Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

RƯỢU UỐNG ĐỦ DUYÊN

(Nhân nghe chuyện một NCS Học viện Điện khí, Đại học Giang Tô, Trung Quốc bị đột tử vì uống quá nhiều rượu trong buổi tiệc tất niên)
***
Rượu xin đừng ép
Ép xin đừng uống
Uống xin đừng sĩ
Sĩ để làm gì!
Thường thì cuộc nhậu
Rượu vào lời ra
Vui đâu chẳng thấy
Tình nghĩa nhạt nhòa
Rượu thì có rượu
Xin đừng có say
Con đường trước mặt
Ai hay ổ gà
Tay lái cần vững
Mạng người mạng ta
Rượu thì có rượu
Uống đủ giao duyên
Đừng vì quá chén
Chuốc lấy ưu phiền
Vui cùng cuộc rượu
Vững vàng tương lai
Đừng vì cuộc rượu
Tàn nhạt đời trai
[Paxuho]
P.s. Ảnh có tính chất minh họa từ mạng internet

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

CHUYÊN SAN KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN NGHỆ AN - MỘT DIỄN ĐÀN KHOA HỌC TIN CẬY VỀ XỨ NGHỆ

Tôi biết đến Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn (Chuyên san KHXH&NV) Nghệ An vào khoảng năm 2011 và nẩy sinh ý tưởng viết cho Chuyên san. Tháng 8 năm 2012, Chuyên san đăng bài viết đầu tiên của tôi với tựa đề “Hằng số tính cách người xứ Nghệ trong bối cảnh đất nước hội nhập” (ít lâu sau đó, Tạp chí Văn hóa Nghệ An điện tử cũng đăng bài này). Kể từ đó, thi thoảng tôi lại viết cho Chuyên san KHXH&NV Nghệ An. Không những thế tôi còn giới thiệu Chuyên san cho nhiều nhà nghiên cứu cùng biết, có thể họ cũng có sự quan tâm. Trong số này, có PGS.TS. Vương Toàn - nhà ngôn ngữ, nhà thư viện học, nhà Thái học ở Hà Nội cũng quan tâm và đã viết, đăng bài trên Chuyên san. 
Upload
Ban biên tập Chuyên san
Xin được cảm ơn Chuyên san KHXH&NV Nghệ An đã tạo điều kiện để cho người con xứ Nghệ xa quê như tôi, thông qua Chuyên san, được bày tỏ sự quan tâm với quê hương, cũng như những vấn đề của KHXH & NV xứ Nghệ.
Theo dõi Chuyên san KHXH&NV Nghệ An trong 5 năm qua, tôi có mấy nhận xét như sau:
1. Nội dung các bài viết trên Chuyên san KHXH&NV Nghệ An có hàm lượng tri thức khoa học cao, được lựa chọn nghiêm túc. Các vấn đề được đề cập khá đa dạng và từ nhiều góc độ khác nhau, chủ yếu quan tâm đến đất, người Nghệ An, văn hóa - xã hội Nghệ An trong lịch sử - hiện tại. Nhìn chung, các bài viết có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có giá trị phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An, có ý nghĩa tham khảo đối với những người nghiên cứu sâu về xứ Nghệ cũng như những người quan tâm đến Nghệ An nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Theo tôi, tuy là diễn đàn của một Sở Khoa học & Công nghệ ở địa phương nhưng Chuyên san KHXH&NV Nghệ An có dáng dấp, phong độ của một tạp chí ở tầm Trung ương. Đó là một điều rất đáng được ghi nhận.
2. Chuyên san KHXH&NV Nghệ An biết thu hút được đội ngũ cộng tác viên đông đảo với nhiều nhà khoa học đã thành danh, trong đó có không ít người có tâm huyết với xứ Nghệ, là con em hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện đang công tác mọi miền đất nước cũng như những người ở địa phương khác nhưng có sự quan tâm đối với xứ Nghệ.
3. Nhiều hội thảo/tọa đàm do Trung tâm KHXH & NV Nghệ An tổ chức, đồng tổ chức được giới thiệu trên Chuyên san đã bám sát những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước như đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc tích hợp hay không đối với môn sử học, v.v..., thu hút được sự quan tâm và hoan nghênh của độc giả.
4. Công tác cộng tác viên như trả nhuận bút và gửi báo biếu được các biên tập viên của Chuyên san thực hiện khá cẩn thận, chu đáo, làm hài lòng những cộng tác viên và các tác giả cộng tác với Chuyên san.
