Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

VÔ ĐỀ


Ngày cuối tháng
Tin mừng mà lo
Chẳng gì tròn vo
Nhỏ, to cũng chuyện
*
Xuân rồi sẽ đến
Phải chờ đông tàn
Vượt trùng gian nan
Núi luôn trước mặt
*
Đời muôn ngả rẽ
Rủi, may, dữ, lành
Ai mà biết trước
Để mà thắng phanh
*
Thôi cứ bước đi
Vui rồi sẽ được
Lộc duyên tuỳ phước
Cố gắng ở mình
*
Đời chẳng là hoa
Vẫn màu hy vọng
Hãy yêu cuộc sống
Tự trái tim mình
Trên đầu có Phật
Hào quang lung linh
HN, 30/11/2015

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

KỲ CÔNG DỊCH “TRUYỆN KIỀU” SANG TIẾNG NGA

Hai người con của quê hương Hà Tĩnh, một TS văn chương, một doanh nhân thành đạt trên đất Nga, vì yêu mến quê hương, vì tự hào với danh nhân đất Việt ở quê nhà đã dày công chuyển thể “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang tiếng Nga.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

ĐÃ BĂT ĐẦU ĐỐI MẶT VỚI ĐÔNG LẠNH 
Đã bao lâu nay sống ở Hà Nội nhưng có một thứ mà ta không thể quen nỗi, đó là cái lạnh mùa đông.
Hình như với lạnh, ta cũng có một nhịp sống khác.
Lạnh đi đường. Lạnh ở phòng làm việc. Lạnh khi tắm, kể cả khi ngủ. Thức khuya cũng ngại, mà dậy sớm lại càng là vấn đề.
Lạnh bám víu từng ngóc ngách sinh hoạt của ta.
Thú vị là ngồi xuýt xoa với lạnh trong quán trà ven đường. Trà nóng hổi hổi. Hai tay áp vào ly nước. Ấm nóng và có năng lượng. 
Mấy năm nay, ấm là khi mỗi chiều trở về căn hộ, vì không gian nơi này kín gió, cái lạnh trở nên yên bình hơn. 
Yêu sao cho nổi được mùa lạnh, dù nó ở nơi đâu. Thôi thì không đuổi được nó đi đành chung sống với nó. Mới lạnh đầu mùa mà chỉ mong mùa đông sớm đi qua.
HN, ngày gió lạnh đầu mùa, 26/11/2015.

NƠI ĐÂY CAO BẰNG


(Tặng Anh Nguyễn Ngọc Hoàn và các chiến sĩ đồn biên phòng Thông Nông)
Ai lên Cao Bằng ghé thăm Bản Giốc
Lòng về vướng víu những điều thiệt hơn
Thác nước đã chia, dòng sông còn đó
Tình ta đã tỏ, lòng người khó dò
Cao Bằng đầy vơi
Nỗi niềm Tổ quốc
Này thì Bản Giốc
Này Suối Lênin
Núi kia núi Mác
Đất kia Bác về
Cao Bằng không cao, bằng mà chẳng bằng
Núi non cẩm tú, sương giăng mây trời
Ai ở miền xa
Lên thăm xứ Bắc
Nhớ nôi cách mạng
Nhớ nguồn thủy chung
Ai đã về xuôi
Cao Bằng vẫn đợi
Mây trời vời vợi
Tình sâu Cao Bằng
Nhớ cô gái Tày
Đêm trời sáng trăng
HN, 28/11/2015
Việt Nam và Trung Quốc vừa chính thức ký Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tàu thuyền tự do đi lại ở cửa sông Bắc Luân.
Được ...
Xem thêm
Việt Nam và Trung Quốc chính thức ký Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định liên quan cửa sông Bắc Luân.
BBC.COM

LỊCH SỬ VẪN THUỘC VỀ NHÂN DÂN


Tối qua, trong thoáng suy nghĩ, tôi vừa viết bài “Cứu lấy Quốc sử” thì hôm nay nghe tin Quốc hội đã làm một việc được nhân dân hoan hô là sáng suốt trong các quyết định sáng suốt, đó là: “tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới”. 
Tôi biết, nhiều người mừng rơi nước mắt !
Chắc sẽ có một sự đổi thay lớn trong thái độ đối với môn lịch sử sau sự kiện này. 
Xin post bài thơ ngày hôm nay và hôm qua

LỊCH SỬ VẪN THUỘC VỀ NHÂN DÂN

Quốc hội trả về Nhân dân
Môn lịch sử, tên bao nay vẫn thế
Lịch sử ấy, của bao thế hệ
Chết hôm qua, cho sự sống hôm nay

Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Vài lời về môn lịch sử và dạy, học sử!



