Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

VĂN HÓA TỪ CHỨC: ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM - Tạp chí Mặt trận, số 9/2014.

1. Văn hóa từ chức: chuyện thường ở xã hội văn minh      
Từ trước tới nay, nếu có ai cỡ chính khách ở nước mình từ chức thì đó là hiện tượng lạ trong đời sống chính trị. Nhưng với thế giới chuyện đó nghe là chuyện thường và không phải là chuyện hiếm. Nhiều nơi gần như là một lối ứng xử rất tự giác, tạo nên những hình ảnh đẹp trong lòng dân chúng. Phải chăng điều này chỉ có ở những xã hội thực sự văn minh?


Trên thế giới có một số vụ việc từ chức đáng chú ý là: ngày 2/6/2010, ông Yukio Hatoyama, vị thủ tướng thứ tư của Nhật quyết định từ chức vì đã không thực hiện được cam kết di dời căn cứ thuỷ không quân Futenma của Mỹ ra khỏi đảo Okinawa ở phía nam Nhật Bản. Điều này đã làm giảm uy tín của ông, khiến người dân Nhật coi ông là một người thiếu quyết đoán; Bộ trưởng Giao thông Ai Cập và người đứng đầu ngành đường sắt đã từ chức sau vụ tai nạn thảm khốc giữa xe buýt và tàu hỏa ngày 17/11/2012 khiến 51 em nhỏ thiệt mạng; ngày 21/6/2012, Bộ trưởng Thương mại Mỹ John Bryson từ chức sau khi có liên quan tới một vụ tai nạn giao thông; ngày 27/11/2013, Thủ tướng Latvia, ông Valdis Dombrovskis cũng đã tuyên bố từ chức để nhận trách nhiệm sau vụ sập trần siêu thị Maxima ở thủ đô Riga khiến 54 người thiệt mạng; ngày 27/2/2014, Tư lệnh Hải quân Ấn Độ đã từ chức sau vụ tai nạn tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Mumbai khiến 2 thủy thủ mất tích và 7 người bị thương.

Gần đây là sự kiện thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won xin từ chức vì cảm thấy hối lỗi và có nhận trách nhiệm về cách xử lý yếu kém của chính phủ đối với vụ chìm phà Sewol làm gần 300 người chết hoặc mất tích. Ông đã nói trước báo giới: Điều tôi nên làm là chịu trách nhiệm và từ chức. Quả là một sự ý thức tự thân, một sự hối lỗi đáng kính, đáng làm gương học hỏi cho nhiều nhà lãnh đạo, quản lí.

Những vụ việc từ chức, xin từ chức trên đây, đều thể hiện một trách nhiệm cao của người đứng đầu chính phủ, của quan chức có nắm giữ trọng trách cao ở một số quốc gia trên thế giới. Cũng chẳng đâu xa Âu -Mỹ, gần với nước mình, trong khu vực Châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là những ví dụ điển hình.

Bình luận về việc xin từ chức của thủ tướng Hàn, tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng, “trách nhiệm này không chỉ dừng ở việc đảm bảo chất lượng công việc, mà còn ở việc làm gương cho người khác noi theo. Càng lên cao thì sự làm gương này càng có ý nghĩa lớn và càng được nhấn mạnh. Có lẽ các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc biết rõ một nguyên tắc của việc trị quốc: thượng bất chính, hạ tắc loạn. Vì thế, làm gương đã trở thành một nguyên tắc lãnh đạo”(1).

Nguyên tắc làm gương là điều được nhiều nhà triết học, nhà văn hóa và lý thuyết tôn giáo đề cập. Kinh Thánh, Chúa đã dạy môn đồ: “Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi”(2) (Giăng 13:15). Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Vì thế, làm gương của bậc đứng đầu quốc gia, của chính khách cố ý nghĩa định hướng niềm tin của nhân dân. Làm gương của người đứng đầu, của người có vị trí xã hội bao giờ cũng có sức thuyết phục đối với dân chúng, với số đông còn lại.

Ngày nay ở những nước văn minh, từ chức là văn hóa hành xử có trách nhiệm của những người có chức, có quyền và được dư luận xã hội chấp nhận. Một khi người lãnh đạo đánh mất niềm tin và uy tín của người dân thì cũng là lúc công việc lãnh đạo không còn hiệu quả và không thể tạo ảnh hưởng xã hội. Từ chức sớm có lợi cả đôi đường.

