Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

NIỀM VUI TRUNG THU

Mâm cỗ Trung thu đạt giải Nhất "Đêm hội Trăng Rằm" do Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Mâm cỗ được sáng tạo bởi Văn phòng Đảng, Đoàn thể Viện Hàn Lâm KHXH
Mỗi năm Việt Nam có hai ngày vui hướng tới đối tượng con trẻ, ngày là chỉ dành cho vun đắp niềm vui của các cháu nhỏ, đó là ngày quốc tế thiếu nhi (tết của trẻ em toàn cầu) và tết Trung thu (Tết trẻ cổ truyền của dân tộc). Trong những ngày đó, trẻ được thỏa sức vui chơi, được nồng ấm trong vòng tay gia đình.
Tất cả vì thế giới trẻ thơ, vì con em chúng ta, nên ai cũng quan tâm, ai cũng coi đó là niềm vui chung của mình. Từ bố mẹ, đến ông bà, cô chú, người thân và của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng xóm làng, khối phố. Trẻ con thường là háo hức, còn bố mẹ chúng thường là mệt. Bù lại thấy các con mình vui tươi, ai cũng thỏa lòng.
Đáng yêu nhất vẫn là cái tết Trung thu, vì vẫn đậm đà chút văn hóa dân tộc trong cách tổ chức và hưởng thụ trung thu. Và đó là cái tết tính theo lịch mặt trăng (lịch ta, lịch mùa vụ sản xuất nông nghiệp) chứ không phải tính theo dương lịch/tây lịch.
Trung thu trẻ em bây giờ được nhận những món quà rất chi là hiện đại, đậm chất công nghệ khác với những trung thu xưa như các đồ chơi điện tử, những truyện tranh đa sắc màu và cung cách, thậm chí những sản phẩm công nghệ cao như Ipad... Các cháu được bố mẹ đãi nhiều thức ăn ngon, dẫn đi thăm những nơi vui chơi nhộn nhịp và nhiều dịch vụ.
Tuy vậy, trung thu bây giờ vẫn giữ lại nhiều nét truyền thống xưa kia: múa lân, đèn kéo quân, đèn ông sao, mặt nạ, và những món quà đôi khi rất giản dị nhưng được gói gém cẩn thận..được trao đến tận từng tay, hay gia đình trẻ.
Khó có thể so sánh tết trung thu xưa và nay, bởi theo quy luật đời sống vật chất tốt đẹp hơn, thì lễ nghĩa cũng trở nên đa dạng hơn. Điều cốt yếu là giữ được niềm vui thơ trẻ, vì con trẻ. Tuổi trẻ cần sự hồn nhiên vô tư, những xúc cảm lành mạnh, sảng khoái về tinh thần để chúng có thêm động lực học tập.
Những mùa trung thu nay, nếu được ước cho các bé thì tôi chỉ ước, trung thu có một mảnh trăng treo thơ mộng, các cháu có thể nhìn ngắm lên trời cao để vẽ nên những ước mơ.
Tuổi thơ chưa nghĩ được những điều chúng sẽ làm, những nơi chúng sẽ đến, thế giới chúng sẽ kiến tạo nhưng tuổi thơ là cả một bầu trời ước mơ, là những mầm xanh gieo nguồn sự sống của thế giới tương lai. Để những mơ ước của tuổi thơ thành hiện thực, thì mỗi gia đình và nhà trường phải chung tay nâng đỡ, xã hội phải chăm lo cho trẻ thơ một cách thiết thực.