Lịch sử quan trọng, ý nghĩa đó khó ai phủ nhận.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất hay về điều này:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
1 - Dân ta phải biết sử ta. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta. Dân tộc ta là con Rồng cháu Tiên, có nhiều người tài giỏi đánh Bắc dẹp Nam, yên dân trị nước, tiếng để muôn đời.
(...)
3 - Sử ta dạy cho bài học này:
Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.
Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Lịch sử không thể bỏ, dạy sử là đương nhiên. Vấn đề theo tôi, dạy sử, học sử như thế nào mới là quan trọng
Ở Mỹ: Một câu hỏi trong một kỳ thi Sử được đưa ra cho người học là: “Theo bạn, trong số những sự kiện sau, sự kiện nào đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng nền dân chủ ở Mỹ: - Sự ra đời của các đảng phái chính trị những năm 1790, hay – Sự ra đời của những tổ chức tự nguyện, nhằm mục đích cải cách xã hội những năm 1820 đến 1840. Hãy dùng các bằng chứng lịch sử để bảo vệ lựa chọn của mình.”
"Không có một câu trả lời đúng duy nhất. Học sinh được chấm điểm dựa trên sự chặt chẽ của lập luận, sự thuyết phục của bằng chứng họ đưa ra." (Theo FB BBC Tiếng Việt, 21/11/2015)
Cách hỏi như thế này, là cách không nệ vào con số, sự kiện, nhằm vào hỏi trí nhớ mà là chú trọng khai thác tư duy về lịch sử, kinh nghiệm lịch sử.
Các nhà sử học, dạy sử nên quan tâm tới môn sử, dạy sử cho học sinh theo hướng này có lẽ sẽ thú vị hơn!
(P.X.H)

 ...

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

LẠY CHÚA!
(Viết nhân chuyện đỉa Trung Quốc nhập lậu vào VN)

Lạy Chúa đừng giết nhân dân con bằng miếng ăn
Xin Chúa hãy giữ giống nòi con bằng cái sạch
Sự trắng trợn lên, ngôi đồng tiền mất nết
Giết đồng loại con, tha hoá giống nòi con
Có ai khóc cho nhân dân với một tấm lòng son
Thì hãy nói không với thức ôi thiu, với trò bẩn thỉu
Niềm tin sống cần có nơi bấu víu!
Chúa nhân từ xin hãy chở che!
HN. 18/11/2015.

VIỆT NAM CÓ ĐANG "THOÁT TRUNG" ?


Bàn chuyện thoát Trung trong khi Việt Nam và Trung Quốc có quá nhiều thứ tương đồng, cảm giác như là một điều gì đó không thật chính đáng và không tưởng! Nhưng không, đó lại là một vấn đề chính đáng và có sức thuyết phục cả về phương diện lý thuyết lẫn thực tế.
Về mặt lý thuyết mà nói, có hợp tác ắt có đấu tranh. Nếu hợp tác mà không đấu tranh thì về lâu dài, thực thể mạnh hơn sẽ chi phối thực thể yếu hơn, thậm chí bị đồng thuộc và bị nô lệ hay ít ra cũng bị bất cân bằng, chịu sự bất bình đẳng về vị thế.
Trên thực tế, những sự bất hòa, bất ổn, không yên tâm về một mối quan hệ, người ta có thể lạnh nhạt hoặc có giữ quan hệ cũng chẳng lấy gì làm mặn mà hay thực lòng chân thành với nhau.
Trong lịch sử Việt Nam, quá trình “chống Hán hóa” đó chính là những sự phản kháng với Trung Hoa trung tâm, và chính sự phản ứng ít nhiều thoát ra đó, Việt Nam mới có cơ hội độc lập về mặt bản sắc, mới giữ được một nền văn hóa như hôm nay.
Sau sự kiện giàn khoan HD981, ở Việt Nam nổi lên luồng tư tưởng "thoát Trung" khá là mạnh mẽ (dẫu trước đó nơi này nơi kia đã âm ỉ), đặc biệt trong nhân dân mà tâm lý "dị ứng" với Trung Quốc là một biểu hiện khá rõ. Một ví dụ trong lĩnh vực kinh tế thể hiện tư tưởng “bài Trung” là sự cảnh giác, thậm chí nói không với hàng Tàu!
Những lời lẽ phát biểu của ông chủ tịch Tập trong những ngày thăm Việt Nam đã le lói hi vọng về sự hòa dịu và tăng cường hơn trong quan hệ hai nước sau những biến cố xẩy ra trong mấy năm nay đặc biệt trên Biển Đông. Nhưng niềm hi vọng ấy, bị dập tắt ngay sau khi vừa rời Việt Nam, ngài Chủ tịch Tập đã phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore những ý tưởng trước đó ông đã nói ở Mỹ và Anh rằng, Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại !
Sự bất nhất trong quan hệ không bao giờ có thể tạo dựng trong nhau được niềm tin bền vững.
Câu chuyện "thoát Trung" sẽ còn dài, mà về mặt lý luận sẽ là cả một sự dích dắc.
Nhìn vào thực tế hiện nay, một thầy giáo của tôi nhận định: "Việt Nam đang thoát Trung!"
P.X.H

