Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Mãi nhớ ơn Thầy!

Bài viết về thầy cô đã lâu, nay xin đăng lại trên blog cá nhân. Xin chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam!!!  ThS. Phạm Xuân Hoàng[1]
"Không thầy đố mày làm nên"! Câu ngạn ngữ ấy, thiết nghĩ sẽ là một lời răn dạy cho mãi muôn đời, khi con người tồn tại và cần đến tri thức. Người thầy không phải chỉ hiện diện trong mỗi đời ta ở bước đầu của ngày đi học mà nó còn là ở mọi cung đường lập nghiệp, lập thân.
Nhân loại đã vinh danh rất nhiều người thầy. Khổng Tử từng được tôn là chí thánh tiên sư, Mạnh tử được tôn là á thánh. Khổng tử bậc thầy của nhiều nội dung tri thức nhưng nhân loại nhớ Ông nhiều bởi những lời răn về đạo đức làm người. Đó là chữ nhân. Một cách ngắn gọn nhất: nhân là “ái nhân”, tức là thương người.

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Nâng cao vai trò của nhà nước...

Nâng cao vai trò của nhà nước và tổ chức dân sự trong kinh tế thị trường vì sự phát triển con người[i]

[Thạc sĩ, NCS. Phạm Xuân Hoàng, Nguyễn Hà My.
Đăng: Tạp chí Mặt trận, số 132, tháng 10.2014, tr.49-51]

 
Kinh tế thị trường có đồng hành với sự phát triển con người hay không?

Kinh tế thị trường (KTTT) và phát triển con người (PTCN) là hai phạm trù không đồng cấp. Một bên là hoạt động kinh tế, coi trọng chất lượng hiệu quả của phát triển kinh tế; một bên là hoạt động chú trọng vào nâng cao chất lượng con người, chú trọng tính nhân văn, tính người. Tuy nhiên, hai hoạt động này giao thoa với nhau, hỗ trợ cho nhau. Hoạt động KTTT lấy con người làm nguồn lực cơ sở thúc đẩy, lấy mục đích lợi nhuận làm trung tâm; hoạt động PTCN lấy phát triển kinh tế làm phương thức, nền tảng và mục tiêu nhân văn, tiến bộ là đích hướng tới. Do vậy, suy cho cùng hoạt động KTTT là điều kiện, tiền đề của PTCN; PTCN lại là nhân tố không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế.

Nghiên cứu phát triển con người và trách nhiệm của trí thức trẻ đối với phát triển con người

Phạm Xuân Hoàng. Nghiên cứu phát triển con người và trách nhiệm của trí thức trẻ đối với phát triển con người.  Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 8.2014.

Xem Online: http://issi.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists/BaiViet/View_Detail.aspx?ItemID=41

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CÓ NÊN QUAY TRỞ LẠI ĐÀO TẠO MÔN TRIẾT HỌC RIÊNG BẬC ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG Ở VIỆT NAM [Chuyên san KHXH & NV Nghệ AN, số 10/2014]

Lời tác giả: Có lẽ thời đại hiện nay không ai có thể làm nhà bách khoa, mặc dù tham vọng đó có và trong thực tế có nhiều học giả do tố chất và sự nỗ lực của mình khiến họ có tri thức quảng bác trong nhiều chuyên ngành khoa học. Tuy nhiên, câu chuyện đó không dành cho việc định hình chương trình giảng dạy.
Và nữa, người ta có thể đào tạo ra bác sĩ đa khoa nhưng không thể đào tạo người thầy đa môn, vì khoa học đã phân ngành hẹp và sâu. Trình độ hiện đại đòi hỏi mỗi người phải được chuyên môn hóa.
Hiện nay, vẫn có nhiều người dạy nhiều môn, điều này có nhiều lí do. Môn học "Những nguyên lí của chủ nghĩa Mác- Lênin" là một trong số đó. Môn học này là sự tích hợp nhiều môn, nhưng lợi bất cập hại, vì đã buộc người thầy dạy cái mình hiểu biết chứ không phải cái mình được đào tạo và vô hình chung đã giết chết "Niềm yêu mến Sự thông thái" (Philosophy). Sẽ phải thay đổi nếu khoa học- giáo dục đào tạo hướng tới bản chất đích thực truy tìm chân lí và nếu Việt Nam thực sự đặt mình trong sự hội nhập với thế giới toàn cầu hóa.
Câu hỏi chắc là không hề thừa!

_____________________________________

1. Vài nhận xét về giảng dạy triết học*
và tình hình học tập của sinh viên Việt Nam đối với Triết học.

Xin bắt đầu từ giáo trình Nguyên Lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin.
Theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì từ năm 2009 lại nay, triết học với tư cách là một môn học độc lập trước đây được gộp vào trong môn Những Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin (NNLCB), nội dung phần triết học được giới thiệu trong phần thứ nhất, có tên gọi: "Thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin" với dung lượng hơn 170 trang1. Do vậy, môn triết học hiện tồn tại nhiều trong ý niệm hơn là thực tế, mặc dù thực tế trong chương trình những nguyên lý cơ bản nói trên đã gói gọn phần kiến thức triết học trong các giáo trình trước đây. Hệ quả của việc nhập chung như vậy là, triết học không còn là triết học nữa. Vì do phải thu hẹp chương trình, phải đáp ứng những yêu cầu không còn dành riêng cho chuyên môn, học thuật, mà theo nhận xét của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn (Viện KHXHVN), là hiện nay đang có chủ trương các trường đại học dạy chính trị chứ không phải dạy triết học2; "chương trình học của chúng ta thì khô cứng và y hệt như nhau cho mọi đối tượng thuộc các chuyên ngành khác nhau" và đó là "điều đáng ngại"3

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

VĂN HÓA TỪ CHỨC: ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM - Tạp chí Mặt trận, số 9/2014.

1. Văn hóa từ chức: chuyện thường ở xã hội văn minh      
Từ trước tới nay, nếu có ai cỡ chính khách ở nước mình từ chức thì đó là hiện tượng lạ trong đời sống chính trị. Nhưng với thế giới chuyện đó nghe là chuyện thường và không phải là chuyện hiếm. Nhiều nơi gần như là một lối ứng xử rất tự giác, tạo nên những hình ảnh đẹp trong lòng dân chúng. Phải chăng điều này chỉ có ở những xã hội thực sự văn minh?

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

NGƯỜI CHA CỦA NIỀM TỰ HÀO

Cũng đã đến lúc, mình phải nghĩ nhiều hơn về vai trò của người cha. Nhưng trong một gia đình sự giáo dục, phải là sự thống nhất của cả hai vai trò cha và mẹ. Không có sản con cái nào của riêng mẹ, chẳng đứa con nào thành đạt nhờ riêng cha.
Với đại tướng Võ Nguyên Giáp, mình ngưỡng mộ Ông ở một nhân cách lớn, ở đó có nhân cách người cha.
Các con của Ông thành đạt theo cách riêng của mình.
Nhân những ngày cả nước tưởng niệm ông, mình post bài thơ này, bài thơ viết một năm trước đó, chưa 'tự xuất bản" bao giờ.
------------------------

Có một người cha đặt tên con

Những kỉ niệm Điện biên,

Những khát vọng thống nhất, hoà bình, hạnh phúc

Khoác lên tên con dấu ấn cuộc đời cha chinh chiến

Những niềm dấu yêu, những điều thánh thiện

Người cha ấy là một vị tướng lừng danh

Người cha ấy được vinh danh là anh hùng dân tộc

Người cha ấy là Võ Nguyên Giáp

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014


Ngẫm Việt Nam hôm nay qua những bức hình về thời chiến

Phạm Giang Hoàng

Tôi lặng ngắm những bức ảnh Việt Nam thời chiến
Có một Việt Nam vừa đi qua chiến tranh nơi chiến tranh còn nằm lại
Quá khứ ngủ quên đôi khi chồm dậy
Nuốt chửng niềm vui của những con người hiện tại hôm nay

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

ĐẠO PHẬT VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC THANH NIÊN (Đồng tác giả)


1. Đạo Phật với giáo dục Thanh niên
Đạo phật là đạo nhập thế. Nhập vào thế giới nhân gian để bằng những thâm diệu tinh túy cùng với những phương pháp tha lực của mình mà giải thoát con người. Bằng cớ là đức Phật sau khi xuất gia thành đạo, Ngài đã quay lại phổ độ giáo pháp cho dân chúng thành Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ, thuộc Nepal), cho cả những người thân của mình, đặc biệt là cậu con trai Rahula (La Hầu La).
Đạo Phật khác với những giáo lý trường phái hiện thực chủ nghĩa khác, ở chỗ, tìm con đường giải phóng bằng sự cởi trói khỏi những lực cản và tha hóa của xã hội loài người. Đạo Phật không dạy con người làm kinh tế, đạo phật không đưa ra lí thuyết về cách mạng, đạo Phật chỉ ra cho con người con đường "tự thắp đuốc lên" mà đi để đạt tới đức hạnh và trí tuệ. Trong đạo Phật, mục tiêu tối cao cần đạt tới là sự giải thoát. Giác ngộ và giải thoát là hạnh phúc lớn lao nhất của đời người.
Đạo Phật rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Trong kinh Thiện Sanh, Đức Phật đã dành những lời giáo huấn cho chàng thanh niên Yasa, con một vị trưởng giả giàu có. Đức Phật dạy cho Yasa đạo lý: "Đời có những mặt khổ đau và có những mặt màu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lệch về cuộc đời". Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe tin Yasa đi tu, họ cũng xuất gia, tất thảy đều là những trai trẻ từ 20-30 tuổi, khoảng 54 vị. Như vậy, trong số 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển đã có 55 người trẻ tuổi.

