Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016



CON THÍCH VỀ VỚI BIỂN
(Tản văn ngắn tặng 2 con gái)
Con thích về với biển. Biển đang đau, con đâu biết điều này.
Biển mênh mông mà chúng ta bé nhỏ, ta làm được gì để biển vợi nỗi đau.
Con yêu biển bố đưa con ra biển. Bố vui niềm vui của con mà ái ngại trong lòng.
Biển Tổ quốc mình đang bị che tầm nhìn con ạ. Lớn lên con sẽ hiểu vì sao.
Vẫn cứ thế những mùa hè con mong biển. Bố mẹ phân vân ta đi biển nơi nào.
Trên sóng cát con vui đùa với biển. Sóng vờn chân con và nắng chiếu trên đầu.
Khoảnh khắc ấy đẹp trong từng chi tiết. Vị ngọt tuổi thơ đâu chỉ là tiếng mẹ à âu!
Sầm Sơn -Hà Nội 7/2016

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng năm 2016 cho viên chức quản lý Phòng nghiên cứu tại các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam


Thực hiện Quyết định số 475/QĐ-KHXH ngày 30 tháng 3 năm 2016 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm), sáng ngày 20/7/2016, tại trụ sở 1B, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Ban Tổ chức - Cán bộ Viện Hàn lâm tổ chức lễ khai giảng lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng năm 2016 dành cho đội ngũ viên chức quản lý cấp phòng (khối phòng nghiên cứu).
TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ
phát biểu khai giảng lớp học

Tới dự Lễ khai giảng có: TS. Phạm Minh Phúc, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ; PGS.TS. Đào Thị Ái Thi, Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); cùng sự góp mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp phòng của Ban Tổ chức - Cán bộ và các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai giảng lớp học, TS. Phạm Minh Phúc nêu rõ mục đích và tầm quan trọng của lớp học: Trong hệ thống quản lý bộ máy nhà nước cũng như đối với Viện nghiên cứu và các tổ chức có chức năng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm, phòng là đơn vị cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị (nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách và đào tạo sau đại học) của các đơn vị. Do vậy, bên cạnh uy tín và đạt trình độ chuẩn chuyên môn theo quy định tại Quy chế bổ nhiệm của Viện Hàn lâm thì đội ngũ quản lý cấp phòng cần phải trau dồi các kỹ năng về công tác lãnh đạo, quản lý. Lớp học này sẽ cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến phân tích, phát triển tổ chức; áp dụng pháp luật có liên quan đến công tác lãnh đạo, quản lý; các kỹ năng tham mưu, lập kế hoạch, phân công, giao nhiệm vụ, triển khai và kiểm tra, giám sát hoạt động của phòng... cho các viên chức lãnh đạo cấp phòng nhằm nâng cao năng lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đặt ra. Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ mong muốn toàn thể học viên sẽ tập trung lĩnh hội các kiến thức, tích cực trao đổi, thảo luận về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cấp phòng từ những giảng viên đầy tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm của Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ và Học viện Hành chính Quốc gia; tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ qui định của lớp học để đạt kết quả cao nhất. 
TS. Phạm Xuân Hoàng, học viên lớp học
phát biểu tại buổi lễ
 
Toàn cảnh Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo,
quản lý cấp phòng
Đại diện học viên, phát biểu tại buổi lễ, TS. Phạm Xuân Hoàng, Trưởng phòng Phòng Thông tin Chính trị và các vấn đề chiến lược phát triển, Viện Thông tin Khoa học xã hội, trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Viện Hàn lâm, Ban Tổ chức - Cán bộ và các giảng viên đối với lớp học, và nhấn mạnh: kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nội dung chính của lớp học, là vấn đề trọng tâm và hết sức cần thiết, đáp ứng nhu cầu của các học viên của tất cả các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm; đồng thời mong muốn được lĩnh hội thêm những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất cho viên chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, góp phần vận dụng hiệu quả trong quá trình công tác.
Ngay sau lễ khai giảng, các học viên được lắng nghe bài giảng đầu tiên của Giảng viên cao cấp - PGS.TS. Đào Thị Ái Thi với chuyên đề: Kiến thức và kỹ năng lãnh đạo cấp phòng./.
Nguyễn Thu Trang
20/07/2016

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

TÂM THIỀN



Rất thú vị với Phạm Sĩ An, một người nghiên cứu kinh tế học lại quan tâm nhiều đến câu chuyện thiền (Zen) và những chuyện đường biên của kinh tế. Hôm qua trao đổi chat chít, hẹn với đồng chí ấy về cái gọi là "tâm thiền" mà chưa viết ra được, đại loại có 3 ghi chú ngắn về Tâm thiền:
- Thái độ sống chủ về cái tĩnh. Đạt sự cân bằng và hài hòa là căn bản và chủ đạo, vượt lên cái động.
- Trạng thái nội tâm không dao động trước cảnh và tình, không câu chấp vào nhẽ sự nhỏ nhặt, tầm thường của cuộc sống sinh hoạt vật chất.
- Tâm và cảnh như nhất, cảnh được thanh lọc một cách đẹp đẽ qua sự kiên cố (Định) của tâm.
Đấy là những hiểu biết hạn hẹp của mình về một trạng thái/cảnh huống không dễ gì gọi tên.
Sáng nhớ ra chuyện này, có mấy câu tặng đ/c An đọc chơi.
"AN TRÚ HIỆN TẠI"(*)
Vì chưa đạt tới "tâm thiền"
Nên ta thường dao động biến thiên với đời
Vượt lên nghịch cảnh cuộc thời
An nhiên, tự tại là "chơi" cuộc thiền !
Thiền là một trạng thái đẹp đẽ. Càng động, chịu áp lực và căng thẳng, con người càng mong có được khoảnh khắc Thiền. Nhưng trong cuộc đời biến đổi phù du, đầy danh lợi cám dỗ, những yêu ghét thường trực, những thị phi quấy nhiễu, một thân phận người như cỏ cây trước gió, hỏi mấy ai đạt tới Tâm thiền !
Đó hình như là cảnh giới của các bậc chân tu đắc đạo.
(*) Chữ dùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

THƯƠNG HOÀI MIỀN TRUNG

THƯƠNG HOÀI MIỀN TRUNG
(Hôm qua, nguyên nhân về cá chết hàng loạt đã rõ ràng. Nay nhân một cựu sinh viên nhắn tin cho tôi nói: "chỗ e bây giờ khó khăn kinh tế lắm. Nhưng dân thì vẫn yên. Chỉ có khổ và khó khăn...". Tôi tự hỏi, thảm hoạ này liệu có làm dân miền Trung gục ngã ?
Bài tản mạn này tôi viết trong những ngày miền Trung đang hứng cơn "bão" độc tố, nay tôi post lên đây cả nhà cùng đọc.
Cả nước sẽ bao giờ mới hết nhìn miền Trung với con mắt thương cảm. Dân miền Trung bao giờ mới vực dậy đi lên??? )
***
Hình như muôn đời nay, miền Trung đối mặt với những thảm họa do thiên tai, chủ yếu là bão, lũ, thì những năm gần đây, trong hướng phát triển đi lên người miền Trung đang phải gồng mình chống đỡ không ít “nhân tai”. Sự kiện biển bị nhiễm độc, cá chết nổi trắng bờ mới đây thực sự là một nhân tai. Oái ăm, đau khổ với Vũng Áng nói riêng, với 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế) nói chung chính là ở cái nhân tai này.
Nước biển nhiễm độc, cá 4 tỉnh miền Trung chết lăn quay, phơi trắng bờ biển. Dân tình bức xúc, muôn nơi thương cảm miền Trung. Những ngư dân quanh năm một nắng hai sương bám biển, nay nhìn cá chết, biển vắng mà nước mắt lặn vào trong chẳng biết làm gì.
Trong khi các cơ quan của bộ ngành và Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra xác minh, dân chưa có câu trả lời có trách nhiệm rõ ràng, dư luận nghi ngờ hướng vào đổ lỗi cho Formosa thì ông Chu Xuân Phàm- Phòng Đối ngoại của Formosa làm nóng dư luận khi trả lời đầy thách thức: biển cá tôm và nhà máy, chọn cái này thì mất cái kia!
Dân chưa được cảm thông với mất mát với những thiệt hại nhiều tỉ đồng, chưa được hỗ trợ để tiếp tục mưu sinh thì lại trào dâng lên nỗi uất hận. Hóa ra người ta đến đây dựng xây nhà máy chỉ vì biết đến ích lợi của họ, họ đâu có quan tâm đến sống chết của biển, ngư trường mưu sinh của hàng vạn dân dọc duyên hải miền Trung.
Hôm nay những cái cúi đầu của lãnh đạo tập đoàn Formosa (mà đáng lẽ ra phải sớm hơn) cũng đã không làm nguôi ngoai cái giận trào dâng trong lòng người. Dân phản đối Formosa, dân biểu tình phản đối trước cổng ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đòi tẩy chay Formosa. Tỉnh sẽ xử lý ra sao với khủng hoảng này, trong khi mấy ngày hôm nay những sự im lặng của lãnh đạo tỉnh vẫn gợi lên nhiều câu hỏi trong lòng dân ! Mà hình như câu chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của tỉnh, một cuộc khủng hoảng lớn hơn: khủng hoảng quản trị rủi ro quốc gia.
Khu công nghiệp thì lớn, phải di dời dân một lượng dân lớn, lấy mặt bằng hàng triệu m vuông đất, xây hoành tráng cái gì ở trong như một vùng cấm người Việt bất khả xâm phạm. Lợi ích của khu công nghiệp mang lại cho dân, dân chưa thấy được hưởng lợi ở đâu, nhưng những mất mát, thiệt đơn thiệt kép mà dân thấy là khá rõ, đó là làm mất đi nguồn hải sản để đánh bắt và gây nên sự ô nhiễm trầm trọng của môi trường biển. Hệ lụy theo nhận định của chuyên gia không chỉ một sớm một chiều mà còn mãi dài lâu, nếu các tiêu chuẩn về thả xải tiêu độc không được đảm bảo và kiểm tra nghiêm ngặt. Chưa kể những độc tố lưu lại dưới đáy biển tiếp tục phản ứng và gây ra những hệ lụy môi trường khó có thể tính được.
Trong mấy ngày cá chết, nhân dân khắp cả nước thương Miền Trung. Bốn tỉnh nghèo Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế và nhiều tỉnh miền Trung khác - nguồn lợi sống phần lớn nhờ biển nay lại hứng chịu thiệt thòi chưa biết tính tiếp kế sinh nhai ra sao. Những lồng cá trơ trọi, những quán hàng biển đìu hiu vắng khách, những ánh mắt dõi về phía biển đau đáu, lo toan.
Mưa dông, bão lũ đã kinh niên hứng chịu đã đành, nhưng khủng hoảng thất thiệt như thế này có lẽ cũng là lần đầu tiên phải đối mặt, người miền Trung bất ngờ, không kịp phản ứng, dân trắng tay, lòng se sắt lòng.
Có nhất định nỗi đau thương mất mát như vậy dồn dập tới miền Trung?.
Sao chúng ta không có cơ may quản trị khủng hoảng phòng xa khi đặt những công trình lớn cỡ như vậy đặt gần nơi môi trường sống của dân. Cái gì là trong tầm tay, cái gì có thể tránh xa và phòng tránh từ đầu, vì một tương lai phát triển bền vững ít rủi ro hơn sao đã không được tính đến?
Dân miền Trung đã chịu nhiều mất mát. Là nơi của những “địa đầu tuyến lửa”, “lũy thép lũy hoa”, chí khí cách mạng hào hùng, sẵn sàng đi tiên phong, hi sinh mất mát lớn lao nhất trong chiến tranh vệ quốc...nhưng sau chiến tranh, hình như chưa lúc nào miền Trung thực sự có yên bình.
Cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt chia sẻ ngọt bùi khi bão, giông, lụt lộị. Năm 2010, trong lũ lụt miền Trung tôi có dịp trở về cứu trợ, thấy thương dân mình quá đỗi. Những người nông dân chân chất đôn hậu đối mặt với nhọc nhằn lam lũ kinh niên. Chuyện đó đâu có thể trách Trời.
Nhưng với sự cố biển dính độc hôm nay, nhiều con em miền Trung đi xa biết được nguyên nhân đã phẫn uất, tức giận. Đáng trách lắm những nhân tai.
Nhiều bà con không phải miền Trung thì xót xa đồng cảm tự đáy lòng. Thêm một lần thương cùng miền Trung ruột thịt. Những vần thơ trên mạng, những status tức giận, những chia sẻ dồng dập trên facebook nói về miền Trung, đòi sự công bằng cho dân miền Trung.
Những người dân quê, dù đi đâu về đâu họ cũng không thể bỏ được môi trường sống quen thuộc của mình là ruộng đồng, vườn tược, là sông biển, là gò đồi. Nếu không mang đến cho dân thuận lợi tốt nhất thì đừng lấy đi của dân những cơ hội và càng không nên mang đến những thách thức, rủi ro.
Những ngày nay, miền Trung đang đối mặt với cú shock nhiễm độc biển mà chưa biết lúc nào khắc phục được. Trong ngày hôm nay thôi, khi Formosa cúi đầu xin lỗi người dân, có tờ báo đưa tin biển đã trong trở lại, dân hoài nghi. Phát ngôn của ngài thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường tại cuộc họp báo chiều tối ngày 27.4 chưa thuyết phục. Nhiều câu hỏi nóng xung quanh chuyện cá chết, biển nhiễm độc còn tiếp tục và cần sớm được các cơ quan chức năng trả lời rốt ráo để an lòng dân miền Trung, lòng dân cả nước đang quan tâm tới miền Trung.
Thương về miền Trung, người Miền Trung rất cần tiếp tục đón nhận tình yêu thương. Nhưng người viết bài này tự hỏi, trong bước đường hội nhập hôm nay, đứng trước nhiều những cơ hội phát triển bền vững mà miền Trung vẫn chưa thể đi lên.
Miền Trung ơi, lòng ta phải cứ thương hoài !