TỪ NHỮNG CÂU TỤC NGỮ, CA DAO- SUY NGẪM VỀ VAI TRÒ CỦA NGƯỜI THẦY

“Công cha, áo mẹ, chữ thầy”; 
“Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”
Công lao ấy, ân tình đó cái nào cũng lớn, chẳng thể đong đo. Ơn sinh dưỡng, ơn dạy dỗ ơn nào cũng trọng.
Vì thế dân gian nhắc nhau:
“Con ơi ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên”.
Cha mẹ sinh ra ta trên đời đã là một cái duyên. Mỗi chúng ta ai cũng có một người cha, người mẹ đó là lẽ đương nhiên. Không ai tự thế mà có mặt trên đời.
Còn người thầy với ta vừa là lẽ đương nhiên, lại không đương nhiên.
Đương nhiên ở chỗ, con người sinh ra lớn lên cần được dạy dỗ, tức cần vai trò của người thầy, “không thầy đố mày làm nên”. Bởi thế cho nên, dân gian khuyên: “Muốn sang sông thì bắc Cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Tuy nhiên, người thầy/trọng thầy không là đương nhiên với những người không có cơ may ngồi trên ghế nhà trường, do hoàn cảnh và số phận bất hạnh, thì khái niệm và hình ảnh người thầy với họ, thường rất mơ hồ.
“Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy”. Chữ “hay” và chữ “yêu” rất thú vị. Hay là biết một cách giỏi giang, am hiểu, thành thạo và phải yêu, tức là tôn kính/trân trọng một cách thực bụng, thực lòng.
“Yêu lấy thầy”, phải được hiểu là không chỉ là người thầy dạy cụ thể của mỗi chúng ta mà rộng hơn phải yêu lấy giáo dục, chăm lo sự nghiệp trồng người.
“Tiên học lễ, hậu học văn, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nữa chữ là thầy), thầy ở mọi lĩnh vực, từ lễ giáo đến văn hóa, đôi khi dạy ta chỉ một điều rất nhỏ nhặt, ta gặp người đáng làm thầy ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Điều đó để nói rằng, phải biết cầu thị tri thức, phải biết coi trọng nhân tài, không ngừng học tập để tiến bộ.
Và đối với những người đang tìm kiếm tri thức, đang lấy tri thức làm công cụ/ phương tiện sống của cuộc đời thì cầu học, cầu thị, tôn vinh tri thức, trí tuệ đích thực mới có thể làm nên sự nghiệp và giúp ích cho đời, tức không thể mang tri thức/trí tuệ giả dối để mưu sinh và cầu danh. Câu “Trọng thầy mới được làm thầy”, tưởng chừng như khó hiểu ấy nhưng lại là một triết lý thâm sâu.

Ngày nay, chúng ta đã có khá nhiều lý thuyết về giáo dục, khoa học giáo dục, chính sách và chiến lược giáo dục, nhưng những câu tục ngữ, ca dao xưa ấy vẫn cứ thâm thúy nhẹ nhàng nhắc nhủ ta tiếp tục vun trồng cho sự nghiệp giáo dục, phát triển con người.

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

Bỏ hay tích hợp môn Lịch sử: Không cẩn thận sẽ phải trả giá đắt



(GDVN) - Một khi Sử học được nhìn nhận công bằng và công minh, thì tự nó tri thức lịch sử sinh động là một sự hấp dẫn lớn

LTS: Những ngày qua dư luận khá lo lắng cho số phận môn Lịch sử khi Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. 

Liên quan tới chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Ths. Phạm Xuân Hoàng, Nghiên cứu viên tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đưa ra nhìn nhận của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý bạn đọc.

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

FACEBOOK VÀ CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ

Bắt đầu từ thú vui của tụi thanh thiếu niên mới lớn, facebook (FB) dần dần đã trở thành mối quan tâm sâu rộng của cộng đồng và thời đại. Và FB cũng trở thành mối quan ngại cảnh giác đối với nhiều chính phủ khi hiệu ứng “mùa xuân Ả rập” (2011) được lan toả và trỗi dậy mạnh mẽ nhờ FB, nhưng dần dần cách nhìn của nhiều quốc gia đối FB đã trở nên cởi mở hơn.
Tôi nhớ đến câu chuyện của bà chị tôi, cán bộ huyện của một huyện xứ Bắc, cách đây mấy năm về trước khi cậu em lập cho một tài khoản FB. Lúc đầu sợ FB, chị yêu cầu khoá nó. Nỗi sợ của chị xa xôi không rõ ràng, có lẽ là sự cẩn trọng của một người đảng viên giữ trọng trách. Nhưng dần dần thấy FB là chuyện bình thường của xã hội, chị đã tái lập nó chia sẻ như một niềm vui.
Các nhà kinh doanh là những người nhạy cảm và mặn mà với FB. Thông qua quảng bá miễn phí online mà họ đã có vô số những khách hàng.
Các văn nghệ sĩ, trí thức dần dần sử dụng FB như một sân chơi được thoả sức thể hiện ý tưởng của mình. Dầu rằng, câu chuyện chia sẻ trên FB của họ đôi khi khiến họ gặp phải cảnh “tai bay vạ gió”! hoặc dở khóc dở cười!.
FB ngỡ tưởng không phải là trò chơi của các chính khách, ai dè một số Bộ trưởng đã mạnh dạn tạo fage. Điển hình là Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến. Thông qua diễn đàn này, Bộ trưởng đã có những phản ứng khá kịp thời đối với nghành mình quản lý.
Sau một hồi nghe ngóng, gần đây, Chính phủ đã có trang FB riêng của mình, tham gia ghi nhận thông tin, điều hành quản lý đất nước, rất được nhân dân hoan nghênh.
Và cứ ngỡ, ở nước Mỹ kia, Tổng thống có trăm tay ngàn mắt, vận hành đủ loại công cụ, và chiếm hữu vô số thông tin, thì hôm nay cũng đã có trang FB riêng mà theo ông là sẽ tạo ra thêm một diễn đàn để người dân có thể nói về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước đang đối mặt trực tiếp với mình.
Một vài dẫn chuyện và ví dụ như vậy, cho thấy, khó ai có thể chối từ FB vì sự kết nối nhanh và sự tương tác rộng. Tiện ích của nó nhiều hơn là có hại.
Sẽ tuyệt vời khi nhà quản lý tầm vĩ mô sử dụng FB như một “mắt thần” để nhìn xuyên thấu xã hội và tạo ra các sự phản ứng kịp thời từ chính sự thu nhận thông tin qua FB.
Người ta có thể có trăm ngàn cách quản lí khác nhau khi coi quản lý là một khoa học, thậm chí là một nghệ thuật nữa, nhưng dù quản lí nào thì cũng phải dựa trên sự minh bạch thông tin.
Nắm bắt thông tin đầy đủ và chính xác sẽ là cơ hội để đưa ra các quyết định đúng đắn. Với lý do chính đáng đó, hiện thời khó có mạng xã hội nào tiện ích hơn FB.
Thật là khó khăn để cấm mạng xã hội này. Cấm rồi cũng sẽ phải mở. Đó là công cụ tất yếu của sự phát triển thế giới số mà suy cho cùng không gì hơn là để thể hiện cái tôi cá nhân sinh động của mỗi con người. Thay vì cảnh giác và cấm đoán, hãy lợi dụng nó thật nhiều để làm lợi cho xã hội.

