Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tham gia Liên hoan văn nghệ chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
Tác phẩm trình diễn: Khát vọng Tây Nguyên
MC: Nguyễn Phương Thuỳ
Biểu diễn: Đội văn nghệ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tại Nhà hát Âu Cơ vào lúc 21h45 phút -21h05 phút, ngày 24/3/2017
***
Với liên khúc ca múa nhạc "Khát vọng Tây Nguyên", đội văn nghệ Viện Hàn lâm KHXH đã thực sự thổi lửa trên sân khấu nhà hát mang tên Mẹ Âu Cơ.
Mang đến liên hoan nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương tiết mục lấy cảm hứng về vùng đất và con người Tây Nguyên, các chàng trai cô gái viên chức Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dường như đã mang trọn những âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên lên sâu khấu.
Những tinh túy văn hóa và con người Tây Nguyên được trưng diễn. Cuộc sống sinh hoạt vật chất và tinh thần được mô tả một cách cuốn hút, bởi sự uyên chuyển, nhập hồn của người diễn, cộng hưởng bởi âm thanh réo rắt trầm, bổng của nhạc cụ.
Tiết mục có sự góp mặt hai diễn viên đến từ chính mảnh đất Tây Nguyên. Tiếng đàn T’ rưng biểu diễn bởi A.Tuấn người con Xơ Đăng; giọng ca nữ Rơ Đăm Bích Ngọc, một phiên bản có hạng cỡ Siu Black, cũng đến từ dân tộc Xơ Đăng, trong trang phục sắc vàng đã thổi bùng lên “Ngọn lửa Cao Nguyên” đầy sôi động.
Trong một tổ hợp âm thanh liên diễn của khí nhạc, của tiếng đàn, lời ca, tất cả như đang vọng vào vách núi trườn lên những đám mây, qua rừng xanh, vờn trên thung lũng, dội lại tai người nghe trao truyền cái sinh khí, khát vọng của con người Tây Nguyên, thật đặc biệt.
Ai đã hòa vào Tây Nguyên trong những đêm nổi lửa, ai đã say Tây Nguyên bên ché rượu cần, ai đã từng khám phá say mê không gian văn hóa Cồng Chiêng trong các buôn làng, ai đã lên nương lên rẫy nơi núi đồi cao nguyên đất đỏ Ba Zan, ai đã từng ngắm thác Lang Biang huyền thoại, ai đã từng lên đây đó nơi Cao Nguyên miền Trung mà ngắm sự vắng lặng của núi rừng để cảm nhận sự dung dị của mảnh đất Tây Nguyên thì khi xem tiết mục này ắt hẳn đều thấy rạo rực trong lòng.
Người xem nghe thấy sự rộn ràng của cuộc sống buôn làng, sự rộn rã của lễ hội, cảnh lao động, sinh hoạt đời thường tự nhiên mà duyên dáng. Cuộc sống ấy đã được cách điệu hóa ngoài ngôn ngữ hình thể đầy biểu cảm, bởi sự giao hòa của sắc phục, khí nhạc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên như thường thấy thì còn được diễn bởi cái lối cảm thụ bác học về văn hóa của những cán bộ làm công tác nghiên cứu đã ít nhiều có những chuyến điền dã, trải nghiệm với Tây Nguyên, nhờ đó, họ đã diễn như những nghệ sĩ đích thực.
Liên khúc đậm chất sử thi Tây Nguyên của đoàn văn nghệ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam thật sự là một sự lựa chọn trình diễn độc đáo, thu hút người xem từ đầu đến cuối.
Có thể nói trong khung khổ thời gian 15 phút của chương trình, tiết mục “Khát vọng Tây Nguyên” đã phô diễn được những nét đặc sắc của con người và văn hóa Tây Nguyên, tái tạo một Tây Nguyên huyền thoại trên sân khấu, một Tây Nguyên bao la khoáng đạt, sâu lắng ân tình nhưng cũng còn nhiều vất vả, gian lao.
Tiết mục mang đến một thông điệp: vùng đất ấy, con người nơi ấy còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, gìn giữ và phát triển bền vững.