Đó là những kết quả của Chuyên san đã đạt được, rất căn bản và quan trọng mà theo tôi, Chuyên san, rộng hơn là Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Nghệ An nên tiếp tục phát huy. Và với những kết quả nói trên, tôi nghĩ Chuyên san có thể và xứng đáng trở thành diễn đàn khoa học tin cậy về xứ Nghệ.
Tuy nhiên, có một số điểm/mặt mà tôi cho rằng Chuyên san cần chú ý thay đổi hoặc cải tiến theo hướng hội nhập và hiện đại hơn, đó là: bìa in tuy có thiết kế nhưng còn đơn giản, giấy bìa nhanh bị dập, nát, bạc màu. Trang bìa 2 của Chuyên san còn màu mè, rối, chưa bắt mắt. Khổ giấy còn ở dạng khổ giấy báo chứ chưa phải khổ tạp chí; căn lề, mi trang còn đơn giản; số lượng các bài về lịch sử, văn hóa, văn học, còn chiếm dung lượng nhiều so với các bài viết về các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội hiện thời.
Để hiện đại hóa, nâng tầm Chuyên san, đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao (thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm KHXH &NV đang thực hiện), tôi xin có mấy ý kiến như sau:
Một là, tiếp tục nâng cấp Chuyên san, phấn đấu trở thành một tạp chí khoa học về văn hóa phát triển vùng xứ Nghệ, đặc biệt là diễn đàn của các nghiên cứu về “Nghệ học” của học giả trong và ngoài nước. Riêng “Nghệ học” bấy lâu là một ngành nhiều tiềm năng, cần được chú trọng phát triển. Phạm vi các bài viết đăng trên Chuyên san không chỉ là đề cập tới Nghệ An mà cả xứ Nghệ; giới thiệu cái hay, cái đẹp, những nét nổi bật và cả cái chưa được, hạn chế của kinh tế - xã hội, con người Nghệ An (và Hà Tĩnh) hiện nay.
Hai là, mở rộng thu hút đội ngũ cộng tác viên rộng rãi khắp cả nước, đặc biệt là cộng đồng giới nghiên cứu KHXH & NV là con em người Nghệ ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, v.v... Chính lực lượng này hơn ai hết sẽ là những người có nhiều sự quan tâm, có những trăn trở với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có những ý kiến sát thực với tình hình kinh tế - xã hội của xứ Nghệ.
Ba là, tiếp tục kết nối tổ chức, đăng cai tổ chức các hội thảo/tọa đàm khoa học có liên quan đến Nghệ An và xứ Nghệ, lịch sử văn hóa con người xứ Nghệ; thực hiện các tọa đàm đi vào các vấn đề nóng của phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nếu có điều kiện nên tổ chức gặp gỡ cộng tác viên tại Hà Nội, tại Nghệ An - những nơi có lực lượng nghiên cứu KHXH & NV thường xuyên và hùng hậu.
Bốn là, cân đối số lượng các bài viết về lịch sử, văn hóa truyền thống với các vấn đề thực tế đặt ra hiện nay, nên có mục giới thiệu các ấn phẩm có giá trị hoặc mới (sách, bài viết ...) về đất và người xứ Nghệ, về kinh tế - văn hóa xứ Nghệ.
Năm là, về phương diện kỹ thuật: nên thay đổi chất liệu trang bìa, trang bìa 2 nên để trắng giới thiệu các nội dung như của Chuyên san; mi trang, trình bày bắt mắt hơn, khổ trang chỉ nên tương đương với các tạp chí khoa học hiện hành. Nếu điều kiện cho phép, nên tăng số lượng trang lên 80 trang đến 100 trang/kỳ phát hành.
Sáu là, làm tốt hơn nữa công tác giới thiệu, quảng bá Chuyên san đến các thư viện tỉnh thành khắp cả nước, các trường đại học lớn có đào tạo các ngành  KHXH&NV. Hiện nay, ở Thư viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm KHXH&NV đã có mặt thường xuyên của Chuyên san.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển của Trung tâm KHXH&NV Nghệ An, với tư cách là một độc giả và là một cộng tác viên của Chuyên san, tôi chúc Chuyên san - diễn đàn của Trung tâm, rộng hơn là của KHXH&NV Nghệ An tiếp tục đổi mới và phát triển, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An và xứ Nghệ; kính chúc đội ngũ các anh chị ở Trung tâm, trực tiếp là những người làm Chuyên san dồi dào sức khỏe, thành công và hạnh phúc.
Phạm Xuân Hoàng
Chuyên san KHXH và Nhân văn Nghệ An, số tháng 12 năm 2016

