Thoảng hoặc mới đến Lạng Sơn. Thành
phố này cách Hà Nội 150 km, sau 4 giờ đồng hồ lăn bánh trên chiếc xe hiệu
Daewoo đã cũ, chúng tôi gặp đất và người xứ Lạng.
Trời mây hơi ỉu xìu, đó là không khí
chung của xứ Bắc những ngày này.
Đi qua những tên phố, những địa danh,
chúng ít nhiều gợi lên trong tôi những "miền" lịch sử: Chi Lăng, Đông
Kinh, Nguyễn Phi Khanh, Hoàng Văn Thụ, vvv.
Gặp chợ đêm Kỳ Lừa, tôi thoáng nhớ
đến những câu ca dao về xứ Lạng:
"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lặng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em"
Những câu ca dao hay ý vị bậc nhất về
tình yêu đôi lứa và cũng là lời mời gọi đầy hứa hẹn, hấp dẫn du khách lên thăm
thú mảnh đất xứ Lạng này.
Nhớ bài tập đọc về "rừng hồi xứ
Lạng" trong sách phổ thông với hình họa cô gái hái hồi mà mơ một lần được
đến để thăm thú. Hoa hồi là một sản phẩm đặc trưng của xứ này. Tiếc là không có
nhiều thời gian đến thăm những vườn hồi để "hương hồi chảy qua mặt"
(Tô Hoài), vì nó khá xa trung tâm thành phố.
Qua chợ Đông Kinh, nhớ những lần ghé
chợ mua hàng trong những ngày hàng hoá nơi này còn rẻ. Du khách lên Lạng Sơn,
có mấy ai không ghé chợ Đông Kinh.
Nhớ năm 2000 lần đầu ghé đất này.
Theo chân thầy Nguyễn Thanh Bình, đi thực tế và thăm thú để chuẩn bị tốt nghiệp
đại học. Lạng Sơn hồi đó còn là một thị xã chưa phát triển. Cánh sinh viên
chúng tôi, theo chương trình, quan tâm đến những vấn đề dân tộc tôn giáo ở vùng
biên để viết báo cáo thu hoạch. Lần đó, sau khi thăm thú thành phố, chúng tôi
được tỉnh ủy Lạng Sơn bố trí lên Bắc Sơn tìm hiểu vấn đề Tin lành du nhập và
cũng lần ấy cánh sinh viên chúng tôi ghé Phò Chai, Bằng Tường Quảng Tây, Trung Quốc,
bằng giấy thông hành cửa khẩu Tân Thanh. Cả nhúm ngơ ngác lạo dạo nhìn ngó quần
áo, ăn bánh bao và cơm thịt kho Tàu. Nơi đó chỉ nghe nhiều người Việt nói tiếng
Việt. Và chưa hề có ý thức gì về cuộc kháng chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
Cái thuở sinh viên đầu non lá sữa ấy,
đi đâu cũng háo hức, nhưng thích chơi, khám phá nhiều hơn là nghĩ xa xôi, vậy
mà đã cách xa 15 năm.
*
Trong lúc chờ giải quyết công việc,
tôi đứng trong nhà xe Trung tâm GDTX nhìn mưa rơi. Thi thoảng gặp mấy top học
sinh nữ nhìn thấy mình chắc ngỡ là thầy dưới xuôi lên, các em chào thầy rất
lịch sự. Học sinh thành phố vùng biên ăn mặc đẹp không khác gì học sinh thủ đô.
Thời buổi hội nhập, làm phẳng, nơi đâu cũng giông giống nhau.
Lên Lạng Sơn yêu nhất là ẩm thực.
Những món ẩm thực nơi xứ này có vị riêng như lần đầu tôi được thưởng thức.
Riêng ở chỗ ăn nó tại đó. Như trưa nay chúng tôi được đón chào tại nhà một đồng
nghiệp. Vị ngon và hương cũng rất riêng.
Buổi chiều, khi trời như lạnh hơn.
Chiếc nhiệt kế trong sảnh chờ tòa nhà sở GD & ĐT chỉ 13,5 độ c. Ngoài trời
ẩm ướt đó cơn mưa ban trưa còn đọng lại. Thành phố lặng lẽ như một công viên
lớn. Những tòa nhà cao tầng nhất nhưng cũng chỉ độ 7 hoặc 8 tầng. Con người nơi
đây không ồn ào vội vã. Gặp ai cũng thấy niềm nở hiếu khách, biểu lộ sự giản dị
và thân tình.