Ánh trăng đêm rằm trung thu, hình ảnh này thường chỉ có ở nông thôn, nơi vào những đêm trung thu, cảnh vật thường được dát bởi một màu bàng bạc của ánh Trăng. Trăng chiếu khắp thôn ngõ, xóm làng, theo bước chân của các bé vui chơi. Nhưng ở thành phố, đó chỉ là ước mơ thi vị, bởi trẻ em thành phố lấy đâu ra khoảng không gian trăng, khi chung quanh giăng màn một màu sáng của điện và sự che lấp của những ngôi nhà cao tầng.
Ở Hà Nội, Trung thu năm nay, bầu trời giăng mây, những cơn giông bất chợt đôi khi làm giảm niềm sung sướng của các cháu, khó khăn cho các sinh hoạt ngoài trời. Nhưng điều đó, không hề gì. "Cái ló khó cái khôn", cộng đồng và bố mẹ các cháu sẽ có cách để lo cho các cháu. Tết Trung thu vẫn được tổ chức trong phòng sinh hoạt động đồng của chung cư, hay nhà sinh hoạt tổ dân phố, phòng họp của cơ quan. Tôi luôn cảm kích đến những các ông bố bà mẹ, anh chị em thanh niên, không chỉ lo cho con em mình mà còn lo cho niềm vui của con trẻ của phố phường, làng xóm, để các em được có khoảnh khắc tận hưởng những niềm vui trọn vẹn.
Trẻ em khu chung cư tòa nhà N12-2 KĐT Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội 
chuẩn bị văn nghệ vui Đêm rằm Trung thu 2015
Trung thu, tết ấy đã quá đỗi thân thương trong lòng người Việt. Ngoài niềm vui mà các bé tận hưởng thì có một niềm vui, hạnh phúc của những ông bố bà mẹ được chứng kiến cảm xúc của con cái mình. Có cảm xúc nào yêu hơn khi chứng kiến niềm vui của thế giới trẻ thơ.
Trung Thu 2015
P.T.H
---
P/s. Post kèm lên đây một đoạn mình nhắc đến Trung thu xưa trong tản văn: “Quá hạ là tới mùa thu” đăng trên evan.Vnexpess.net 19/8/2008: “Mùa thu với tuổi thơ là ấn tượng về một đêm trung thu hoành tráng. Trung thu được người lớn tổ chức trò chơi, được cắm trại, ăn cỗ. Đó có lẽ là dịp vi nhất trong năm đối với tuổi niên thiếu.
Tôi nhớ mãi kỉ niệm trung thu khi tôi lên 10 khi buổi đất nước còn nghèo vào những năm 80 của thế kỷ XX. Buổi chiều hôm đó chúng tôi đi nhặt củi khô để hội phụ nữ và thanh niên tổ chức nấu cỗ rằm trung thu. Năm đó, hai anh em tôi được hai suất cơm, tôi nhớ mãi món cá trích, chao ôi sao mà ngon thế. Tôi đã được ăn cá trích nhiều nhưng có lẽ đó là lần ăn cá trích ngon nhất trong đời. Hai anh em chúng tôi ngồi dưới trăng ăn cơm trong khi cha mẹ đang mãi làm việc, chúng tôi còn bé thơ đói lòng thì ăn đâu biết đợi chờ”.