TA NHẬN ĐƯỢC GÌ TỪ CÁC BẬC BỀ TRÊN

(Viết trong ngày Noel)
***
Mình mộ Phật, và ít nhiều trọng tư tưởng Nho giáo, mình không là tín đồ của Thiên Chúa, nhưng mình yêu tư tưởng bác ái của Chúa.
Mình có một số bạn bè thời đại học là con dân xứ đạo. Sau trong số đó nhiều người học làm Cha. Đã có lần mình trải nghiệm một ngày lễ của các bạn ấy, vào nhà thờ và hành lễ như một con chiên. Các bạn ý đối xử với mình rất tốt, để lại trong lòng mình những xúc rất tốt đẹp. Các bạn tạo cảm giác an lành khi ở gần và chân thành chia sẻ với mình trên đường đời.
*
Giáng Sinh không phải của người Việt nhưng lâu nay đã được "Việt hoá". Và thực tế là tinh thần của giáng sinh Đức Chúa đang "nhập thế" trong xã hội Việt.
Những bài ca, điệu nhạc du dương, thông và nến lung linh làm cho đêm Giáng sinh đáng yêu hơn.
Sắc màu không khí Noel thật ý nghĩa với trẻ nhỏ và các đôi uyên ương.
Ngày còn sinh viên không ít lần tụi mình vào nhà thờ Phùng Khoang để tận hưởng không khí Xmas. Đó là sự "ăn theo" đầy vui vẻ và lãng mạn.
Giờ đây, đôi khi đọc được vài câu Thánh Kinh, mình thấy đó là những ý nghĩa thật tuyệt. Có lẽ đó không phải sự thẩm thẩm thấu đức tin mà là sự thụ cảm văn hoá: Văn hoá từ tôn giáo.
*
Theo một đạo này hay đạo kia là vấn đề lịch sử và nhu cầu Đức tin. Ngày nay đó là quyền tự do tín ngưỡng. Cuộc sống vốn đa dạng và khác biệt. Tôn giáo cũng khác biệt và đa dạng, nhưng tư tưởng các tôn giáo rất "dung thông". Các tôn giáo đều hướng thiện và chuộng hoà bình. Chỉ có Hồi giáo đôi khi Đức tin bị đẩy lên cực đoan là do những nhân tố ngoài tôn giáo.
Ngày nay, ta nói Phật phù hộ độ trì cho bạn, thì cũng tương tự như ta nói Chúa ban phước lành cho bạn.
Niệm Phật, nguyện Chúa, cầu Thánh đều có giá trị như nhau.
Phật Chúa Thánh A la...là những bậc đồng đẳng trong Đức tin của nhân loài. Ai theo tôn giáo nào, người đó hành xử quy tắc của tôn giáo đó mà thôi.
Nhưng dù theo tôn giáo, học pháp nào thì cũng đều phải yêu nước và coi trọng các giá trị đạo đức con người. Đó mới thực sự làm người "có đạo".
Theo đạo, thờ thần cũng phải sống trong một xã hội nhất định phải thượng tôn pháp luật và hành xử trên nền tảng những chuẩn mực văn hoá dân tộc.
Tiếc là một số người mang danh là con chiên của tôn giáo nhưng không "tu khẩu", hành xử không đúng mực với Đức tin của mình.
Âu cũng là cái hạn chế của nhân loài, là gót chân Asin của con người.
*
Ngày Giáng sinh nhận được nhiều lời chúc phúc của bạn hữu, cám ơn mọi người. Nhân thế, xin tản mạn đôi lời, cầu cho tất cả dù là tín đồ hay không tín đồ của tôn giáo nào cũng đều được yên bình và soi rọi bởi ánh sáng của lương tri và trí tuệ vô lượng của Phật, Chúa, Thánh.
Tạo hóa không an bài cho tất cả (Thiên định dành phần cho nhân định), hãy tinh tấn nương theo niềm tin, sự phù trợ của Phật, Chúa, Thánh và của các bậc bề trên để được hoàn thiện mình hơn.
Mùa Noel 2016

TÔI THẤY Ở THỦ TƯỚNG MỘT NIỀM TIN

Thủ tướng xuống xe, chậm rãi chào hỏi các lãnh đạo VASS, sau đó đi vào không gian sách, bản đồ, tư liệu trưng bày nơi tiền sảnh. Thủ tướng xem tạp chí, đến là các cuốn sách được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước, sau đó thì quay sang xem các bản đồ. Không gian này chủ yếu được chuẩn bị bởi Viện Kinh tế, Viện Thông tin KHXH, Viện sử học, Viện Hán Nôm, Viện Văn hóa và Viện Nghiên cứu Con người.
Ở khoảng cách gần của không gian trưng bày sách, đối diện với Thủ tướng, tôi chụp được dăm bức hình về ông, nghe được vài ba lời ông nói về các sản phẩm của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, về giá trị của những công trình mà Chủ tịch Viện giới thiệu với ông. Đoạn xem bản đồ biển đảo, có một chi tiết khá thú vị là Thủ tướng dò bản đồ, định vị quê hương Quãng Nam của ông, chỉ tay vào bản đồ nói và với em Nguyễn Cẩm Lệ- nhân viên phục vụ giới thiệu sách đứng cạnh bên: Nhà chú ở đoạn này.
Cử chỉ của Thủ tướng biểu lộ sự giản dị và thân tình. Không có cảm giác nhiều cách biệt.
* * * 
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có vinh dự đón ông tới dự tổng kết năm 2016, phát biểu chỉ đạo, mà quan trọng là qua đây để ông lắng nghe những kiến nghị, những tâm tư của các nhà khoa học, có thể từ đó hình thành thêm những ý tưởng về thúc đẩy phát triển khoa học nói chung, về phát triển KHXH Việt Nam nói riêng.
Nhiều ý kiến tâm huyết của GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, PGS.TS.Trần Đình Thiên, PGS.TS. Trần Thị An đã phát biểu xoay quanh vai trò của khoa học xã hội, những rào cản đối với khoa học, nhu cầu đổi mới thể chế, sự đối xử đối với nhà khoa học, để tạo đà cho khoa học có sự đột phá phát triển.v.v... Những phát biểu đó không hẳn là mới, ít nhiều được nghe ở nơi này nơi kia, nhưng lần này nghe các nhà khoa học rút ruột nói ra trước mặt Thủ tướng mới thực thấy được độ tâm huyết. Các nhà khoa học chân chính bao giờ cũng tâm niệm các nghiên cứu của mình phải hướng tới phát triển, hướng tới giải quyết những vấn đề bức xúc của đất nước và nhân dân, hướng tới phát triển con người.
Sẽ là tuyệt vời nếu như những kiến nghị của Viện của các nhà khoa học được Thủ tướng và những người có trách nhiệm ở thượng tầng lắng nghe. 
Thật tuyệt vời nếu nhà nghiên cứu không đóng vai viên chức, công chức; hoạt động khoa học thoát khỏi chiếc áo hành chính xơ cứng; nhà khoa học đích thực tự do với tầm hồn nghệ sĩ, lao động sáng tạo, truy tìm chân lý.
Sẽ là tuyệt vời nếu khoa học xã hội thực sự được coi trọng, được tạo đà đột phá phát triển, được góp phần vào “kiến tạo” phát triển.
*
Thủ tướng nhấn mạnh 4 yêu cầu đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Một trong các yêu cầu đó là Viện HLKHXH Việt Nam phải là “địa chỉ đỏ” để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến đặt hàng giải quyết các bài toán mang tính xã hội, cũng như nơi cung cấp thông tin chuẩn mực về quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác. 
Và Thủ tướng cũng đặt hàng cho Viện giải quyết 5 vấn đề đang đặt ra hiện nay, đó là:
Thứ nhất là nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế - xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực. Hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vậy thể chế nào để giải quyết vấn đề này, thể chế nào để người dân tin, ủng hộ Đảng, Nhà nước chúng ta. 
Thứ hai, nghiên cứu đặc điểm địa lý kinh tế nhân văn từng vùng miền để từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp, nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 
Thứ ba là giữ gìn và phát huy bản văn hóa sắc dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng. 
Thứ tư, tập hợp luận cứ khoa học mang tính thuyết phục cao để làm cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia. 
Thứ năm là, đề xuất cơ chế hữu hiệu hơn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đưa Việt Nam đạt và vượt mục tiêu có trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. 
Những đặt hàng trên đây của Thủ tướng sẽ là động lực thúc đẩy Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của của Viện. 
* 
Cá nhân tôi, thi thoảng vẫn thấy Thủ tướng trên ti vi, ở ngoài đời gặp ông là chuyện hiếm. Ở lần gặp gỡ này, nghe cách ông lắng nghe, nghe ông nói, tôi thấy ở Thủ tướng một niềm tin.