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014





Chứng tích bom đạn


Nghĩ suy chiều Đồng Lộc

Dâng hương lên mộ mười cô
Một chiều Đồng Lộc mây xô nắng trời
Giữa miền hương khói chơi vơi
Các cô hiển hiện chứng lời tri ân


Du khách xa ngái về đây
Cúi mình tưởng niệm sâu dày đức tin
Cỏ hoa diễm lệ sắc màu
Chụm đầu trầm mặc, lắng sâu hương nồng


Có những cái chết muôn đời bất tử
Sự sống ngàn năm nhờ khoảnh khắc trăm năm
Tuổi thanh tân hiến máu thanh xuân
Xây đài độc lập, giành phần tự do


Ai người ngã xuống đã toan lo
Những người đang sống, sống cho muôn người
Tự do muôn nẻo đầy vơi
Tấm lòng yêu nước mỗi thời khác nhau


Dẫu là vậy và ngàn năm không hẹn ước
Mà muôn người chung nẻo ước mơ
Tự do, độc lập, đời nên thơ
Dân giàu, nước mạnh, thế cờ vẻ vang
Tương lai bền vững huy hoàng
Năm châu hội nhập sẵn sàng sẽ chia


Ta về Đồng Lộc chiều nay
Cây xanh mây trắng quyện đầy khói hương
Nơi xưa in dấu cung đường
Mà nay đã hóa một chương sử vàng


Hố bom xưa đã lên màu cỏ mới
Những niềm yêu thương dành các chị vẫn nối dài
Khóa mắt cay mà lòng người tĩnh lại
Kìa bao gái trai đang hứa hẹn những ngày mai


HN, 27-28/7/2014

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014


Điều gì sẽ cứu rỗi con người
(Tưởng niệm các nạn nhân vụ máy bay MH17)

Bầu trời sụp đổ, mặt đất tang thương
Thế giới buồn đón- đưa những phận người oan nghiệt 
Malaysia Airline chồng nỗi đau kế tiếp.
298 con người đa dân tộc -một hành trình
Khép lại tương lai nơi cánh đồng Grabovo!

Trước mất mát này thế giới xích gần nhau
Chiến tranh nghìn đời vẫn là hung thần ác quỷ
Những sự cuồng điên, mang cái ác hiện hình
Tước đoạt cuộc đời - con người tước đoạt chính mình

Thế giới 'phẳng' mà chưa hề lặng sóng
Ôi hòa bình vẫn cao xa trong khát vọng
Thế giới hôm nay ta đang sống
Điều gì sẽ cứu rỗi con người?
Địa ngục - thiên đường chia tách đôi nơi!


                                  Hà Nội, 20/7/2014

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Tây Nguyên ơi, xin giữ lại…



Phạm Xuân Giang Hoàng

Ở nơi đó, mây vẫn hằng bay về vũ trụ
Tây Nguyên có đủ xanh cho thế hệ đến sau cùng
Nữ thần Mặt trời đâu còn mỉm cười dịu dàng như dạo ấy
Ba Na, Ja Rai mơ mộng gì cho ngày mai!

Thác Ialy đã tưới tắm đất nghìn năm
Dòng sông Sêrepok nhoài mình băng sỏi đá
Đất đỏ bazan dâng hương café say người nơi xa đến
Cồng chiêng rung đại ngàn vang tới chốn linh thiêng

Khác một Tây Nguyên hôm qua
Hôm nay, đất kém vui, sông chẳng hiền hòa
Buôn làng lùi xa, hội hè trống vắng
Gỗ đói nghèo tan tác dưới hoàng hôn

Tây Nguyên ơi!
Em mê mẩn dã quỳ hoang dại
Em cúi mình trước tráng lệ thiên nhiên
Lòng chực khóc khi Tây Nguyên hoang hoải
Nhạt nhạt dần đi bao sắc thái bí huyền

Chàng Đăm San đâu xin bước ra từ huyền thoại
Chàng Đan Kô mở toang thêm lồng ngực của mình
Những anh hùng Núp, Wừu, Kpă KLơng của hôm nay đâu
Ngân lên những tiếng cồng chiêng giục giã
Buôn của ta, làng của ta
Sắc xanh của ta
Nhà rông nhà dài của ta
Hoa dã quỳ của ta
Sự sống thanh bình của ta
Đừng đánh đổi chúng bằng mọi giá
Đừng pha lẫn mình trong xa lạ
Đừng chế mình
Như chế ly café

Một Tây Nguyên hằng đam mê
Một Tây Nguyên non tơ huyền thoại
Người đến đi còn mãi
Niềm hi vọng Tây Nguyên


Tây Nguyên-Hà Nội, 26/4/2014

ĐÂT TRỜI ĐÃ VẮNG BÓNG ANH

Kính tặng hương hồn các anh lính dù dũng cảm!
Đất trời đã vắng bóng anh
Cánh dù cũng khép đeo vành khăn tang
Trời xanh nhỏ lệ nhạt nhòa
Nhân dân tiễn biệt anh xa phố phường

Các anh trong sáng những tấm gương
Hi sinh mình, biết cưu thương ngàn người
Máy bay gặp biến chực rơi rồi
Các anh bình tĩnh chuyển dời xa dân
Anh đi đời vắng nụ cười
Lòng dân còn mãi thắm lời biết ơn

Từ Nhân dân mà ra
Những người con của Mẹ
Có người lính kinh qua trận mạc
Có người dạn dày nghiệp binh
Và cả những lính đời còn son trẻ
Đã quên thân rất đỗi anh hùng

Các anh những người lính dù không quân
Anh Long, anh Chung, Anh Việt
Những anh Bình, anh Minh
Anh Hùng, anh Nhơn, anh Thắng, anh Tâm
Anh Năm, anh Thịnh, anh Quang,
Anh Thanh, anh Uy, anh Hưng, anh Hợi
Đã vĩnh biệt vùng trời Hòa Lạc
Đã xa những thân yêu gắn bó nghìn ngày
Bỏ lại nắng, bỏ lại gió, bỏ vòm cây
Chia tay nhau về nơi đất Mẹ
Yên nghỉ ngàn thu, thanh thản ngắm mây trời

18 chiến công, 18 cuộc đời
Bỏ lại đằng sau bao yêu thương hi vọng
Các anh đã sống
Các anh đã chiến đấu
Các anh đã hi sinh
Các anh đã trở thành những cái tên bất diệt
Các anh đã hóa mây ngắm nhìn biển biếc
Hoàng Sa, Trường Sa vẫy chào các anh
Những quân đoàn nghiêng mình tiễn biệt
Những dòng sông nơi các anh qua
Những núi đồi nơi anh từng dù lượn
Nhỏ lệ ngẹn ngào

Nhân dân tự hào về các anh
Quân đội vẻ vang là nơi các anh
Người lính dù Mi171
Các anh sống mãi trong lòng dân nước Việt
Hà Nội, 12/7/2014
Phạm Xuân Giang Hoàng
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

