Tôi biết đến Chuyên san Khoa học Xã hội & Nhân văn (Chuyên san KHXH&NV) Nghệ An vào khoảng năm 2011 và nẩy
sinh ý tưởng viết cho Chuyên san. Tháng 8 năm 2012, Chuyên san đăng
bài viết đầu tiên của tôi với tựa đề “Hằng số tính cách người xứ Nghệ
trong bối cảnh đất nước hội nhập” (ít lâu sau đó, Tạp chí Văn hóa Nghệ An điện tử cũng đăng bài này).
Kể từ đó, thi thoảng tôi lại viết cho Chuyên san KHXH&NV Nghệ An. Không những thế tôi còn giới
thiệu Chuyên san cho nhiều nhà nghiên cứu cùng biết, có thể họ cũng
có sự quan tâm. Trong số này, có PGS.TS. Vương Toàn - nhà ngôn ngữ,
nhà thư viện học, nhà Thái học ở Hà Nội cũng quan tâm và đã viết,
đăng bài trên Chuyên san.
Ban biên tập Chuyên san
Xin được cảm ơn Chuyên san KHXH&NV Nghệ An đã tạo điều kiện để
cho người con xứ Nghệ xa quê như tôi, thông qua Chuyên san, được bày
tỏ sự quan tâm với quê hương, cũng như những vấn đề của KHXH & NV
xứ Nghệ.
Theo
dõi Chuyên san KHXH&NV Nghệ An trong 5 năm qua, tôi có mấy
nhận xét như sau:
1. Nội dung các bài viết trên Chuyên san KHXH&NV Nghệ An có hàm lượng tri thức khoa
học cao, được lựa chọn nghiêm túc. Các vấn đề được đề cập khá đa dạng
và từ nhiều góc độ khác nhau, chủ yếu quan tâm đến đất, người Nghệ
An, văn hóa - xã hội Nghệ An trong lịch sử - hiện tại. Nhìn chung,
các bài viết có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, có giá trị phục vụ sự phát
triển kinh tế - xã hội Nghệ An, có ý nghĩa tham khảo đối với những
người nghiên cứu sâu về xứ Nghệ cũng như những người quan tâm đến
Nghệ An nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Theo tôi, tuy là diễn đàn của
một Sở Khoa học & Công nghệ ở địa phương nhưng Chuyên san KHXH&NV Nghệ An có dáng dấp, phong độ của
một tạp chí ở tầm Trung ương. Đó là một điều rất đáng được ghi nhận.
2. Chuyên san KHXH&NV Nghệ An biết thu hút được đội
ngũ cộng tác viên đông đảo với nhiều nhà khoa học đã thành danh,
trong đó có không ít người có tâm huyết với xứ Nghệ, là con em hai
tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện đang công tác mọi miền đất nước cũng như
những người ở địa phương khác nhưng có sự quan tâm đối với xứ Nghệ.
3. Nhiều hội thảo/tọa đàm do Trung tâm KHXH & NV
Nghệ An tổ chức, đồng tổ chức được giới thiệu trên Chuyên san đã bám
sát những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước như đấu tranh bảo vệ
chủ quyền biển đảo, việc tích hợp hay không đối với môn sử học,
v.v..., thu hút được sự quan tâm và hoan nghênh của độc giả.
4. Công tác cộng tác viên như trả nhuận bút và gửi báo
biếu được các biên tập viên của Chuyên san thực hiện khá cẩn thận,
chu đáo, làm hài lòng những cộng tác viên và các tác giả cộng tác với
Chuyên san.
Đó là những kết quả của Chuyên san đã đạt được, rất căn
bản và quan trọng mà theo tôi, Chuyên san, rộng hơn là Trung tâm Khoa
học Xã hội & Nhân văn Nghệ An nên tiếp tục phát huy. Và với những
kết quả nói trên, tôi nghĩ Chuyên san có thể và xứng đáng trở thành
diễn đàn khoa học tin cậy về xứ Nghệ.