Điểm nhấn tạo thế cho thành phố là
dòng Kỳ Cùng, dòng sông duy nhất chảy ngược sang Trung Quốc. Đi qua cầu, ngắm
dòng nước sâu lững lờ trôi mà như đang đứng lại, dòng nước ấy chảy từ núi Bắc
Xa (huyện Đình Lập) cao 1.166 m qua thành phố Lạng Sơn và chặng cuối hợp lưu
với sông Bằng Giang tại Quảng Tây, mới thấy ranh giới có thể chia nhưng nước và
khí không thể chia. Vậy nên, vấn đề giữ gìn môi trường thường là mối quan tâm
chung liên quốc gia. Một nước khó có thể giữ được kho tài sản thiên nhiên
chung. Nó tùy thuộc lớn vào thái độ và quan điểm phát triển của các quốc gia có
chung nguồn tài nguyên.
Tại vùng nội thị thành phố Lạng Sơn,
độ dăm năm nay không còn sầm uất mua bán hàng hoá như trước. Giờ chủ yếu xe chở
hàng lên để chuyển sang Trung Quốc và từ Trung Quốc chuyển về các tỉnh miền Nam . Trên con
đường quốc lộ 1A, thi thoảng chúng tôi gặp chuyến xe đủ loại biển hiệu Năm, Bắc
xuôi ngược. Trong quan sát của tôi, thành phố trung tâm không phải là sôi động
và còn thiếu đi vẻ năng động. Có lẽ nó chưa được phát triển xứng với tầm năng
mà nó có.
Nhìn rộng ra cả tỉnh, Lạng Sơn không
có khu công nghiệp nào lớn, chủ yếu phát triển kinh tế thương mại vùng cửa
khẩu. Có hơn ba mươi dân tộc tộc khác nhau, dân ở xuôi lên nhiều, trong chiến
tranh cũng có sự chuyển đổi cư trú đan xen. Người dân chủ yếu làm nông lâm và
hoạt động thương mại, du lịch.
Tôi nghĩ Lạng Sơn còn có thể phát
triển hơn. Trong vòng cung Đông Bắc, Lạng Sơn bao đời nay đóng vai trò địa
chính trị quan trọng. Tỉnh này có đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253
km. Những cửa khẩu chiến lược phía Bắc, chủ yếu ở đất này: hai cửa khẩu quốc tế
(Hữu Nghị, Đồng Đăng), hai cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ biên giới; giao thông
đường bộ nối quốc lộ 1A, giao thông đường sắt liên vận quốc tế là điều kiện rất
thuận lợi cho việc giao lưu, liên kết, hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ giữa
các tỉnh phía nam trong cả nước với Trung quốc, không chỉ thế mà qua đó còn
sang các nước vùng Trung Á, châu Âu và nhiều nước khác.
Trong hình dung của tôi, Lạng Sơn như
tấm phên dậu ngăn và lọc những bất lợi cho thủ đô. Bởi vậy, nơi đây cần được
đầu tư hiện đại hóa hơn nữa, gắn với những chiến lược an ninh quốc phòng bền
vững.
Trên con đường trở về, ghé thăm ông
bà bạn đồng nghiệp cạnh con lộ huyện Hữu Lũng, nơi tôi đã từng tới dạy và có
dịp thăm thú dòng Thương trong xanh vào năm 2006. Bất giác thấy cây bạch đào nở
muộn trong vườn nhà. Hoa trắng muốt, tinh khiết, kiêu hãnh khoe sắc, gợi cảm
giác thơ mộng lạ thường. Loài đào này rất hợp sinh trưởng trong vùng xứ lạnh, còn
gọi là đào tuyết, có nhiều ở Sa Pa, thoảng mới thấy ở Hà Nội. Nhìn những khoảnh
vườn rộng, thoáng khí, mới cảm thấy những chuyến rời thủ đô ồn ào về những vùng
quê thật có giá trị. Trong cái tĩnh tại, ta thường được thư giãn và thanh lọc
nội tâm.