PTH

TRƯỜNG XƯA, LỚP CŨ: ĐÂU RỒI....TRONG TIM!

Ngày 15/11/20015, tròn 70 năm vinh quang trường Phan Đình Phùng – Hà Tĩnh. Nằm giữa trung tâm thành phố, đã bao lần sơ tán, bao lần chuyển chỗ, trường vẫn về lại Thành Sen. Vinh dự mang tên chí sĩ Phan Đình Phùng và cũng ngự ngay con phố mang ông, người lãnh tụ của phong trào Cần Vương chí khí xưa kia, ngôi trường đã góp phần tạo nguồn cho đất nước những khuôn mặt tiêu biểu của Hà Tĩnh bao thế hệ: các chính khách, tướng lĩnh, học giả, doanh nhân, ...v.v.v. và hôm nay vẫn tiếp tục sự nghiệp ấy.
Một lần nào đó, bước chân vào Phòng Truyền thống của Nhà trường tôi đã thấy một lịch sử hào hùng của trường Phan, những gương mặt thành đạt của nhà trường dọc miền đất nước và cả ở nước ngoài.Tôi bỗng thấy tự hào vì mình đã được thụ hưởng sự giáo dục ở môi trường này.
Ngôi trường Phan hôm nay sẽ còn là nơi đến đi của bao thế hệ, nơi gửi gắm niềm tin của nhiều gia đình Hà Tĩnh.
Ý tưởng về một bài hát về trường xưa đã lấp ủ trong đầu nhưng tiếc là chưa hoàn thành được vào dịp này. Mong rằng, việc đó sẽ được hoàn thành vào một này không xa.
Lục tìm mấy bản thảo bài viết cũ, cái còn cái mất. Mình đã từng có một bài viết khá tâm huyết về thầy chủ nhiệm xưa Nguyễn Kim Thư, giờ chưa tìm lại được. Người thầy giáo từng nhỏ lệ khi chia tay các học sinh của mình. Người thầy ân tình và thủy chung dõi theo khi trò các trò đã bước chân đi xa.
Nhớ dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường, lúc đó mình đang làm giảng viên, vô tình đọc trên báo Nhân dân, mình đã viết bài tản mạn: Lưu luyến mãi mái trường xưa, được in trong sách: Trường Phan Đình Phùng, 60 năm một chặng đường, Nxb CTQG HN, 2006. Trong đó, mình đã nhắc đến nhiều thầy cô và bạn cũ- những khuôn mặt đỗi thân quen. Lần đó vào dịp đi công tác, không về được, nghe các em khóa sau kể lại rằng, thầy Hiệu trưởng có đọc mấy câu thơ trong bài viết của mình trong buổi kỷ niệm ấy. Và từ đó tới nay, cũng đã 10 năm.
Dịp này, bài viết thơ về Trường được in trong tập sách: Chung một mái trường, Nxb Hội nhà văn 2015 thì hiện sách vẫn chưa có trong tay.
Và tối qua, trong chát chít qua lại với bạn cũ, nẩy lên ý tưởng làm một bài vè về những cái tên xưa. 58 khuôn mặt đã từng vui vầy bên nhau 3 năm cấp ba, có nghịch ngợm hờn dỗi, có nhớ nhung yêu mến, có tình bạn, có tình yêu...những cảm xúc học trò cứ thế đong lên, cứ thế vơi đầy trong mỗi một thành viên lớp cũ.
“Viết sao cho để đủ đầy
Nói sao cho hết tháng ngày đã qua
Vẫn còn đâu đó chưa xa
Ân tình kỷ niệm giao hòa trong nhau”
Những ngày xưa ấy, cũng không hẳn đã thân quý nhau, nhưng bao năm gặp lại, một cú phôn cảm giác bạn mình gần lắm, thân lắm, như vừa ngồi với nhau ngày hôm qua, chưa hề xa. Tình bạn xưa cũ nó kì diệu như thế. Sống thật, đối đãi phải chân tình, không thể màu mè khuôn sáo được.
Bạn xưa giờ dọc dặm dài đất nước: xa nhất là thành phố Hồ Chí Minh Vũng Tàu, gần nhất là thành phố Vinh, trung bình là Ninh Thuân, Đà Lạt, gần hơn chút nữa là Hà Nội.
Những học trò ấp ủ nhiều ước mưa buổi ban xưa ấy giờ phần đông làm nghề giáo. Có thầy giáo, có cô giáo và có người làm quản lý giáo dục, dịch vụ giáo dục.
Thầy cô xưa, phần nhiều đã về hưu, có người đã mất, những người trẻ hơn có người đã chuyển công tác. Nhưng những tìm cảm ấm nồng của các cô thầy vẫn còn đó theo năm tháng, được lưu giữ ấp iu trong tim mỗi học trò hôm nay.
Kỷ niệm thành lập trường xưa, hội lớp cũ nhân dịp kỷ 70 năm thành lập trường, người học trò cũ không về được phải chăng là một sự thiếu sót! Xin cáo lỗi với quá khứ, cáo lỗi cùng bạn bè. Thoáng chút bồi hồi, dâng đầy niềm hi vọng. Hẹn 20 năm, có lẽ cùng là lời hẹn chung cho nhiều bạn chưa trở về được trong buổi hôm nay.
Các bạn uống hộ mình chén rượu mừng. Vì tình bạn, ta sẽ mãi nâng ly.
Có mấy dòng này, thêm một lời nhớ nhung xưa cũ, thêm một tiếng tri ân mái trường, thầy cô và bè bạn của tôi!
Cầu cho Hà Tĩnh những ngày đẹp trời với thầy cô và các bạn thân yêu!
Hà Nội, 14/11/2015.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Truyện ngắn: CHUYỆN NĂM LỚP 10...

