Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Tản mạn cuối ngày
*
Một ngày "làm mưa làm gió", làm anh làm chị, làm em, làm bạn; bận rộn hay đủng đỉnh thì cuối ngày về kịp tưới mấy luống rau như lời nhắc của vợ đã cảm thấy vui rồi.
Đón đưa còn đi học, làm lặt vặt mấy việc nhà, thấy mình không bé đi mà có ích hơn lên.
Chính sách trên trời cuộc đời dưới đất. Ai nuôi đc gà, ai trồng được rau, thời buổi này là của hiếm. Xanh sạch yên tâm mà ăn ngon, ngủ khỏe. Dù chỉ là sự kiểm soát đó chẳng phải là tất cả cho bình yên và hạnh phúc hôm nay.
Tiến vào khoa học cao xa, tư tưởng đầy mình thì mình vẫn phải đi trên đôi chân và sống giữa cuộc đời.
Ai thành công, ai kiếm bộn tiền, ai giỏi hơn ai xin cứ mặc, cái cần là sự tôn trọng nhau, chứ không phải là lên mặt, là xét nét, Gato.
Rồi tất cả sẽ hoa mấy và cát bụi, bàng bạc với ngàn thu, xin hãy cho nhau chút niềm tin vào sự tử tế của con người.
Ngày mai làm việc thêm một ngày khác thường lệ, cho kịp tiến độ theo sức ép của thời gian.
Một lời mời dự hội thảo từ ĐH Khoa học Huế vào chủ nhật đầy nhiệt tình. Bài đã in sách, chân muốn lên đường song đành cáo từ và hy vọng lần sau.
*
(HN, 9/12- ngày cuối tuần, tháng cuối năm bộn bề công việc và nghĩ suy)
PXH

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

VIẾT CHO MỘT THỜI...!



Cảm xúc thường theo dòng các sự kiện. Chuẩn bị kỷ niệm 15 năm tốt nghiệp ĐH (2016), 20 năm tốt nghiệp cấp 3 (2017), những sự kết nối làm hắn thấy nhớ bạn, nhớ trường, nhớ lớp.
Không khí ấy thôi thúc hắn viết về những kỷ niệm. Những kỷ niệm vẫn ngọt ngào đi qua tháng năm. Dù rằng, người ta không ai sống bằng kỷ niệm. Nó chỉ là một phần hành trang còn lại trong tim.
Có những câu chuyện hôm nay nhìn lại, đã thấy là ngô nghê, những chẳng “ai khôn mà chẳng dại một đôi lần”. Và cái “dại” hồn nhiên như thế mới là cái logic thực tế của cuộc sống. Không ai sống tuổi hoa niên bằng tư duy của một người trưởng thành, chỉ có người trưởng thành là mang ơn và hoài niệm tuổi hoa niên.
Về thời đi học, nhiều thứ để nói. Với hắn, những kỷ niệm thường là đẹp. Và với hắn, một góc nào đó hắn vẫn hàm ơn những ngày đã qua, với thầy cô, với bạn bè, với những ai đã quý mến và giúp đỡ hắn những cơ hội để hắn vượt qua khó khăn theo đuổi những đam mê.
Hăn định sẽ tập hợp 20 bài tạp văn cho thời cấp 3, 15 tạp văn cho thời đại học, để nhớ lại một thời một thuở đã lùi xa, để ghi dấu một chặng đường dài.
Gọi là:
“Của riêng cũng một chút này
Gọi là dành tặng những ngày đã xa
Mênh mang trong cõi ta bà
Yêu thương còn lại, dẫu xa vẫn gần”
P/S. Bài viết dưới đây hắn dành cho thời đại học, đã đăng trong group lớp hắn, nay upload lên fb cá nhân, biết đâu có ai đó có một mối liên hệ thâm tình nào đó với lớp hắn, với bạn bè của hắn, chợt thấy bóng dáng của mình.
VU VƠ CHUYỆN CŨ
Hôm nay, suýt soát chính ngọ, nàng Hải nhắn tin bảo hắn qua ngồi với lớp tí. Hắn bảo đang có hẹn. Kỳ thực lúc đó chuẩn bị đi ăn trưa với cô em lâu ngày mới gặp mà họp thì chưa xong. Lời rủ rê dồn dập vào đúng một buổi trưa, bên nào cũng ưa nhưng hắn đành cáo lỗi với anh em.
Mgs lại bảo nàng Hải, ngồi với nhau bàn xem có tổ chức vụ hội khoa gì ko tin lại anh em biết. Nàng nhắn lại bảo định gặp ông để bàn đây. Nghĩ bụng, có gì to tát mà phải bàn. Thích thì các vị cứ nhích. Nói thía chứ hôm kia cũng đã gọi cho ngài Sử. Ngài ấy hỏi có chuyện gì quan trọng không. Hắn bảo định hỏi anh cái này. Ngài bảo anh đang bận họp. Vâng anh họp đi, thía thui mình cũng chẳng gọi lại. Kể ra giờ ngài cũng bận thật, nên mỗi lúc gọi cho ngài cũng thấy ngài ngại.
*
Hắn lấn cấn trong đầu từ chiều đến giờ cái stt. Định mượn ý này của thầy Thế Hùng viết một stt ngắn nhưng không tin chắc lắm vào trí nhớ, nhỡ viết lên Mr. Hùng vô tình đọc được lại căn vặn học trò, thầy có nói thế đâu thì chít.
Đại ý là hắn nhớ thầy có tặng/đọc bài thơ:
[Mười phút với Nguyễn Tuân]
"Cháu vẽ gì?
Cháu vẽ hoa và thiếu nữ
Năm phút, mười phút
Điếu thuốc tàn trên tay
Sao cháu không vẽ người ăn mày?".
Hắn nhớ lúc chia sẻ bài thơ này trước lớp, thầy nói: thầy không thích vẻ đẹp khổ hạnh!
Tối về, hắn mgs group cho mấy anh em chiến hữu một thời. Hỏi Y or N. Mấy mgs phản hồi “no”. Hỏi: No là không có hay no là không nhớ. Nàng Nhàn Trịnh bảo, mình ko nhớ lắm!
Ngài Lê Mười lại lan man sang chuyện khác. Lại còn khía khá hắn: trò chơi này hay đấy.
Rồi ngài hỏi, ai tả cảnh thầy Q lớp mình văng cốc nước vỡ tan cái nhể?.
Rồi ngài lại tu từ, mình thú thật, không nhớ không biết lý do tại sao vụ đấy lại như vậy nhỉ !
Nghĩ bụng, ngài nhắc em mới nhớ, em cũng đã chực quên rồi!
*
Có những chuyện hơn mười lăm nhăm rồi chớ có ít đâu. Nhớ được cũng chỉ láng máng. Những chuyện nhỏ như vậy chắc chẳng ai ghi chép làm gì. Mà trăm thứ để nhớ, não đã đầy, còn đâu cho chuyện cũ.
Bấy lâu nay hắn cứ ấp ủ sẽ viết gì đó dài hơi, đại loại chuyện nho nhỏ, vui vui. Chuyện sầu nên người. Chuyện tếu táo để cười. Đại loại vô số chuyện. Nhưng cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi. Hắn chẳng phải là nhà văn chuyên nghiệp, viết cũng phải tĩnh tâm tĩnh tại mới viết được, trừ phi bị thúc ép.
*
Chuyện hay nhất có lẽ là chuyện tình. Mà cái này đôi khi lại là cái nhạy cảm. Kể ra thằng A yêu em B nhưthế nào. Tả “không chân” có gì để nói, tả ảo thì giống như chuyện thiên hạ. Mà tả chân quá thì lại “khơi lại nỗi lòng” xưa, chưa nói có những cái bọn ta đang muốn giấu nhẹm, mi lại khui ra. Thui thế là không đụng bút. Nhỡ vợ/chồng tụi nó đọc lại nổi máu Hoạn Thư tra hỏi, dồn vào chân tường, ảnh hưởng hạnh phúc con nhà người ta, thì vô hình chung hắn đắc tội với chúng bạn.
Lớp hắn được cái mấy đôi yêu nhau đều yêu tử tế cả. Yêu ngắn, yêu dài gì rồi cũng nên chuyện. Không phải tình yêu con bọ xít hay đường ai nấy đi sau khi “chào nhé” ngọt ngào giảng đường mà yêu là tính tới hôn nhân. Thằng H coi bộ thía mà chung tình. Cái H coi bộ thía mà duyên. Tính ra hai đôi chung giường, chung chiếu, chung nhà. Tỉ lệ chưa tính đến số nguyên phần trăm, nhưng như vậy cũng là hoàn hảo rùi.
Cũng có mấy đứa thất tình không phải với trong lớp mà với bên ngoài. Đứa thì khóc hu hu. Đứa thì người yêu bỏ theo giai, khi mọi sự tưởng đã con nice. Đứa thì chủ động con bà phắn sau khi nem chả. Tình yêu thưở ấy ai lường trước ngày mai. Có đứa nào toan tự tử không thì hắn không biết.
Đứa nên duyên chồng vợ, thì coi là duyên may, đứa không nên chồng vợ âu là duyên số. Đứa lỡ cỡ thì hát bài ca “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”! Theo cái con bà lý này thì dở đâu phải là không đẹp. Có hậu đâu phải đã là hay!
Hắn thì không yêu ẻm nào trong lớp nhưng được cái cũng có chút tình gọi là romantic với em khoa Văn. Cái mối tình đầu cũng là tình cuối. Đôi khi hắn tự phản tư, hồi ấy mình giỏi hay là không nhỉ. Năng lực mình chỉ đến thế thôi ư. Tán được mỗi một em. Chả bù cho Mr. S, anh cưa được tá gái mà toàn chân dài, da trắng, xinh chết lặng cả cây.
Nói là nói chơi vậy chớ, hắn biết mình là ai! So đâu được với A S, cao như Từ Hải, da trắng đến nỗi bọn đôi khi khối đứa tưởng anh đến từ xứ tuyết.
Chỗ này nói thêm đôi ba câu chuyện riêng của hắn. Đôi khi bạn bè nhầm tưởng chắc hắn tán nàng của hắn bằng thơ, vì logic thông thường mà xét thì hắn có chút gọi là thơ phú nhì nhằng, người yêu hắn thì lại học văn. Nhưng xin thưa, em nhà hắn không yêu thơ và không lãng mạn đến mức mưa mắt nghe đọc thơ như không ít ẻm văn khoa. Chỗ này hình như hắn có bí kíp, không tiện nói. Mà cũng phải ghi công không ít anh em lớp hắn. Hồi hắn tán nàng, khối anh em dân Triết vun trồng, chăm bón.
Đôi khi hắn trêu vợ, biết thế này ra trường cưới luôn cho xong, giờ con chắc nhớn rùi. Lúc đấy vợ hắn bảo: thách đấy, lúc thì vợ hắn bảo: cưới rồi cạp đất mà ăn à!.
Đôi khi ngồi với anh em tán gẫu, nhiều chuyện xưa cũng được hé lộ. Quy luật thông tin là thời gian càng lùi xa, sự chia sẻ thường cởi mở hơn. Đại loại là ngày xưa thằng ý tình cảm với con ý, mày không biết à. Có những chuyện biết lờ mờ, có những chuyện biết để mà biết, hắn chẳng mặn mà khai thác sâu làm gì.
Nhưng đôi lúc, hắn cũng thấy “tiếc của giời” cho thằng A, cậu B. Lớp mình cái H, dung nhan đằm, tính cách ổn thía mà ông ấy lại để vuột mất. Anh T và em T hình như có tình cảm với nhau nhưng vẫn chỉ “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Sao không dấn ga có phải thành tổ rồi không.
Đôi khi hắn bảo thằng L: ông đẹp giai, ánh mắt có hồn khi nhìn gái, nói chuyện thủ thỉ, lắm em chết mà sao ông chẳng chốt nhỉ. Ờ thì hồi ấy nhát, hoặc hồi ấy có nghĩ gì đâu. Có khi tỏ lộ sự tử tế, yêu bạn mà không chân thành thì cũng ngại. Ý nói không có yêu chơi bời gì đó.
*
Nãy giờ lan man chuyện cũ, nhân mấy sự tác động làm hắn gợi nhớ sự kiện chuẩn bị kỷ niệm 40 năm khoa Triết học.
“Đôi khi lòng tự hỏi lòng
15 năm ấy đã xong được gì”
Xong gì thì xong, chứ món nợ tình cảm là món nợ lớn nhất ở đời. Dù hắn chẳng phải kẻ nặng tình, nhưng quy luật cuộc đời là thía: không ai thoát được lưới tình. Tình sâu hơn biển, tình dài hơn sông. Tình mênh mông như vũ trụ. Ai cũng hiểu rằng, tình đâu chỉ có tình yêu đôi lứa!
Nói như GS. Đào Duy Anh, “cho hay tất cả đều mây nổi/Còn với non sông một chút tình”.
Và như nhận định của Anhxtanh trong thư để lại cho con gái thì tình cảm là nguồn năng lượng tốt đẹp và vô tận nhất.
Cho nên hắn rất trân trọng những tình cảm chân thành. Ghét những ai bội bạc và ra bộ tử tế chân tình.
Tình bạn là cái thử thách qua thời gian. Thời gian thử thách bản lĩnh sống của mỗi người. Không biết hắn nói vậy có nâng tầm triết học quá không!
HN, 25/10/2016.
P.X.H