Trong hình ảnh có thể có: 3 người, mọi người đang ngồi và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 4 người, mọi người đang ngồi, bộ vét và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 3 người, bộ vét và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 4 người

Chân đã bước lên bậc thềm năm mới
*
Chân đã bước lên bậc thềm năm 2017, nhìn lại năm 2016, một năm tự thấy là có chút thành quả nho nhỏ trong học tập và công việc. Như vậy, có thể gọi là thành công không?
Có câu châm ngôn nói rằng: mới có chút thành quả đã coi là thành công đó là tư duy của kẻ kém cỏi.
Thành công là một quá trình. Với những người trẻ, con đường thành công chưa bao giờ có điểm dừng.
Thành công phải chăng là quá trình chiếm lĩnh những đỉnh cao.
Nhân thể, lạm bàn một chút về đỉnh cao.
Mỗi người trong đời đều muốn vươn tới những đỉnh cao. Nhưng đỉnh cao chỉ là thang đo định tính. Khi ta bước tới đỉnh núi ta ước, ta lại thấy những không gian cao vợi, bao la và quan trọng nữa, khi đặt chân lên được núi, ta phải giữ được thăng bằng. Dưới đỉnh cao là thăm thẳm sâu. Lên cao không hẳn ta đã là người chiến thắng. Đi được ngọn núi này, ta lại thấy ta mới đứng trên núi, chứ ta không phải là kẻ làm chủ nó. Chiếm hữu một đỉnh cao, không khó như hái sao trời nhưng thường là một cuộc chiến tranh tổng lực. Lên đỉnh núi cũng nghĩa là ta đã đi những chặng đường xa và cũng đã vượt trùng nan.
Nếu coi thành công là vươn tới những đỉnh cao thì thực ra, ta chỉ là tiệm cận đỉnh cao.
Với ý nghĩa như vậy, thành công vẫn luôn là phía trước, là cơ hội cho người leo núi thử sức mình.
*
2017- Đinh Dậu, tiếng gà đã gáy. Năm mới có hát khúc hoan ca, tất cả tuỳ thuộc cách mình hành động, thái độ mình ứng xử và cơ duyên nào sẽ đến với mình.
Nhìn lại một năm, anh bói fb nói rằng mình là người hạnh phúc. Cũng đúng. Hạnh phúc vì được yêu thương. Hạnh phúc vì được phù trợ. Hạnh phúc vì ít nhiều mình được là mình.
Trong những công việc riêng chung, có không ít mệt mỏi. Hình như cái khó nhất là buông xả để yêu thương .
Viết mấy câu này cũng là để nhắc mình sống tốt hơn:
*
Ai rồi cũng có một ngày
Bỏ buông tất cả đất này mà đi
Nhắc nhau hãy bớt thi phi
Để lòng tĩnh tại thương thì cho nhau
(Buông xả để yêu thương)
*
Năm 2017, với mình sẽ là một năm đầy đối mặt, đầy thách thức, với nhiều ấp ủ, dự định, tự dặn mình rèn dũa khí chất và tinh lực của chú gà trống bước tiếp dặm trường vươn tới thành công.
Chúc mừng năm mới 2017
Thành công và Hạnh phúc
Happy New Year !
Đêm giao thừa 2016-2017
---
Ps. Fb dự báo mình sẽ có nhiều tiền
Ôi, có lẽ mình phải tính chơi xổ số Vietlotte thôi (#) (*)
Mừng Bà đại thọ trăm tuổi
*
Tết dương lịch, cả nhà về quê mừng thọ bách niên bà nội của vợ, không nghĩ về ý tưởng thơ tặng bà. Thực ra thơ ca với mình là chuyện nghiệp dư. Đôi khi không coi nó làm trọng.
Sáng ra đang chuẩn bị trang phục cho ngày lễ vợ gọi điện bảo mọi người đang bảo cháu rể làm thơ tặng bà và bảo như đặt hàng trên đường đi phải làm ra thơ nhé. Thế là trong khoảng thời gian chờ đợi bếp núc và chuẩn bị, viết ít dòng này tặng Bà. Gọi là thơ cháu rể mừng Bà đại thọ tuổi một trăm. Kính mừng Bà trong ngày lễ trọng của cuộc đời.
Mừng bà thượng thọ bách niên
Vui cùng con cháu vui duyên đường trần
Lộc phúc hội đủ miền xuân
Sống thêm tuổi mới thêm phần dẻo dai
Bà đi cả những dặm dài
Trăm năm nhìn lại mấy ai như mình
Thêm xuân thêm thắm nghĩa tình
Thêm chắt thêm phước thêm vinh với đời
Nhìn lên là những núi đồi
Nhìn sang là cánh sông trôi rộng dài
Nghìn năm năm đất mẹ sâu dày thủy chung
Trăm năm hơn cuộc trăm năm
Trăm năm con cháu hội thăm mừng bà
Chúc bà tiếp bước vui nhà vui xuân
(Gia Viễn, 1/1/2017)
Bà trăm tuổi vẫn minh mẫn. Nhớ chuyện xa xưa và hiểu biết chuyện đời nay. Đúng là thuộc lớp người "xưa nay hiếm".

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Bún chả Hà Nội



BÚN CHẢ HÀ NỘI
*
Bún chả có lẽ không đâu ngon bằng Hà Nội. Có ai đồng ý với tôi điều này không nhỉ!? Ăn uống là thói quen và khẩu vị cá nhân, nhưng miếng ngon khó có thể là ngon với người này mà không ngon với người kia. Chúng ta về cơ bản có một vị giác khá giống nhau.
Từ ngày Tổng thống nước Mỹ, Obama sang Việt Nam và đến thưởng thức bún chả ở con phố Lê Văn Hưu thì bún chả Hà Nội được nâng lên một tầng nấc mới trong cái thú ẩm thực của cư dân Hà Nội. Nhiều người biết tiếng hơn và các quán bún chả ngon cũng có dịp phát tài hơn. Từ lâu, hình như người ta có thể viết "Bun cha" không dấu trên báo quốc tế như một danh từ riêng và nhiều vị khách phương Tây đến Hà Nội gọi tên bún chả phát âm bằng tiếng Việt lơ lớ đầy cảm hứng.
Với mình, mình vẫn thích bún chả. Thi thoảng đi nơi này nơi kia, ăn bún chả, trong sự so sánh với bún chả Hà Nội, mình vẫn cảm nhận bún chả HN có vị riêng. Có thể đó chỉ là cảm nhận cá nhân nhưng thành thực mà nói, khi đã yêu thích bún chả một phố phường nào Hà Nội thì rất nó thường là sự lựa chọn luôn luôn. Và nó luôn luôn cũng là địa chỉ để đãi khách.
Trong cái rét của mùa đông Hà Nội, gọi một bán bún chả còn nóng hôi hổi, một đĩa bún và ít cọng rau thơm là đã có thể có một bữa trưa ngon miệng. Cái món ăn bình dân người lao động sáng tạo nên nhưng trong văn hoá ẩm thực của dân tộc, nó đã có một thế đứng rất riêng.
Những người đã sống và yêu Hà Nội, đi xa có bận lòng về những món ăn.
Hà Nội văn hiến, Hà Nội thanh lịch hay tao nhã giờ còn không, đôi khi vẫn là những dấu hỏi trong con mắt của nhà nghiên cứu văn hoá có nghề.
Nhưng đôi khi cũng khó có thể cắt nghĩa được mọi điều dưới phương diện khoa học, bởi nói như thi sĩ Chế Lan Viên thì "Khi ta ở là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn"
Với mình, Hà Nội chỉ là quê hương thứ hai, nơi lựa chọn để sống và làm việc và cũng để yêu thương, vì thế cho nên,
Rồi đi đâu cũng lại về Hà Nội
Ngắm những hồ và ăn bún chả kèm nem
Thoảng dạo mình đi ngắm phố đêm
Thoảng man mác hương say Hà Nội
*
Mời bà con cùng ăn bún chả trưa với tôi nhé!
Hà Nội một ngày cuối đông 2016
P.X.H

CÁM ƠN NGƯỜI ĐÃ CHÚC TÔI

CÁM ƠN NGƯỜI ĐÃ CHÚC TÔI
(Bài thơ này, tôi xin thay cho lời cám ơn tới tất cả quý thầy, cô, các bác, các cô, chú, anh chị, bạn hữu đã gửi tin nhắn, lời chúc trên tường Fb mừng ngày sinh nhật)
* * *
Mừng sinh nhật năm nay tôi nhận ở người
Trăm lời chúc, vạn niềm hy vọng
Người trao gửi, tôi thêm yêu cuộc sống
Những trái tim mang tới hội niềm vui
Người là bề trên, là bạn hữu, là gia đình
Muôn lời chúc nặng thâm tình
Con thuyền ân nghĩa theo năm tháng
Tôi gói niềm yêu, nguyện chở theo mình
Tôi đi nghìn vạn ngày qua
Công Cha nghĩa Mẹ, sâu xa chữ Thầy
Lộc phúc Tiên tổ sâu dày
Nuôi tôi khôn lớn ơn này khắc ghi
Tôi đi, tiếp bước chân đi
Thế giới rộng mở, xuân thì đang hương
Mong cho trên vạn nẻo đường
Nơi đâu cũng ấm tình thương của người!
Hà Nội, 10/01/2017
Phạm Xuân Hoàng