Trong xã hội phát triển hướng tới văn minh tiến bộ, nhân tố văn hóa càng ngày tham dự trong tất cả những hoạt động sống của con người. Từ chức là một ứng xử văn hóa, là biểu hiện của lòng tự trọng, ý thức chịu trách nhiệm cá nhân trước cộng đồng, xã hội. Từ chức là biểu thị đích thực của một người có nhân cách văn hóa.

Lí giải chuyện xin từ chức của Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-Won, tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng: họ nhận trách nhiệm vì đã để xẩy ra những việc này, dù trong nhiều trường hợp, đó là những việc ngoài tầm kiểm soát của họ(4). Thực tế, người đứng cao nhất không phải lúc nào cũng chịu trách nhiệm trực tiếp nào đó (vì có thể không ra quyết định), nhưng ít phải chịu trách nhiệm liên đới, hoặc ý thức về trách nhiệm liên đới chứ không phải “phủi tay”, hoặc đỗi lỗi cho cấp dưới hoặc lờ đi như mình là kẻ vô can. Đó không hề được coi là thái độ người trí thức lãnh đạo, quản lí trong thời đại văn minh và cũng khó có thể coi là thái độ của người có đạo đức nghề nghiệp. Đó càng không thể và không làm nên gương mặt chính khách lớn của nhân dân.

Điều cần thiết như một động lực thôi thúc từ chức là lòng tự trọng. Cũng theo TS.Giáp Văn Dương, hành động từ chức “...sâu xa hơn, câu trả lời sâu xa hơn là vì họ có lòng tự trọng. Với các nhà lãnh đạo, tài năng là cần thiết. Nhưng cần thiết hơn nữa là phải biết xấu hổ”(5). Có lẽ vậy, sâu xa của hành động từ chức là tự trọng, Tự tôn trọng mình là thể hiện tôn trọng của người khác. Có được phẩm chất này, thì việc từ chức hóa ra là việc cần phải làm để thể hiện sự tôn trọng số đông, tôn trọng con người.

2. Từ chức ở Việt Nam: vẫn là chuyện lớn

Ở nước ta, một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu rèn luyện, tu dưỡng, không liêm chính, gương mẫu, chưa làm tròn chức trách, gây tác hại lớn...trong nhiều ngành nhiều lĩnh vực mà ít thấy ai từ chức. Trường hợp Nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ Bộ Nông nghiệp và PTNT từ chức là một trường hợp hiếm hoi. Nhiều người bị đưa ra sáng, bị kết tội, trở thành kẻ phạm tội, đứng đối lập với nhân dân, thì ánh hào quang về chức vụ vẫn còn. Cũng có nhiều chính khách trở thành tâm điểm của dư luận xã hội trong một thời gian dài. Trên các trang mạng xã hội dân tình đã đề cập vị này, vị kia nên từ chức, nhưng hầu như không thấy ai từ chức cả, ngay cả lời xin lỗi cũng hiếm hoi!

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam câu chuyện từ chức là khó, bởi có thể có do mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất là, trong xã hội ta hiện tại, chức tước thường đi đôi với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Người ta quan niệm “làm quan” là một sự thành đạt cao nhất về mặt chính trị- xã hội. Từ chức, với cá nhân nắm giữ chức tước, chưa hẳn là nặng nề, mà cái chính là đằng sau lưng họ còn bao nhiêu mối quan hệ ràng buộc khác: anh em, bè bạn, đệ tử, cộng sự…theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, ai dám đảm bảo rằng, một người mới được thay thế chức vụ của người vừa từ chức, sẽ không thực hiện “tân quan, tân chính sách”, họ thẳng tay gạt những người “thuộc kíp cũ” và đưa “kíp” của người vừa xuống chức?. “Đây mới là rào cản lớn nhất cho ai đó muốn từ chức”!(6).

Thứ hai là, việc đề bạt phải tuân thủ theo những quy định cực kỳ khắt khe, từ khâu quy hoạch, từ “đối tượng nguồn”, rồi được thử thách ở các vị trí khác nhau, được rèn luyện, được học tập kiến thức chính trị, văn hóa, chuyên môn cần thiết; vị thế nắm giữ một chức vụ cao sẽ là niềm tự hào và mang lại vinh quang không những chỉ cho gia đình bạn bè mà còn cho cả dòng tộc, thậm chí cả một vùng miền…; do vậy, sẽ có rất nhiều ràng buộc đối với một người cán bộ và nhiều khi, sự tồn tại của họ ở vị trí, chức vụ được giao, không chỉ là uy tín, danh dự của họ mà còn của nhiều người, của cá nhân, của tổ chức.

Thứ ba là, cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mọi việc thường được thông qua bàn bạc tập thể, quyết định đã có sự đồng thuận hoặc xác quyết của tập thể, hoặc được tập thể giám sát, trách nhiệm đổ bể không còn chị là câu chuyện của riêng cá nhân mà tập thể có phần liên đới, nếu bới móc lại thành ra to chuyện, vậy nên đôi khi cái sai của cá nhân vô hình chung trở thành cái sai của tập thể. Hòa cả làng!

Thứ tư là, đây là hệ quả của nguyên nhân thứ hai và thứ ba. Người có chức ai đó là Đảng viên thì viện dẫn đây là nhiệm vụ Đảng giao, không xin, không tham quyền cố vị, nếu từ chức là thiếu tính Đảng, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu… Vì vậy mà việc từ chức hiện nay ít thấy ai tự nguyện.

Nước ta hiếm có chuyện cá nhân từ chức một cách đàng hoàng ngay khi xẩy ra vụ việc lúc đương chức, điều này hiếm ở cán bộ cấp cao, càng hiếm với cán bộ cơ sở. Chỉ khi vụ việc bị đổ bể, bị kỉ luật, thì mọi chức vụ mới dừng lại. Tóm lại, chúng ta chưa có văn hóa từ chức.

Một hiện tượng chung đáng nói là văn hóa từ chức đã không có, ý thức về sự liêm sĩ cũng hiếm hoi. Thi thoảng có những câu chuyện gây hiệu quả kinh tế- xã hội nghiêm trọng, rất nóng ở nước mình, dư luận rất bức xúc rằng: ông này, bà nọ để xẩy ra hậu quả xấu, không đủ năng lực lãnh đạo quản lí, nên từ chức đi. Nhưng các vị vẫn điềm nhiên, thậm chí đôi khi còn phát ngôn trốn tránh trách nhiệm, gây thách thức dư luận. Dân tình đã không giảm được nhiệt bức xúc, đâm ra thất vọng, từ sự chán ghét một người trở thành câu chuyện chán ghét, mất niềm tin vào hệ thống!

Liên hệ với nước văn minh, xa nhau một trời một vực. Tại sao, quan chức nước mình cũng là con người có học đàng hoàng mà sao không ít người thể hiện sự thấp kém về ứng xử chuyên nghiệp, sao mà nhiều ông quan coi thường dư luận, dân tình đến vậy. Dân nước mình cũng hiểu biết, sao phải nghe những lời nói biện hộ, thiếu trách nhiệm của các vị quan đến thế. Đôi khi chỉ trên lời nói, mà quan và dân xa nhau cả vạn dặm!

Có lẽ phải víu lấy một ý kiến của học giả Hoàng Ngọc Hiến, rằng ở nước mình nó thế. Phải chăng nó đã thế và cứ thế và nó phải là như thế đến muôn năm sau?

Một đất nước trong lộ trình phát triển lúc nào cũng đề cập đến văn minh tiến bộ nhưng trong thực tế, chất lượng của sự tiến bộ văn minh được bao lăm. Càng được bao lăm khi đem đối sánh mình với bè bạn.

Một đất nước phát triển trong thời đại bùng nổ thông tin, đất nước đó (người dân và nhà lãnh đạo) không thể không biết và không thể mù tịt  những chuyện thường ngày cũng như những sự ứng xử lịch lãm, đầy chất bác học, nhân văn của nhiều chính khách quốc tế, nhiều nhà quản lí có trọng trách của các nước.

Một đất nước đang hòa nhập và hội nhập, không thể khác và “khước từ” mãi nhưng điều thuộc về thế giới văn minh, được quốc tế coi đó là một lối ứng xử chuyên nghiệp và nhân văn như là hành động từ chức.

