên nhiều dấu ấn văn hóa biển đặc trưng. Truyền thốngvăn hóa biển ở Việt Nam đa dạng và phong phú với nhiều loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện trong nghề đi biển, giao thương biển, tổ chức xã hội, lễ hội, tập tục, truyền thống chống ngoại xâm của cư dân ven biển...Văn hóa biển nảy nở trên đất nước có chiều dài đường bờ biển gấp đôi đường bộ, người dân cật lực mưu sinh, cuộc sống gắn với biển và cũng mang trong mình niềm tự hào lớn lao về biển.
 Việt Nam, văn hóa biển là một khái niệm khá mới mẻ. Theo Trần Ngọc Thêm, văn hóa biển "là hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại, lấy biển cả làm nguốn sống chính...Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường...”(1). Ngô Đức Thịnh quan niệm văn hóa biển "là hệ thống tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu tượng rút ra từ những hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển"(2).

Khi đề cập đến văn hóa là đề cập đến các giá trị, vì thế văn hóa biển có thể hiểu là tập hợp các giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và tích lũy dần trong quá trình chung sống với biển. Văn hóa biển của người Việt có thể nhìn nhận từ phương diện vật chất (chiếm hữu, khai thác, bảo vệ), phương diện tinh thần (yêu biển, hướng biển, tư duy về biển, các sinh hoạt tinh thần trong mối quan hệ với biển).



1. Phương diện vật chất

Chiếm hữu - khai thác

Theo tư liệu từ những đợt khai quật khảo cổ học, dấu ấn của biển đã hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời kỳ tiền sử. Những di chỉ như đống vỏ sò hay cồn sò điệp trong các nền văn hóa Quỳnh Văn, Bàu Tró, Thạch Lạc, Hạ Long... đã minh chứng biển là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng ngàn năm trước.

Trong quan hệ cộng sinh với biển, từ xa xưa, người Việt đã có kỹ thuật làm muối độc đáo, nấu nước biển để cô lấy muối. Người Việt còn học cáchchưng cất nước mắm từ các nguồn lợi thủy sinh biển của người Chăm để từ đó nước mắm đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong sinh hoạt ẩm thực của người Việt. Bên cạnh đó, người Việt cũng đã tiếp thu kỹ thuật sử dụng và đóng ghe bầu lớn của người Chăm để đi biển xa.

Người Việt đã sớm phát triển giao thương buôn bán, tích lũy kinh nghiệm thương mại qua đường biển. Nhờ hoạt động kinh tế biển mà các cư dân Đông Nam Á và bán đảo Đông Dương (trong đó có Việt Nam) đã biết hội nhập những thành tựu văn hóa, văn minh Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư, La Mã. Từ TK XVI-XVII, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các nước lân bang như Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương (Inđônêxia), Xiêm La... Trong lịch sử, có những vùng biển hết sức trù phú, đó là những thương cảng, các đô thị xưa gắn với các triều đại phong kiến, mà tiêu biểu là Vân Đồn, phố Hiến, Hội An... Điều này đã minh chứng rằng người Việt từ rất sớm đã biết hướng ra biển để mở rộng giao lưu buôn bán với bên ngoài.

TK XVIII, với sự xác lập của nhà Nguyễn, các triều đại từ Nguyễn Ánh cũng đã chú ý đến đóng thuyền bè với trình độ khá cao, được các nước lân bang đương thời khen ngợi. Thực tế, công nghệ đóng tàu biển hiện nay của Việt Nam đã kế thừa kỹ thuật truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, thu hút được sự quan tâm của các thương nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chiếm hữu - bảo vệ

Ký sự Batavia (Janounal de Batavita) viết về sự kiện các tàu biển thuộc công ty Đông Ấn bị nạn tại quần đảo Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong vào năm 1634; quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh hải Việt Nam lúc bấy giờ, do chúa Nguyễn quản lý để kiểm soát các tàu biển qua lại khu vực này. Theo các tài liệu thành văn còn lưu lại thì chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) đã thành lập đội Hoàng Sa, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa), không chỉ khai thác nguồn lợi hải sản mà còn đo đạc địa vực, hải trình, xác lập chủ quyền của tổ quốc trên những vùng biển đảo xa xôi,hiểm trở. Giám mục Jean Louis Taberd người Pháp, nhiều năm truyền giáo ở Đàng Trong, cũng ghi lại rằng vào năm 1816, vua Gia Long đã tới cắm cờ và chính thức xác lập chủ quyền ở các bãi đá này. Điều đó đã thể hiện chủ quyền của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa.

Các cuộc lấn chiếm của ngoại bang thường bắt đầu từ phía biển nên ông cha ta rất chú trọng đến việc phòng thủ, xây dựng nghệ thuật quân sự biển. Ngô Quyền lợi dụng thủy triều để chống giặc, giành thắng lợi lớn vào năm 938. Thời Trần, có tướng Yết Kiêu tài ba dùng thủy chiến để thắng giặc. Vùng hải cảng Vân Đồn còn được coi là trấn cảng phía đông bắc của tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ gần đây, ngoài việc dựa vào rừng, người Việt đã sớm dựa vào biển, khai thác đường biển, phục vụ cho kháng chiến. Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển với những đoàn tàu không số chở quân lương và vũ khí cung cấp cho miền Nam... làm nên kỳ tích trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước là một minh chứng tiêu biểu.