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Tùy bút: Núi Hồng – Sông Lam


Bánh Cu đơ Hà Tĩnh
Không ai biết núi sông ấy có tự bao đời mà vợi vời xuyên chảy qua ký ức thời gian trong lòng người đất Nghệ. Núi Hồng- sông Lam, cả hai đã trở thành biểu tượng sông núi linh thiêng rất đỗi tự hào của con người vùng đất này. Trước những năm 1991, khi Nghệ An và Hà Tĩnh còn là Nghệ tĩnh, người Nghệ được gọi là người con của mảnh đất Lam Hồng. Cho đến hôm nay, khi sự chia tách hành chính ấy đã gần hai chục năm thì trên nhiều diễn đàn của người Nghệ vẫn trân trọng và giữ gìn cái tên ấy: hội đồng hương Lam Hồng, đất học Lam Hồng, văn hóa Lam Hồng...Và nhiều nhà văn hóa, trong các trang viết của mình vẫn gọi người Nghệ như thế. Tôi đồ rằng, lịch sử có tan có hợp, có chuyện nhập tách, nhưng những ký ức văn hóa tốt đẹp vẫn được ăn sâu trao truyền qua lớp lớp các thế hệ người Nghệ thì quả khó có tách biệt rạch ròi.
Khi bạn đặt chân đến Diễn Châu, đi ngược Quốc lộ 7 bạn sẽ gặp phần thượng nguồn sông Lam, hoặc từ cầu bến Thủy tỏa đi, bạn cũng tìm được những nhánh của những dòng sông ấy. Còn khi qua cầu bến Thủy, qua Nghi Xuân, đặt chân lên đất Hồng Lĩnh, bạn ngẩng lên là gặp đỉnh non Hồng. Dòng sông Lam ấy không phải là dài rộng và sâu, ngọn núi Hồng ấy không phải là cao và hùng vĩ, nhưng trong lòng người xứ Nghệ thì chúng quá đỗi hùng vĩ và thiêng liêng. Thiêng Liêng bởi lẽ phần lớn người Nghệ An sinh sống ven sông Lam, dòng sông là mạch huyết của phong thổ Nghệ An, còn xung quanh ven dưới chân núi Hồng bao đời đã tạo dựng nên những nét tính cách văn hóa rất riêng của con người Hà Tĩnh. Chung quanh dãy Ngàn Hống ấy đã nuôi dưỡng và sản sinh nên những làng quê xứ Nghệ nghèo vật chất nhưng giàu văn hóa: Một Nghi Xuân về phía Đông Bắc đã sản sinh ra Nguyễn Du và ca trù Cổ Đạm, một Đức Thọ về  phía Tây Bắc “gạo trắng nước trong” đã sản sinh ra lớp lớp các nhân tài và danh nhân văn hóa nổi tiếng như Xuân Diệu Huy Cận, như Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, ...phía Nam và Đông Nam của ngọn núi ấy là Vùng Can Lộc, Thạch Hà cũng lắm anh tài phát tiết...
Núi ấy, sông ấy đã được khắc vào thơ, vào họa đẹp đẽ. Theo thơ, nhạc họa, những hình ảnh núi Hồng sông Lam đã vút xa, đã chảy lan khắp bốn phương trời. Có một lý thuyết cho rằng, nơi dòng sông thường sinh ra những nhân tài, nhất là chỗ nước xoáy ngang, và nơi Nam Đàn tương truyền là một nơi như thế, nơi đó đã có La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Nam Sơn Tùng Thoại Nguyễn Đức Đạt,  Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, ...Lý thuyết đó vẫn chỉ là một gợi mở và thiên về cảm quan địa linh (phong thủy), nhưng không phải là không có những thú vị để suy ngẫm.
          Núi Hồng nằm trong đặc điểm núi miền Trung, thấp thoải, sông Lam nằm trong đặc điểm sông ngòi miền Trung dốc và sâu. Ngọn núi đó, dòng sông ấy không biết đã hứng bao nhiêu cơn bão thường niên, bao nhiêu mùa lũ thường kỳ tàn phá, cũng như người miền Trung bao phen chống bão lũ nhọc nhằn mưu sinh tồn tại. Có điều chẳng ai ghét, ai thù ngọn núi con sông ấy cả trái lại yêu mến và tự hào, đi xa, mong được trở về để “úp mặt vào sông quê” (nhạc Nguyễn Trọng Tạo).
Có thể nói Núi Hồng là một điểm son của đất Nghệ, một dấu ấn tự nhiên văn hóa của xứ Nghệ Việt Nam, Cũng có thể nói, Sông Lam là dòng thủy lưu sinh ra văn hóa Nghệ An, một vùng miền văn hóa ở thế địa tự nhiên có núi, sông và ven biển. Tôi cho rằng, đi dọc dòng sông Lam bạn mới đã xuyên suốt Nghệ An chứ không phải là theo quốc lộ một theo chiều Nam - Bắc như ta tưởng.
Tôi đã có dịp từ cầu bến Thủy mà ngắm nhìn dãy Hồng Lĩnh và ngắm dòng sông Lam, tôi cũng có dịp đi đến những Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, trong buổi chiều tà ngắm nhìn những cô gái Thái sinh hoạt sông nước. Mỗi cảnh sắc đều có nét đẹp riêng, đều thơ mộng, trữ tình. Mới thấy núi sông Nghệ có nét đẹp lạ, mới thấy tình người Nghệ có những nét rất riêng, sâu.
          Người Nghệ có một tiếng nói rất riêng trong cái chiều kích phong thổ Lam Hồng, có một tình cảm rất nồng hậu, một tâm hồn nghệ sĩ trong không gian văn Hóa Lam Hồng. Trong lòng người Nghệ sống xa quê, dòng sông, ngọn núi ấy luôn theo họ tới những miền đất mới, bừng thức trong họ những xúc cảm ngọt ngào và nuôi nấng trí tuệ họ nghĩ những nếp nghĩ cao sâu. Họ đã tự nhận mình là dòng văn hóa Hồng Lam, hay Lam Hồng và sẽ mãi mãi như vậy, bởi, có lẽ ngần ấy, đủ để biểu trưng cho tâm hồn khí phách xứ Nghệ bao đời./.