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

CẢM QUAN CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ VÀ THÁI ĐỘ CỦA NHÀ CHÍNH TRỊ




Nhìn hình ảnh hai đứa trẻ đẩy xe trên con đường đầy bùn đất sau khi nhận hàng cứu trợ tại Châu Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình của bạn Nguyễn Linh (Đà Nẵng), tôi bỗng nhớ những câu thơ của thầy tôi: TS. Mỹ học Phạm Thế Hùng:
"Cháu vẽ gì?
Cháu vẽ hoa và thiếu nữ
Năm phút, mười phút
Điếu thuốc tàn trên tay
Sao cháu không vẽ người ăn mày?".
[Mười phút với Nguyễn Tuân]
Tôi nhớ lúc chia sẻ bài thơ này trước lớp tôi, thầy nói: thầy không thích vẻ đẹp khổ hạnh!
*
Có một thời người ta phân tuyến hai trường phái nghệ thuật rất rõ: Nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
Nếu theo lời thơ trên đây mà xét thì:
Vẽ hoa và thiếu nữ- thiên về "nghệ thuật vị nghệ thuật"
Vẽ người ăn mày- sự khổ hạnh- thiên về "Nghệ thuật vị nhân sinh"
Quan niệm, sự khổ hạnh còn đâu cho vẻ đẹp, cũng đúng.
Nhưng đôi khi trong gian khổ người ta vẫn tìm thấy nét đẹp, ví dụ một nụ cười, sự lạc quan, tình thân ái, ...Đó cũng là một góc nhìn.Nhìn một thiếu nữ đẹp bị phụ tình đứng bên bờ sông hững hờ xa xăm ai bảo không đẹp. Vẻ đẹp của chiều sâu tâm hồn và trí tuệ lại càng là phạm trù khó xác định.
Nói chung bàn về cái đẹp cũng đa dạng phong phú, đâu có sự thuần nhất, vì thế cho nên Phơ Bách mới nói: cái đẹp không phải trên gò má hồng người thiếu nữ mà trong con mắt của kẻ si tình.
Kẻ si tình thường nhìn nhận chủ quan và cảm tính về cái đẹp mà mình yêu.
*
Thầy tôi thích vẻ đẹp của cái đẹp thuộc về miền nghệ thuật. Thầy là một trong số ít nghệ sĩ đa tài năng. Thơ, nhạc, họa của Thầy đều có một phong cách riêng.
Cụ Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp "vang bóng một thời" và từ thực tế cuộc sống, tìm và nâng vẻ đẹp cuộc sống lên tầng nấc nghệ thuật- đọc "Người lái đò sông Đà" sẽ rõ. Cụ Nguyễn đã đi vào văn học dân tộc thành công với vai trò là “người đi tìm cái đẹp và cái thật” (Nguyễn Đình Thi)
Viết gì, vẽ gì đó là do cảm quan của người nghệ sĩ, đó là sự lựa chọn. Không ai có thể trói buộc sự tự do trong tâm hồn họ, bắt họ viết điều này, vẽ cái kia. Trừ phi là sự đặt hàng được người nghệ sĩ chấp thuận.
Nhưng người khát vọng của những người nghệ sĩ chân chính là đều hướng tới cái đẹp và ngợi ca cái đẹp.
*
Nhân mấy câu thơ này và bức hình những đứa trẻ nói trên, tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác. Đó là sự quan tâm của nhà chính trị đối với cuộc sống và nhân dân.
Nhà chính trị khác người nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể phiêu lưu trong trường cái đẹp, hướng tới đối tượng trữ tình mà họ lựa chọn. Nhưng nhà chính trị không thể phiêu lưu trên cuộc sống và sinh mệnh chính trị của nhân dân. Không thể lấy nhân dân để thử nghiệm những ý đồ cá nhân.
Nghệ sĩ, có thể tạm quên khổ đau để đắm chìm vào nghệ thuật, nhưng nhà chính trị không thể không biết hay hờ hững, né tránh sự sự đau khổ của cuộc đời, của người dân, dù có thể, cá nhân nhà chính trị rất thích hoa và mê thiếu nữ.
*
Yêu hoa và thiếu nữ là cảm quan muôn đời của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp của tự nhiên và con người. Bằng tài năng, họ có thể để lại cho đời những áng văn hay, những bức hoạ tuyệt tác!
Còn yêu dân, chăm lo cho nhân dân phải là bổn phận của nhà chính trị, của nền chính trị vì dân. Bản chất của chính trị tử tế càng phải là như thế. Với sự nỗ lực của mình và sự hiệp thông hành động, nhà chính trị tâm huyết và thực lòng vì dân có thể mang đến cho nhân dân một miền hạnh phúc mà ở đó, hoa có chỗ nẩy nở và khoe sắc, thiếu nữ bình yên phô diễn vẻ đẹp xuân thì.
Pa xu ho, 10/2016.

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

CƯỜI




(Viết cho ngày quốc tế nụ cười)
* * *
Chuyện vui, người cười
Chuyện buồn, người khóc
Khóc cười trong mắt
Cười khóc trên môi

Chẳng ai muốn khóc
Lòng chỉ muốn cười
Cười đong hi vọng
Cười vui sống đời

Cười để làm tươi
Cười là chuyện tốt
Cười nhiều đắc lợi
Thang thuốc từ cười

Cười để làm duyên
Từ trong sâu thẳm
Làm khoẻ trái tim
Làm rạng tâm hồn

Xin hãy làm vui, nụ cười tự có
Cười sao cho duyên, dễ mà lại khó
Cười to, cười nhỏ, cười ở lúc nào
Khi cười khép lại, con người thanh cao

(Paxuho.2016)

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016



Áp lực thời gian
+++
Ta vội vã sợ thời gian vuột mất
Con người ơi ngươi định vị ở phương nào
16 tiếng rồi ngày cũng khép
Còn 8 giờ ai mặc kệ hồn say
Thời hiện đại thời gian sao khiếp thế
Con người mình mở mắt thế là quay!
(Paxuho.2016)

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

TƯỢNG DANH NHÂN

Giờ nhìn những tượng đài về các danh nhân xưa nom giông giống nhau. Giống ta với tàu. Đúng là tính ước lệ nhiều!
Bởi hậu thế có ai chứng được dung nhan các vị tiền nhân thời mà máy ảnh chưa ra đời. Những bức vẽ về họ (nếu có), cũng chỉ là hoạ hồn hoạ cốt, đâu vẽ mặt, vẽ da.
Nhưng ắt điều này thì mãi mãi:
"Danh nhân sống mãi với non sông
Bởi cả tài năng lẫn tấm lòng
Tài năng soi sáng đời hậu thế
Tấm lòng còn ấm đến mênh mông"
(Paxuho.2016)
P/s. Tượng đại danh y Lê Hữu Trác trong khuôn viên bệnh viện đa khoa Ninh Bình.