Tuy nhiên, có một số điểm/mặt mà tôi cho rằng Chuyên
san cần chú ý thay đổi hoặc cải tiến theo hướng hội nhập và hiện đại
hơn, đó là: bìa in tuy có thiết kế nhưng còn đơn giản, giấy bìa nhanh
bị dập, nát, bạc màu. Trang bìa 2 của Chuyên san còn màu mè, rối,
chưa bắt mắt. Khổ giấy còn ở dạng khổ giấy báo chứ chưa phải khổ tạp
chí; căn lề, mi trang còn đơn giản; số lượng các bài về lịch sử, văn
hóa, văn học, còn chiếm dung lượng nhiều so với các bài viết về các
vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội hiện thời.
Để hiện đại hóa, nâng tầm Chuyên san, đáp ứng yêu cầu
đặt ra ngày càng cao (thuộc chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm KHXH
&NV đang thực hiện), tôi xin có mấy ý kiến như sau:
Một là, tiếp tục nâng cấp Chuyên san, phấn đấu trở thành một
tạp chí khoa học về văn hóa phát triển vùng xứ Nghệ, đặc biệt là diễn
đàn của các nghiên cứu về “Nghệ học” của học giả trong và ngoài nước.
Riêng “Nghệ học” bấy lâu là một ngành nhiều tiềm năng, cần được chú
trọng phát triển. Phạm vi các bài viết đăng trên Chuyên san không chỉ
là đề cập tới Nghệ An mà cả xứ Nghệ; giới thiệu cái hay, cái đẹp,
những nét nổi bật và cả cái chưa được, hạn chế của kinh tế - xã hội,
con người Nghệ An (và Hà Tĩnh) hiện nay.
Hai là, mở rộng thu hút đội ngũ cộng tác viên rộng rãi khắp
cả nước, đặc biệt là cộng đồng giới nghiên cứu KHXH & NV là con
em người Nghệ ở thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, v.v... Chính lực
lượng này hơn ai hết sẽ là những người có nhiều sự quan tâm, có những
trăn trở với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, có những
ý kiến sát thực với tình hình kinh tế - xã hội của xứ Nghệ.
Ba là, tiếp tục kết nối tổ chức, đăng cai tổ chức các hội
thảo/tọa đàm khoa học có liên quan đến Nghệ An và xứ Nghệ, lịch sử
văn hóa con người xứ Nghệ; thực hiện các tọa đàm đi vào các vấn đề
nóng của phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nếu có điều kiện
nên tổ chức gặp gỡ cộng tác viên tại Hà Nội, tại Nghệ An - những nơi
có lực lượng nghiên cứu KHXH & NV thường xuyên và hùng hậu.
Bốn là, cân đối số lượng các bài viết về lịch sử, văn hóa
truyền thống với các vấn đề thực tế đặt ra hiện nay, nên có mục giới
thiệu các ấn phẩm có giá trị hoặc mới (sách, bài viết ...) về đất và
người xứ Nghệ, về kinh tế - văn hóa xứ Nghệ.
Năm là, về phương diện kỹ thuật: nên thay đổi chất liệu
trang bìa, trang bìa 2 nên để trắng giới thiệu các nội dung như của
Chuyên san; mi trang, trình bày bắt mắt hơn, khổ trang chỉ nên tương
đương với các tạp chí khoa học hiện hành. Nếu điều kiện cho phép, nên
tăng số lượng trang lên 80 trang đến 100 trang/kỳ phát hành.
Sáu là, làm tốt hơn nữa công tác giới thiệu, quảng bá Chuyên
san đến các thư viện tỉnh thành khắp cả nước, các trường đại học lớn
có đào tạo các ngành KHXH&NV. Hiện nay, ở Thư viện Khoa học
xã hội - Viện Hàn lâm KHXH&NV đã có mặt thường xuyên của Chuyên
san.
Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển của Trung
tâm KHXH&NV Nghệ An, với tư cách là một độc giả và là một cộng
tác viên của Chuyên san, tôi chúc Chuyên san - diễn đàn của Trung
tâm, rộng hơn là của KHXH&NV Nghệ An tiếp tục đổi mới và phát
triển, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An và xứ Nghệ; kính chúc đội
ngũ các anh chị ở Trung tâm, trực tiếp là những người làm Chuyên san
dồi dào sức khỏe, thành công và hạnh phúc.
Phạm Xuân Hoàng
|