Một nữ sinh sinh ra trong
gia đình nghèo của tỉnh Quảng Bình, mong ước vào nghành an ninh để đỡ gánh nặng
cho mẹ. Thi đạt á khoa của Học viện Chính trị công an nhân dân, nhưng một ngày em
bỗng nhận được giấy thông báo của công an huyện là không đủ điều kiện nhập học
vì phần khai lí lịch không trung thực. Niềm vui đang phơi phới thì nỗi buồn và
thất vọng bao trùm. Câu chuyện nữ sinh Bùi Kiều Nhi đã gây được sự quan tâm lo
lắng cộng đồng mạng những ngày qua.
Về câu chuyện của em, xét
về lý, “án tại hồ sơ” thì em đã sai, khi em không khai đúng, đầy đủ về thân
nhân mình. Vì theo qui định của nghành phải khai trung thực về bản thân và gia
đình, mà cho cùng thì nghành nào cũng đòi hỏi phải khai lí lịch trung thực
nhưng nghành an ninh làm việc này kĩ hơn.
Cái sai của em được nhìn
nhận là cái sai không cố ý. Nhưng vì “tình ngay lí gian”, nên em bị tội. Cái lỗi
không cố ý của em là em không hề biết về chuyện bị án treo 9 tháng của bố mình
để khai theo yêu cầu của hồ sơ. Em là kết quả của cuộc hôn nhân sau khi bố em
bị kết án 5 năm (em sinh năm 1997, bố em bị kết án 1992) và bố mẹ em cũng không
hề tâm sự chuyện đó với con cái. Với một học sinh 18 tuổi, sai về chuyện lí
lịch gia đình, khó có thể là cái sai cố ý của em mà do không được biết, hoặc do
biết không đầy đủ. Theo thư em viết cho bộ trưởng Trần Đại Quang, khi khai hồ
sơ, em có hỏi mẹ về gia đình nhưng mẹ em không cung cấp thông tin đặc biệt gì
về người bố. Trong thời điểm đó, giả sử bà có biết nhưng coi đó là chuyện không
quan trọng, không cần thiết nói với con mình thì lỗi lại là ở sự sơ ý người
lớn.
Qua câu chuyện của em,
cũng cho thấy sự thiếu logic nhất quán của luật và những quy định dưới luật.
Chiểu theo quy định của Bộ Luật Hình sự 1985, những “người được xóa án coi như chưa
can án”, trường hợp bố em B. K.N bị án treo 9 tháng đã được công lý xóa án, đã
trở lại là công dân bình thường. Khi đã được công nhận là công dân bình thường
thì không ai muốn nhắc lại chuyện cũ, vì án xẩy ra bị chịu mức án treo không
phải là trọng tội và tâm lí thường không ai muốn mình bị coi là kẻ có tội, và
không muốn con cái mặc cảm về cái gọi là tội/lỗi của bố mẹ, nên việc bố Nhi
giấu vợ con hoặc không chia sẻ với vợ con cũng là điều bình thường.
Nếu căn cứ vào hoàn cảnh
thực tế này thì sự khai hồ sơ của em Nhi là hoàn toàn vô tư nhưng em đã bị “việt
vị” vào quy định khác (văn bản dưới luật) đó là quy định của nghành an ninh. Như
trên đã đề cập, nghành an ninh nghiêm khắc yêu cầu người vào nghành phải rõ
ràng và “sạch” về lí lịch. Chính yêu cầu “sạch” về lí lịch khiến việc khai của
em tưởng chừng như vô tư nhưng vô tình bị mắc cái lỗi “không trung thực”, tức
đã phạm vào một trong các tiêu chí đạo đức quan trọng của ngành an ninh.
Tuy nhiên, điều đáng hoan
nghênh của nữ sinh Nhi là khi có công văn của công an huyện thông báo về tình
hình của mình, em đã thể hiện một thái độ trung thực, cầu thị và tha thiết đứng
trong hàng ngũ an ninh, điều này thể hiện ở những bức tâm thư kêu cứu của em
tới các vị bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Công an.
Hoàn cảnh của một nữ sinh
vượt lên hoàn cảnh khó khăn, học giỏi, với ý chí quyết tâm lớn đã lay động cộng
đồng mạng. Nhiều người lo lắng chia sẻ với những “vấp váp” đầu đời không đáng
có của em. Nhiều người tiếc cho em nếu như em không có một cơ hội vào nghành an
ninh như ý nguyện của mình. Chính những ngày qua, truyền thông và mạng xã hội
đã xích lại gần bên em, chia sẻ cảm thông với em và giúp em nuôi một niềm hi
vọng được Bộ trưởng Bộ Công an tạo điều kiện cho em được nhập học vào Học viện
Chính trị công an nhân dân kẻo bỏ lỡ một cơ hội đối với một học sinh giỏi
giang, đầy nghị lực như Nhi.
Trả lời của thiếu tướng,
giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân với báo chí là rất nhân văn và thể
hiện sự cảm thông rất lớn của nhà trường. Tuy nhiên, người quyết định cao nhất
chuyện này là Bộ trưởng Bộ Công an. Chúng ta cùng hi vọng, người đứng đầu
nghành an ninh sẽ thuấu suốt “lỗi” sơ ý của em, thấu hiểu tình cảm và nguyện
vọng của nữ sinh này, sẽ chấp nhận em vào trường học đã đăng ký, giúp em biến
ước mơ thành hiện thực.
Tình cảm, sẻ chia của
cộng đồng dân cư mạng đã cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục là
rất lớn. Số phận của một học sinh trước bờ vực trượt đại học hơn bao giờ hết
mọi người đều muốn giang tay nâng đỡ. Qua câu chuyện của em Nhi cũng cho thấy
tình người đối với con người, đối với những tấm gương nghèo hiếu học là rất
nhân ái. Không phải câu chuyện của con em mình nhưng nhiều người trăn trở, thấp
thỏm lo lắng cho Nhi y như chuyện con em mình vậy. Những tấm lòng thiện ý của
xã hội đã xích lại gần nhau hướng tới số phận tương lai của một con người, thắp
sáng thêm niềm tin của xã hội vào lòng tốt của con người và cuộc đời.
HN, 17/9/2015