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Thăng Long ngóng Biển Đông

                                         Hoàng sa, Trường Sa, Cha Rồng biển Đông đang nơi đầu sóng dữ,
Thăng Long lại giục mình giang tay níu đảo xa!
***
Đêm qua, trong giấc mơ tôi thấy rồng Hà Nội lại thăng thiên. Con rồng ấy hình như là con rồng thời Lý (1009-1225), rồng dáng dấp hiền hòa mềm mại mềm mại của rắn, nhỏ nhắn, thanh thoát nhưng oai hùng, con rồng ấy lưng chừng trời ngắm nhìn thủ đô bốn hướng rồi, rồng rướn mình bay về phía biển Đông. Trong miệng rồng mang theo lá thư của người Thăng Long, mà không, của lòng người cả nước, được chấp bút từ Thăng Long, trao gửi cho các chiến sĩ nơi biển xa đang gồng mình dập tắt những vòi rồng quái gỡ đến từ Trung Hoa, bảo vệ giang sơn của đức Cha rồng chốn biển Đông và trao cùng những con dân nước Việt đang thao thức, khắc khoải hàng ngày hàng giờ với biển Việt mến yêu đang trong cơn nguy hiểm cận kề.
Với biển, người Hà Nội vẫn mang trong mình một duyên nợ.  
Thuở xa xưa ấy, cư dân Hà Nội còn ít ỏi, cư trú trên những dõi đất cao lập thành làng và mưu sinh ven các hồ lớn như Hồ Tây (Dâm Đàm), Bảy Mẫu và ít nhiều trên các vùng đầm phá (Thanh Trì). Người Hà Nội đặc biệt gắn bó với sông Hồng, coi đấy là con đường huyết mạch về với ngược Bắc xuôi Đông.
            Thuở ấy, người Hà Nội chưa biết nhiều về biển như bây giờ, nói đến ai đi biển là nghĩ đến cả một hành trình xa xôi và đầy mạo hiểm. Những người đi đến biển chủ yếu là “dân thương hồ” và trong hình dung của người Thăng Long đấy là một điều gì lớn lao phi thường. Đi du lịch, tắm biển lại là câu chuyện không chưa có trong ý tưởng của người Hà Nội xưa.
Thi thoảng những cư dân vùng Duyên Hải, theo sông Hồng mang cá muối lên đổi chác, buôn bán với kinh đô. Người Thăng Long sử dụng thức ăn biển như một sản vật mà chủ yếu vẫn là đồ khô, muối biển, mắm biển vì ngày ấy đường xa, đi lại khó khăn, lại chưa có dụng cụ bảo quản lạnh như bây giờ. Những con tàu chở cá thường phủ lên những loại lá vừa khử mùi, vừa bảo quản tránh ruồi, côn trùng xâm hại thực phẩm. Những con thuyền đến và đi mang theo nỗi nhớ và niềm hi vọng, gắn kết biển với đất liền, với những người yêu biển.
            Cư dân biển vùng duyên hải cũng không phải ai có cơ duyên đến với kinh đô, bởi “đường ngái bái xa”, đi lại chủ yếu bằng thuyền bè và đi bộ, chỉ những quan lại và kẻ sĩ thi thoảng có việc lên kinh kì, hoặc dân thương lái đi về đem ba câu chuyện kinh đô văn hiến thanh lịch kể cho bà con, với họ thực sự cũng là một khám phá. Kinh đô vẫn luôn ở trong lòng họ như một nỗi nhớ niềm mong, ao ước được một lần trong đời được đặt chân đến.
            Trong tư duy người Thăng Long xa xưa, vùng biên giới phía Nam vẫn đất nước mới chỉ dừng lại ở đất Nghệ Tĩnh, nơi mà xưa kia đền Cuông (Mộ Dạ) lưu dấu đức An Dương Vương. Truyền thuyết còn lưu, nhà vua khi từ kinh thành Cổ Loa mấy ngày trời dong ngựa chạy giặc đến đấy thì gặp biển bao la, không có đường tiến đành rút gươm chém con gái rồi nhảy xuống biển sâu tự vẫn. Đấy là một huyền thoại nhắc nhở người Việt về lòng cảnh giác, một sự cảnh giác cao độ với láng giềng phương Bắc. Sau này, nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ chứa chan tiếc nuối:
“Vẫn nhớ ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm lỡ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
Tư duy biển của người Hà Nội-gắn liền với hình tượng con Rồng  cháu Tiên thuở xa xưa trong huyền thoại nhất là khi Lý Công Uẩn đời đô về lại đất này, tính kế muôn đời. Khi nhà Vua dời đô từ Tràng An (Ninh Bình) về Đại La (Tống Bình- Hà Nội xưa) thì thấy rồng vàng bay lên nên ngài đặt tên đất này là Thăng Long (hình tượng rồng bay) và rồi rồng không trú ngụ trên trời xanh hay chốn non cao mà chỗ Rồng Việt cư trú là ở biển đông, vì thế mới có Hạ Long (nơi rồng đáp xuống nước) và Bạch Long Vĩ (đuôi rồng) nơi vùng Quảng Ninh ngày nay.
Người Đại Việt sau này cũng coi trọng đất liền và cũng hướng về biển nhưng chủ yếu là biển ven bờ (cận duyên). Ra khơi xa gió to sóng dữ những con thuyền mỏng manh đâu dễ và vì vậy biển khơi với họ vẫn là một câu chuyện li kì, đầy huyền hoặc. Nhưng người Thăng Long cũng như con dân Đại Việt luôn biết và luôn ghi nhớ những câu chuyện qua các đời nối tiếp nhau dân mình đã thắng giặc trên những cửa sông lớn đổ ra biển mà cửa biển Bạch Đằng là một tử huyệt khiếp đảm của quân Tống, sau nữa là quân Nguyên Mông. Những Trận đánh sấm vang chớp giật ấy được các sử gia Thăng Long chú tâm ghi lại cho con cháu muôn đời trong sử sách oai hùng của dân tộc. Nhờ những trận đánh ấy mà thủ đô Thăng Long được giữ vững, giang san được vẹn toàn.
            Vì thế, các nhà quân sự sau Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo rất chú ý đến sông nước biển, chú ý đến thủy quân. Những vùng biển hiểm trở đều là những huyệt đạo quân sự đánh giặc dữ nước. Cửa biển Thần Phù trên đất Tam Điệp Ninh Bình ngày nay là một yếu địa như thế. Qua được cửa biển Thần Phù phải mấy đời “tu”, và giặc qua biển Thần Phù phải đóng thuyền lớn, đội chèo tinh nhuệ, thông thạo đi biển, nếu không bỏ mạng tức thì. Thần Phù là nơi trấn giữ cận kề Thăng Long ở Phía Nam thời Đại Việt.
            Biển không phải là tất cả nhưng là thành tố quan trọng bậc nhất hợp thành đất nước     
Cư dân Việt cổ và nhà nước Đại Việt sau này với lực lượng sản xuất còn thấp kém, chủ yếu vẫn khai phá ở lãnh địa nông nghiệp. Vì thế hai thành tố đất, nước là hết sức quan trọng. Mẫu Địa- mẹ đất, Mẫu thoải- mẹ nước. Đất sinh sôi và chở che vạn vật, nước tưới tắm chăm bón sự sinh trưởng tạo nên đời sống phồn thực, tươi tốt. Hai yếu tố tối quan trọng với cư dân nông nghiệp nên hai từ đất và nước ấy lại tạo thành một danh từ mang nghĩa hàm ngôn là Quốc gia dân tộc.
Trong dân gian vẫn có những từ kiểu dạng từ xuất phát từ những danh từ được sử dụng như vậy cũng để chỉ đất nước, ví dụ: non nước (Sơn Hà). Non là núi, nước chỉ sông hồ; hai thực thể vây quanh gắn bó với con người. Thêm nữa, với người Việt mình rừng cũng quan trọng. Dân gian đã gán cho rừng hình tượng thiêng Mẫu Thượng Ngàn. Cho nên bộ tứ Phủ: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn đã hợp thành không gian vừa thực vừa huyền bí tâm linh tạo nên sự tính thiêng cho sự tồn tại của nước Việt muôn đời nay.
            Với biển thì người Việt có một cảm thức khá đặc biệt. Trong tâm thức xa xưa thì cha người Việt –Lạc Long Quân- một bản thể dương lại từ biển. Điều này được ghi dấu trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Nàng Âu Cơ sắc màu huyền thoại. Theo đó, chàng Lạc Long Quân một ngày nọ, từ biển đi dạo vùng núi non đã gặp nàng tiên Âu Cơ để rồi nên duyên sinh con đẻ cái từ đó tỏa đi lên rừng, xuống biển cai quản núi sông và mưu sinh, đẻ ra lớp lớp cháu con người Việt sau này.
