Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Nạn đạo văn trong nghiên cứu khoa học: Làm gì để dẹp tận gốc?

VĂN HÓA | 06:29 Thứ Bảy ngày 07/12/2013
(HNM) - Chưa bao giờ vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam lại đáng quan tâm như hiện nay. Vấn đề "nóng" đó lại được đưa ra bàn tại hội thảo "Đạo đức khoa học và trách nhiệm xã hội của cán bộ nghiên cứu trẻ" do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đạo văn ngày càng nhiều

Đạo văn, thiếu trung thực trong công bố kết quả nghiên cứu, nghiên cứu hời hợt và thiếu trách nhiệm… không chỉ gây lãng phí mà còn cản trở sự phát triển của nền khoa học nước nhà. Theo Thạc sỹ Hà Đan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), ở nước ta, trong vòng 3-4 năm trở lại đây, hiện tượng đạo văn xảy ra liên tục. Nổi đình đám là "vụ" Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) với 6 tiến sĩ đạo văn. Nếu tháng 6-2009, trường này mới có TS Mai Thị Hảo Yến bị phanh phui hành vi lấy công trình nghiên cứu về ngôn ngữ của cố GS Đỗ Hữu Châu, GS Diệp Quang Ban rồi đề tên mình vào, nhân bản và bán hàng trăm cuốn cho học trò thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, có thêm các ông Lê Văn Trưởng, Hoàng Thanh Hải, Trần Quang Dũng, Vũ Quý Thu, Mai Văn Tùng xuất hiện trên báo với "tội danh" tương tự. Mới đây nhất, vào tháng 10-2013, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) bị thu hồi bằng tiến sĩ và bị kiến nghị tước chức danh phó giáo sư vì luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2003 của ông này đã "đạo" tới 30% dung lượng luận án tiến sĩ (bảo vệ năm 2002) của ông Mai Thanh Quế, Học viện Ngân hàng.

Ông Trần Văn Duy, Viện Từ điển và Bách khoa thư (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân của nạn đạo văn bắt nguồn từ thực tế là việc mua tài liệu, luận văn trên mạng dễ như mua rau. Cứ gần đến "mùa" bảo vệ luận văn, luận án, các trang web chuyên cung cấp "mặt hàng" này lại sôi động. Với những bài luận "bình dân", mọi người có thể đọc trực tiếp trên mạng, nhưng với "hàng hiếm", "hàng chất lượng cao" thì chủ nhân phải trả thêm một khoản phí qua thẻ ngân hàng, thẻ cào điện thoại... Hoạt động này diễn ra đều đặn nhưng chưa có sự quản lý, kiểm soát. Sau khi mua "hàng" xong, công việc còn lại của sinh viên, nghiên cứu sinh chỉ là cắt dán và chắp nối những đoạn khác nhau để làm thành công trình nghiên cứu của mình. Điều gì xảy ra khi những cử nhân, thạc sĩ "cắt dán" này tiếp tục được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học?

Theo TS Ngô Tự Lập, Đại học Quốc gia Hà Nội, nạn đạo văn còn là hậu quả của lối giáo dục nặng về truyền đạt kiến thức một cách thụ động. Phổ biến trong các trường học của chúng ta, ở mọi cấp, vẫn là lối dạy mang tính áp đặt. Các thầy, cô giáo truyền đạt cho học sinh kiến thức và thông tin rồi đòi hỏi các em phải nhớ. Các kỳ thi thường có xu hướng buộc sinh viên chép lại và áp dụng những gì thầy dạy. Những người thuộc và chép lại chính xác bài giảng của thầy thì thường được điểm cao. Rõ ràng, về bản chất, lối dạy và hình thức kiểm tra đó dễ tạo cơ sở cho nạn đạo văn hình thành.

Thực tế cho thấy, tác giả bị vi phạm bản quyền cũng chưa có ý thức tự bảo vệ mình và thái độ "vô tư" ấy vô tình tiếp tay những hành vi gian dối, khiến tình hình ngày một phức tạp hơn. Mặt khác, sự vi phạm "nở rộ" còn là bởi chế tài đối với hành vi đạo văn chưa đủ sức răn đe, mỗi nơi xử lý một kiểu. Ví dụ, ở Đại học Hồng Đức, chỉ có TS Mai Thị Hảo Yến, người "đạo" liền 3 công trình về ngôn ngữ học bị cách chức tổ trưởng chuyên môn, còn 5 tiến sĩ "đạo văn" khác của trường này, đến nay vẫn chưa phải nhận bất kỳ hình thức kỷ luật nào.

Bắt đầu từ gốc của vấn đề
Theo Thạc sỹ Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nạn đạo văn gây tác hại rất lớn. Đạo văn làm nhiễu loạn thông tin, tri thức…; trí tuệ của nhân loại bị cắt xén, sử dụng một cách bừa bãi. Nếu nạn đạo văn trở thành phổ biến thì chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học bị đặt dấu hỏi, tri thức bị rẻ rúng và độ tin cậy của các nghiên cứu bị hạ thấp. Đạo văn là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã tham gia công ước Berne năm 2004, vì vậy, việc đạo văn có thể gây ra những vụ tranh tụng pháp lý ầm ĩ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của giới khoa học Việt Nam nói chung.

Theo các nhà nghiên cứu, có nhiều giải pháp để ngăn chặn nạn đạo văn, trong đó, quan trọng nhất là tạo ra cơ chế cụ thể, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của việc xử lý những hành vi vi phạm đạo đức trong nghiên cứu khoa học một cách cố ý, tạo sự răn đe cần thiết. Tuy nhiên, giải pháp từ gốc vẫn là thay đổi phương thức giáo dục hiện nay. Chúng ta phải hình thành cho trẻ thói quen tự vận động, tránh việc phụ thuộc tuyệt đối vào những khuôn mẫu được tạo ra. Đó là điều quan trọng bởi nó giúp ươm mầm khoa học cho tương lai, hình thành thói quen sáng tạo, sự chủ động trong việc rèn luyện kỹ năng của giới trẻ.
Lâm Vũ