3. Có thể tiến tới một văn hóa từ chức?

Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII, đã trực tiếp chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Phải chăng Thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện quyết tâm sửa chữa của mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu Chính phủ hướng tới đoạn tuyệt với lời xin lỗi, thay bằng một tập quán phù hợp với xã hội hiện đại là văn hóa từ chức với một lộ trình để quan chức của ta từng bước làm được điều mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm?”(7) và Thủ tướng cũng đã thẳng thắn: “...Tôi không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì mà Đảng và Nhà nước giao phó...”(8). Sự đối thoại này, đã ít nhiều đã thể hiện được không khí dân chủ cởi mở của Đảng và Quốc hội trong việc đề cập đến quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, thể hiện rõ nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, câu chuyện tập thể lãnh đạo, cá nhân quản lí, trách nhiệm về Đảng... để một người nhẹ gánh và nhẹ lòng nói từ chức quả là không hề đơn giản.

Dường như nhiều ý kiến cho rằng, phát triển cũng phải từ từ, không thể vội. Nước mình từ sản xuất nông nghiệp lại mới ra khỏi chiến tranh chưa lâu, tồn tại của cơ chế cũ. Đúng là vậy, nhưng chỉ là nói để cảm thông nội bộ cho nhau mà thôi, còn ra quốc tế, người Việt mình biện hộ như vậy thì chỉ là một sự van lơn, đôi khi trở nên thấp hèn, ươn nhược mà thôi.

Mà không vội sao được khi đất nước cũng “rừng vàng, biển bạc”, con người giàu nội lực, ý chí mà đất nước mãi vẫn chưa thoát được cảnh đói nghèo, thấp kém để tiến ngang bằng với các nước trong khu vực cỡ như các nước công nghiệp mới (NICs) không phải hiện thời mà là hàng chục năm về trước.

Làm sai là điều cùng có thể, và chuyện tất nhiên một khi thiếu sáng suốt; không ai có thể nắm chắc mọi phần thắng, dù đã được toan tính kĩ lưỡng. Vấn đề là cái sai gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng toàn cục thì chí ít người có chức trách quản lí, liên quan cái sai đó cũng phải thể hiện thái độ cầu thị, sự thành thực để cho thấy anh là con người có trách nhiệm.

Xét về khía cạnh tâm lí học, có lẽ từ chức, trong hành xử chính trị là một giải pháp giảm nhiệt, giải tỏa tâm lí đám đông khá hữu hiệu và vì vậy nó rất cần thiết, cần thiết hơn nó thể hiện một thái độ chính trị dũng cảm, cái tâm với nhân dân, cái tầm nhà lãnh đạo quản lí bởi chỉ có những người am hiểu luật pháp, có ý thức tự giác, có lòng vì nhân dân, vì đại sự quốc gia dân tộc mới làm được việc coi việc buông cái cái ghế mình nhẹ như thả chiếc lông hồng.

Quyền lực, ngôi cao thường ai cũng muốn chiếm hữu và giữ nó, đôi khi thậm chí cố thủ đến mức dai dẳng (như nhiều người không chịu về hưu), nhưng quyền lực dân trao không phải là một đĩa bánh để ăn, lọ hoa để ngắm, sự sang trọng để hãnh diện, chút lợi lộc để tiêu xài mà quan trọng đó là quyền của dân, sau đó là lợi ích của dân. Đừng nên tiếm quyền khi không có năng lực hành quyền, đừng kìm hãm sự tiến lên khi cái ghế đến lượt nó phải dành cho người khác xứng đáng hơn, một người có năng lực hơn, muốn có sự thay đổi cấp tiến hơn, một người mà nhân dân đang kì vọng được ngồi vào vị trí đó.