Như vậy, đến với biển của người Việt là một quá trình có thể thấy từ vùng đất tổ Hùng Vương (Non cao, Thượng ngàn) về với đồng bằng- sông (Địa-Thủy) và ven biển (Thủy) là một dòng hợp lưu Rừng- Đồng bằng - Biển cả kiến tạo nên không gian đất nước, hội tụ đầy đủ các thực thể tự nhiên quan trọng đối với đời sống của con người.
Trong so sánh với rừng, biển cũng hung dữ hơn và mạo hiểm hơn rừng. Thường theo quan niệm dân gian, biển là nơi quỷ dữ trú ngụ, là các loài thủy quái hành tàng, do vậy trấn biển phải thường là các vị thần, thường là các vị thủy thần trong truyền thuyết như Long Vương, Vua Thủy Tề, các vị thần hữu danh và vô danh, các vị nhân thần người Việt và đó thường làm nam tính.
Ngũ vị Đẳng thần được cho là có liên quan trực tiếp tới Biển Đông của Việt Nam[i], đó là: Bạt hải Đại vương tôn thần, vị thần "hữu vi, vô danh" tức có nhiều công giúp nước nhưng không biết đến danh tính, là một vị thần liên quan trực tiếp đến biển. Ngài Thiên Quan Bình lãng Đại Vương, cũng là vị Hữu vi Vô danh, là vị thần giúp nhân dân bình được sóng gió. Ba vị Mạnh Tướng Đăng Kinh Đại Vương, Hỏa thần Đống Duy Đại Vương, Thần Kỳ Cửa Chùa Đại Vương, là những vị Nhãn Thần, được coi như những con mắt dõi theo và bảo vệ dân. Đó còn là những người có công khai phá biển, trấn biển là những vị tướng quân được nhân dân ghi nhớ và tôn thờ như Nguyễn Công Trứ (khai phá đất Thái Bình), Hưng nhượng Vương Trần Quốc Tảng (Hòn Gai, Cưả Ông), là tướng công Trần Khánh Dư (Vân Đồn)... và đi biển thường là những nam dân vạn chài lực lưỡng, ngực trần đón gió, lướt trên sóng đầy sức mạnh chiếm hữu như là các chàng trai trong hải đội Hoàng Sa, Trường Sa của ngư dân đảo Lý Sơn.
Có một lịch sử dài hàng trăm năm chống xâm lăng của người Việt gắn liền với biển, từ đời Lí, đời Trần cho đến Tây Sơn, nhà Nguyễn và các cuộc chiến tranh về sau này. Trong chiến chống Mỹ, những trận chiến trên biển, sự hình thành và hoạt động của đoàn tàu không số vận chuyển bí mật tác chiến trên biển, mang vũ khí quân lực ra Bắc vào Nam đã làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển đông, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh.
Nhưng với biển, người Đại Việt thuở trước cho đến người Việt về sau này vẫn chủ yếu dừng lại ở đỉnh cao chiến tranh, của nghệ thuật quân sự, đó không còn là điều phải bàn cãi.
Tư duy hướng biển của người Việt ngày càng rõ nét
Phải nói rằng, biển là một phần từ lâu trong tâm thức Việt, của người Thăng Long nhưng do những hạn chế khác nhau, sự chiếm hữu biển của người Việt, khoảng 7 thế kỉ đầu thời kì Trung Đại, khi hình thành nhà nước tập quyền chuyên chế đến khi nhà Nguyễn khai phá vùng đất phương Nam, vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế trong việc vươn ra biển lớn, hạn chế trong kĩ nghệ đóng tàu thuyền, trong hoạt động kinh tế biển và hàng hải biển. Thậm chí đó không phải là điều được sử sách đề cập bao nhiêu. Nhưng có lẽ trong tâm thức người Thăng Long nói riêng, người Đại Việt nói chung vẫn theo con nước sông Hồng, sông Mã, sông Cả (sông Lam) về với cha biển Đông, mang nỗi niềm từ hàng nghìn năm trước đó từng ấp ủ, coi biển như là một miền của cơ thể đất nước chưa được khai phá, nơi nuôi dưỡng những tiềm năng đợi con cháu muôn đời sau.
Mặc dù có những hạn chế về phương tiện và kĩ thuật tiếp cận biển nhưng người Việt luôn mang trong mình một tâm thế khai phá, do vậy, với cuộc Nam tiến của chúa Nguyễn mà khởi đầu là nguyễn Hoàng đã vượt dãy Hoành Sơn (Kỳ Anh) đã mở ra một giang sơn mới ở phía Nam đầy tiềm năng hứa hẹn sự trù phú lâu dài. Cũng từ đó, “tư duy hướng biển”, theo con đường Nam tiến đã rộng mở hơn, rộng hơn và xa hơn và như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc, người Việt có một “nỗi niềm biển Đông” trên hành trình nam tiến ấy.
Các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) đã lập các hải Đội Hoàng Sa, trường Sa đi tới các đảo vùng xa xôi ấy, đo đạc, thu lượm sản vật và cai quản biên giới; kĩ nghệ hàng hải phát triển, giao lưu và buôn bán với các nước lân bang bằng đường biển nở rộ thời kì bấy giờ.
Đến thời hiện đại, người Việt “bận bịu” với chiến tranh, với kiến tạo trên đất liền, mà phần nào chưa chú trọng biển. Từ hành trình khởi đầu từ các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) ấy, phải đợi đến chừng 200 năm sau, năm 2007, người Việt mới có một chiến lược về biển, và năm 2012, Luật biển Việt Nam ra đời, đánh dấu một sự trưởng thành trong tư duy biển. Một hành trình quá dài và quá đỗi nhọc nhằn. Nhưng đó là cả một quá trình dồn nén và tích tụ, chắc hẳn rồi đây, trước biển Đông, người Việt sẽ phải có những tư duy mới về địa chính trị, về văn hóa biển, để không bỏ lỡ hơn thêm những cơ hội cho giàu lên từ biển, mạnh lên với biển như chiến lược biển Việt Nam đã đề ra.
Thư Thăng Long bay về phía biển
Đất nước có hơn 3260km đường bờ biển, xuyên qua 28 tỉnh thành, với bao làng vạn chài mưu sinh nơi bể rộng, song có lẽ khắc khoải nhiều nhất cho biển Đông vẫn là từ thủ đô Hà Nội, có thể nói như vậy, bởi nơi đây là chốn trung tâm, nơi tập hợp những người nắm giữ trọng trách của đất nước, nơi hội tụ tinh hoa hiểu biết sâu dày về lịch sử, văn hóa nước Nam mình. Với ý nghĩa ấy, sự khắc khoải đó không còn là chỉ của riêng Hà Nội nữa mà là sự khắc khoải tiêu biểu của muôn dân nước Việt với Biển Đông, với khơi xa mà người Hà Nội nhận thấy trách nhiệm lớn của mình với biển, với sự an nguy của chủ quyền biển đảo.
            Quay lại giấc mơ về lá thư Thăng Long. Lá thư ấy không là giấc mơ mà là chuyện thực trong đời. Lá thư ấy hình như được bắt đầu từ vương triều nhà Lý, trao chuyển qua nhà Trần và các đời vua sau trên cõi Đại Việt, lá thư ấy chuyển trao thông điệp, rằng:
“Sông núi Nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”; “Kẻ nào dám đem một thước đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc sẽ bị tội tru di” (Lê Thánh Tông); “các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (Hồ Chí Minh)
Rằng: “rừng vàng biển bạc” (ngạn ngữ), “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”; Và dù vật đổi sao dời có một chân lí cũng không được bao giờ thay đổi, đó là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lá thư ấy, không được viết bởi một người mà được chấp bút tiếp nối sâu đậm những dòng chữ của các bậc minh quân mang ý chí của cả nước, hồn cốt của toàn dân tộc, của muôn nẻo kiếp người, muôn con dân trên dãi đất nước non mến yêu này.
Ý chí ấy, đang được khẳng định và tiếp nối bởi người đứng đầu cao nhất của nhà nước Việt Nam hôm nay- Ngài Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: “Chúng ta kiên quyết không để một tấc đất, tấc biển nào của Tổ quốc bị xâm phạm. Đối với bất cứ người Việt Nam nào, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Người Việt, với tinh thần hồn cốt Thăng Long, hào khí Đông A phải thực hiện cho được tâm nguyện của các thế hệ Cha Ông về giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hà Nội, 2014