THẮP NÉN TÂM NHANG THÀNH KÍNH HƯỚNG VỀ VONG LINH 10 LIỆT SĨ (14/6 và 16/6/2016)

THẮP NÉN TÂM NHANG THÀNH KÍNH HƯỚNG VỀ VONG LINH 10 LIỆT SĨ (14/6 và 16/6/2016)

Câu chuyện 10 chiến sĩ trên hai máy bay gặp nạn đã rõ. Mọi hi vọng mong manh đã bay theo khói sương. 
Trời Hà Nội hôm nay u uất. Nước mắt nhân dân sùi sụt nối dài tiễn 9 anh trên đoàn bay CASA 212 - 8983, lòng hụt hẫng giây phút li biệt.
Nhiều người đến dâng nhang bày tỏ lòng kính trọng, thương cảm những chiến sĩ, liệt sĩ những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc. Hàng nghìn status chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình các anh, với quân đội. Những nỗi niềm không nói thành lời. Với mỗi người chúng ta, có điều gì thiêng liêng hơn bảo toàn sự sống. Với người lính có điều gì thiêng liêng cao cả hơn Tổ quốc và Nhân dân.
*

*
Các anh đi, cha mẹ, vợ con, đồng đội của các anh vẫn phải nén đau thương gắng gượng tiếp tục cuộc sống của mình. Những người yêu thương các anh mong muốn quân đội và các địa phương sẽ có những chính sách, sự hỗ trợ, sự đảm bảo cần thiết đối với gia đình các anh!
*
Bầu trời vẫn lộng gió, những cánh chim vẫn chao liệng không trung.
Ước các anh được hoá thành những cánh chim mãi miết bay.
Khi nào mỏi mệt các anh có thể nghỉ lại trên những chòm mây ngũ sắc. Bầu trời sẽ không có bão giông. Dưới kia, biển, đất liền quê mẹ được yên bình.
Thế hệ, chúng tôi sinh ra trong thời bình, chẳng hề mong theo nghiệp nhà binh, luôn khát khao và ước nguyện sống trong hoà bình. Nhưng bối cảnh đất nước, cục diện thế giới buộc mỗi nước phải duy trì quân đội, phát triển sức mạnh quân sự. Những người lính bao giờ cũng được chăm lo và quan tâm ở mức cao nhất. Do vậy, mỗi sự mất mát cán bộ sĩ quan, chiến sĩ đã trở thành nỗi đau chung, mỗi sự hi sinh của các anh là tổn thất không bù đắp đươc với mỗi gia đình quân nhân, với quân đội, với nhân dân.
Sự hi sinh của những người lính nhắc nhở các thế hệ hãy biết trân trọng hơn cuộc sống, tính mạng con người, tha thiết gìn giữ hoà bình.
Thắp lên nén tâm nhang thành kính tưởng niệm công lao các anh và gửi tới các anh lời chào vĩnh quyết !
Cầu mong các anh siêu thoát chốn vĩnh hằng!
Nam mô a di đà Phật!

FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ



FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ
Bắt đầu từ thú vui của tụi thanh thiếu niên mới lớn, facebook (FB) dần dần đã trở thành mối quan tâm sâu rộng của cộng đồng và thời đại. Và FB cũng trở thành mối quan ngại cảnh giác đối với nhiều chính phủ khi hiệu ứng “mùa xuân Ả rập” (2011) được lan toả qua và trỗi dậy mạnh mẽ nhờ FB. Nhưng dường như dần dần cách nhìn của nhiều quốc gia đối FB đã trở nên cởi mở hơn.
Tôi nhớ đến câu chuyện của bà chị tôi, cán bộ huyện của một huyện xứ Bắc, cách đây mấy năm về trước khi cậu em lập cho một tài khoản FB. Lúc đầu sợ FB, chị yêu cầu khoá nó. Nỗi sợ của chị xa xôi không rõ ràng, có lẽ là sự cẩn trọng của một người đảng viên giữ trọng trách. Nhưng dần dần thấy FB là chuyện bình thường của xã hội, chị đã tái lập nó chia sẻ như một niềm vui.
Các nhà kinh doanh là những người nhạy cảm và mặn mà với FB. Thông qua quảng bá miễn phí online mà họ đã có vô số những khách hàng.
Các văn nghệ sĩ, trí thức dần dần sử dụng FB như một sân chơi được thoả sức thể hiện ý tưởng của mình. Dầu rằng, câu chuyện chia sẻ trên FB của họ đôi khi khiến họ gặp phải cảnh “tai bay vạ gió”! hoặc dở khóc dở cười!.
FB ngỡ tưởng không phải là trò chơi của các chính khách, ai dè một số Bộ trưởng đã mạnh dạn tạo fage. Điển hình là Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến. Thông qua diễn đàn này, Bộ trưởng đã có những phản ứng khá kịp thời đối với nghành mình quản lý.
Sau một hồi nghe ngóng, gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có trang FB riêng của mình, tham gia ghi nhận thông tin, điều hành quản lý đất nước, rất được nhân dân hoan nghênh.
Và cứ ngỡ, ở nước Mỹ kia, Tổng thống có trăm tay ngàn mắt, vận hành đủ loại công cụ, và chiếm hữu vô số thông tin, thì hôm nay cũng đã có trang FB riêng mà theo ông là sẽ tạo ra thêm một diễn đàn để người dân có thể nói về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước đang đối mặt trực tiếp với mình.
Một vài dẫn chuyện và ví dụ như vậy, cho thấy, khó ai có thể chối từ FB vì sự kết nối nhanh và sự tương tác rộng. Tiện ích của nó nhiều hơn là có hại.
Sẽ tuyệt vời khi nhà quản lý tầm vĩ mô sử dụng FB như một “mắt thần” để nhìn xuyên thấu xã hội và đưa ra các phản ứng kịp thời từ chính sự thu nhận thông tin qua FB.
Người ta có thể có trăm ngàn cách quản lí khác nhau khi coi quản lý là một khoa học, thậm chí là một nghệ thuật nữa, nhưng dù quản lí nào thì cũng phải dựa trên sự minh bạch thông tin.
Nắm bắt thông tin đầy đủ và chính xác sẽ là cơ hội để đưa ra các quyết định đúng đắn. Với lý do chính đáng đó, hiện thời khó có mạng xã hội nào tiện ích hơn FB.
Thật là khó khăn để cấm mạng xã hội này. Cấm rồi cũng sẽ phải mở. Đó là công cụ tất yếu của sự phát triển thế giới số mà suy cho cùng không gì hơn là để thể hiện cái tôi cá nhân sinh động của mỗi con người. Thay vì cảnh giác và cấm đoán, chính quyền hãy tận dụng nó để làm lợi cho xã hội.
Tạm biệt Thơ!
*
Chấm dứt việc làm thơ (chỉ làm trong trường hợp đặc biệt và cảm xúc đặc biệt mà thôi)! Hi vọng không được nghe câu hỏi đại loaij vì sao dao này làm nhiều thơ thế! Cũng hi vọng không ai đó khuyến khích tôi làm thơ. Nói chung với tôi, thơ là nghiệp dư.
Hay giờ sẽ tập trung vào việc viết bài n/c và thi thoảng làm tí văn xuôi. 
Ace có ý tưởng gì hay chia sẻ nhé!!!

NHỮNG CÁNH CHIM MÃI MIẾT BAY

NHỮNG CÁNH CHIM MÃI MIẾT BAY
(kính tặng linh hồn của các anh phi công CA SA 212- 8983)
*
Các anh đã bay mãi không về
Bay cùng trời cuối đất
Trời thì rộng, đường về cắt lối
Các anh đành đỗ lại giữa trùng khơi
Thương nặng phía này gửi gió yêu anh
Cánh chim xanh bầu trời xanh biển biếc
Hàng triệu trái tim đập chung niềm thương tiếc
Có những trái tim đang nghẹn vạn niềm đau
Anh sẽ không về không về nữa đâu
Xác gửi về đất, hồn về bất tử
Xào xạc gió ngóng tình xa xứ
Anh hiến dâng mình xanh hóa những chòm mây
Hà Nội 24.6.2016

Lời nói

LỜI NÓI
*
Sẽ thật là khó chịu
Nghe lời ba lời mầu mè
Dẫu mềm ba tấc lưỡi
Chẳng có ý gì sắc, sâu
Thật là sẽ dễ chịu
Nghe lời nói chân thành
Từ miệng của người khác
Chẳng vòng vo loanh quanh
Lời đầu môi chót lưỡi
Rằng nghe thật là hay
Nhưng rồi trôi tuồn tuột
Như là áng mây bay
Nói hay thì cũng tốt
Nhưng cần sự chân thành
Không xảo ngôn trí trá
Không ba hoa chích chòe
Không xúc phạm hiểm ác
Không đại ngôn màu mè
Lời nói ra từ miệng
Phải là lời trái tim
Đảm bảo độ tin cậy
Nếu không nên lặng im
HN, 24.6.2016
CÁC ANH SẼ TRỞ VỀ
(Cầu mong 9 cán bộ chiến sĩ sẽ đầy đủ trở về)
*
Rồi anh sẽ trở về với đất mẹ yêu thương
Không thể khác và dù không thể khác
Nơi đất liền, mẹ cha dẫu da mồi, tóc bạc
Vẫn đêm đêm chong đèn, đợi cửa ngóng anh về
HN, đêm muộn 23/6/2016
P.X.H

LỜI NGƯỜI VỢ YÊU CHỒNG

LỜI NGƯỜI VỢ YÊU CHỒNG
(Tan tầm, đôi khi cánh đàn ông định la cà đâu đó, có bao hấp dẫn gọi mời. Nhưng rồi nhờ cuộc điện thoại của vợ con, nhanh chóng chộn rộn trở về. Lý do nào cũng có độ thuyết phục riêng của nó. Nhưng gia đình là nơi không thể chối từ, lời vợ, ý con là cái không thể "cưỡng". Đàn ông, đóng trăm vai, vai nào cũng muốn xuất sắc. Cuối này, nảy ra ý tưởng nên mấy vần thơ này. Anh em đọc chơi, bài thơ hơi hướng dân ca Nghệ)
*
Cơ quan đã tan tầm, anh còn đi đâu
Rượu là sâu, bồ là thuốc độc
Về với em, cơm ngọt, canh ngon
Về nơi đây, tổ ấm êm đềm
Chiều đã tắt nắng, về thôi anh!
Vợ anh đang chờ, con anh đang đợi
Trên thế gian này, chẳng nơi nào hơn thế đâu anh
Đừng mất sức vào những chỗ chẳng an lành
Em hằng đợi anh như bếp thường đợi lửa
Như cây đợi gió, như cỏ chờ xuân
Lắng nghe em chàng quân tử phong trần
Trời tắt nắng, hãy trở về với vợ
Cứ xa chồng là vợ nhớ
Cứ xa chồng là vợ thương
Anh có đi khắp vạn nẻo đường
Em là bến đợi muôn phương anh về!
HN, 23.6.2016
HẬU 21/6:
Hân hạnh giao lưu cùng một số văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Nghệ (Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, Nhà phê bình văn học, dịch giả Phạm Xuân Nguyên, nhà báo Hạnh Loan, nhà Tuyên giáo Trà Giang) + v.v. ở một nhà hàng đẹp với cái tên rất biển: San hô đỏ, trên phố Lương Định Của, Hà Nội.
Các vị khách, có nhiều vị mình đã quen, có vị đã từng nghe danh như nhà văn, nhà kịch bản phim nổi tiếng Phạm Ngọc Tiến, có những vị mới lần đầu tiên gặp gỡ, giao bôi. 
Trong không khí thân tình, thoải mải, các vị thực khách kể cho nhau những câu chuyện vui, buồn, phần nhiều xoay quanh chủ đề văn hóa, văn chương-nghệ thuật.
Tiếc là đến phần thơ, nhạc, học trò tôi phải cáo từ vì bận một nhiệm vụ quan trọng khác: đón hai cách cách.
Cám ơn chị Hạnh Loan, các chú, các anh, chị về cuộc giao lưu thú vị này!
THAM DỰ BUỔI LỄ TRAO GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA
Tối nay, nhận lời chị Hạnh Loan - nhà báo Đài PTTH Hà Tĩnh ra HN nhận giải B giải Báo chí Quốc gia, tôi- người có chút duyên với báo chí, lần đầu tiên đến xem một buổi lễ trao giải phải nói là khá hoành tráng.
Buổi trao giải diễn ra trong hai tiếng đồng hồ tại Cung Hữu nghị Việt Xô. Thành phần quan trọng của buổi lễ chính là nhà báo được giải thưởng đến từ các cơ quan thông tấn báo chí khắp cả nước. 
Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảngà Nhà nước được mời đến dự và trao giải, đặc biệt là sự có mặt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông đến phát biểu khai mạc và sau đó cùng Đ/c Võ Văn Thưởng- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A (8 giải).
Nhìn chung, các giải tập trung vào các tác phẩm báo chí phản ánh những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nóng bỏng, gay cấn trong năm 2015, trong đó có nhiều bài viết, phóng sự hình ảnh về biển đảo.
Các tác phẩm báo chí cho thấy, hoạt động tác nghiệp thời nay của nhà báo được sự hỗ trợ rất lớn của các công cụ và phương tiện truyền thông thông tin, tuy nhiên, lương tâm, tài năng của nhà báo vẫn là nhân tố chính làm nên sức sống của một tác phẩm báo chí.
Nước ta hiện có khoảng gần hai vạn nhà báo, chưa kể các nhà báo nghiệp dư và những người viết báo tự do. Lực lượng này sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong biểu dương cái đẹp, phản ánh các mặt tiêu cực của đời sống xã hội, là chiến sĩ tiên phong góp phần lành mạnh hóa xã hội bằng chính ngòi bút của mình.
Một lần nữa, chúc mừng chị Nguyen Thi Hanh Loan và các cộng sự (Đây là lần thứ hai, Chị và nhóm tác giả nhận giải B báo chí Quốc gia, với phóng sự: "Hồ sơ giả - hoàn thuế thật")!
Chúc mừng các nhà báo, sau niềm vui vinh danh, tiếp tục là sự dấn thân!