Hà Nội, tháng 7/2010
Phạm Thạch Hoàng
Nguồn: WWW.datnghe.com 

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Chúc đội bóng ISSI sẽ thành công hơn trong mùa giải này.




VIỆN THÔNG TIN, VỮNG BƯỚC TIẾN LÊN!
Mùa ra trận dẫu mưa dầm chân anh
Sân cỏ xanh ánh lên niềm hi vọng
Độc lập, tự cường đối mặt liên quân
Viện Thông tin hào hứng ra sân!
*
Đã bao mùa đi trong tình yêu
Với trái bóng tròn, với Cúp Vàng chói lóa
Đích thì xa nhưng mơ ước lại gần
Nghĩ về tình yêu, lòng hồ hởi thêm phần
*
Slogan mỗi mùa có những đổi thay
Khẩu hiệu nức lòng năm nay:
“Bóng đá là đam mê, Thông tin là sức mạnh
Tự hào là ISSI !”
ISSI là chúng tôi - Thông tin
Đoàn kết tình nhà, ấm nồng chia lửa
Chơi đẹp trong tim dẫu còn xô lệch đường chuyền
Có những nữ cổ động viên đẹp tựa các cô tiên
*
Các chàng trai ra sân trong màu áo bã trầu
Cổ động viên áo đỏ nâu đẹp mắt
Thắng hay thua vẫn vững vàng, son sắt
Một lòng chung bước thể thao vua
*
Vững bước nhé, Thông tin say mùa giải
Những niềm vui lấp lánh mãi trong lòng
Vì thành công giải VASS 2015
Ta quyết tâm giữ thế tấn công!
16-9-2015
P.T.H
Tinh nhanh Bóng đá Công đoàn Viện Hàn lâm KHXHVN, số 2/2015