***
DƯ ÂM CỦA MỘT CHUYẾN ĐI
[Phạm Xuân Hoàng, Viện Thông tin KHXH]

Với tinh thần là một chương trình đầu tiên nằm trong dự án tập huấn, đào tạo giúp thanh niên trưởng thành hơn trên con đường nghiên cứu khoa học, BTC Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (VASS) và các bộ phận có liên quan đã có sự chuẩn bị khá kĩ và chu đáo từ những ngày ở Hà Nội, từ việc tuyển lựa học viên, lên chương trình, mời chuyên gia tập huấn, đến việc luyện tập văn nghệ…phải nói tất cả là khí thế và sẵn sàng.
Điều làm nhiều anh chị em bỡ ngỡ là tính chất của khóa học nghiên cứu điều tra điền dã, vì hầu như tất cả đều đến từ những ngành nghề chuyên môn khác nhau: như triết học, luật học, sử học .v.v. mà thoạt nghe qua, hình như không có dính dáng gì đến khoa nhân học, nhưng khi được tham gia tập huấn được trao đổi cùng các anh chị là các chuyên gia, những người có kinh nghiệm như TS. Olivier, TS.Trần Hồng Hạnh, TS.Vũ Hùng Cường, TS.Phạm Minh Phúc, ThS.Nguyễn Thanh Hà, các thành viên lớp học đã có những hình dung và chiều hướng tiếp cận của ngành mình, đều thấy ngành mình trong nhân học và nhân học trong chuyên môn của mình.
30 gương mặt được tuyển lựa từ các nhà nghiên cứu trẻ khác nhau trong các đơn vị của Viện Hàn lâm ai cũng mang trong mình một nhiệt huyết và tâm thế thanh niên được học hỏi, được trải nghiệm và khám phá. Hành trình 7 ngày chừng 2000km trên những cung đường qua nhiều địa bàn khác nhau, với cái nắng hầm hập của miền Trung, chói chang của nước Lào, mọi người có chút mệt mỏi, gầy đi, đen hơn, nhưng trong hành trang trở về là những thu nhận mới mẻ, những kỷ niệm đầy hơn, tình bạn được nhân lên, cơ hội hiểu biết và cộng tác lớn hơn.
Một ngày ở Bản Nưa, Con Cuông, Nghệ An cho điều tra điền dã, mà đúng ra vẻn vẹn chỉ được một buổi sáng có lẽ là quá ít để học viên có thể được phỏng vấn sâu, được biết nhiều hơn nhưng trong tinh thần của chương trình, có lẽ đó tất cả như là bản demo, là sự tiếp cận hình dung bước đầu. Những kết quả thu thập được mọi người đã ghi chép trong sổ tay điền dã để nộp cho Ban Tổ chức và dự án của VASS, và đó cũng là cơ sở để mỗi người có một ý tưởng nghiên cứu nhỏ cho riêng mình theo yêu cầu của khóa tập huấn.
Trong 5 ngày ở Lào kể cả thời gian di chuyển, thì quả là 5 ngày khám phá trọn vẹn nhất là những anh chị em chưa một lần bước chân đến đất nước Triệu Voi này.
Buổi hội thảo khoa học với chủ đề: “Thanh niên với sự phát triển bền vững” từ buổi sáng đã lấn sang buổi chiều mà vẫn còn nhiều vấn đề muốn được trao đổi; một buổi chiều tối giao lưu bóng đá, kéo co nam nữ đầy ắp tiếng cười, niềm vui mà lên xe ai cũng còn vui; một buổi tối văn nghệ vỡ òa trong cảm xúc thăng hoa của tình Lào –Việt. Mỗi sự kiện từ khoa học đến thể thao văn nghệ giao lưu đều có những điểm nhấn, có những ấn tượng thú vị, để lại trong lòng mỗi thanh niên hai Viện những cảm xúc tươi mới, những tình cảm tốt đẹp.
Trong Hội thảo, các bạn thanh niên cố gắng trao đổi cho nhau tận cùng mỗi câu hỏi để được hiểu rõ hơn những kinh nghiệm của nhau. Đoàn Thanh niên VASS đã có 3 báo cáo khoa học súc tích, thuyết phục, với lối trình bày sáng rõ, tự tin, đã thể hiện được bản lĩnh của những nhà nghiên cứu trẻ.
Với tiết mục đá bóng nam mà có sự tham gia của cả nữ, Đoàn viên Trần Thị Hảo ở Viện Khảo cổ học khiến các bạn rất ấn tượng về sự chủ động tham gia của bạn ở trên sân. Tiết mục đổi áo tự nguyện giữa các bạn thanh niên Lào và Việt, cũng được nhiều bạn hưởng ứng. Đêm văn nghệ, ai cũng “phiêu” trong khúc hát tiếng Việt, tiếng Lào, điệu nhảy Lam Vông và điệu nhảy tự do.
Ở Việt Nam các đoàn viên đã được tập huấn về điệu Lăm Vông nhưng mới bập bẹ nên khi giao lưu anh em nhà mình chủ yếu múa Lăm Vông “biến thể” mà vẫn tự nhiên nhập cuộc. Một Đức Mậu –chuyên trách văn phòng Đoàn VASS vẫn được các bạn Lào cổ vũ mời hát tiếp ca khúc thứ ba, dù cậu ta đang bị viêm họng và sức khỏe không được tốt do mấy ngày thời tiết thay đổi. Một Rơ đăm Bích Ngọc- đến từ Viện Tâm lý học cũng được các bạn Lào chào đón trong tiếng hát phiêu ngân vang về đại ngàn. Bí thư Đoàn Võ Xuân Vinh cũng khiến các bạn Lào tán thưởng không kém khi anh chủ động gia nhập cùng các bạn Lào hát Tấm lòng Việt-Lào bằng tiếng Lào. Và nữa, A.Tuấn (Viện Văn hóa) và Trần Thị Vân Nương (Viện Gia đình và Giới) -hai diễn viên nghiệp dư đã biểu diễn thành công ngoài sức tưởng tượng điệu múa “Bên dòng kênh”, khiến mọi người trầm trồ thán phục.
Nhiều tiết mục ngẫu hứng ngoài dự kiến chương trình nhưng lại làm cho buổi văn nghệ đậm đà hơn thêm. Chủ tịch Viện KHXH Quốc gia Lào (LASS)- PGS. TS. Thongsalith Mangnomek đã được mời lên hát và ông cùng một số đồng nghiệp LASS khá thân quen với Việt Nam như TS.BunTheng cùng hát những bài hát Việt quen thuộc: Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây và  một số ca khúc vui nhộn khác.
Trong những ngày ở Lào, Ban Tổ chức Đoàn VASS đã có buổi làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Lào, một nhóm khác đến thăm trường Hữu nghị Quốc tế Hà Nội- Vientiane, các nhóm chia nhau trồng cây lưu niệm tại khuôn viên tòa nhà làm việc mới của Viện Khoa học quốc gia Lào do chính phủ Việt Nam tài trợ mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan làm chủ đầu tư.
Trồng cây lưu niệm cũng là tiết mục đáng nhớ. Trong cái nắng oi gắt, nhưng mọi người cũng háo hức chụp ảnh, làm dáng như không hề thấm mệt. Rồi đây những mầm cây xanh vươn lên sẽ là những minh chứng cho tình hữu nghị Việt -Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Các bạn Đoàn viên thanh niên VASS cũng được dẫn đi thăm quan những di tích lịch sử nổi tiếng ở thủ đô Viêng Chăn như Thạt Luổng, Patuxay, một số chùa chiền nổi tiếng ở nơi đây, đi chợ sáng, chợ đêm…nhiều người đã mua những đồ lưu niệm mang bản sắc Lào như đồ bạc, rượu Kongsạđẻn và đến chùa hầu như các bạn đều buộc chỉ cổ tay để cầu may, cầu an.
Về phía các bạn Lào, là cả một tình cảm nhiệt thành và sự đón tiếp chu đáo. Đại diện Đoàn Thanh niên Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào đến sớm đón đoàn tại Cửa khẩu Cầu Treo và cũng tiễn chân đoàn tại cửa khẩu này. Trong những lần giao lưu gặp gỡ, các bạn thanh niên Lào vui, niềm vui dịu nhẹ, có lẽ các bạn có chút e ngại chăng, hay cũng có thể đó là phong cách người Lào, nhưng chúng tôi đọc được trong mắt các bạn những tình cảm trìu mến, những cử chỉ thân thiện. Đến Lào, với cá nhân tôi, không hề xa lạ mà có cảm giác quen thuộc như gặp lại những bạn từ lâu lắm rồi.
Điểm cuối cùng trong hành trình trở về từ nước bạn Lào là thị xã Cửa Lò. Tại đây, mọi người đã có một buổi chiều tắm biển Cửa Lò đầy khoan khoái. Đêm Cửa Lò lộng gió, một nhóm thanh niên VASS đã mang theo đàn ghita và hát cho nhau nghe bên tiếng sóng biển rầm rì. Và sáng hôm sau, chuẩn bị hành trình về Hà Nội, nhiều bạn đã tranh thủ dậy sớm tắm biển sáng và ngắm bình minh lên. Đoàn trở về đúng ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, kết thúc chuyến đi trong sự may mắn, an lành.  
Chuyến nghiên cứu điền dã và giao lưu thanh niên quốc tế đã khéo lại, mà dư âm chưa khép.
Cá nhân tôi nhận thấy, chương trình tập huấn nghiên cứu khoa học và giao lưu thanh niên quốc tế đã thành công trên nhiều phương diện:
- Một là,  thành công về mặt tổ chức hậu cần: tập huấn, ăn ngủ, đi lại cho 45 con người,  chưa kể Đoàn của Học viên 19 người, một cách khá chu đáo và an toàn
-  Hai là, thành công về mặt tổ chức lớp học: đưa lại những kiến thức thú vị bổ ích, những kinh nghiệm khoa học quý giá cho các bạn trẻ còn ít năm kinh nghiệm nghiên cứu;
-   Ba là, thành công về mặt giao lưu văn hóa xuyên quốc gia: tự nhiên, chân thành, gắn kết, và đầy xúc cảm; chương trình chia sẻ khoa học và giao lưu thể thao văn nghệ, tham quan đã mang lại cho các học viên sự trải nghiệm văn hóa thú vị; thắt chặt tình hữu nghị Việt – Lào qua thanh niên và tạo ra sự cởi mở, thân tình cũng như hứa hẹn những trao đổi hợp tác mới.
Chắc chắn, với những chương trình như thế này, thanh niên sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực và chuyến đi này, tuy chỉ với một thời gian ngắn nhưng có thể thấy, đoàn viên, thanh niên đã trưởng thành lên hơn rất nhiều trong nghiên cứu và hoạt động.
Tuy nhiên, cũng có một vài điểm, vài chi tiết nhỏ chưa hoàn hảo như về chỗ ăn nghỉ, cách tổ chức làm việc nhóm, có thể là những điểm cần phải lưu ý rút kinh nghiệm, song phải nói, Ban Tổ chức đã hết sức cố gắng. Trong một thời gian ngắn, phải lo ăn ngủ, tổ chức nghiên cứu, giao lưu cho hàng chục con người, trong những địa hình, điều kiện địa lý, văn hóa khác nhau cả ở những địa phương trong nước và ngoài nước quả là một khối công việc khổng lồ. Điều quan trọng là mọi người đều an toàn, vui vẻ, đều có sự thu nhận bổ ích và thú vị và cảm thấy gắn kết nhau hơn dưới mái nhà chung VASS.
Nhìn tổng thể, phải nói, đó là một chuyến đi rất thành công và rộng hơn đó là thành công của một chương trình, một dự án về thanh niên của Đoàn Thanh niên VASS và có thể nói đó cũng là thành công của một tinh thần thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.
Rồi đây với thành công của chuyến đầu tiên này, VASS chắc sẽ có những chương trình tiếp theo thú vị và bổ ích, tạo ra sân chơi mới cho đoàn viên, thanh niên trên con đường nghiên cứu, trở thành những chuyên gia khoa học.
     Xin cám ơn BTC Đoàn Thanh niên, cám ơn các anh chị tập huấn và hỗ trợ viên cho thanh niên.
Xin được chia sẻ mấy dòng thơ, ý tưởng đã được thai nghén trong hành trình chuyến đi như một lời tri ân, một niềm cộng cảm:
  