Cao thủ- Nguồn: Internet
Là một truyện ngắn dĩ nhiên có nét thực nét hư. Chuyện này tôi viết là để hoài niệm về một thuở cấp 3 dưới mái trường Phan, trong chuyện có bóng dáng thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Kim Thư, người rất nhiệt tình và nghiêm khắc với lớp, có tên của một số bạn bè tôi. Xin gửi tặng thầy, tặng các bạn cũ 12 C.1, tặng tuổi học trò của tôi để tri ân, để nhớ, cũng là để gặp lại chính mình.
_________________________
Vào học lớp 10 tôi vẫn là một cậu bé nhà quê. Ngây ngô, nhút nhát tự ti trước các bạn cùng trang lứa, nhất là tụi ở phố.
Buổi học đầu tiên, thầy giáo chủ nhiệm quyết định sắp xếp chỗ ngồi của lớp theo hình thức xen kẽ nam-nữ ngồi cạnh nhau. Tôi ngồi bàn đầu, bàn 5 người có Tùng- Hồng -Đông- Hoa và Tôi. Lần đầu tiên ngồi cạnh một bạn gái mà có cảm giác không là chính mình, thừa chân, thừa tay, khờ khờ, dại dại, người cứng đờ như đóng khung một chỗ. Quay sang phải cũng thấy ngại, quay sang trái thì ngượng. Thi thoảng có đứa bên cạnh gọi thì mới quay sang một tí, còn không là cứ cúi xuống bàn và dán mắt lên bảng. Quả thật những buổi đầu không mấy ai thoải mái cho lắm. Mấy đứa học trò ở phố thì mạnh dạn hơn. Hoa mạnh dạn nhất bàn, nó hay chọc những người trong bàn bằng nhiều cách. Nhiều lúc Hoa tự nhiên nghịch ngợm mà tôi thì phát ngượng. Tôi cứ thế gò mình trong chu vi nhỏ hẹp chào đón những buổi học hàng ngày.
Một tháng sau, Hoa bảo tôi, hôm nào không có giờ thầy chủ nhiệm bọn ta đổi chỗ cho nhau nhé, tau ngồi cạnh Hồng, còn mi ngồi cạnh Đông.
- Sao phải thế, không được đâu
- Như vậy sẽ thoải mái hơn.
- Không được, thầy chủ nhiệm biết được thì to chuyện, thầy sẽ phạt bọn mình.
- Mi là nam nhi mà nhát gan thế, có gì để tau chịu cho. Sau đó Hoa lại giở bài năn nỉ.
Lưỡng lự một lúc, tôi bảo, ừ đổi thì đổi, nhưng mà có chuyện gì thì tau bảo là tại mi muốn, tại bạn, chứ không phải tại mình.
- O.k, con gà đen!
Thế là cứ đến hôm không có giờ thầy chủ nhiệm, Hoa tự ý đỗi chỗ ngồi sang tôi, tôi chuyễn sang chỗ của Hoa gần Đông. Tuy không đồng tình với Hoa nhưng quả thật như thế tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Khổ nỗi, tụi con gái đi với nhau là sinh nhiều chuyện. Được mấy hôm tiếng rì rào khúc khích nổi lên, nhất là trong những giờ học mà chúng cho là không quan trọng. Tất nhiên là chúng nghịch ngầm cố không để thầy cô giáo biết. ...
Không quan trọng là cách nghĩ của nhiều đứa trong lớp, chúng cho rằng chỉ cần tập trung vào học các môn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học là đủ, còn các môn khác thì bình bình dàn hàng ngang mà tiến qua, ít nhất đạt điểm 5 là được, vì thế với một số môn điểm 5 là chúng hạnh phúc lắm rồi.
*
Cô giáo môn kỹ thuật nông nghiệp đang say sưa giảng bài. Hình như lúc này cô không để ý nhiều đến học trò, thi thoảng có tiếng nói chuyện riêng, tôi nghĩ là cô có biết nhưng cũng không buồn quan tâm nhắc nhở vì những chuyện nhỏ nhặt, có thể cô là người khoan dung.
- Ái đau quá, mày điên à!
Tiếng kêu bật lên giữa giờ giảng của cô giáo môn kỹ thuật nông nghiệp vào hôm thứ 2 khiến cả lớp giật mình ngạc nhiên. Mọi con mắt tức thì đổ dồn về bàn tôi, rồi tiếng cười, tiếng đế nổi lên. Tất nhiên lúc này cô giáo ngừng giảng. Cô đi lại bàn giáo viên bỏ viên phấn xuống, phủi đôi bàn tay, rồi cô khoanh hai tay lại trước ngực nhìn Hồng, kẻ vừa phát ra tiếng kêu. Không khí chùng xuống, mọi ngýời im lặng chờ đợi. Hoa biết lỗi đứng lên, mặt đỏ gay.
Cô giáo nói: - em lý giải cho tôi và cả lớp về hành động của mình vừa rồi.
Hoa lúng búng: - thưa cô, tại bạn Hồng véo em đau quá, em buột miệng kêu lên ạ
Hồng nhận ra trách nhiệm của mình, đứng dậy, cúi mặt xuống, rồi hướng về phía cô giáo, thưa cô quả là em đã véo bạn ấy nhưng không nghĩ bạn ấy lại đau và kêu lên thế ạ.
- Cô cho chúng em xin lỗi cô ạ.
Cô giáo tiếp lời: - hai em có biết đây là giờ học không?
