Nhiều chuyên gia đang có ý kiến về chuyện Bộ GD ĐT để môn lịch sử là môn tự chọn, như một menu mà thực khách ăn theo sở thích của mình.
Ông Bộ có cần suy nghĩ lại!?
Dưới đây lả một bài viết khá hay của một tác giả nước ngoài.
Tôi cho rằng, tri thức lịch sử là của toàn thế giới, nhưng ý thức về lịch sử quốc gia dân tộc mình là chuyện của mỗi quốc gia!.
GS Mỹ: Vì sao nên dạy sử thời toàn cầu hóa?
- "Vì sao nên dạy sử quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa?" là bài viết của Johann N. Neem, GS ĐH Tây Washington ngành sử học, đăng trên tạp chí giáo dục The Chronicle Higher Education.
Hiện nay, Mỹ đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc khẳng định bản sắc của mình. Các thị trường toàn cầu hóa đã kết nối chúng ta với mọi người ở những vùng đất xa xôi, cho phép chúng ta mua hàng giá rẻ sản xuất tại các quốc gia còn hạn chế trong việc bảo vệ lao động và môi trường. Toàn cầu hóa cũng thúc đẩy quá trình di cư mạnh mẽ và làm nảy sinh nhu cầu giao thương quốc tế tự do hơn. Bản sắc của chúng ta có thể thay đổi theo thị trường, giảm bớt kiểu quản lý tập trung của nhà nước trong cuộc sống.
Vậy toàn cầu hóa bản sắc dân tộc có gì tốt không? Tôi nghĩ là không có.
Các tư tưởng chính trị cấp tiến, bao gồm việc phân chia lại của cải vật chất giữa những người giàu và người có thu nhập thấp, đều dựa trên một chủ nghĩa dân tộc gắn kết và mạnh mẽ.
Nhưng nghịch lý là trong thời đại toàn cầu hóa, các trường học của chúng ta vừa phải làm cho người dân Mỹ ý thức nhiều hơn về sự gắn kết của họ với thế giới, vừa phải củng cố việc giảng dạy môn lịch sử nước nhà.
Sức mạnh của lịch sử là khả năng định hình bản sắc của tập thể.Bằng việc giảng dạy lịch sử dân tộc, chúng ta giúp tạo ra các kiều dân. Mọi bản sắc đều xuất phát từ những câu chuyện lịch sử. Là một thành viên trong một cộng đồng tức là hiểu rõ quá khứ của mình, và tìm cách giúp cộng đồng trong hiện tại tức là để cải thiện nó trong tương lai. Điều đó đúng đối với các quốc gia, cũng như với các cộng đồng tôn giáo, dân tộc và nghề nghiệp. Như nhà khoa học chính trị Roger Smith đã viết trong “Stories of Peoplehood” (NXB Đại học Cambridge năm 2003), các bản sắc dân tộc dựa trên sức sống của những câu chuyện kể đưa chúng ta theo dòng lịch sử. Những câu chuyện này cho chúng ta biết mình là ai.
Việc dạy lịch sử quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo một công chúng có khả năng bảo vệ dân chủ. Lịch sử quốc gia thúc đẩy lòng yêu nước. Những người có xu hướng rũ bỏ chủ nghĩa dân tộc, coi đây là một tư tưởng thoái lui và công kích, thì có thể cũng quay lưng lại với lịch sử dân tộc vì lý do này.
"Chính vì toàn cầu hóa đang đe dọa xóa mờ các đường biên giới quốc gia nên chúng ta cần hành động như những người thầy để cứu chúng. Không có tình yêu xuất phát từ lòng yêu nước thì giáo dục nhấn mạnh tới tư cách công dân cũng chỉ là vô nghĩa. Công dân tốt phải học cách yêu thương đồng bào mình trước khi việc giáo dục công dân đạt thành quả." |
Giống như lịch sử của bất cứ quốc gia-dân tộc nào, lịch sử Mỹ có nhiều câu chuyện vẻ vang và những tư tưởng lớn, cũng như những chuyện về sự phản bội. Những câu chuyện vẻ vang thúc đẩy tình yêu đất nước trong mỗi con người, còn những câu chuyện đáng phê bình sẽ đảm bảo rằng tình yêu ấy không trở nên mù quáng. Đây là sự kết hợp giữa tình yêu nước của một người và ý thức về các thất bại của người đó, giúp tạo ra các hành vi công dân.
Nếu không có tình yêu nước, thì ai còn quan tâm tới đất nước? Nếu không có các nhận thức mang tính phê bình, thì các công dân sẽ làm thế nào xác định được sự đúng - sai trong các hành động của quốc gia mình và tìm cách làm những điều tốt hơn? Quan điểm này đã được Todd Gitlin nêu ra trong cuốn sách của ông mang tên “The Intellectuals and the Flag” (tạm dịch là “Trí thức và lá cờ”), NXB Đại học Columbia năm 2006.