THANH NIÊN LÀO - VIỆT, VÌ TƯƠNG LAI LÀO -VIỆT
Vientinae – Hà Nội
Đất nước bạn, đất nước tôi

“Việt- Lào hai nước chúng ta
Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”
Điệp khúc ấy đã nằm lòng
Phương châm hành động muôn năm Việt - Lào

Chúng tôi đến, bạn vòng tay giang rộng
Ấm áp tình thân, xa ngái hoá gần
Vientiane hoa Chămpa sắc dìu dịu
Man mác gió nồng dòng Mê Kông

Những ngôi nhà đang được dựng lên
Nơi khoa học Lào đang xây nền dựng móng
Biết bao niềm hi vọng
Đang nhen lên từ ngày hôm nay

Từ đất này các bạn đã đứng lên
Diệt xâm lăng, dựng xây cuộc sống
Chúng tôi ở bên đồng vọng
Khi bạn cần, tôi chìa cả đôi tay

Chúng tôi đến mang tình yêu khoa học
Mang niềm tin vào thế giới văn minh
Trao lưả hồng thắp đỏ niềm tin
Ta sẽ trưởng thành hơn con đường tìm chân lí

Giăng nỗi nhớ qua Trường Sơn hùng vĩ
Chúng tôi dõi theo bạn mỗi ngày
Bạn ở bên này, tôi bên nớ
Chẳng xa nhau dẫu ngăn trở mây ngàn
Dẫu còn nhiều chuyện để luận bàn
Nhưng ta luôn gần gũi trong niềm đồng cảm

Đến với bạn, khi Biển Đông đang réo gầm vang
Bởi vòi rồng Trung Hoa đang hung hăng xối phun biển Việt
Trên quốc tế, cũng nhiều người đâu có biết
Dã tâm người láng giềng đang cướp biển nước tôi!

Tôi tin bạn sẽ nói lời đồng cảm
Bạn sẽ giúp nhân lên nguồn sức mạnh
Vì Độc lập, vẹn toàn đất nước tôi
Hoà bình ASEAN, cao rộng biển trời
Chất nhân văn thấm trong từng bầu bạn

Tạm biệt bạn chúng tôi luôn kì vọng
Bạn bước nhanh trên dặm đường dài
Ta cùng nhau hướng tới tương lai
Hội nhập muôn phương, tầm cao vươn tới
Sẽ trưởng thành lên cùng ngọn cờ Đổi mới

Tạm biệt bạn, lòng dâng niềm thương mến
Nguyện gắn kết yêu thương, đắp những tự hào
Cho hai nước mãi trường tồn, phát triển
Từ trái tim khối óc hôm nay, mỗi chúng ta dâng hiến
Bằng sức thanh niên nhựa sống căng tràn

Hà Nội- Vientiane, 5/2014



Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

LẼ NÀO LÒNG TA KHÔNG ĐỒNG VỌNG? (PXGH)

Ai cũng thích ra biển, ấy phải là lúc biển lặng và thanh bình. Lúc sóng dữ thì sao. Ta thường tránh để được an toàn. Đó là một sự lưạ chọn tự nhiên.
Khi biển Đông "dậy sóng" lâm nguy, kẻ láng giềng "khủng lồ" nghênh ngang khiêu khích lấn chiếm, thì chắc đấy không phải là lúc ta lưạ chọn sự im lặng, né tránh. Trên cộng đồng mạng đang nói nhiều về "anh hùng bàn phím", tôi thì cho rằng sẽ chẳng chỉ là anh hùng bàn phím mà khi cần thanh niên, người dân Việt Nam sẽ trở thành những anh hùng, một cách đích thực và sống động. Sự hèn nhát, nếu có chỉ là thiểu số, mini.
Có bạn cựu sinh viên hỏi tôi, không thấy thầy bình luận gì về vụ Biển Đông, thưa với em, thầy cũng muốn lắm nhưng có những tiếng nói đã cao cả, mạnh mẽ hơn nhưng vẫn chìm trong góc khuất.
Dẫu sao, tôi vẫn có tiếng nói của mình, bởi với tôi Biển và Rừng Việt là hai đối tượng thiên nhiên lớn lao luôn gợi cho tôi những cảm xúc về ĐẤT NƯỚC mến yêu.
Bài thơ này, bạn đọc chắc không cho là nó hay nhưng tôi tin sẽ đồng cảm với tôi ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc khi trong mỗi chúng ta, tôi biết đang dâng chưá một nỗi bất bình trước những điều vưà diễn ra! 
Xin hãy lắng nghe tiếng sóng và chung tay vì Tổ quốc trong điều kiện có thể của mình!
......................................................................................................

Tôi lặng ngắm biển Đông

Mênh mông ngàn sóng, nước trăm sông đổ về

Con sóng vút cao lao xao hồn gió

Hương biển nồng vị muối buổi ngàn năm

Tay phải kẹp giữ chặt dãy Trường Sơn

Tay trái níu những hòn đảo ngọc

Dân mưu sinh, đánh giặc, làm thơ

Hùng dũng dưới gầm trời

Máu cha ông quện trong từng thớ đất

Hồn cha ông lồng lộng trước biển khơi

Hàng nghìn năm dân tộc chúng mình

Phân nửa ở vùng ven biển cả

Bao làng vạn chài sống bằng tôm bằng cá

Những ngư dân khắc những lời thề trên đá

Năm tháng đi qua hồn chữ chẳng hề phai

Thế mà buổi hôm nay

Bình yên đang bị thách thức từ phía biển

Mối nan nguy đang lay động trái tim người

Những tình yêu đang trùng phùng về phía biển khơi

Bạn ơi, con của nhân dân ngàn đời yêu nước

Chăc chẳng hề quên lịch sử

Lịch sử cho biết biển đảo ấy thuộc về ta

Từ xa xưa dân ta mưu sinh trên đảo

Đảo Cát vàng trãi mình trên sóng biếc

Không hề nhỏ bé giữa thinh không mà sừng sững giữa đất trời

Tôi đọc trong trang sách

Cha ông từng căn dặn :

Tấc đất tấc vàng, lòng son dạ sắt

Đoàn kết đấu tranh khí phách ngẩng cao đầu

Và bỗng thấy:

Biển sâu, chiều sâu lòng nghĩ ngợi

Dưới trời xanh miên man ta ngước tới

Hồn mơ về Phù Đổng Thiên Vương

Nước Việt, núi cũng như sông gắn liền một dãi

Bừng khí sắc hội nhập cùng thời đại

Lớp lớp chồi xanh đang đợi những tầm cao.

Biển nay không thanh bình đêm trăng

Khi bọt trắng của vòi rồng tràn tóa mắt

Khi tàu đụng tàu, vỡ đâu chỉ là mạn sắt

Khi láng giềng chỉ biết hứa suông

Hôm nay, nếu ta vô tình quên lịch sử là có lỗi

Nếu ta cố tình quên là có tội

Với các bậc tiền nhân

Với tất thảy nhân dân!

Biển “dậy sóng”, điều ta chẳng muốn

Khi lòng ta đang ấp ủ hòa bình

Biển dậy sóng lòng ta không hề muốn

Khi lòng ta vẫn giữ mối ân tình

Nhưng, có lẽ nào ?

Lòng ta không dậy sóng !

Có lẽ nào ?

Hồn ta không đồng vọng !


Hà Nội, 05.10. 2009 -7.5.2014

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

CHỈ CÓ THỂ LÀ QUÊ

"Chỉ có thể là quê, nơi vườn xanh trùm bóng nắng
Dáng người xưa thấp thoáng lối đi về
Tiếng ve ngân thoảng báo sang hè
Những lá lao xao thảnh thơi ngày nghỉ lễ
Quê hương ơi, có những điều không dễ
Khi đi xa, con mới thấy tỏ lòng mình
...

PXGH

Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

HẠNH PHÚC KHÔNG LÀ CỔ TÍCH



HẠNH PHÚC KHÔNG LÀ CỔ TÍCH
(Viết nhân đọc chuyện một đám cưới cổ tích của chị Loan-cô gái suy thận và Anh Vượng-chàng trai kém 3 tuổi ở Hà Nội. Xin bày tỏ niềm kính phục và chúc phúc Anh Chị!)

Uyên ương là gì, đẹp như đôi chim câu
Chăm chút cho nhau vượt thác ghềnh hoạn nạn
Nắm tay nhau, cùng ngước về miền sáng
Của trời đầy sao và lung linh trăng đêm

Tình yêu là gì, vị ngọt từ môi mềm
Lời yêu thương là trái tim hành động
Gửi trao nhau niềm tin sự sống
Về miền vui dẫu vạn dặm đường xa

Hạnh phúc là gì, chính khúc hợp ca
Của những người yêu người khác là niềm hạnh phúc
Dẫu gian nan lòng không ngã gục
Nâng bước nhau đi khuôn mặt sáng ánh thiên thần

Hạnh phúc rất xa mà hạnh phúc cũng rất gần
Hạnh phúc cho đi là hạnh phúc về lại
Chân lí giản đơn triệu năm nhân loại
Đã hiển hiện nơi những trái tim dâng ngọn lửa thương yêu!

Phạm Giang Hoàng, HN, 8/4/2014