Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Lắng nghe những ý kiến của trí thức Việt Nam ở nước ngoài [Bút danh Phạm Huân Hoàng, Tạp chí Khoa học va Tổ quốc, 4.2012]

Lắng nghe những ý kiến của trí thức Việt Nam ở nước ngoài [Bút danh Phạm Huân Hoàng, Tạp chí Khoa học va Tổ quốc, 4.2012]
Posted on 05.06.2012. Filed under: Khác |

Ý tưởng để tôi bắt đầu bài viết này là gần đây tôi được đọc nhiều bài viết của các trí thức Việt Nam ở nước ngoài đăng trên các báo và tạp chí như Tia sáng, Diễn đàn Doanh nghiệp, Việt Namnet, Lao động…tiêu biểu như Ngô Vĩnh Long, Vũ Quang Việt, Vũ Thanh Khương, Cao Huy Thuần, Trần Quang Thọ,…họ là những tác giả, những trí thức nhà khoa học có tên tuổi trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục…đã có nhiều năm sống và làm việc ở các môi trường học thuật khoa học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Họ có một tâm nguyện đáng quý là đều muốn đất nước có cơ hội phát triển đi lên, điều đó được thể hiện qua các bài viết hết sức tâm huyết và chứa đầy chất trí tuệ, nhân văn của chính họ trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống trong nước. Ý tưởng thứ hai là gần đây, tôi được đọc một bài viết về giáo dục của GS. Phan Đình Diệu, được đăng tải trên trang www.chungta.com ngày 26.2.2008, gần cuối bài GS có viết “tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước, nhưng tôi nghĩ rằng trong vài ba năm qua với nhiệt tình đóng góp vào công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà, nhiều anh chị em khoa học, giáo dục đang làm việc trong nước cũng như nước ngoài đã và đang tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tâm huyết, nếu được tiếp thu và xem xét một cách trân trọng thì chắc cũng cho ta nhiều gợi ý quý giá cho công cuộc cải cách giáo dục cho chúng ta”. Đây là một bài viết về giáo dục, gs Diệu đề cập nhiều đến vấn đề giáo dục song tôi cho rằng không chỉ dừng lại ở giáo dục mà rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của giới trí thức trong nước cũng như nước ngoài. Đó cũng là một cách tốt để cầu thị vì một sự phát triển tiến bộ. Hiện nay trí thức việt Nam làm việc ở nước ngoài chiếm một tỉ lệ khá lớn. Họ nổi danh trên nhiều lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và vị nể. Nhiều người được bước vào viện hàn lâm, các tổ chức khoa học, giáo dục của các nước với những danh vị và công trình tầm cỡ. Tuy nhiên đó không phải là chủ đề tôi muốn nói. Vấn đề ở đây nên nhìn nhận như thế nào về những ý kiến đóng góp của người Việt từ bên ngoài và làm thế nào để tận dụng được những ý kiến này vào phát triển chấn hứng đất nước. Cần phải thấy rằng, những trí thức Việt Nam thành danh ở nước ngoài hầu hết đều có một tấm lòng ái quốc, muốn đem kiến thức và suy nghĩ của mình để phục vụ quê hương đất nước. Nhưng vì sống xa quê, điều kiện trong nước không cho phép đáp ứng các nhu cầu công việc của họ nên họ chỉ có thể mong ngóng trải lòng về quê hương qua trang giấy, bài viết gửi gắm những nỗi niềm suy tư, những ý kiến đóng góp trên phương diện chuyên môn và cả những lĩnh vực mà họ quan tâm. Vì thế, tôi nghĩ họ rất mong được lắng nghe và quan tâm. Thực ra đó là cách bày tỏ tấm lòng với quê hương, với tổ nguồn, với nơi chon rau cắt rốn, với nhân dân. Họ nói và viết với cái tâm, cái tình của người con xa quê hướng về đất mẹ và cái trí, cái khí của kẻ sĩ trước tình hình đất nước nhân dân. Thứ hai, những nhà khoa học, những trí thức Việt Nam phần lớn được đào tạo ở các nước có nền giáo dục, khoa học tiên tiến. Bản thân họ đã có những năm hoạt động với nhiều kinh nghiệm quý báu từ bên ngoài, họ rất muốn được chia sẽ với trong nước, được lắng nghe để họ có thể góp phần xây dựng quê hương đất nước, nhất là đối với những người đã hơn nửa đời người nay ngồi ngẫm lại, lòng hướng về cố quốc mà rưng rưng những ân tình báo đáp. Điều này rất là đáng quý, cái tâm thì đã rõ, nhưng quan trọng là cái trí, với kinh nghiệm và tri thức sâu rộng phong phú, với tầm nhìn quốc tế những ý kiến trí thức Việt Nam từ nước ngoài có cả bề rộng và chiều sâu học thuật có khả năng tin cậy và sử dụng. Những ý kiến của trí thức được lắng nghe… sẽ càng ngày nhân lên tinh thần đoàn kết và tạo ra nhiều cơ hội cho người Việt ở nước ngoài đem tài lực, vật lực trở về xây dựng quê hương đất nước. … Từ thực tế trên đây, tôi đề nghị: 1. Đảng, Chính phủ nên có một trang trên website của mình để thu hút và đăng tải những bài viết của những trí thức Việt Nam chân chính từ bên ngoài để mọi người có dịp công bố những ý kiến tâm huyết góp phần xây dựng đất nước. Trong thời đại toàn cầu hóa và thông tin hóa thì gửi những ý kiến tài liệu qua mạng là cách cập nhật nhanh nhất, tiết kiệm nhất. 2. Trước những vấn đề lớn của đất nước nên có cuộc trưng cầu ý kiến của trí thức từ bên ngoài, vì đây là một bộ phận đặc biệt, có trí tuệ và sẵn sàng có những ý kiến xác đáng. 3. Nên tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc giao lưu trao đổi học thuật, để các trí thức Việt Nam thành đạt về nói chuyện, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp với chính phủ về các vấn đề quốc kế, dân sinh. Thi thoảng vào những dịp quốc lễ, đại lễ nên thiết lập cầu truyền hình mời các trí thức có tên tuổi giao lưu, trao đổi để người Việt Nam trong ngoài nước có dịp hiểu nhau và đoàn kết gắn bó gần gũi với nhau hơn. Làm được như thế chính sách chiêu hiền đãi sĩ của chúng ta sẽ phát huy tác dụng. Không chi kêu gọi được người tài trong nước mà còn kêu gọi được nhân sĩ ở nước ngoài về nước công tác phục vụ, tránh được tình trạng chảy máu chất xám ở lớp người trẻ. 4. Những phát biểu trên báo chí, website mặc dù là các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không phải ai cũng biết, ai cũng đọc, nên có một bộ phận thu thập theo dõi và có những nghiên cứu tổng hợp tới các cấp cao hơn như TU Đảng, Chính Phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh Ủy ban người Việt Nam ở nước ngòai chịu trách nhiệm thu thập, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần kẻ sĩ nói thẳng, nói thật, nói tâm huyết với quê hương đất nước… Sinh thời, Hồ chủ tịch rất coi trọng trí thức, người cũng rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ mà ngày nay chúng ta gọi là chính sách thu hút nhân tài. Dưới tấm lòng đức hạnh và trí tuệ sáng suốt đầy hấp dẫn của Hồ chủ tịch, nhiều nhân sĩ trí thức đã từ bỏ vinh hoa phú quý trời tây trở về theo cách mạng, giúp tổ quốc giúp đồng bào có những công lao to lớn, nhân dân ta mãi mãi khắc ghi như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ…