Tôi cứ vấn víu một câu hỏi: liệu dân tộc này có dựa dẫm thần thánh mà đi hay có việc lễ hội cầu phật thánh thần chỉ là bề nổi của tảng băng chìm- dân tộc này đang thiếu hụt đức tin cần bù đắp? Việc đi lễ, cầu phật thánh thần là đang nuôi dưỡng mình bằng niềm tin vào các bậc bề trên, bù đắp những thiếu vắng trong đời sống thực tại nhiễu nhương. Đó cũng là sự giải phóng đức tin sau một thời kỳ dài Nhà nước ta ít nhiều cảnh giác với tôn giáo, tín ngưỡng.
Thực tế, đức tin vào tôn giáo giống như một cầm nắm một thứ vũ khí nhằm tăng cường sức mạnh chống chọi với đời sống chứ không phải là dựa dẫm vào nó để phát triển tiến lên. Dựa dẫm phải là dựa vào một lực lượng thực tế, trần thế chứ không thể dựa dẫm vào cái siêu nhiên, cái siêu thực! Người Việt vẫn gắng gỏi bằng ý chí nghị lực của mình. Chứ số đông người Việt không sùng bái đến mức mê muội.
Mỗi cá thể người sống với những biểu hiện khác nhau: hướng nội và hướng ngoại; thực tế và hư ảo, trừu tượng; trần tục và thiêng hóa, đều là biểu hiện của cái tôi. Cái tôi con người, ngoài những cái có thể biểu hiện ra qua hành vi, hoạt động, có thể hiểu thì còn mảng tôi ẩn ức chìm sâu bên trong không dễ gì hiểu và nắm bắt, ngay cả khoa học cũng khó lý giải được, mà nhiều người vẫn quy nó vào phạm trù tâm linh. Các hành vi tín ngưỡng tôn giáo, phần lớn cũng chỉ là phương thức biểu hiện, thõa mãn cái tôi ẩn ức, cái tâm linh bên trong đó.
Khi ở hoàn cảnh đói nghèo, bất hạnh con người cũng cần có đức tin đã đành; lúc ăn no, ăn ngon, mặc ấm, nhiều thành công, hạnh phúc con người cũng nuôi đức tin vào các bậc bề trên. Đó dường như là một mâu thuẫn, nhưng thực tế, nhu cầu của con người hết sức đa dạng, con người là hết sức phức tạp. Con người không chỉ cần ăn ngon, mặc đẹp, giải quyết những câu chuyện cái bụng mà còn là câu chuyện của trái tim và cái đầu. Lại nữa, nhu cầu thì luôn tăng trưởng mà năng lực và nguồn lực thực tế thì có hạn, nhiều vấn đề phát sinh luôn vượt qua khỏi tầm kiểm soát, con người cần đến đức tin. Chưa nói, ý thức về sự giới hạn của thời gian, không gian luôn thay đổi, kiến thức cũ kinh nghiệm cũ đôi khi không đủ khả năng lý giải trước những đổi thay khiến con người bối rối, con người tạm chấp nhận, con người kiếm tìm và con người lý giải sự tồn tại bằng cái siêu tồn tại và trú ngụ mình trong sự che chở của các đấng bề trên.
Càng ngày với xu hướng cởi mở hội nhập, quyền con người càng được tôn trọng, tự do tín ngưỡng tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu. Chúng không thể bị kiểm tỏa bởi ý chí chủ quan và biện pháp hành chính. Việc tăng số người đi lễ phật thánh thần không phải là điều bất thường mà cái bất thường là thái độ mê muội của con người với việc lễ lạt, ứng xử chộp giật của con người với các cơ sở thờ tự tâm linh, thái độ lạnh lùng giữa con người với nhau trong khi họ sùng bái các tín điều của phật chúa thánh thần.
Nếu đi lễ, cầu cúng mà xã hội vẫn bình yên, con người đối xử với nhau chuẩn mực, tôn trọng, nhân ái. Bạo lực bạo hành giảm, sự lừa lọc giảm, con người tử tế hơn, thì họ theo tôn giáo nào đức tin nào không là vấn đề đáng bàn. Còn trái lại đi lễ chùa thần phật nhiều mà xã hội vẫn loạn, con người kinh doanh chộp giật, đối xử với nhau thiếu hơi ấm tình người, đạo đức suy thoái, xuống cấp, thì đó mới là điều đáng nói.
Trong cuốn “Quy luật muôn đời”, Nhà văn Nôđar Đumbatzê có viết: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi”. Trong một xã hội kinh tế thị trường chưa hoàn hảo, các thể chế còn bùng nhùng, dường như con người không mang nỗi trái tim mình. Khi mà niềm tin với người bên cạnh chưa đủ, khi mà ra đường phải cảnh giác của cả lòng tốt thì việc họ hướng đến nhờ cộng lực âm phù của thần thánh là điều dễ hiểu.
Đặt vấn đề chỉnh đốn đức tin, chỉnh đốn sự mê muội bằng các giải pháp hành chính đôi khi chỉ là tình thế và ấu trĩ, cái căn cốt là giáo dục một văn hóa thực hành đức tin lành mạnh. Chừng nào con người đến với thần phật không phải chăm chắm cầu phù hộ, nương nhờ sự bảo trợ của phật chúa thành thần mà đến chùa là để chiêm bái phật thánh thần, đến nhà thờ để thể hiện đức tin chân thành, đến nơi thờ tự để tìm chút thư thái từ chốn trang nghiêm thì chừng đó, đức tin mới phương trưởng, đạo nghiệp mới cao dày, việc hành lễ mới được coi là lành mạnh.
Người Việt hôm nay thực tế hơn nhiều so với các thế hệ cha ông trước đây không sống trong điều kiện kinh tế thị trường. Đi lễ cầu may, cầu lộc, cầu duyên vẫn là đi lễ, nhưng làm ăn theo khoa học, theo văn minh, tiến bộ của thế giới vẫn là xu thế chính.
Dù nói gì thì nói, một đời sống phát triển lành mạnh, con người xã hội đó phải tìm đến và duy trì cả hai: tín ngưỡng tôn giáo và khoa học. Không có tín ngưỡng con người sẽ sống cuộc sống trần trụi hoang liêu, nặng nghiệp tham sân si, và không biết kính sợ; không được soi chiếu bởi ánh sáng khoa học con người sẽ mù mờ và chết chìm trong mớ hỗ lốn các kinh nghiệm cũng như khó thoát ra các tín điều bảo thủ của mình.
Mà thực ra khoa học, hay tôn giáo thì không tự nhiên mà có mà là những thứ con người sáng tạo nên. Oái ăm ở chỗ, con người lại làm nô lệ, lụy thuộc một cách mù quáng vào chúng, bởi vậy điều cần thiết là phải tỉnh táo với cả hai: khoa học xơ cứng, vụ lợi và đức tin tôn giáo mù quáng, trục lợi.
Từ khóa: