Mấy bữa nay tự dưng có chuyện để quan tâm: chuyện đạo thơ trong làng văn nghệ.
Mà không thể không quan tâm, khi mình cũng là một người yêu thích văn chương và ít nhiều cũng là người cầm bút.
Ai đạo ai, bằng suy luận logic và mỹ cảm nghệ thuật, nhiều người trong chúng ta sẽ nhận ra.
Viết mấy dòng này, không đi vào chuyện đạo cụ tỉ của các mấy tác phẩm thơ mà nói cái xung quanh chuyện "ăn cắp" tác phẩm -hành vi thường được dùng một từ nghe khá trang trọng: "đạo văn".
NGHĨ NHÂN CHUYỆN CÁC NHÀ THƠ TỐ NHAU “ĐẠO VĂN”
1. Gần đây, lùm xùm hai vụ “đạo văn” tác phẩm thơ, có liên quan đến những nhà thơ khá thành danh như Nguyễn Phan Quế Mai và một cựu binh làm thơ - Ngô Xuân Phúc về bài thơ “Tổ quốc gọi tên”, Phan Huyền Thư với Phan Ngọc Thường Đoan về bài “Bạch lộ”/”Buổi sáng” trong tập “Sẹo độc lập” mà P.H.T vừa nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cách đây chưa lâu. Những người không hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ cũng thấy gai gai và hư hư thực thực. Những đứa con tinh thần “rút ruột” của các vị mà coi như là món hàng thương hiệu A, B. Giống như các doanh nhân đi giành nhau cái thương hiệu sản phẩm. Rốt cục các vị “nổi danh văn chương” như P.H.T đang trưng cho thiên hạ thứ sản phẩm đích thực bằng tài năng hay là sự dối lừa có chủ ý!.
“Đạo văn” từ lâu được cọi là trọng tội trong nghiên cứu khoa học, trong văn chương, sáng tạo lại nhạy cảm hơn. Vì đó là lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và tính cá nhân rất cao.
Trong khoa học để không đạo, anh phải trích ý, chú nguồn, khi cần đóng mở ngoặc một cách rõ ràng. Thậm chí, chỉ cần viết y hệt hai câu của một người khác đã bị coi là đạo văn và đó là một lỗi khó chấp nhận.
Trong văn chương, nghệ thuật sử dụng tác phẩm của ai đó tránh bị coi là đạo thì phải chú là “phỏng theo” hay đóng mở, chú nguồn, ví dụ một câu thơ.
Nếu những chuẩn mực thông lệ và sơ đẳng này không được tuân thủ, thì công trình khoa học, hay tác phẩm nghệ thuật viết ra, bị người đọc phát hiện thấy dấu hiệu ý tứ, câu chữ của một người khác, của một tác giả khác thì bị coi là đạo văn.
Đạo văn thực chất đó là một hành vi ăn cắp. Kẻ đói vì đói lòng mà phải làm liều đã đành, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học vì “khát” chữ nghĩa mà “cầm nhầm” người khác không thể chấp nhận được.
Khó có một sự ngụy biện nào hợp lý cho hành vi ăn cắp sản phẩm tinh thần. Chỉ lý do vì ham muốn nổi danh mà “thuổng” văn, thơ hay công trình của người khác, dù chỉ là một phần nhỏ thì đó cũng là hành vi đáng lên án và khinh bỉ.
2. Câu chuyện tác quyền ở Việt Nam từ lâu vẫn dễ dãi. Phải đợi đến khi Việt Nam tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật (2004) thì câu chuyện tác quyền mới trở nên được quan tâm nhiều hơn. Ai cũng muốn giữ tác phẩm của mình và được tôn trọng sáng tạo của mình.
Dưới góc độ pháp lý, bằng chứng luôn là yếu tố quan trọng số một chứng minh ‘đứa con” là của ai. Nghĩa là, yêu cầu cơ bản khi muốn chứng minh tác phẩm là của mình, phải trưng ra được bằng chứng gốc (thời gian sáng tác, bản thảo tác phẩm...) chứ không thể “nói lấy được”. Và nếu những thứ này bị mất mát, hưu hao vì lí do cơ học hay kĩ thuật nào đó thì phải vạch ra được “điểm chết” trong sự không trung thực của người bị coi là “đạo văn”. Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng bảo toàn được tác phẩm của mình và chính họ đôi khi không biết tác phẩm của mình bị người khác ăn cắp, nên khi câu chuyện vỡ lỡ thì vấn đề đã trở nên phức tạp.
Những chuyện bùng xùng đạo văn các tác phẩm thơ trên đây, chắc chắn trong số họ có những người không trung thực, mặc dù chưa được tòa kết án. Không thể có hai ý tưởng thơ ca cùng giống nhau về cách diễn đạt, không thể có một đứa con lại cùng hai mẹ phôi thai mà thành!
Xung quanh chuyện đạo văn hay không, sự trung thực sáng tạo, vấn đề tác quyền có nhiều điều đáng bàn. Câu chuyện bản quyền, tác quyền, khi cần phải được xử lý ở góc độ luật pháp, may ra mới thấu đáo. Và người “đạo văn” nếu bị kết tội “đạo” phải thực hiện nghiêm chế tài “treo giò” như đối với cầu thủ.
Nhưng việc bị thu hồi tác phẩm, hay cấm xuất bản cũng như cầu thủ bị tước quyền thi đấu vĩnh viễn chưa hẳn là cái nhục, cái mất mát lớn nhất của người theo nghiệp sáng tạo mà có hành vi đạo “ăn cắp” đó là mất tư cách đạo đức và vị thế của người cầm bút, mất uy tín nghề nghiệp và niềm tin đối với công chúng. Tự mình tước đi vũ khí sống và thể hiện của mình, có chiêu nào trái khoáy và đau khổ hơn.
Đối với người sáng tác chân chính, điều luôn cần quan tâm trước hết đó là vấn đề bảo vệ danh dự của mình đối với tác phẩm. Rõ ràng người sáng tác cũng cần đòi danh dự và quyền lợi khi phát hiện bị người khác “tước mất”, hoặc sử dụng tác phẩm của mình. Điều này cũng cần được xã hội và pháp luật bảo vệ, dù người đó chưa kịp hoặc không có điều kiện đăng ký tác quyền/bản quyền.
3. Vấn đề đạo văn/đạo thơ không đơn thuần là câu chuyện nghề nghiệp, của việc sử dụng sai trái lời và hay một ý tứ nào đó. Cái cốt lõi là sự rục muỗng của nhân cách nhà văn. Một khi nhân cách nhà văn có vấn đề thì tức là chuẩn mực của một xã hội có vấn đề, hoặc nhà văn không đủ sức đi tiên phong trong xây dựng cá giá trị. Làm thế nào để nhà văn, nhà thơ là người đi tiên phong về nhân cách con người đó là điều đáng suy nghĩ. Khi họ cầm bút viết nên tác phẩm tức là gửi gắm cảm xúc và các giá trị nhân bản đến công chúng. Không thể lấy sự giả tạo thay cho sự trung thực, không thể dối lừa những điều cần “từ trái tim đi đến trái tim”.
Qua những vụ việc này, các nhà phê bình văn học phải dũng cảm viết lên được nỗi đau trong giới của mình. Xã hội hơn bao giờ hết, cần các giá trị lành mạnh, cần trả lại chân giá trị mà giới văn nghệ sĩ không ai khác phải đi tiên phong.
Và khi việc copy và paste ngày càng trở thành thói quen thường trực nhờ công nghệ sao chụp ngày càng tinh vi hiện đại và nhất là trong bối cảnh internet phủ toàn cầu, hiện tượng “đạo văn” đã trở thành câu chuyện khá phổ biến và gây nên những “rác rưởi” không nhỏ đối với thế giới tri thức và hệ lụy không mong muốn đối với những người cầm bút chân chính, thì cần phải hết sức cảnh giác đối với hành vi đạo văn. Tốt hơn hết là hãy “nói không” với đạo văn!.
P.T.H