- Hay là hai em cho rằng môn học của tôi không quan trọng và điều đó không làm các em thấy hứng thú với giờ học của tôi. Hai em muốn học tiếp hay tôi mời các em ra ngoài, không cần phải học giờ của tôi.
Cả hai sợ hãi rối rít: - Thưa cô chúng em không nghĩ thế ạ, chúng em xin cô tha cho chúng em lần này, lần sau em không dám ạ.
Trầm ngâm một lát, cô giáo nói tiếp: - Thôi được, tôi bỏ qua, không có chuyện lần sau đâu nhé, lần sau mời các em lên ban giám hiệu mà kiểm điểm. Giờ nào việc ấy, lớp học chứ không phải là cái chợ.
Hôm đó giờ học con lại trôi qua tẻ nhạt, khiến lớp chúng tôi hiểu thêm để học tập không khí quan trọng như thế nào.
*
Không hiểu chuyện do ai mách lại, cuối cùng thì cũng đến tai thầy giáo chủ nhiệm. Như thường lệ, cuối tuần vẫn thường họp lớp để đánh giá, bình xét thi đua, xem xét những vấn đề nổi cộm của lớp. Bữa sinh hoạt lớp tuần đó thầy giáo chủ nhiệm mặt lạnh dễ sợ vào lớp. Thầy tầm tuổi cha mẹ chúng tôi, ở thầy phát ra uy lực của một người thầy nghiêm khắc.
Bắt đầu buổi họp thầy nói, nào lớp trưởng, hãy báo cáo tình hình thưa thầy mọi việc vẫn bình thường ạ.
- Có đúng thế không, thầy nghiêm giọng.
- Dạ, hình như Quỳnh cũng đã hiểu ra vấn đề và cũng biết là không thể dối thầy về chuyện đã xẩy ra với lớp.
- Thưa thầy, thú thật với thầy là tuần vừa rồi có một chuyện liên quan đến hai bạn Hồng và Hoa trong giờ học môn kỹ thuật nông nghiệp của cô Vinh ạ.
Lúc đó không ai bảo ai, nghe Quỳnh nhắc đến tên mình Hoa và Hồng đều đứng dậy. Vẻ mặt hai bạn lấm lét nỗi sợ hãi.
- Thế cá nhân lớp trưởng thầy mình có lỗi gì không?
- Dạ, có lẽ Quỳnh hiểu ra ý thầy chủ nhiệm muốn nói điều gì. Quỳnh nói luôn: dạ em cũng có lỗi là em đã không báo cáo thầy việc các bạn ấy đã đỗi chỗ ngồi, mặc dù em đã có nhắc nhở các bạn ấy, nhưng các bạn ấy bảo các bạn ấy tự chịu trách nhiệm nên em...Nói đến đó, Quỳnh đứng sang một bên lẽn bẽn chờ thầy luận tội.
Thầy bắt đầu nói: - Các em đừng nghĩ đến trường học, khi tôi không có mặt các em làm gì tôi không biết. Song tôi đã cố ý chờ đợi sự trung thực của chính các em. Các em giấu tôi nhưng mọi người lại truyền đạt lại với tôi và đến bây giờ đã xẩy ra chuyện ...đó là hậu quả các em đã thấy chưa.
Chuyện hai em véo nhau trong giờ học là chuyện gần, là hậu quả còn chuyện xa là việc các em tự ý đỗi chỗ ngồi là chuyện gần như nguyên nhân. Tôi đã cố ý sắp xếp chỗ ngồi như vậy là để các em có ý thức hơn, tự giác hơn, đằng này các em tùy tiện. Nội quy, quy chế ở đâu hả?
Thầy giáo lúc này có vẻ rất giận nhưng vẫn cố giữ vẻ điềm tĩnh cần thiết trước học trò: - Các em đã thầy trách nhiệm của mình chưa Quỳnh, Hồng, Hoa?
- Dạ thưa thầy chúng em biết rồi ạ. Chúng em xin nhận hình thức kỷ luật của thầy và của lớp.
Hôm nay bình xét để cả lớp tự đánh giá! Dĩ nhiên, hôm đó cả lớp tôi ai cũng thấy như mình có lỗi, có trách nhiệm liên đới. Mọi người trực tiếp gây chuyện nhận hạnh kiểm loại C, còn lại nhận hạnh kiểm loại B. Hồng và Hoa còn bị viết bản kiểm điểm cá nhân và bị phê bình trước trường dưới cờ vào thứ 2 đầu tuần tới.
Đột nhiên, thầy hỏi tôi: - Thạch, em có thấy trách nhiệm liên quan của mình trong chuyện này không?
Không suy nghĩ lâu, tôi đáp lời thầy, dạ thưa thầy có ạ, em đã thỏa hiệp với các bạn về việc đổi chỗ ngồi ạ.
        Kết thúc buổi họp lớp, thầy giáo chủ nhiệm nói:
- Tôi mong các em tự ý thức được trách nhiệm của mình, của một thành viên trước tập thể và sau này là một công dân trước cộng đồng xã hội, trước đất nước. Tôi muốn các em đến trường với ý thức tự nguyện, tự giác, tự làm chủ bản thân mình.
Buổi họp tan trong không khí nặng nề. Hôm đó, có lẽ ai cũng nhận được một bài học đầy ý nghĩa.
Từ đó về sau, ai ngồi chỗ nấy. Không khí học tập đi vào nền nếp. Lớp tôi luôn được đánh giá là một lớp chọn ưu tú cả về học tập lẫn rèn luyện đạo đức. Ba năm cấp ba trôi qua đã có nhiều kỉ niệm vui buồn nhưng không xẩy ra chuyện nào đáng tiếc tương tự như học kỳ một năm học lớp 10.
HN, tháng 8/2008. P.T.H