Theo Gitlin, nguồn gốc và niềm say mê của trí thức nằm ở chủ nghĩa tích cực trong những năm 1960, nhưng ông cho rằng người Mỹ cánh tả đã thái quá với “niềm vui lên án người khác”.
Theo ông, đây cũng là chủ nghĩa dân tộc. Gitlin đã nêu rõ rằng chủ nghĩa dân tộc không đơn giản “những biểu hiện đặc trưng” và chủ nghĩa sô-vanh hiếu chiến, mà là “một cảm nhận về ý thức trách nhiệm”.
Tại sao chỉ tình yêu giữa con người với con người thôi chưa đủ? Đó là tư tưởng của những người ủng hộ chủ nghĩa thế giới, vốn đổ lỗi cho các quốc gia-dân tộc gây ra mọi nỗi khiếp sợ của thế giới hiện đại. Nếu chúng ta vượt qua ranh giới hữu hạn của quốc gia để hòa mình vào thế giới như một cộng đồng nhân loại duy nhất, chúng ta sẽ quan tâm tới người khác. Hãy nghĩ rộng, và hành động thực tế.
Không ai ủng hộ điều này mạnh mẽ hơn triết gia Martha Nussbaum, người đã viết trong cuốn “For Love of Country?” (tạm dịch là “Vì tình yêu nước ư?) của NXB Beacon năm 2002, rằng các trường học Mỹ nên từ bỏ việc tăng cường dạy lịch sử dân tộc, mà thay vào đó nên thúc đẩy một bản sắc toàn cầu.
Nussbaum lên án ý tưởng cho rằng chúng ta nên cung cấp cho người Mỹ “sự nổi bật đặc biệt trong suy nghĩ chính trị và đạo đức, và niềm tự hào trong bản sắc riêng của Mỹ và tư cách công dân riêng của Mỹ, một sức mạnh đặc biệt bao gồm các động lực để hành động chính trị”. Nếu tất cả con người sinh ra đều bình đẳng thì làm sao chúng ta có thể yêu người này hơn người kia?
Chủ nghĩa thế giới của Martha Nussbaum là một giấc mơ cao cả, và giống như mọi giấc mơ, nó thiếu tính thực tế. Con người tồn tại luôn là thành viên của các cộng đồng.
Quốc gia là một phát minh hiện đại, một cộng đồng hiện đại. Nhưng tất cả cộng đồng đều được hư cấu ra. Các quốc gia, cũng như các nhóm dân tộc, sắc tộc và tôn giáo đều là các sản phẩm của sự tưởng tượng của lịch sử. Không có nguyên nhân cố hữu để ưu đãi các nhóm sắc tộc hay tôn giáo hơn các nhóm dân tộc quốc gia. Nếu chúng ta từ bỏ quốc gia-dân tộc, chúng ta sẽ không tạo ra được một cộng đồng toàn cầu, mà chỉ tạo ra một thế giới bị chia ra bởi các dạng cộng đồng khác nhau, trong đó nguy hiểm nhất là: giai cấp.
Chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã sinh ra những bất bình đẳng mới trong sản xuất và tạo ra những người chiến thắng và những người thất bại. Chủ nghĩa dân tộc giúp kết nối người giàu với người nghèo – gắn kết chúng ta với nhau. Khi tách khỏi quốc gia, giới ưu tú của chủ nghĩa tư bản toàn cầu sẽ không còn cảm thấy có trách nhiệm với những người đang sống nghèo khổ gần họ. Tại sao họ như vậy? Họ không còn kết nối với nhau về mặt tình cảm. Chủ nghĩa thế giới sẽ không xóa bỏ xu hướng của loài người tổ chức mình thành từng nhóm để tồn tại, mà đơn giản nó sẽ tách chúng ta khỏi dân tộc - nhóm có quyền lực và khả năng đoàn kết chúng ta theo hướng tạo điều kiện cho các tư tưởng chính trị cấp tiến.
Tuy nhiên, quan điểm của Nussbaum có phần đúng. Chúng ta cần phải coi mọi người đều tồn tại bình đẳng. Liệu chúng ta có thể làm như vậy trong khi giảng dạy cho sinh viên biết tự hào vì mình là người Mỹ hay không? Có, và triết gia chính trị Michael Walzer đã nói rõ cách ông phân biệt giữa các câu chuyện “mỏng” và “dày” để nhận diện chúng ta.
Trong cuốn “Thick and Thin: Moral Argument at Home and Abroad”, (tạm dịch là “Dày và Mỏng: Lập luận đạo đức trong nước và ở nước ngoài”), của NXB Đại học Notre Dame năm 1994, Walzer cho rằng cáccâu chuyện mỏng gắn kết chúng ta với sự tồn tại của tất cả loài người. Những câu chuyện này nhắc nhở chúng ta về quyền và nghĩa vụ của mình. Nhưng những gắn bó sâu sắc nhất của chúng ta, khiến chúng ta hành động như những công dân, được thể hiện qua quan hệ thành viên của chúng ta trong các cộng đồng cụ thể mà trong đó chúng ta cảm thấy kết nối mạnh hơn về tình cảm.
Cộng đồng toàn cầu vẫn còn quá trừu tượng để chúng ta hành động theo cách đó. Tuy nhiên, lịch sử của mỗi quốc gia có thể thúc đẩy những câu chuyện dày, tức là những chuyện gắn kết mọi người trong một cộng đồng gắn bó, thúc đẩy hành động của công dân tốt hướng tới người khác. Chủ nghĩa dân tộc đem đến cho mỗi công dân một sự kế thừa chung, một truyền thống chung.
Bản sắc được toàn cầu hóa, cũng giống như chủ nghĩa tư bản toàn cầu, đang phá hủy sự kế thừa này nhằm giải phóng các quyền cá nhân khỏi các trách nhiệm đối với dân tộc. Nếu không có chủ nghĩa dân tộc, các tư tưởng chính trị dân chủ sẽ chẳng là gì ngoài sự mưu cầu tư lợi, và các lợi ích tài chính lớn nhất sẽ chiến thắng. Sao có thể khác được khi mỗi công dân không có một truyền thống mang theo mình, và các nhà lãnh đạo không có trách nhiệm?
Yêu nước không thể hiện ở những biểu tượng hay chủ nghĩa Sô - vanh hiếu chiến mà ở ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân. |
Điều đó khiến chúng ta lại thấy tầm quan trọng của việc giảng dạy lịch sử Mỹ trong trường học ngày nay. Chính vì toàn cầu hóa đang đe dọa xóa mờ các đường biên giới quốc gia nên chúng ta cần hành động như những người thầy để cứu chúng. Không có tình yêu xuất phát từ lòng yêu nước thì giáo dục nhấn mạnh tới tư cách công dân cũng chỉ là vô nghĩa. Công dân tốt phải học cách yêu thương đồng bào mình trước khi việc giáo dục công dân đạt thành quả.
Nhấn mạnh vai trò của lịch sử dân tộc không có nghĩa là bác bỏ sự cần thiết của việc sinh viên Mỹ phải có hiểu biết nhiều hơn về lịch sử thế giới và vai trò của Mỹ trong thế giới. Đây không phải là hai việc loại trừ nhau.
Các câu chuyện toàn cầu có thể nhắc nhở chúng ta về những câu chuyện mỏng của chúng ta, hoặc nói rộng hơn là các cam kết của chúng ta. Chúng cũng sẽ giúp công dân hiểu được mối quan hệ giữa các hành động của họ ở trong nước và chính sách đối ngoại của Mỹ. Một công dân yêu nước không thể thoái thác nghĩa vụ thúc đẩy một trật tự toàn cầu.
Tuy nhiên, không giống như các nơi trên thế giới, một quốc gia-dân tộc dân chủ phải bao gồm các công dân có trách nhiệm với các hành động của nước mình trên trường quốc tế.
Quốc gia không phải là ngọn nguồn duy nhất của bản sắc cá nhân mỗi con người. Mỗi chúng ta đều thuộc các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, hay nghề nghiệp... giúp định hình chúng ta và khiến chúng cảm thấy có trách nhiệm. Các cộng đồng này làm cho sự tồn tại của chúng ta trở nên phức tạp, nhưng cũng khiến chúng ta có khả năng cân bằng giữa các nghĩa vụ đối với đất nước và nghĩa vụ với những người xung quanh ta và trên thế giới. Nhưng ngay cả khi người Mỹ chúng ta ý thức hơn về các trách nhiệm của mình đối với thế giới rộng lớn, thì các tư tưởng chính trị dân chủ vẫn phải dựa trên trách nhiệm của chúng ta đối với người khác./.
- Johann N. Neem/Bài viết đăng trên The Chronicle Higher Education
- Chuyển ngữ: Quốc Thái - Thu Thảo
Bài viết này giản lược từ một bài luận văn dài mang tên “American History in a Global Age (tạm dịch là “Lịch sử Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa”), xuất hiện trên History and Theory số ra tháng 2/2011.