PHẠM THẠCH HOÀNG *
Gần đây, trước những xuống cấp của giá trị văn hóa truyền thống trong nước, trước những mưu toan của bên ngoài về chủ quyền lãnh thổ, trước những thách thức của quá trình hội nhập, người Việt lại bàn nhiều về lòng yêu nước. Chỉ cần lướt qua những bài viết trên mạng, qua các comments trao đổi và nhiều bài viết của trí thức có thể nói lên điều này.
Những cuộc xuống đường trước biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang bị anh bạn láng giềng dòm ngó nhiều năm qua và đặc biệt là những hành động gần đây, khiến người ta có những ý kiến trái chiều nhau về lòng yêu nước. Hành động đó là yêu nước, hay lòng yêu nước đang bị lợi dụng, bị kích động!. Dù nhìn nhận thế nào, chủ quan thiên kiến, hay khách quan trung thực, thì bản chất lõi của giá trị yêu nước chỉ có một và chỉ có dân tộc đã bao phen đi qua nguy biến như dân tộc này mới thấm được, vì vậy, chính nhân dân của dân tộc sẽ là người cảm và hiểu rõ hơn ai hết.
Lòng yêu nước là một khái niệm đa nghĩa và phong phú. Đa nghĩa bởi đụng đến một phạm trù khá rộng lớn: Đất nước. Nhưng tóm lại, có thể hiểu: Yêu nước là tình yêu mến với quê hương, đất nước. Mà quê hương đất nước thì nhiều thứ lắm. Ví dụ: những băn khoăn của dân chúng về an toàn giao thông, bức xúc về đề an toàn môi trường sống, những lo lắng về biển đảo Tổ quốc… đều là những biểu hiện yêu nước. Do vậy, khó kể sao cho hết, đếm sao cho xuể những sự kiện và sự việc thể hiện lòng yêu nước, nhất là khi nó diễn ra lặng lẽ âm thầm. Chỉ biết rằng, tình yêu nước là một lẽ tự nhiên, không có biên độ nào để khuôn lòng yêu nước lại và chiều kích của tình yêu quê hương đất nước sâu thẳm diệu vợi đi suốt cuộc đời mỗi con người khó ai đếm đo cho nổi.
Có thể lên lớp nhau về lòng yêu nước không? Người ta có thể khuyên bảo nhau như một sự trao đổi thân tình về tình yêu quê hương, xứ sở. Người ta có thể bộc bạch cùng nhau nỗi niềm day dứt về đất nước quê hương. Chỉ ngần ấy thôi cũng đã tạo nên những hiệu ứng lan tỏa xúc cảm trong cộng đồng, trong những con người đã được đất nước hoài thai và nuôi nấng lớn khôn. Các nhà tư tưởng, nhà quản lý có thể định hướng lòng yêu nước, nhưng yêu nước là một giá trị tự thân, đôi khi phải có được bằng trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm dân tộc chứ không phải là giáo huấn sách vở thông thường mà người ta dễ dàng hiểu và chấp nhận được.
Dù đi góc bể chân trời, là người Việt, ai ai cũng mang trong mình một nỗi niềm quê hương xứ sở. Nỗi niềm ấy không còn là nỗi niềm cá nhân người Việt mà nỗi niềm của cả một cộng đồng, của nhân loại này. Đúng như Lênin đã nói: “là một trong những tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm, hàng nghìn năm tồn tại của Tổ quốc biệt lập”.
Và không phải đợi đến đi đâu xa, ngay trên chính mảnh đất của mình sinh ra lớn lên, quen thuộc hàng ngày, con người ta vẫn bày tỏ cái tâm tình của mình khi cơ thể đất nước đang bị xâm hại, khi bản sắc quốc gia dân tộc đang bị lu mờ, khi mà những mặt trái thị trường đang làm vẩn đục những giá trị dân tộc ngàn đời được kết tinh qua nhiều thế hệ.
Bởi đơn giản là lẽ tự nhiên, tình yêu chính đáng, thì con người ta có quyền nói, có quyền yêu, có quyền thể hiện, miễn là không vi phạm những khuôn phép đạo đức và pháp lý. Sẽ thật là phi lý khi cấm đoán những nhu cầu chân chính ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Tinh thần yêu nước cũng như thứ của quý, có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
Vậy nên, chúng ta khi đã thấy rằng, chủ nghĩa yêu nước là giá trị số một, xuyên suốt của dân tộc Việt Nam thì hãy để giá trị ấy tự thân tỏa sáng; khi đã nhận thức rằng, tinh thần yêu nước là động lực giúp dân tộc này vượt qua bao thăng trầm, thì hãy tiếp tục để nó tạo thành sức mạnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đi lên văn minh hiện đại và trường tồn.
Những trải nghiệm thời gian qua, phải công nhận một sự thực, trong dân chúng, lòng yêu nước vẫn sục sôi và sẵn sàng góp sức mình vào kiến tạo đất nước, bảo vệ những giá trị độc lập, tự do của Tổ quốc. Lòng yêu nước trước những thách thức mới, đang một lần nữa dâng lên đòi hỏi vượt qua những hạn hẹp của những toan tính ích kỉ, những hiểu biết thiển cận, tầm thường để tạo ra một sức mạnh vượt trội cho dân tộc này đi qua những thử thách của thời cuộc.
Vấn đề là, các nhà quản lý dân chúng, có phát huy và tận dụng được sức mạnh to lớn của lòng yêu nước hay không?
_________________