LƯU LUYẾN MÃI MÁI TRƯỜNG XƯA


Kính tặng trường Phan Đình Phùng, đặc biệt những người thầy cô giáo cũ đã dìu dắt bước chân em
Note: Bv đã đăng trong Kỷ yếu: Trường Phan Đình Phùng, 60 năm một chặng đường, Nxb CTQGHN, 2006. Phần in nghiêng, không được đua vào in trong kỷ yếu.PXH
_____________________________
Đã lâu lắm rồi tôi chưa có dịp về thăm lại mái trường xưa, trường Cấp III Phan Đình Phùng. Mới đó thôi, nay đã kỉ niệm sáu mươi năm thành lập, trường đã thêm mười tuổi, điều đó cũng có nghĩa là bề dày truyền thống của trường ngày càng được bồi đắp thêm, thêm nhiều quả ngọt được gặt hái_ Những nhân tài, nguồn lực cho đất nước- sau những năm tháng gieo trồng những mầm xanh. Vinh dự mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng, người đã tiếp tục phong trào Cần Vương kháng giặc cứu nước, người tiêu biểu cho truyền thống bất khuất của xứ Nghệ và dân tộc Việt Nam. Sáu mươi năm qua, bao thế hệ học sinh Phan Đình Phùng đã thành đạt khắp mọi miền đất nước. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi nghĩ trường Phan Đình Phùng đã hòan thành sự nghiệp cao cả của mình.
Vẫn sừng sững và tôn nghiêm đó tượng đài cụ Phan trơ gan cùng tuế nguyệt quan năm tháng, song ý nghĩa hơn là mái trường mang danh của Cụ đang năng sản cho đất nước những lớp người kế tục truyền thống yêu nước, hiếu học của cha ông. Mười năm trước đây, khi tôi còn là học sinh lớp 10 dưới mái trường này. Hồi đó tôi vẫn là một cậu bé bỡ ngỡ bước vào lớp mười, được vinh dự chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành lập trường đã không dấu nỗi niềm tự hào khâm phục khi xem lại những hình ảnh quý giá được lưu giữ trong phòng truyền thống về lịch sử của ngôi trường, về những con người thành đạt công danh mà tên tuổi của họ trở thành tầm cỡ, là niềm tự hào cho giới trí thức và nhân dân.
          Ngày ấy, cậu bé tôi mong một ngày được vươn cao, bay xa, vượt lên khỏi đồng quê lam lũ, thoát khỏi cảnh nghèo thành danh như mong mỏi của Mẹ. Tôi còn nhớ như in những khuôn mặt thầy cô đức độ, bao dung. Ngoài những bài giảng trên lớp là sự quan tâm, những lời động viên, khích lệ. Cá nhân tôi được đón nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là của thầy chủ nhiệm dạy văn Nguyễn Kim Thư, cô giáo Tiếng Anh Nguyễn Thị Tỷ, thầy Nguyễn Hoài Sanh. Mỗi thầy cô có những sự giúp đỡ và tình cảm riêng. Cô Tỷ đã khuyến khích tôi học tiếng Anh, có lần cô đã miễn học phí cho tôi, nhờ khuyến khích đó mà sau này tôi có ý thức học ngoại ngữ, lên đại học, tôi có điều kiện tiếp cận nhanh và học khá môn này. Thầy Thư quan tâm nâng đỡ khuyến khích tôi đi học ôn để có kiến thức chắc cho kỳ thi đại học. Thầy Sanh truyền cho tôi bao điều bổ ích của kiến thức triết học, chính thầy là người có nhiều ảnh hưởng tới việc nộp đơn lựa chọn chuyên ngành ở trường đại học của tôi sau này. Tất cả, đó là những sự giúp đỡ nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Tôi luôn mang trong lòng niềm tri ân các thầy cô. Ân nghĩa đi qua có bao giờ trả lại hết được, nhưng tôi mãi trân trọng và ghi sâu trong tâm khảm những tấm lòng thầy cô.