Chuyện nữ sinh bên bờ vực trượt đại học nghành an ninh và tình người cư dân mạng

Một nữ sinh sinh ra trong gia đình nghèo của tỉnh Quảng Bình, mong ước vào nghành an ninh để đỡ gánh nặng cho mẹ. Thi đạt á khoa của Học viện Chính trị công an nhân dân, nhưng một ngày em bỗng nhận được giấy thông báo của công an huyện là không đủ điều kiện nhập học vì phần khai lí lịch không trung thực. Niềm vui đang phơi phới thì nỗi buồn và thất vọng bao trùm. Câu chuyện nữ sinh Bùi Kiều Nhi đã gây được sự quan tâm lo lắng cộng đồng mạng những ngày qua.  
Về câu chuyện của em, xét về lý, “án tại hồ sơ” thì em đã sai, khi em không khai đúng, đầy đủ về thân nhân mình. Vì theo qui định của nghành phải khai trung thực về bản thân và gia đình, mà cho cùng thì nghành nào cũng đòi hỏi phải khai lí lịch trung thực nhưng nghành an ninh làm việc này kĩ hơn.
Cái sai của em được nhìn nhận là cái sai không cố ý. Nhưng vì “tình ngay lí gian”, nên em bị tội. Cái lỗi không cố ý của em là em không hề biết về chuyện bị án treo 9 tháng của bố mình để khai theo yêu cầu của hồ sơ. Em là kết quả của cuộc hôn nhân sau khi bố em bị kết án 5 năm (em sinh năm 1997, bố em bị kết án 1992) và bố mẹ em cũng không hề tâm sự chuyện đó với con cái. Với một học sinh 18 tuổi, sai về chuyện lí lịch gia đình, khó có thể là cái sai cố ý của em mà do không được biết, hoặc do biết không đầy đủ. Theo thư em viết cho bộ trưởng Trần Đại Quang, khi khai hồ sơ, em có hỏi mẹ về gia đình nhưng mẹ em không cung cấp thông tin đặc biệt gì về người bố. Trong thời điểm đó, giả sử bà có biết nhưng coi đó là chuyện không quan trọng, không cần thiết nói với con mình thì lỗi lại là ở sự sơ ý người lớn.
Qua câu chuyện của em, cũng cho thấy sự thiếu logic nhất quán của luật và những quy định dưới luật. Chiểu theo quy định của Bộ Luật Hình sự 1985, những “người được xóa án coi như chưa can án”, trường hợp bố em B. K.N bị án treo 9 tháng đã được công lý xóa án, đã trở lại là công dân bình thường. Khi đã được công nhận là công dân bình thường thì không ai muốn nhắc lại chuyện cũ, vì án xẩy ra bị chịu mức án treo không phải là trọng tội và tâm lí thường không ai muốn mình bị coi là kẻ có tội, và không muốn con cái mặc cảm về cái gọi là tội/lỗi của bố mẹ, nên việc bố Nhi giấu vợ con hoặc không chia sẻ với vợ con cũng là điều bình thường.
Nếu căn cứ vào hoàn cảnh thực tế này thì sự khai hồ sơ của em Nhi là hoàn toàn vô tư nhưng em đã bị “việt vị” vào quy định khác (văn bản dưới luật) đó là quy định của nghành an ninh. Như trên đã đề cập, nghành an ninh nghiêm khắc yêu cầu người vào nghành phải rõ ràng và “sạch” về lí lịch. Chính yêu cầu “sạch” về lí lịch khiến việc khai của em tưởng chừng như vô tư nhưng vô tình bị mắc cái lỗi “không trung thực”, tức đã phạm vào một trong các tiêu chí đạo đức quan trọng của ngành an ninh.
Tuy nhiên, điều đáng hoan nghênh của nữ sinh Nhi là khi có công văn của công an huyện thông báo về tình hình của mình, em đã thể hiện một thái độ trung thực, cầu thị và tha thiết đứng trong hàng ngũ an ninh, điều này thể hiện ở những bức tâm thư kêu cứu của em tới các vị bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Công an.
Hoàn cảnh của một nữ sinh vượt lên hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, với ý chí quyết tâm lớn đã lay động cộng đồng mạng. Nhiều người lo lắng chia sẻ với những “vấp váp” đầu đời không đáng có của em. Nhiều người tiếc cho em nếu như em không có một cơ hội vào nghành an ninh như ý nguyện của mình. Chính những ngày qua, truyền thông và mạng xã hội đã xích lại gần bên em, chia sẻ cảm thông với em và giúp em nuôi một niềm hi vọng được Bộ trưởng Bộ Công an tạo điều kiện cho em được nhập học vào Học viện Chính trị công an nhân dân kẻo bỏ lỡ một cơ hội đối với một học sinh giỏi giang, đầy nghị lực như Nhi.
Trả lời của thiếu tướng, giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân với báo chí là rất nhân văn và thể hiện sự cảm thông rất lớn của nhà trường. Tuy nhiên, người quyết định cao nhất chuyện này là Bộ trưởng Bộ Công an. Chúng ta cùng hi vọng, người đứng đầu nghành an ninh sẽ thuấu suốt “lỗi” sơ ý của em, thấu hiểu tình cảm và nguyện vọng của nữ sinh này, sẽ chấp nhận em vào trường học đã đăng ký, giúp em biến ước mơ thành hiện thực.

Tình cảm, sẻ chia của cộng đồng dân cư mạng đã cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục là rất lớn. Số phận của một học sinh trước bờ vực trượt đại học hơn bao giờ hết mọi người đều muốn giang tay nâng đỡ. Qua câu chuyện của em Nhi cũng cho thấy tình người đối với con người, đối với những tấm gương nghèo hiếu học là rất nhân ái. Không phải câu chuyện của con em mình nhưng nhiều người trăn trở, thấp thỏm lo lắng cho Nhi y như chuyện con em mình vậy. Những tấm lòng thiện ý của xã hội đã xích lại gần nhau hướng tới số phận tương lai của một con người, thắp sáng thêm niềm tin của xã hội vào lòng tốt của con người và cuộc đời. 
HN, 17/9/2015

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2015

Vô tình thấy bài tản mạn của mình trên trang này nhưng không hiểu sao không đề tên tác giả, cũng như không được dẫn nguồn!?

....................................................................

TIẾNG NGHỆ- TIẾNG QUÊ, TIẾNG LÒNG

Thứ hai, 13.06.2011 01:19
Tôi hiểu, tiếng Nghệ, với người Nghệ không chỉ là tiếng quê mà tiếng gọi trở về, là tiếng lòng thổn thức khôn nguôi.
Chẳng biết Việt Nam ta có mấy vùng phương ngữ khác nhau, chỉ biết trong 3 miền Bắc, Trung, Nam, thì ngay mỗi cái vùng lớn ấy đã có mấy thứ tiếng khác nhau, mà dễ nhận thấy là tiếng Thanh, Tiếng Nghệ, Tiếng Quảng, tiếng Huế, tiếng Sài gòn, tiếng miền Tây (đôii khi cũng gọi là giọng)…
Mỗi thứ tiếng (giọng) có một sắc thái tình cảm riêng, một chất riêng, cũng có thể gọi đó là nét cơ bản dễ nhận dạng góp phần tạo nên bản sắc văn hoá vùng miền.
Tiếng Nghệ quê tôi của cả Nghệ An và Hà Tĩnh (trước kia là Nghệ Tĩnh), mang âm vực nằng nặng khó nghe nhất đối với ai sống ở vùng miền khác, lại là khi mới tiếp xúc lần đầu. Người Nghệ tôi yêu quê nên tự hào về tiếng nói ấy, có nhiều người đi xa hàng chục năm trời vẫn nặng nặng tiếng nói ấy, có người đã pha lẫn ngai ngái giọng Bắc, giọng Nam nhưng không lẫn đi đâu được cái giọng Nghệ.
Có phải giọng Nghệ nặng nên khó thay đổi, hay vì chính người Nghệ không muốn thay đổi? Xét từ bản thân mình, đôi khi mình muốn nói nhẹ hơn, chuẩn mực phổ thông hơn để bè bạn và mọi người khác xứ dễ nghe, song những âm vực ấy, chất giọng Nghệ ấy đã ngấm vào máu, trụ lại ở thanh quản, chẳng dễ gì phôi phai. Tôi chỉ có thể nói tiếng ngôn ngữ phổ thông hơn, nhẹ hơn để dễ hiểu hơn một chút, còn cái giọng ấy, âm vực nằng nặng ấy vẫn đi theo tôi dù đã xa quê lâu ngày, chỉ có con gái là mềm mại hơn nên dễ đỗi giọng, nếu cố tình thay đổi thì cũng có thể nói được giọng Bắc nghe chẳng khác chi người Bắc.
Hồi đi học đại học, mấy bạn gái ở quê ra bắt chước giọng Hà Nội thật chuẩn, có khi chính người thân như tôi còn thấy ngỡ ngàng, thì người lạ cũng không dễ gì phát hiện ra gốc gác. Đôi lần tôi đùa “Hôm qua em đi tỉnh về/Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”(Nguyễn Bính), thì mấy cô bạn gái tôi cười, ừ thì cũng phải biến tấu ít để ngoại giao chứ! Ấy vậy nhưng mỗi khi gặp đồng hương thì xả những tràng tiếng quê giòn như pháo, tự nhiên, khoan khoái, như đang chính ở nhà mình. Cái giọng nằng nặng của tôi cũng gặp không ít phiền phức nho nhỏ, vì có khi người khác phải hỏi lại mới rõ mình nói gì, mà trong giao tiếp như thế cũng là bất tiện. Một anh bạn đồng nghiệp người Bắc có lần hỏi tôi, anh không thay đổi được giọng của mình nhỉ? Tôi bảo, ừ cũng khó! Mà nếu tôi thay đổi chắc tôi sẽ là người khác mất rồi, tôi nghĩ bụng thế! Ông cha quê tôi có câu mắng mỏ những kẻ lai căng mất gốc thế này “Chém cha không bằng pha giọng”. Pha giọng còn nặng hơn tội bất hiếu với cha.
Dân gian có cái lý của mình, tôi không thuộc típ người nệ cổ và bảo thủ song vẫn mến yêu giọng nói quê mình và tự thấy có lẽ giọng ấy là chút quê của tôi còn lại sau bao năm tha hương.


Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng hiện sống và làm việc tại Liên bang Nga, đã từ lâu ông viết một bài thơ về quê hương, trong đó ông có mấy câu nói về giọng quê: “…Tiếng mộc mạc nhận ra người xứ Nghệ/Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà …”
Người ta dễ dàng nhận ra con người Nghệ nhờ chất giọng không lẫn vào đâu được, giọng quê nhà, giọng của người đất Nghệ.
Giữa những người Nam đất Bắc nghe một tiếng Nghệ bỗng thấy quê hương gần lại, người xa lạ cũng hoá thân quen. “Nhiều khi chợt nhớ điếng người/Không cao sang – chỉ những lời “mô, tê”/Thôi thì cũng một tiếng quê/Người chê nằng nặng mình nghe chính mình” (Giữa Hà Nội gặp đồng hương – Hồ Huy Sơn).
 Cũng có đôi khi có những thoáng sánh so đáng yêu. Trong bài thơ “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội”, tác giả Phan Thuý Thảo có viết: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội/Ngẩn ngơ: Lời họ quá mềm/Chao ôi! Giọng mình giật cục/ Người ta nói sao ngọt êm” Nhưng không hề tự ti ngược lại tự hào một cách tếu táo, đáng yêu: “Con gái Nghệ An ra thăm Hà Nội/“Mô, tê, răng, rứa” làm quà/Bạn cười gãi “tróôc” bào chữa/ “Rứa thôi dân Nghệ nhà choa!”
Thế mới thấy những gì thuộc về hồn, cốt đâu dễ gì quên, đâu dễ gì bỏ, trái lại ai cũng nhân lên niềm yêu mến, nỗi tự hào. Không hiểu các nhà ngôn ngữ đã lí giải như thế nào về giọng Nghệ quê tôi. Trong cái vốn hiểu biết của mình, tôi hiểu rằng, ngôn ngữ là sản phẩm của con người, của sản xuất, sinh hoạt và giao lưu trao đổi tình cảm nhưng bị chi phối bởi phong thổ, khí hậu. Cái chất giọng nằng nặng ấy là sản phẩm của thiên nhiên gió Lào nắng nóng khắc nghiệt, của bão lũ hoành hoành hàng năm, của những con người bộc trực, thẳng thắn, nhiệt tình nơi một miền quê còn nhiều gian khó.
Cũng nhờ thứ tiếng ấy mà có những điệu hò xứ Nghệ sâu lắng, trữ tình, chẳng lẫn vào đâu được. Thật cảm động khi nghe “Giữa Mác Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, người đi xa thương nhớ, nao lòng. Thật xúc động khi Trần Hoàn viết một khúc ca có chi tiết lịch sử về lãnh tụ Hồ Chí Minh, rằng trước lúc Người đi xa “Bác muốn Nghe một câu hò xứ Nghệ”.
Ai đi xa mà lòng chẳng mang nỗi nhớ quê hương, với lãnh tụ Hồ Chí Minh tình cảm ấy đã ăn sâu vào máu thịt dẫu hàng chục năm bôn ba xa ngái quê hương. Một câu hò trước lúc đi xa để được là trở về, là tìm về cội nguồn, một phút giây lắng lại như dân gian từng nói “lá rụng về cội”.
Bởi tình yêu quê hương đất nước luôn day dứt trong tim, mà chỉ có những câu hò, điệu ví mới giúp nguôi ngoai nỗi nhớ thương.
Với tôi lâu không nghe tiếng quê cũng thấy nhớ, không gần thấy thiếu, và mỗi lần được nói bằng chính giọng quê lại thấy gốc gác của mình.
Tôi hiểu, tiếng Nghệ, với người Nghệ không chỉ là tiếng quê mà tiếng gọi trở về, là tiếng lòng thổn thức khôn nguôi.
http://luatvidan.vn/index.php?f=news&do=detail&id=256

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

THIÊN THẦN ĐÃ ĐÓN EM ĐI

Em bé Syria
Theo cha mẹ đi tìm miền đất hứa
Khi đất nước chìm trong máu lửa
Lương dân em ai cũng khao khát một chân trời
*
Gia đình em đi qua đại dưong
Gió dập sóng vùi những ước mơ chết lặng
Những cánh tay chới với chìm dần trong hoảng loạn
Chẳng ai thể cứu em khỏi nanh vuốt tử thần
*
Cha mẹ em bỏ lại sau lưng em một chân trời
Tìm hạnh phúc thực hư đâu chưa rõ
Cuộc sống mới bên kia bờ vẫn là ảo vọng
Mà tính mạng treo trên đầu ngọn sóng
Đất hứa nơi đâu đi mãi chẳng tới bờ
Đất hứa là đâu trong tầm nghĩ của trẻ thơ

*
Em thơ đi đâu em về đâu
Thiên thần gẫy cánh nơi bờ sâu nước người
Hồn em thoát xác về đâu
Mà thân để lại niềm đau trên đời
*
Em chết rồi đừng oán hận nhé em thơ
Cha mẹ em đã không còn chọn lựa
Giá như tổ quốc em không chìm trong lửa đạn
Thì em vẫn bình yên viết mơ ước cuộc đời
*
Nhưng em đã đến và mãi em còn ở đó
Trong nỗi ám ảnh của nhân loại
Em đã cập bến và mãi còn ở lại
Để nỗi nhớ thương khắc khoải phía quê hương

Hãy ngủ đi em trên bãi cát đợi bình minh
Với đôi cánh của người hoạ sĩ tặng mình
Em sẽ bay trên chốn thiên đàng linh diệu
Chúa sẽ đón em thức dậy
Trong hào quang thánh thiện của Người!



HN, 04/9/2015
P.T.H