Bánh Cu đơ Hà Tĩnh |
Không ai biết núi sông ấy có
tự bao đời mà vợi vời xuyên chảy qua ký ức thời gian trong lòng người đất Nghệ.
Núi Hồng- sông Lam, cả hai đã trở thành biểu tượng sông núi linh thiêng rất đỗi
tự hào của con người vùng đất này. Trước những năm 1991, khi Nghệ An và Hà Tĩnh
còn là Nghệ tĩnh, người Nghệ được gọi là người con của mảnh đất Lam Hồng. Cho
đến hôm nay, khi sự chia tách hành chính ấy đã gần hai chục năm thì trên nhiều
diễn đàn của người Nghệ vẫn trân trọng và giữ gìn cái tên ấy: hội đồng hương Lam
Hồng, đất học Lam Hồng, văn hóa Lam Hồng...Và nhiều nhà văn hóa, trong các
trang viết của mình vẫn gọi người Nghệ như thế. Tôi đồ rằng, lịch sử có tan có
hợp, có chuyện nhập tách, nhưng những ký ức văn hóa tốt đẹp vẫn được ăn sâu
trao truyền qua lớp lớp các thế hệ người Nghệ thì quả khó có tách biệt rạch ròi.
Khi bạn đặt chân đến Diễn
Châu, đi ngược Quốc lộ 7 bạn sẽ gặp phần thượng nguồn sông Lam, hoặc từ cầu bến
Thủy tỏa đi, bạn cũng tìm được những nhánh của những dòng sông ấy. Còn khi qua
cầu bến Thủy, qua Nghi Xuân, đặt chân lên đất Hồng Lĩnh, bạn ngẩng lên là gặp
đỉnh non Hồng. Dòng sông Lam ấy không phải là dài rộng và sâu, ngọn núi Hồng ấy
không phải là cao và hùng vĩ, nhưng trong lòng người xứ Nghệ thì chúng quá đỗi
hùng vĩ và thiêng liêng. Thiêng Liêng bởi lẽ phần lớn người Nghệ An sinh sống
ven sông Lam, dòng sông là mạch huyết của phong thổ Nghệ An, còn xung quanh ven
dưới chân núi Hồng bao đời đã tạo dựng nên những nét tính cách văn hóa rất
riêng của con người Hà Tĩnh. Chung quanh dãy Ngàn Hống ấy đã nuôi dưỡng và sản
sinh nên những làng quê xứ Nghệ nghèo vật chất nhưng giàu văn hóa: Một Nghi
Xuân về phía Đông Bắc đã sản sinh ra Nguyễn Du và ca trù Cổ Đạm, một Đức Thọ
về phía Tây Bắc “gạo trắng nước trong”
đã sản sinh ra lớp lớp các nhân tài và danh nhân văn hóa nổi tiếng như Xuân
Diệu Huy Cận, như Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, ...phía Nam và Đông Nam của
ngọn núi ấy là Vùng Can Lộc, Thạch Hà cũng lắm anh tài phát tiết...
Núi ấy, sông ấy đã được khắc
vào thơ, vào họa đẹp đẽ. Theo thơ, nhạc họa, những hình ảnh núi Hồng sông Lam đã
vút xa, đã chảy lan khắp bốn phương trời. Có một lý thuyết cho rằng, nơi dòng
sông thường sinh ra những nhân tài, nhất là chỗ nước xoáy ngang, và nơi Nam Đàn
tương truyền là một nơi như thế, nơi đó đã có La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Nam
Sơn Tùng Thoại Nguyễn Đức Đạt, Phan Bội
Châu, Hồ Chí Minh, ...Lý thuyết đó vẫn chỉ là một gợi mở và thiên về cảm quan
địa linh (phong thủy), nhưng không phải là không có những thú vị để suy ngẫm.
Núi
Hồng nằm trong đặc điểm núi miền Trung, thấp thoải, sông Lam nằm trong đặc điểm
sông ngòi miền Trung dốc và sâu. Ngọn núi đó, dòng sông ấy không biết đã hứng
bao nhiêu cơn bão thường niên, bao nhiêu mùa lũ thường kỳ tàn phá, cũng như
người miền Trung bao phen chống bão lũ nhọc nhằn mưu sinh tồn tại. Có điều
chẳng ai ghét, ai thù ngọn núi con sông ấy cả trái lại yêu mến và tự hào, đi xa,
mong được trở về để “úp mặt vào sông quê” (nhạc Nguyễn Trọng Tạo).
Có thể nói Núi Hồng là một
điểm son của đất Nghệ, một dấu ấn tự nhiên văn hóa của xứ Nghệ Việt Nam , Cũng có
thể nói, Sông Lam là dòng thủy lưu sinh ra văn hóa Nghệ An, một vùng miền văn
hóa ở thế địa tự nhiên có núi, sông và ven biển. Tôi cho rằng, đi dọc dòng sông
Lam bạn mới đã xuyên suốt Nghệ An chứ không phải là theo quốc lộ một theo chiều
Nam
- Bắc như ta tưởng.
Tôi đã có dịp từ cầu bến Thủy
mà ngắm nhìn dãy Hồng Lĩnh và ngắm dòng sông Lam, tôi cũng có dịp đi đến những Thanh
Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, trong buổi chiều tà ngắm nhìn những cô
gái Thái sinh hoạt sông nước. Mỗi cảnh sắc đều có nét đẹp riêng, đều thơ mộng,
trữ tình. Mới thấy núi sông Nghệ có nét đẹp lạ, mới thấy tình người Nghệ có
những nét rất riêng, sâu.
Người
Nghệ có một tiếng nói rất riêng trong cái chiều kích phong thổ Lam Hồng, có một
tình cảm rất nồng hậu, một tâm hồn nghệ sĩ trong không gian văn Hóa Lam Hồng. Trong
lòng người Nghệ sống xa quê, dòng sông, ngọn núi ấy luôn theo họ tới những miền
đất mới, bừng thức trong họ những xúc cảm ngọt ngào và nuôi nấng trí tuệ họ
nghĩ những nếp nghĩ cao sâu. Họ đã tự nhận mình là dòng văn hóa Hồng Lam, hay
Lam Hồng và sẽ mãi mãi như vậy, bởi, có lẽ ngần ấy, đủ để biểu trưng cho tâm
hồn khí phách xứ Nghệ bao đời./.
Hà Nội,
tháng 7/2010
Phạm Thạch Hoàng
Nguồn: WWW.datnghe.com
Nguồn: WWW.datnghe.com