VỀ NHỮNG HI SINH CỦA NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH

VỀ NHỮNG HI SINH CỦA NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH
Vụ tai nạn máy bay tại Hòa Lạc (Hà Nội) cách đây chưa xa, nỗi đau chưa nguôi thì lại liên tiếp hai vụ máy bay này. Thật là đau xót.
Có lẽ giờ này hơn ai hết những người thân của các anh trên đoàn bay CASA 212, số hiệu 8983 là người mong mỏi nhất, mong mỏi có phép màu, mong mỏi người thân được yên bình trở về. Nỗi lo của các gia đình được cộng hưởng bởi nỗi lo của nhân dân, của chúng tôi- những người không quen thân nhưng trước mất mát, tai nạn của các anh, nước mắt cũng chực trào.
Với tôi, quân đội luôn đẹp và sự hi sinh của quân nhân để đất nước này được bình yên là vô giá. Bố tôi cũng đã từng là sĩ quan quan đội. Ông sinh ra trong thời đất nước có chiến tranh, học khá nhưng sớm phải tốt nghiệp cấp III để lên đường chiến đấu. Kết thúc chiến tranh mong muốn trở về trường đại học, nhưng quân đội giữ lại thế là gần như một đời binh nghiệp, cho đến lúc bị tai nạn lao động được quân đội xếp hạng thương tật thương binh 1/4 và về quê an dưỡng cho tới lúc mất.
Trong tuổi thơ tôi, những chiếc ve hàm trên áo, bộ đồ quân phục, súng ống mà bố tôi mang về luôn oai nghiêm. Khi còn nhỏ, mỗi lần bố tôi về phép, tôi thường khóc, khóc vì sợ chất lính nghiêm khắc của bố!.
Hình ảnh người lính đã khắc sâu vào tâm trí tôi thuở bé. Những câu chuyện hi sinh anh dũng, sự kiên gan chịu đựng của người lính luôn khiến tôi cảm phục. Vì thế, tôi luôn dành cho các anh - những người lính cụ Hồ một sự kính trọng thường trực và luôn cảm thông với sự hi sinh của các anh dù chỉ là giọt mồ hôi đổ trên thao trường, cảm thông với những người vợ, người con của lính vì người chồng, người cha luôn phải công tác xa nhà theo chế độ của quân đội.
Nghe tin hai chiếc máy bay quân đội bị nạn gần như cùng thời điểm. Chiếc tiêm kích SU 30 bị nạn do huấn luyện bay tình huống, chiếc CASA 212 8983 gặp nạn khi đi cứu hộ đồng đội mình. Những khối tài sản khổng lồ kia coi như chìm xuống biển, điều đó không đáng nói, cái đau thương và lo lắng đến nghẹn con tim đó là sự ra đi của thượng tá không quân Trần Quang Khải và số phận 9 người sĩ quan và quân nhân đoàn bay 918 vẫn chưa rõ ra sao, nếu không muốn nói sự sống thật mong manh. Bao niềm hi vọng, sự khấn cầu một phép màu ban tặng các anh nhưng cũng chuẩn bị một tâm thế đối mặt với đau thương. Những tai nạn hàng không, sống sót là chuyện hi hữu. Nhìn xác máy bay CASA 212 bẹp nhẹp được trục vớt lên, chiếc giày cấp tá của ai đó còn lại mà lòng se sắt lòng.
Quân đội từ nhân dân mà ra. Mỗi người dân tin yêu người lính như những đứa con riêng của mình. Mỗi chiến sĩ, sĩ quan hi sinh là hàng triệu con tim rớm máu. Nhân dân luôn thành kính. Các anh ra đi từ đất mẹ phải được trở về vẹn nguyên từ đất mẹ. Mong thay.
Nhiều người cảm thương cho số phận của người lính phải hi sinh trong thời bình, như qua những vụ máy bay thời gian gần đây. Cũng có ý kiến hoài nghi về chất lượng của các máy bay mà quân đội ta đang sử dụng. Thậm chí, cũng có ý kiến hoài nghi về một sự tác động từ thế lực nào đó. Riêng về phương diện kỹ thuật, cũng cần phải hiểu rằng, vũ khí của chúng ta lâu nay mua của Nga, mua của Châu Âu, trong đó có những loại tối tân như CASA 212, công tác tu trì bảo dưỡng cũng được tiến hành thường xuyên, nhưng cũng không nói được điều gì khi đối mặt với hiểm nguy, không tránh khỏi, trục trặc, hoạn nạn.
Đất nước chúng ta còn nghèo, chúng ta không chạy đua vũ trang, và không đủ sức để chạy đua vũ trang với nước nào, nhưng lâu nay quân đội vẫn được ưu tiên số 1 về các phương diện. Sự cố trong luyện tập, hoạt động dân sự là chuyện thường có thể xẩy ra ở cả những nước có quân đội hùng mạnh, vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, đối với nước ta, đất nước đi qua chiến tranh, nỗi mỗi sự cố lại khiến nhân dân day dứt. Bất cứ nỗi mất mát trong thời bình lại khiến nhân dân đau xót biết nhường nào.
Hòa bình, cứ ngỡ những người lính được yên bình. Khó có ai đoán định được những bất trắc. Còn đó những mưu toan của các thế lực thù địch lăm le chiếm đất, chiếm biển đảo của ta. Còn đó những nguy cơ về an ninh đất nước mà hai lực lượng chính là quân đội và công an phải thường trực sẵn sàng chiến đấu. Nhân dân luôn dành cho các lực lượng vũ trang sự kỳ vọng và mối quan tâm đặc biệt.
Hiện nay, tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng. Trung Quốc và Mỹ đã triển khai nhiều vũ khí hiện đại đến Biển Đông, Việt Nam không thể không tính toán về tài lực và nhân lực. Thực tế lịch sử chiến tranh cho thấy, khí tài và con người luôn song hành với nhau, đối mặt và làm nên chiến thắng trước kẻ thù.
Ngã mũ kính chào các sĩ quan tiêm kích SU 30 và đoàn bay 918 trên chiếc CASA212, số hiệu 8983 của không quân Việt Nam anh hùng. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi cầu mong linh hồn anh Trần Quang Khải được siêu thoát. Cầu mong các anh trong đoàn bay CASA 212, số hiệu 8983 sẽ sớm về trong vòng tay của người thân yêu.
Bài thơ dưới đây xin kính tặng các anh!
VÙNG TRỜI NÀO BÌNH YÊN CHO CÁC ANH BAY
*
Vùng trời nào bình yên cho các anh bay
Ai có thể nói trước về những điều bất trắc
Sống, chiến đấu, vinh quang, được, mất
Bao xót xa, ôi anh lính thời bình
*
Ai hy sinh cho chúng ta được sống
Mỗi sự ra đi, những đau xót muôn phần
Bao câu hỏi xin dành người ở lại
Linh hồn anh, xin được thăng vân
Hà Nội, 18.6.2016
Phạm Xuân Hoàng

CON VUA, PHẬN DÂN

CON VUA, PHẬN DÂN
(Tản mạn nhân chuyện lùm xùm ở Bộ THƯƠNG )
Dân gian thường nói: - con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Làm vua thì sướng.
Quét lá đa thì sung sướng nỗi gì.
Thảo nào nhiều vị "bất chấp" bố trí con e mình vào những chức vụ to cho dù những người này còn trẻ mang đô ly và trãi nghiệm thực tiễn chưa hề có.
Giờ nghe nói nhiều vụ trưởng 8x...trẻ măng ở tầm chức vụ nhớn, ở trọng trách to!
Dân tình thường xuýt xoa về những trường hợp như vậy, như là những điển hình của người thành đạt sớm.
Họ thực giỏi vậy sao ta!
Hay họ cháu ông nọ con bà kia.
Tổng kết lại, phần nhiều là xuất thân CCCCC. 5C!
Ừ thì ngôi cao ắt phải con vua, cháu chúa, vương tử, công tôn...mới được truyền nối, làm chuyện trị quốc, an dân!
Họ nghiễm nhiên là những ông "vua con".
Ngôi cao thường hiểu là bổng lộc nhiều. Ngôi cao thì mọi thứ cũng cao.
Bổng lộc không phải trên trời ban xuống, chẳng phải dưới đất chui lên mà được đưa đến từ thuế của nhân dân! Dân biết phận, cứ thế mà làm lụng, cung tiến những ông Vua!
Dân thấp cổ bé họng sao đòi soái ngôi cao! Mà đòi có lợi lộc!
Dân ngậm ngùi và dân mãi cứ ngâm nga:
Con vua thì lại làm vua..(...)..con vua thất thế lại ra quét chùa. Nhưng khổ nỗi, con vua đâu có thất thế mà phải ra quét chùa!
Chùa mãi giành cho Dân.
Cung vàng, điện ngọc, lầu son gác tía đâu có thuộc về Dân.
Dân chăm bẫm cày cuốc, nai lưng mà làm ăn, an ủi mình: quan nhất thời, dân (mới là) vạn đại.
Đến bao giờ vua quan "biết"làm công bộc của dân.
Ôi, thân phận Nhân dân!

NGÀY NẮNG

NGÀY NẮNG
(Viết trong ngày nắng)
Nắng "quái" chiều hôm
Trêu khách văn phòng
Hầm hập từng cơn
Như thiêu như đốt
Điều hoà không lại
Quạt thoảng gíó nồng
Thân người tăng nhiệt
Nước mát cạn dần
Hướng Đông nắng đổ
Hướng Tây nắng soi
"Sướng dân văn phòng"
Mà đâu có sướng
Năm nay nắng lớn
Mọi nẻo phố phường
Miền Trung đổ lửa
Xào xạc niềm thương
Đôi lời gửi nắng
Đôi lời thán ca
Nắng thì mặc nắng
Người thương lấy người
HN, 14.6.2016

NHỚ BIỂN

NHỚ BIỂN
Bạn gửi share tấm hình biển chiều Thiên Cầm đẹp, cái đẹp vắng lặng và mêng mang sâu. Điều hiếm thấy ngày biển chưa nhiễm độc.
Biển muôn đời chứa đựng trong nó vẻ hoang sơ, còn con người đi từ hoang sơ lên văn minh, trí khôn đầy mình nhưng không thể kiến tạo được sự hoang sơ thanh khiết thứ hai của thiên nhiên.
Con người mắc nợ.
Con người khắc khoải kiếm tìm.
Xem tấm hình bạn gửi, thấy tiếc nuối cho những gì con người chúng ta đã đánh mất.
Sẵn có mấy ý thơ, tương ngộ.
NHỚ BIỂN:
Chiều đổ nắng quê dài tới biển
Mênh mang ru, sóng nối phía ngàn xa
Chân chạm cát, thẳm sâu lời của nước
Thời gian trôi lưng lững cõi thiên hà
Ai đã đến, thả hồn mình trước biển
Đôi mắt người liệu xuyên thấu được bao xa!
HN, 6.2016.
Ps.Thank Nguyễn Hải Quỳnh và share lại cùng bạn mấy này!
Share cùng em Phạm Biển!
VỊNH TÌNH XƯA
(Sắn có men beer vịnh chơi! Bà con đừng cho là tui sến sẩm nha)
-
Hôm nay đi qua cổng trường
Nhớ nơi chốn cũ vẫn thường đợi nhau
Bao năm mặt đã cũ nhàu
Mà tình xưa ấy trước sau vẫn nồng!
*
P.s. Tình đầu là tình cuối!
Cũ xưa vẫn nay.

VỚI QUÊ HƯƠNG !

VỚI QUÊ HƯƠNG !
Về quê có gì đâu các bác, em thường mang cây xanh về trồng. Cho nhà mình và cho anh e trồng cùng trồng. Vừa rồi, còn chục cây cau vua người ta đã hỏi mua và mẹ e bán được đấy các bác ạ. Cây hoặc mua của Đại học Lâm nghiệp hoặc của Học viện Nông nghiệp I. Nhưng miền Trung có cái dở, mùa hè thì nóng, mùa đông thì mưa úng để trồng cây cho sống không dễ, nếu không để ý chăm sóc. Chỉ còn mùa xuân là dễ trồng cây hơn cả. Nhưng về tết nhất lịch kích, e lại không mang cây về được.
Được cái, miền trung chỗ quê e tuy thiên nhiên khắc nghiệt nhưng được cái cây cối xanh tươi. Không sao mùa trụ nổi giữa nắng nóng mùa hè!
Giờ thì biển ốm, du lịch sinh thái lại lên ngôi, xanh cây đẹp cảnh là sự hấp dẫn lớn đấy các bác.
Giờ bác nào về Hà Tĩnh, gần e có Hồ Kẻ Gỗ, có nhiều cái hay, các bác nên ghé thăm và tận hưởng nhé!
E cũng có một số ý tưởng cho quê, nhất là dưới góc độ văn hóa, xã hội nhưng mình tài hèn, lực mỏng chưa có làm được gì. Ý tưởng thì vẫn ấp ủ. Mong bác nào điều kiện lại có lòng chia sẻ, đóng góp với quê thì quê được nhờ quá. Mong muốn ấy là chính đáng phải không các bác!!!
Cũng may Hà Tĩnh có phạm Nhật Vượng, anh đã đang góp phần thay đổi quê hương. Gần đây tổ hợp nhà ở tại TP Hà Tĩnh đã nâng cấp bộ mặt đô thị lên tầm văn minh hiện đại.
Dự án biển Thịnh Lộc của Anh nếu được phê duyệt, huyện Lộc Hà chắc sẽ hưởng lợi lớn từ dự án này!

YÊU LẮM THẾ GIỚI TRẺ THƠ

YÊU LẮM THẾ GIỚI TRẺ THƠ
( status ngắn, viết cho thiếu nhi)
_________________________
Ngày của thế giới trẻ thơ, nhiều bố mẹ gác lại công việc tất bật để vui cùng các con. Dù nắng gió này đưa con ra đường, có không ít nỗi ái ngại.
Thế giới trẻ thơ là điều kỳ diệu nhất của nhân loại. Nói thế chắc không quá nhỉ.
Niềm vui đong đầy trong mắt trẻ cũng là hạnh phúc lên ngôi trong lòng các bậc phu huynh, của ông bà các cháu.
"Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai", điều mãi đúng này nhắc nhở chúng ta sống làm việc tất cả vì con e chúng ta.
Đôi khi trên đường đời ta gặp ánh mắt trẻ thơ đượm buồn trong vẻ khổ hạnh, ta cũng chạnh lòng buồn.
Đôi khi trong mệt mỏi về nhà ta nghe tiếng cười nói nũng nịu của các con ta, ta cũng thấy ấm lòng và đầy hi vọng.
"Bạn có nghe trẻ e khóc, trẻ e cười" !?
Vâng, người bình thường chúng ta, ai cũng nghe âm thanh ấy cả, chỉ có là hành động như thế nào mà thôi.
Tôi đã từng cảm động trước hình ảnh một người bạn của tôi tha thẩn chơi với những đứa trẻ ăn xin, trong khuôn viên Mễ Trì gần hai mươi năm về trước, khi chúng tôi còn là sinh viên. Cô ấy xem chúng như là những người bạn và đối lại, tụi trẻ coi bạn tôi như một người bạn lớn. Hai mươi năm sau, bạn vẫn là một người phụ nữ đức hạnh, trở thành người mẹ đáng yêu của các con mình và khi thành đạt lại sẵn lòng từ thiện chia sẻ những nỗi đau của những người xung quanh mình. Mầm nhân và đạo đức không thể không biết quan tâm đến trẻ thơ.
Hàng chục năm đổi mới, còn đó bao những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ nhếch nhác thất học, rất cần, cần lắm, cần nhiều hơn nữa sự mến thương, giúp đỡ.
Thật vui, khi con của chúng tôi được đến trường, được tổ chức sinh nhật, được vui trung thu, điều mà hàng mấy chục năm về trước, những món quà, những buổi lễ thường niên, đối với chúng tôi là một sự xa xỉ.
Ấy phải chăng là cái giá của đổi thay và phát triển, tiến bộ của ngày hôm nay.
Rồi những đứa trẻ hôm nay sẽ lớn lên, bao mầm sống đang được chuẩn bị sinh sôi. Thế giới là sự tiếp nối của bao ước mơ và khát vọng của những thế hệ người. Nhưng vẫn còn đó những bất ổn bất an bao vấn đề nguy hại của cuộc sống, tác động lớn đến thế giới trẻ thơ.
Mong lắm các con sẽ được sống trong sự trong lành, hòa bình và công bằng! Những giá trị không bao giờ cũ ấy hiện vẫn đang là nỗi khát khao của thế giới tiến bộ hôm nay!
Nhân văn lắm thế giới trẻ thơ !
Cầu chúc cho các con luôn vui tươi, khỏe mạnh, được chuẩn bị đủ đầy những điều kiện và khả năng để có thể chạm tới những ước mơ!
Hà Nội, ngày 01.6.2016

NẮNG MIỀN TRUNG

NẮNG MIỀN TRUNG
Nắng đâu bằng nắng miền Trung
Mênh mang là nắng trập trùng trắng mây
Hỏi đâu như dãi đất này
Con người đội nắng mà xây mát lành
Chỉ mong nhiều những khoảng xanh
Cho bà trú nắng, nông dân ra đồng
Nắng ơi, sao cứ mênh mông
Để ta khát những dòng sông bốn mùa
Hà Tĩnh, 30.5.2016
P.X.H

DÁNG THỜI GIAN

DÁNG THỜI GIAN
Quê năm đôi lần ghé
Thăm lại mái nhà xưa
Tóc mẹ ken màu khói
Cha đi đã bao mùa
Những con đường thay đổi
Màu bùn đất không còn
Hàng rào xưa thay dạng
Mỗi lòng người còn son
Những người xưa cũng vợi
Bao người đã biệt từ
Bao người đi xa xứ
Còn gì buông bến xưa
Ngày xưa không trở lại
Khói lam chiều đã bay
Tuổi thơ còn trú mãi
Tận sâu thẳm tim này
Ta xếp hình thời gian
Mang dáng trồi của đất
Mang dáng lặng của nước
Mang dáng vờn của sông
Mang mênh mông của núi
Mang trùng điệp của người
Những dáng hình vời vợi
Neo tận cùng muôn nơi
Hà Tĩnh, 29.5.2016

THỜI

THỜI
Xét từ thực tế
Nhìn từ chuyện đời
Người người thường thế
Thuận theo chữ "thời"
"Thời thế thế thời thời phải thế"
Thế thời thời thành thế
Thời thế nên hành thế
Thời thế luận anh hùng
Quân tử cẩn trọng thời
Tiểu nhân chộp giật thời
Người vượt lên thời thế
Thử hỏi được mấy người
Thánh nhân và người thường
Một đời không thể luận
Tiểu nhân và quân tử
Dẫu khác rõ mười mươi
Nay thế thời đang lên
Hay thế thời đang xuống
Luận từ những góc nhìn
Chênh vênh như leo núi
Nhưng ai đi và ai đến
Thành bại cũng nhờ thời
Ai to và ai nhỏ
Đều cõng thời trên lưng
P.X.H
HT, 2016