[i] [i] http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/di-san/item/23142502-noi-dau-tien-tho-nhung-vi-than-giu-bien-dong.html

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

CHÙA NINH DUYÊN –MỘT ĐỊA CHỈ CẦU DUYÊN

(Ảnh Internet)
Về Ninh Bình, di theo cung đường Tràng An- Bái Đính, từ thành phố Ninh Bình lên khoảng 10 km, ta gặp chùa Duyên Ninh tại thôn cổ Chi Phong, Trường Yên, Ninh Bình. Ngôi cổ tự được dân gian đồn là linh thiêng trong việc cầu duyên, cầu tự.
Ai có dịp du xuân Tràng An, Bái Đính, nhất là các bạn trẻ muộn duyên xin hãy chứng nghiệm cơ hội này.
Theo wikipedia: tương truyền, Chùa Duyên Ninh là nơi các công chúa thời Đinh- Lê thường qua lại. Tại đây, công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng công Lý Công Uẩn đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vào năm 1000. Sau này khi Lý Thái Tông trở về đây dẹp loạn Khai Quốc Vương đã đổi tên chùa thành chùa Duyên Ninh. Cuối đời, Hoàng hậu Phất Ngân đã về đây tu hành và trông coi mộ phần thân phụ là Hoàng đế Lê Đại Hành. Tại đây, Hoàng hậu đã tác hợp cho nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng và từ đó Duyên Ninh trở thành ngôi chùa cầu duyên ở cố đô Hoa Lư. Cầu duyên được hiểu là cầu cho duyên phận, duyên tình, duyên số,... được như ý. Chữ duyên bao hàm sự may mắn, có yếu tố “thiêng” bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân mỗi người.
Có chàng trai kể rằng, vào chùa Ninh Duyên cầu duyên, ra đường gặp và va phải một cô gái, từ đó nên duyên, nên vợ nên chồng.
Nghe hài nhưng mà lý thú phải không.
Thực hư chuyện cầu duyên như thế nào không hẳn đã rõ ràng, nhất là dưới lăng kính khoa học duy vật. Có thể, việc tìm hiểu câu chuyện nơi đây, với không gian thiền, tâm lý thư giãn sẽ cho các bạn một nguồn cảm hứng mới về tình yêu. Còn chuyện linh nghiệm hay không thì ai có “cơ duyên chứng nghiệm” mới hay.
Nhưng tôi cho rằng, có một nguồn năng lượng vô hình khi ta đến với ngôi chùa nơi dân gian đã gửi vào đó những sắc màu tâm linh mà thiết nghĩ không hẳn tự nghĩ ra, thêu dệt nên, chắc hẳn phải có nhưng sự trùng hợp với xác suất cao.
Đầu xuân, vào ngày lễ Thánh Tình yêu 14/2, xin giới thiệu với các bạn đôi dòng về chùa Duyên Ninh mà tôi từng nghe, từng biết trên cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Paxuho,2016