KHI EM ĐẸP



KHI EM ĐẸP
Đúng sinh nhật, ốm nằm dài ở nhà. Việc thì không làm được. Mơ mộng, mộng mơ. Việc gì hay ho và dễ dàng hơn là làm dăm dòng thơ giải tỏa.
Hình như, có ai đó bảo không thấy mình làm thơ tình bao giờ. Quan niệm thơ tình là như nào. Là tình yêu, tình cảm trai gái. Theo quan niệm của mình, để làm thơ tình cho ra thơ tình, phải đắm mình trong tình yêu. Thơ tình phải có đối tượng trữ tình. Nếu không sẽ sáo. Thơ tình, theo nghĩa hẹp chỉ có thể tình yêu trai gái. Nếu không yêu sao có thơ hay. Bởi chưng thế cho nên nhà thơ thường “mang tội” đa tình. Với nhà thơ, chỉ cần con mắt liếc ngang, đôi má đỏ hồng, gót sen dạo bước là đã có trường sáng tạo cho thơ tình.
Với mình, chưa bao giờ tự nhận là nhà thơ, vì sức văn chương có hạn, nhưng cũng là đôi ba bài thơ tình- thơ tình thuở sinh viên, đọc cho bạn bè nghe. Đôi đứa xin thơ bảo đi tán gái. Đứa thì xin được bài lưu sổ kỷ niệm chơi. Mới đó đã 15 năm rời xa thuở ấy.
Với những ai từng qua giảng đường đại học, có một chút cảm hứng thi ca thì thời sinh viên là giai đoạn có nhiều cảm xúc để làm thơ tình. Cuộc sống hậu sinh viên, đi làm có nhiều đỗi khác, đã không còn sự sướt mướt hay những khoảng khắc lãng mạn của mối tình giảng đường, ký túc nữa. Nên cảm xúc làm thơ tình cũng dễ phai nhạt theo thời gian.
Còn ai đó vẫn yêu chắc sẽ có thơ tình!
Mấy lời giải đáp thắc mắc của một số anh em và hôm nay, mỗ tôi có bài thơ tình mới toe dành cho những chàng trai đang không cưỡng lại được vẻ đẹp các cô gái. Còn chần chừ gì nữa mà không tiếp cận và trải lòng với người đẹp.
Yêu là ước muốn sở hữu. Đó là quy luật của tình cảm và tính cách con người.
Lại còn nữa. Đẹp là gì? “Đẹp là ở con mắt của người nhìn” (Ngạn ngữ Anh). “Vẻ đẹp không phải trên gò má hồng thiếu nữ mà trong con mắt kẻ si tình” (Can tơ). Đẹp không phải là sự hoàn hảo toàn thể của đối tượng mà là cảm nhận và lựa chọn cá nhân mỗi người.
***
Em đẹp làn da, đẹp môi cười
Em xinh đôi mắt, nét duyên tươi
Em như xuân thắm vừa chạm ngõ
Em như bình minh thuở đất trời
Em cứ đẹp và em cứ xinh
Tôn thêm sắc nét thuở văn minh
Mỹ phẩm trang sức tô nhè nhẹ
Đủ cho ong bướm đượm men tình
Bữa ấy anh nào có ngắm em
Chỉ làm hoàng tử ghé qua xem
Ai ngỡ anh say em từ độ ấy
Trở về đêm mộng được ru em
Cái chết đầu tiên anh chết tình
Chết thẳm trong đôi mắt em xinh
Hoàng tử, đế vương hay bách tính
Ai nào lơ đãng với vườn tình !
Ôi cái đẹp, là ở mắt người ngắm
Đâu phải mê say là được đến phần
Khi em đẹp, em muôn người cùng mộng
Anh mơ mình sánh bước với giai nhân!
HN, 10/01/2017. Paxuho