2. Phương diện tinh thần

Lịch sử truyền thống văn hóa biển của người Việt cổ được ghi dấu, lưu giữ trong các tư liệu sinh hoạt và lễ hội độc đáo liên quan đến biển của bà con ngư dân khắp đất nước. Những sinh hoạt và lễ hội thể hiện tín ngưỡng của người Việt như: thờ các vị thần biển, cầu mong sự yên ổn, làm ăn an lành,thuận lợi, thể hiện ở tục thờ cúng, cầu long vương, thủy thần. Sinh động và thực tế hơn, đó là tục thờ cá voi phổ biến trong cộng đồng cư dân ven biển từ Thanh Hóa đến Kiên Giang. Cá voi là một loài cá ở biển, được coi là biểu tượng của một vị thần hiển linh, luôn gần gũi, cận kề giúp đỡ con người trước sự huyền bí, nguy hiểm của đại dương nên được tôn là cá ông. Vì thế, đối với cư dân làm nghề biển, cá voi không những được kính trọng trong tâm tưởng lúc sống mà khi chết còn được cư dân an táng một cách trang trọng, bài bản với các lễ tiết trang nghiêm.

Các lễ hội thể hiện tâm thức cầu an của người dân biển như lễ xông mũi thuyền ở làng chài Cửa Vạn - Quảng Ninh, lễ hội cầu ngư, lễ hội nghinh ông của dân ven biển Trung Bộ, Nam Bộ... Lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu gửi gắm niềm tin, mong sóng yên biển lặng, đánh cá bội mùa, góp phần giải tỏa, điều tiết đời sống tâm lý, tinh thần của cá nhân và cộng đồng ngư dân, tăng cường sức mạnh cộng đồng.

Có lẽ do sự hạn chế về trình độ và sức sản xuất nên sự chiếm hữu biển buổi đầu của người Việt hết sức hạn chế. Mọi hoạt động biển của người Việt thời cổ và trung đại chủ yếu chỉ diễn ra ở vùng ven biển. Có khá nhiều ý kiến đồng thuận rằng, người Việt đã có sự chiếm lĩnh biển khá sớm, tuy nhiên chỉ là vùng biển ven bờ, biển cận duyên: "Truyền thống biển trong văn hóa của người Việt là truyền thống biển cận duyên" (3). Với cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi vào TK XVII, người Việt mới thực sự nhìn xa ra biển, phát hiện thêmnhiều điều thú vị về biển. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: "Hay thay và cũng tuyệt thay, đi về Nam, người Việt lại cùng đồng thời nhìn ra biển, nhận ra biển, nhận ra không gian sống mới, không gian sinh tồn và phát triển mênh mông của mình"(4). Cho đến nay, tầm nhìn đó được mở rộng hơn, xa hơn và sâu hơn, người Việt đang thực sự hướng ra biển với một tâm thế làm chủ.

TK XXI được cho là thế kỷ của đại dương. Các dân tộc đều hướng về biển để khai thác nguồn lợi và mở rộng quan hệ thông qua đường biển. Việt Nam sẽ phát triển một nền kinh tế biển, phát huy văn hóa biển cùng thế giới và giàu mạnh lên từ biển nếu biết tận dụng, khai thác nguồn lợi biển, sức mạnh văn hóa biển.

Tuy nhiên, tình hình thực tế đang đặt ra không ít những quan ngại từ phía biển. Chủ quyền biển đảo đất nước đang bị đe dọa, xâm lấn. Sự kiện các tàu hải giám Trung Quốc ngày 26-5-2011 vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam, gây thiệt hại về kinh tế và cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khiến cho tình hình biển Đông càng thêm căng thẳng. Tàu thuyền Trung Quốc coi thường Công ước luật Biển 1982, ngang nhiên xâm phạm vùng lãnh hải, đánh bắt hải sản và chèn ép sự tự do của ngư dân Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, bên cạnh nguồn hàng hóa của ngư dân đang phải bán với giá rẻ mạt, môi trường biển còn đang bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng. Nạn tràn dầu chưa rõ nguyên nhân xảy ra gần đây cũng đã để lại những hậu quả không tốt cho môi sinh. Dịch bệnh ở nhiều vùng ven biển xuất hiện do lối sống sinh hoạt thiếu vệ sinh của bà con ngư dân, tác động trái chiều của quá trình đô thị hóa biển...

Hiện nay, chưa có được một chính sách hiệu quả cho việc xây dựng hình ảnh quốc gia biển cho đất nước. Những chính sách được thực thi trong thời gian qua chỉ tập trung đầu tư cho nguồn vốn và kỹ thuật để khai thác biển, chưa chú ý đến việc xây dựng và bảo tồn một nền văn hóa biển. Cả nước chưa có một bảo tàng xứng tầm về văn hóa biển của người Việt Nam. Đó là những điều đáng để những người có trách nhiệm quan tâm suy nghĩ, sớm đưa ra những giải pháp cụ thể.

Biển đảo Việt Nam đang là một chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn nghị sự. Dọc vùng biển đất nước, nhiều hoạt động văn hóa biển được tổ chức long trọng nhằm khơi dậy lòng tự hào, ý thức chủ quyền quốc gia dân tộc. Biển và các giá trị của biển luôn có mối quan hệ mật thiết với đời sống người Việt, không chỉ hôm qua, hôm nay mà mai sau. Vì vậy, giữ gìn, xây dựng và phát huy văn hóa biển là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.
_______________
1. Âm vang văn hóa biển đảo với Festival biển 2011, phapluatvn.vn.
2. Ngô Đức ThịnhTruyền thống văn hóa biển cận duyên của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 316,2010, tr.15.
3. Nguyễn Thị Hải LêĐặc trưng văn hóa biển của người Việt, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 315, 2010, tr.90.
4. Biển Đông và hải đảo Việt Nam Kỷ yếu tọa đàm khoa học, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.160.
Tác giả bài viết: Phạm Xuân Hoàng
Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 345