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Hà "lội" phố

Mưa chiều. Nhiều phố Hà Nội biến thành sông. Mỗ tôi tháo dày đi trên sông.
Nên có thơ rằng:
"Phố thành sông, chẳng phải "sông" Hồng
Ì oạp nước, chân trần em lội nước
Vừa lội vừa dò hiểm nguy phía trước
Hà Nội ơi, ống cống ở phương nào
Mộng mơ Hà Nội vươn cao
Mà chân vẫn nước biết chừng nào thôi..."
(Paxuho)
Ps. Ảnh chụp trên phố Đội Cấn

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016



CON THÍCH VỀ VỚI BIỂN
(Tản văn ngắn tặng 2 con gái)
Con thích về với biển. Biển đang đau, con đâu biết điều này.
Biển mênh mông mà chúng ta bé nhỏ, ta làm được gì để biển vợi nỗi đau.
Con yêu biển bố đưa con ra biển. Bố vui niềm vui của con mà ái ngại trong lòng.
Biển Tổ quốc mình đang bị che tầm nhìn con ạ. Lớn lên con sẽ hiểu vì sao.
Vẫn cứ thế những mùa hè con mong biển. Bố mẹ phân vân ta đi biển nơi nào.
Trên sóng cát con vui đùa với biển. Sóng vờn chân con và nắng chiếu trên đầu.
Khoảnh khắc ấy đẹp trong từng chi tiết. Vị ngọt tuổi thơ đâu chỉ là tiếng mẹ à âu!
Sầm Sơn -Hà Nội 7/2016

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng năm 2016 cho viên chức quản lý Phòng nghiên cứu tại các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Thực hiện Quyết định số 475/QĐ-KHXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 20/7/2016, tại trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng năm 2016 dành cho đội ngũ viên chức quản lý cấp phòng (khối phòng nghiên cứu).
TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ
phát biểu khai giảng lớp học

Tới dự Lễ khai giảng có: TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ; PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); cùng sự góp mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp phòng của Ban Tổ chức - Cán bộ và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai giảng lớp học, TS. Phạm Minh Phúc nêu rõ mục đích và tầm quan trọng của lớp học: Trong hệ thống quản lý bộ máy nhà nước cũng như đối với Viện nghiên cứu và các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm, phòng là đơn vị cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị (nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo sau đại học) của các đơn vị. Do vậy, bên cạnh uy tín và đạt trình độ chuẩn chuyên môn theo quy định tại Quy chế bổ nhiệm của Viện Hàn lâm thì đội ngũ quản lý cấp phòng cần phải trau dồi các kỹ năng về công tác lãnh đạo, quản lý. Lớp học này sẽ cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến phân tích, phát triển tổ chức; áp dụng pháp luật có liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý; các kỹ năng tham mưu, lập kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ, triển khai và kiểm tra, giám sát hoạt động của phòng... cho các viên chức lãnh đạo cấp phòng nhằm nâng cao năng lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đặt ra. Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ mong muốn toàn thể học viên sẽ tập trung lĩnh hội các kiến thức, tích cực trao đổi, thảo luận về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng từ những giảng viên đầy tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm của Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ và Học viện Hành chính Quốc gia; tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ qui định của lớp học để đạt kết quả cao nhất. 
TS. Phạm Xuân Hoàng, học viên lớp học
phát biểu tại buổi lễ
 
Toàn cảnh Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo,
quản lý cấp phòng
Đại diện học viên, phát biểu tại buổi lễ, TS. Phạm Xuân Hoàng, Trưởng phòng Phòng Thông tin Chính trị và các vấn đề chiến lược phát triển, Viện Thông tin Khoa học xã hội, trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Ban Tổ chức - Cán bộ và các giảng viên đối với lớp học, và nhấn mạnh: kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nội dung chính của lớp học, là vấn đề trọng tâm và hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu của các học viên của tất cả các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; đồng thời mong muốn được lĩnh hội thêm những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất cho viên chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, góp phần vận dụng hiệu quả trong quá trình công tác.
Ngay sau lễ khai giảng, các học viên được lắng nghe bài giảng đầu tiên của Giảng viên cao cấp - PGS.TS. Đào Thị Ái Thi với chuyên đề: Kiến thức và kỹ năng lãnh đạo cấp phòng./.
Nguyễn Thu Trang
20/07/2016

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

TÂM THIỀN



Rất thú vị với Phạm Sĩ An, một người nghiên cứu kinh tế học lại quan tâm nhiều đến câu chuyện thiền (Zen) và những chuyện đường biên của kinh tế. Hôm qua trao đổi chat chít, hẹn với đồng chí ấy về cái gọi là "tâm thiền" mà chưa viết ra được, đại loại có 3 ghi chú ngắn về Tâm thiền:
- Thái độ sống chủ về cái tĩnh. Đạt sự cân bằng và hài hòa là căn bản và chủ đạo, vượt lên cái động.
- Trạng thái nội tâm không dao động trước cảnh và tình, không câu chấp vào nhẽ sự nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống sinh hoạt vật chất.
- Tâm và cảnh như nhất, cảnh được thanh lọc một cách đẹp đẽ qua sự kiên cố (Định) của tâm.
Đấy là những hiểu biết hạn hẹp của mình về một trạng thái/cảnh huống không dễ gì gọi tên.
Sáng nhớ ra chuyện này, có mấy câu tặng đ/c An đọc chơi.
"AN TRÚ HIỆN TẠI"(*)
Vì chưa đạt tới "tâm thiền"
Nên ta thường dao động biến thiên với đời
Vượt lên nghịch cảnh cuộc thời
An nhiên, tự tại là "chơi" cuộc thiền !
Thiền là một trạng thái đẹp đẽ. Càng động, chịu áp lực và căng thẳng, con người càng mong có được khoảnh khắc Thiền. Nhưng trong cuộc đời biến đổi phù du, đầy danh lợi cám dỗ, những yêu ghét thường trực, những thị phi quấy nhiễu, một thân phận người như cỏ cây trước gió, hỏi mấy ai đạt tới Tâm thiền !
Đó hình như là cảnh giới của các bậc chân tu đắc đạo.
(*) Chữ dùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

THƯƠNG HOÀI MIỀN TRUNG

THƯƠNG HOÀI MIỀN TRUNG
(Hôm qua, nguyên nhân về cá chết hàng loạt đã rõ ràng. Nay nhân một cựu sinh viên nhắn tin cho tôi nói: "chỗ e bây giờ khó khăn kinh tế lắm. Nhưng dân thì vẫn yên. Chỉ có khổ và khó khăn...". Tôi tự hỏi, thảm hoạ này liệu có làm dân miền Trung gục ngã ?
Bài tản mạn này tôi viết trong những ngày miền Trung đang hứng cơn "bão" độc tố, nay tôi post lên đây cả nhà cùng đọc.
Cả nước sẽ bao giờ mới hết nhìn miền Trung với con mắt thương cảm. Dân miền Trung bao giờ mới vực dậy đi lên??? )
***
Hình như muôn đời nay, miền Trung đối mặt với những thảm họa do thiên tai, chủ yếu là bão, lũ, thì những năm gần đây, trong hướng phát triển đi lên người miền Trung đang phải gồng mình chống đỡ không ít “nhân tai”. Sự kiện biển bị nhiễm độc, cá chết nổi trắng bờ mới đây thực sự là một nhân tai. Oái ăm, đau khổ với Vũng Áng nói riêng, với 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế) nói chung chính là ở cái nhân tai này.
Nước biển nhiễm độc, cá 4 tỉnh miền Trung chết lăn quay, phơi trắng bờ biển. Dân tình bức xúc, muôn nơi thương cảm miền Trung. Những ngư dân quanh năm một nắng hai sương bám biển, nay nhìn cá chết, biển vắng mà nước mắt lặn vào trong chẳng biết làm gì.
Trong khi các cơ quan của bộ ngành và Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra xác minh, dân chưa có câu trả lời có trách nhiệm rõ ràng, dư luận nghi ngờ hướng vào đổ lỗi cho Formosa thì ông Chu Xuân Phàm- Phòng Đối ngoại của Formosa làm nóng dư luận khi trả lời đầy thách thức: biển cá tôm và nhà máy, chọn cái này thì mất cái kia!
Dân chưa được cảm thông với mất mát với những thiệt hại nhiều tỉ đồng, chưa được hỗ trợ để tiếp tục mưu sinh thì lại trào dâng lên nỗi uất hận. Hóa ra người ta đến đây dựng xây nhà máy chỉ vì biết đến ích lợi của họ, họ đâu có quan tâm đến sống chết của biển, ngư trường mưu sinh của hàng vạn dân dọc duyên hải miền Trung.
Hôm nay những cái cúi đầu của lãnh đạo tập đoàn Formosa (mà đáng lẽ ra phải sớm hơn) cũng đã không làm nguôi ngoai cái giận trào dâng trong lòng người. Dân phản đối Formosa, dân biểu tình phản đối trước cổng ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đòi tẩy chay Formosa. Tỉnh sẽ xử lý ra sao với khủng hoảng này, trong khi mấy ngày hôm nay những sự im lặng của lãnh đạo tỉnh vẫn gợi lên nhiều câu hỏi trong lòng dân ! Mà hình như câu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của tỉnh, một cuộc khủng hoảng lớn hơn: khủng hoảng quản trị rủi ro quốc gia.
Khu công nghiệp thì lớn, phải di dời dân một lượng dân lớn, lấy mặt bằng hàng triệu m vuông đất, xây hoành tráng cái gì ở trong như một vùng cấm người Việt bất khả xâm phạm. Lợi ích của khu công nghiệp mang lại cho dân, dân chưa thấy được hưởng lợi ở đâu, nhưng những mất mát, thiệt đơn thiệt kép mà dân thấy là khá rõ, đó là làm mất đi nguồn hải sản để đánh bắt và gây nên sự ô nhiễm trầm trọng của môi trường biển. Hệ lụy theo nhận định của chuyên gia không chỉ một sớm một chiều mà còn mãi dài lâu, nếu các tiêu chuẩn về thả xải tiêu độc không được đảm bảo và kiểm tra nghiêm ngặt. Chưa kể những độc tố lưu lại dưới đáy biển tiếp tục phản ứng và gây ra những hệ lụy môi trường khó có thể tính được.
Trong mấy ngày cá chết, nhân dân khắp cả nước thương Miền Trung. Bốn tỉnh nghèo Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và nhiều tỉnh miền Trung khác - nguồn lợi sống phần lớn nhờ biển nay lại hứng chịu thiệt thòi chưa biết tính tiếp kế sinh nhai ra sao. Những lồng cá trơ trọi, những quán hàng biển đìu hiu vắng khách, những ánh mắt dõi về phía biển đau đáu, lo toan.
Mưa dông, bão lũ đã kinh niên hứng chịu đã đành, nhưng khủng hoảng thất thiệt như thế này có lẽ cũng là lần đầu tiên phải đối mặt, người miền Trung bất ngờ, không kịp phản ứng, dân trắng tay, lòng se sắt lòng.
Có nhất định nỗi đau thương mất mát như vậy dồn dập tới miền Trung?.
Sao chúng ta không có cơ may quản trị khủng hoảng phòng xa khi đặt những công trình lớn cỡ như vậy đặt gần nơi môi trường sống của dân. Cái gì là trong tầm tay, cái gì có thể tránh xa và phòng tránh từ đầu, vì một tương lai phát triển bền vững ít rủi ro hơn sao đã không được tính đến?
Dân miền Trung đã chịu nhiều mất mát. Là nơi của những “địa đầu tuyến lửa”, “lũy thép lũy hoa”, chí khí cách mạng hào hùng, sẵn sàng đi tiên phong, hi sinh mất mát lớn lao nhất trong chiến tranh vệ quốc...nhưng sau chiến tranh, hình như chưa lúc nào miền Trung thực sự có yên bình.
Cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt chia sẻ ngọt bùi khi bão, giông, lụt lộị. Năm 2010, trong lũ lụt miền Trung tôi có dịp trở về cứu trợ, thấy thương dân mình quá đỗi. Những người nông dân chân chất đôn hậu đối mặt với nhọc nhằn lam lũ kinh niên. Chuyện đó đâu có thể trách Trời.
Nhưng với sự cố biển dính độc hôm nay, nhiều con em miền Trung đi xa biết được nguyên nhân đã phẫn uất, tức giận. Đáng trách lắm những nhân tai.
Nhiều bà con không phải miền Trung thì xót xa đồng cảm tự đáy lòng. Thêm một lần thương cùng miền Trung ruột thịt. Những vần thơ trên mạng, những status tức giận, những chia sẻ dồng dập trên facebook nói về miền Trung, đòi sự công bằng cho dân miền Trung.
Những người dân quê, dù đi đâu về đâu họ cũng không thể bỏ được môi trường sống quen thuộc của mình là ruộng đồng, vườn tược, là sông biển, là gò đồi. Nếu không mang đến cho dân thuận lợi tốt nhất thì đừng lấy đi của dân những cơ hội và càng không nên mang đến những thách thức, rủi ro.
Những ngày nay, miền Trung đang đối mặt với cú shock nhiễm độc biển mà chưa biết lúc nào khắc phục được. Trong ngày hôm nay thôi, khi Formosa cúi đầu xin lỗi người dân, có tờ báo đưa tin biển đã trong trở lại, dân hoài nghi. Phát ngôn của ngài thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại cuộc họp báo chiều tối ngày 27.4 chưa thuyết phục. Nhiều câu hỏi nóng xung quanh chuyện cá chết, biển nhiễm độc còn tiếp tục và cần sớm được các cơ quan chức năng trả lời rốt ráo để an lòng dân miền Trung, lòng dân cả nước đang quan tâm tới miền Trung.
Thương về miền Trung, người Miền Trung rất cần tiếp tục đón nhận tình yêu thương. Nhưng người viết bài này tự hỏi, trong bước đường hội nhập hôm nay, đứng trước nhiều những cơ hội phát triển bền vững mà miền Trung vẫn chưa thể đi lên.
Miền Trung ơi, lòng ta phải cứ thương hoài !