Con trâu kéo xe hơi

[CON TRÂU KÉO XE HƠI]
Đây là hình ảnh ở vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI. Hai hình ảnh phản ánh hai nền văn minh: nông nghiệp và công nghiệp
Rốt cục nền văn minh nào dẫn đường cho văn minh nào, ai thắng ai?
Trên con đường chưa kịp hiện đại hóa (bê tông hóa) thì cái xe hơi bị mắc lầy. Con trâu dùng sức bình sinh kéo xe hơi. Không phải kéo tiến (vì sẽ sa lầy hơn) mà kéo lùi để ra khỏi bùn lầy.
Nhưng sức một con trâu thì bé nhỏ. Lực kéo của trâu thì có hạn. Xe thì nặng, độ ma sát thì lớn. Chú đành ráng mà kéo. Nhìn chú thương quá. Không biết sau vụ này chú được bồi dưỡng như thế nào.
Con trâu ko đơn thuần chỉ kéo chiếc xe hơi mà là đang vật lộn với cả một nền văn minh.
* 2020, Việt Nam chưa "cơ bản trở thành một nước công nghiêp", nông thôn vẫn oằn oại chuyển mình và con trâu vẫn lầm lũi bước đi.
Nhưng nó (con trâu- nông nghiệp) không thể kéo và không phải là đầu tàu của sự phát triển. Dù rằng hơn 75% dân số ở nông thôn và gắn với sản xuất nông nghiệp.
*
Tự dưng nhớ đến những chú trâu ngày xưa mình cưỡi nó, chăn nó nhưng cũng chưa đối xử tốt với nó. Chăn trâu thì mong dong về sớm. Sợ nó đói thì cho nó ăn rơm khô khốc và đôi khi thấy ái ngại chứng kiến cảnh những giọt nước mắt của nó, sự ỳ ạch của nó trong những buổi cày đồng.
Ps. Ảnh Internet

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời và thiên nhiên

NHỚ QUỐC TỔ

"Ai hay thời đại vua Hùng
Non non nước nước muôn trùng bể dâu
Ngàn năm mưa nắng dãi dầu
Hồng hoang một thuở, thâm sâu ân tình
Nước non là nước non mình
Tổ quốc trên hết, linh thiêng đời đời"
HN, 2017.PXH

TUỔI BUỒN TUỔI VUI

Tuổi buồn tuổi vui
(nhân xem lại tấm ảnh cũ)
Thằng tôi, bữa ấy.
Hơn gì hôm nay
Thằng tôi hôm nay
Hơn gì bữa ấy
Mặt non một thời
Nhạt phai rồi vậy
Thuở yêu một thời
Trôi về đâu đấy
Một tuổi một cộng
Một tuổi một trừ
Cộng trừ thêm bớt
Sao cho đủ vừa!
Vui cho cái tuổi
Thêm độ trưởng thành
Buồn cho cái tuổi
Qua thời non xanh
Đến đi chứng nghiệm
Buồn vui kinh qua
Thua được đã thấy
Con đường vẫn xa
Đi về phía trước
Bỏ lại chính mình
Đi về hy vọng
Đời còn niềm vinh.
*
Long Biên, HN, 1/2017
DẪU LÀ CÁT THÌ CŨNG LÀ THÂN PHẬN CÓ Ý NGHĨA 


Nhân trong cuộc trao đổi, nói chuyện công việc, chị đồng nghiệp tự ví mình là hạt cát. "Chỉ là hạt cát", cách ví von khiêm tốn của người đời, hoá ra lại hay. Cát là nhỏ nhoi, ví mình là cát cũng là thấy đc bản ngã nhỏ bé, nhưng dẫu là hạt cát thì con người phải là hạt cát có sinh khí, cần mẫn chở phù sa làm nên màu mỡ cho những vùng đất sống.
Nhớ mấy câu của nhà thơ Nga mà thi thoảng ai đó vẫn đọc. 
"Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời 

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?"
(Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko, 1961)
Nhân đó, nẩy ra mấy câu này, đồng ý với đồng nghiệp, rằng mỗi chúng ta chỉ là hạt cát mà thôi, nhưng dẫu là cát thì, nó cũng phần của vũ trụ, của cuộc sống này. 


*

Phận cát


"Là cát giữa biển khơi cũng là hạt cát

Dẫu luôn chìm mình giữa sâu thẳm đại dương
Nhưng không cát, lấy đâu phù sa làm nên màu mỡ
Nuôi những vùng đất, làm nên những bờ biển thiên đường"


HN, 2017

*