Để tiến tới một văn hóa từ chức, điều cần thiết là tạo ra hành lang cả về phương diện văn hóa lẫn pháp luật để vừa tạo nên nếp nghĩ, lề hành xử và cao hơn là tạo chế tài khuôn khổ cho những ai đó thực sự đang mất đi tín nhiệm của dân chúng vào công việc và vị trí của họ, để họ được thể hiện ý thức trách nhiệm, thể hiện thái độ với dân chúng. Muốn vậy, có lẽ những điều cần thiết là:
Một là, các giáo trình văn hóa học, chính trị học giảng dạy, bồi dưỡng cho các lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý cần chú ý đề cập đến văn hóa liêm sĩ của người lãnh đạo, quản lí. Từ việc nêu những tấm gương trong lịch sử cho đến xã hội hiện đại, văn minh; nhấn đến văn hóa từ chức như một động thái cần thiết đối với những ai để xẩy ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất niềm tin, sự bức xúc trong dư luận xã hội đối với ngãnh, lĩnh vực mà người đó đang quản lí, phụ trách.
Hai là, người lãnh đạo quản lí cần sự am hiểu pháp luật và tôn trọng pháp luật, hiểu sâu sắc quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của vị trí mình đang nắm giữ.  Đây là điều căn bản. Người điều hành quyền lực phải là người có hiểu biết đúng/sai, hiểu luật pháp và tôn trọng pháp luật, đứng trong pháp luật để hành xử chứ không phải đứng trên pháp luật, thao túng pháp luật. Một khi người nắm giữ quyền lực nhưng biết tôn trọng cán cân pháp luật thì tự dưng người đó thấy quyền lực của mình đang nắm giữ không phải là vô hạn, tự biết rút lui, biết thoái thác những điều không hợp với năng lực của mình. Pháp luật mới là tối thượng chứ không phải mong muốn và ý chí của cá nhân nào đó là tối thượng. Do đó, nên điều chỉnh thái độ hành vi của mình một cách hợp pháp. Việc từ chức biểu thị một sự tôn trọng pháp luật, thể hiện trách nhiệm cá nhân và ý thức công dân, trách nhiệm với đất nước và dân dân.
Ba là, người lãnh đạo, quản lí cần sự tôn trọng sự đòi hỏi của dân chúng như vậy cần đến việc hình thành một cơ chế từ chức trong lãnh đạo, quản lí..
Dân chúng gốc cơ bản của quyền lực, dân phải được kiểm soát cái quyền của mình. Trong quan hệ nhà nước – công dân, dân phải chấp hành quyền lực của nhà nước, nhưng nhà nước với những tổ chức đại diện và hệ thống viên chức của mình phải lấy nhân dân làm đối tượng phục vụ, chứ không đứng trên nhân dân, ban phát hoặc coi khinh nhân dân. Nói như Hồ Chí Minh, cán bộ phải là "công bộc", "đầy tớ" của nhân dân. Cho nên những sai lầm của cán bộ, của người lãnh đạo quản lí, đương nhiên nhân dân phải là người được biết và giám sát. Dân có quyền đòi hỏi cán bộ từ chức khi thấy người đó không còn xứng đáng ở cương vị đó. Vậy nên, người cán bộ phải để mình đứng ở vị trí người dân để có thể cảm thông với nhân dân. Do đó, trước những bức xúc của dân chúng, sức ép của dư luận xã hội, người phạm sai lầm càng tỏ rỏ sự trung thực thành thật, không vụng chèo khéo chống, không phát biểu quan liêu, đổ vấy kiểu “miệng nhà quan”, bởi như vậy, sẽ dễ gây nên bức xúc và mất niềm tin đối với một cá nhân con người lãnh đạo cũ thể, dẫn đến mất niềm tin vào cả hệ thống chính trị.

Từ chức là cả một câu chuyện văn hóa chính trị, chuyện nhỏ với nước người nhưng xem ra thực là chuyện rất lớn với nước mình. Có lẽ sự khuyến dụ chưa đủ mà cần phải được hình thành một cơ chế: cơ chế từ chức, bãi nhiệm và miễn nhiệm kịp thời. Hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công chức, viên chức để tạo ra một cơ chế mở cho từ chức. Trước một vụ việc nghiêm trọng, khi mọi sự đúng/sai chưa được xem xét dưới ánh sáng của luật pháp, thì từ chức lại là một cách hành xử hay và cần thiết. Làm được như thế dân mới tin cái tâm, cái tầm của người lãnh đạo và dám trao gửi niềm tin vào những thế hệ lãnh đạo.

Chú thích:

(1), (4),  (5). Xem: [1]; (6). Xem: [3]; (7), (8). Xem: [4]


(3). Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, t.1, tr.263

Tham khảo:

[1]. Giáp Văn Dương, Quan chức và từ chức, http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/173041/quan-chuc-va-tu-chuc.html, ngày 29/4/2014.


[3]. Như Thổ, Luận bàn chuyện từ chức, Năng lượng mới, số 319, 6/5/2014.


[5]. Phạm Thịnh, Thủ tướng Hàn từ chức: Nhìn vào các quan chức 'ghế nóng' VN, http://vtc.vn/2-485785/xa-hoi/thu-tuong-han-tu-chuc-nhin-vao-cac-quan-chuc-ghe-nong-vn.htm, 28/4/2014.




* BẢN GỐC CỦA TÁC GIẢ
** PXH, Viện Thông tin Khoa học xã hội