THẮP NÉN TÂM NHANG THÀNH KÍNH HƯỚNG VỀ VONG LINH 10 LIỆT SĨ (14/6 và 16/6/2016)

THẮP NÉN TÂM NHANG THÀNH KÍNH HƯỚNG VỀ VONG LINH 10 LIỆT SĨ (14/6 và 16/6/2016)

Câu chuyện 10 chiến sĩ trên hai máy bay gặp nạn đã rõ. Mọi hi vọng mong manh đã bay theo khói sương. 
Trời Hà Nội hôm nay u uất. Nước mắt nhân dân sùi sụt nối dài tiễn 9 anh trên đoàn bay CASA 212 - 8983, lòng hụt hẫng giây phút li biệt.
Nhiều người đến dâng nhang bày tỏ lòng kính trọng, thương cảm những chiến sĩ, liệt sĩ những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc. Hàng nghìn status chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các anh, với quân đội. Những nỗi niềm không nói thành lời. Với mỗi người chúng ta, có điều gì thiêng liêng hơn bảo toàn sự sống. Với người lính có điều gì thiêng liêng cao cả hơn Tổ quốc và Nhân dân.
*

*
Các anh đi, cha mẹ, vợ con, đồng đội của các anh vẫn phải nén đau thương gắng gượng tiếp tục cuộc sống của mình. Những người yêu thương các anh mong muốn quân đội và các địa phương sẽ có những chính sách, sự hỗ trợ, sự đảm bảo cần thiết đối với gia đình các anh!
*
Bầu trời vẫn lộng gió, những cánh chim vẫn chao liệng không trung.
Ước các anh được hoá thành những cánh chim mãi miết bay.
Khi nào mỏi mệt các anh có thể nghỉ lại trên những chòm mây ngũ sắc. Bầu trời sẽ không có bão giông. Dưới kia, biển, đất liền quê mẹ được yên bình.
Thế hệ, chúng tôi sinh ra trong thời bình, chẳng hề mong theo nghiệp nhà binh, luôn khát khao và ước nguyện sống trong hoà bình. Nhưng bối cảnh đất nước, cục diện thế giới buộc mỗi nước phải duy trì quân đội, phát triển sức mạnh quân sự. Những người lính bao giờ cũng được chăm lo và quan tâm ở mức cao nhất. Do vậy, mỗi sự mất mát cán bộ sĩ quan, chiến sĩ đã trở thành nỗi đau chung, mỗi sự hi sinh của các anh là tổn thất không bù đắp đươc với mỗi gia đình quân nhân, với quân đội, với nhân dân.
Sự hi sinh của những người lính nhắc nhở các thế hệ hãy biết trân trọng hơn cuộc sống, tính mạng con người, tha thiết gìn giữ hoà bình.
Thắp lên nén tâm nhang thành kính tưởng niệm công lao các anh và gửi tới các anh lời chào vĩnh quyết !
Cầu mong các anh siêu thoát chốn vĩnh hằng!
Nam mô a di đà Phật!

FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ



FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ
Bắt đầu từ thú vui của tụi thanh thiếu niên mới lớn, facebook (FB) dần dần đã trở thành mối quan tâm sâu rộng của cộng đồng và thời đại. Và FB cũng trở thành mối quan ngại cảnh giác đối với nhiều chính phủ khi hiệu ứng “mùa xuân Ả rập” (2011) được lan toả qua và trỗi dậy mạnh mẽ nhờ FB. Nhưng dường như dần dần cách nhìn của nhiều quốc gia đối FB đã trở nên cởi mở hơn.
Tôi nhớ đến câu chuyện của bà chị tôi, cán bộ huyện của một huyện xứ Bắc, cách đây mấy năm về trước khi cậu em lập cho một tài khoản FB. Lúc đầu sợ FB, chị yêu cầu khoá nó. Nỗi sợ của chị xa xôi không rõ ràng, có lẽ là sự cẩn trọng của một người đảng viên giữ trọng trách. Nhưng dần dần thấy FB là chuyện bình thường của xã hội, chị đã tái lập nó chia sẻ như một niềm vui.
Các nhà kinh doanh là những người nhạy cảm và mặn mà với FB. Thông qua quảng bá miễn phí online mà họ đã có vô số những khách hàng.
Các văn nghệ sĩ, trí thức dần dần sử dụng FB như một sân chơi được thoả sức thể hiện ý tưởng của mình. Dầu rằng, câu chuyện chia sẻ trên FB của họ đôi khi khiến họ gặp phải cảnh “tai bay vạ gió”! hoặc dở khóc dở cười!.
FB ngỡ tưởng không phải là trò chơi của các chính khách, ai dè một số Bộ trưởng đã mạnh dạn tạo fage. Điển hình là Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến. Thông qua diễn đàn này, Bộ trưởng đã có những phản ứng khá kịp thời đối với nghành mình quản lý.
Sau một hồi nghe ngóng, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có trang FB riêng của mình, tham gia ghi nhận thông tin, điều hành quản lý đất nước, rất được nhân dân hoan nghênh.
Và cứ ngỡ, ở nước Mỹ kia, Tổng thống có trăm tay ngàn mắt, vận hành đủ loại công cụ, và chiếm hữu vô số thông tin, thì hôm nay cũng đã có trang FB riêng mà theo ông là sẽ tạo ra thêm một diễn đàn để người dân có thể nói về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước đang đối mặt trực tiếp với mình.
Một vài dẫn chuyện và ví dụ như vậy, cho thấy, khó ai có thể chối từ FB vì sự kết nối nhanh và sự tương tác rộng. Tiện ích của nó nhiều hơn là có hại.
Sẽ tuyệt vời khi nhà quản lý tầm vĩ mô sử dụng FB như một “mắt thần” để nhìn xuyên thấu xã hội và đưa ra các phản ứng kịp thời từ chính sự thu nhận thông tin qua FB.
Người ta có thể có trăm ngàn cách quản lí khác nhau khi coi quản lý là một khoa học, thậm chí là một nghệ thuật nữa, nhưng dù quản lí nào thì cũng phải dựa trên sự minh bạch thông tin.
Nắm bắt thông tin đầy đủ và chính xác sẽ là cơ hội để đưa ra các quyết định đúng đắn. Với lý do chính đáng đó, hiện thời khó có mạng xã hội nào tiện ích hơn FB.
Thật là khó khăn để cấm mạng xã hội này. Cấm rồi cũng sẽ phải mở. Đó là công cụ tất yếu của sự phát triển thế giới số mà suy cho cùng không gì hơn là để thể hiện cái tôi cá nhân sinh động của mỗi con người. Thay vì cảnh giác và cấm đoán, chính quyền hãy tận dụng nó để làm lợi cho xã hội.
Tạm biệt Thơ!
*
Chấm dứt việc làm thơ (chỉ làm trong trường hợp đặc biệt và cảm xúc đặc biệt mà thôi)! Hi vọng không được nghe câu hỏi đại loaij vì sao dao này làm nhiều thơ thế! Cũng hi vọng không ai đó khuyến khích tôi làm thơ. Nói chung với tôi, thơ là nghiệp dư.
Hay giờ sẽ tập trung vào việc viết bài n/c và thi thoảng làm tí văn xuôi. 
Ace có ý tưởng gì hay chia sẻ nhé!!!

NHỮNG CÁNH CHIM MÃI MIẾT BAY

NHỮNG CÁNH CHIM MÃI MIẾT BAY
(kính tặng linh hồn của các anh phi công CA SA 212- 8983)
*
Các anh đã bay mãi không về
Bay cùng trời cuối đất
Trời thì rộng, đường về cắt lối
Các anh đành đỗ lại giữa trùng khơi
Thương nặng phía này gửi gió yêu anh
Cánh chim xanh bầu trời xanh biển biếc
Hàng triệu trái tim đập chung niềm thương tiếc
Có những trái tim đang nghẹn vạn niềm đau
Anh sẽ không về không về nữa đâu
Xác gửi về đất, hồn về bất tử
Xào xạc gió ngóng tình xa xứ
Anh hiến dâng mình xanh hóa những chòm mây
Hà Nội 24.6.2016