          Tôi đã ra đi từ mái trường này, mái trường đã đánh dấu bao sự đồi thay lớn của cuộc đời, mái trường đã đưa tôi đến với cánh cổng trường đại học. Mái trường đã ghi dấu bao cảm xúc e lệ hồn nhiên và những tình cảm bạn bè vô tư trong sáng: nào Đông, nào Quỳnh, nào Oanh, nào Thắng...tôi muốn có nhiều dịp gặp lại các bạn, nhưng vì điều kiện địa lý và công việc, chỉ biết tin về nhau qua bạn bè. Ngày đó, tôi quý các bạn ở chí học hành, tôi mến các bạn ở sự chân thành, tôi mong đợi các bạn sự thành đạt và thực tế ngày nay, các bạn đang trở thành những người có ích cho quê hương đất nước. Dịp gặp lại nhau cách đây mấy năm vừa rồi tôi đã được sống lại tình cảm tuổi hoa niên, dẫu là chưa đầy đủ các thành viên của lớp cũ. Tôi mong ta sẽ có dịp ngồi lại bên nhau, ôn về những kỉ niệm tuổi học trò.
          Sẽ là may mắn cho những ai trong cuộc đời có một mái trường để tự hào, để hoài niệm. Đối với tôi, trường Phan là nỗi nhớ, là nơi chắp cánh cho cả bầu trời mơ ước. Tôi và ông cụ thân sinh tôi, các cô tôi cùng các em tôi đều học tập dưới mái trường này. Ông cụ thân sinh tôi, sinh ra trong thời buổi chiến tranh chống Mỹ, đang học cuối cấp III, gác bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, còn tôi may mắn được sống trong hòa bình, đèn sách dưới mái trường Phan, thi vào đại học, trở thành sinh viên, tiếp bước ước mơ của cha tôi còn dang dở do đất nước còn bóng giặc. Bây giờ trở thành một giảng viên, tôi mới thấy được ý nghĩa công việc của người thầy, của sự nghiệp trồng người tuy nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang. Tôi quý trọng hơn ân nghĩa của cha mẹ, của thầy cô, của những mái trường đã đi qua. Mười năm kể từ ngày tôi rời trường, đó là một khoảng thời gian không ngắn, trường đã đỗi thay nhiều. Bao thế hệ thầy cô đã về hưu đã chuyển cơ quan công tác, riêng mái trường vẫn yên bình nằm đó trang nghiêm bên con đường mang tên người chí sĩ họ Phan, vẫn âm thầm chở những chuyến đò đầy, nuôi dưỡng những mầm xanh cho tương lai đất nước. Với tôi, dẫu mười năm hay hơn nữa, chắc hẳn vẫn nguyên sơ tình cảm với mái trường như buổi ban đầu:
Ngưỡng mộ và tự hào
Yêu mến và ngợi ca
Thành kính và tin tưởng
vào truyền thống vẻ vang và tương lai rạng rỡ của nhà trường.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường, tôi muốn làm điều gì đó cho mái trường thân yêu, hướng về trường với tất cả tấm lòng lưu luyến, tôi viết những dòng này xem đó như một lời tri ân, lời chúc tốt đẹp nhất tới quý thầy, quý cô và những người bạn của tôi đã có những năm tháng đèn sách dưới mái trường này. Chúc cho trường Phan mãi mãi xứng đáng với niềm tin yêu, quý trọng của các thế hệ học trò./.
Xuân Mai, Hà Tây, 05/11/2004

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

HÀ NỘI NHỮNG NGÀY CUỐI THU


Hà Nội mùa những ngày cuối thu
Như cô gái đang ướm thay váy mới
Bao chàng trai hình như dần tiếc nuối
Một vẻ đẹp rạng ngời sắp sửa đi qua!


Hà Nội ngày cuối thu
Như con tàu sắp sửa rời ga
Xốn xang người ở lại
Tiếng còi rức ngân mãi trong lòng


Hà Nội sắp giã từ mùa thu
Gác lại lá vàng, giấu vòm trời dịu mát
Ai thả xuống mặt hồ sắc lạnh
Để lứa đôi phải chuyển chỗ hẹn hò

Hà Nội chuẩn bị vào đông
Những thiếu nữ áo lông, khăn hồng ra phố
Thắp ấm mùa
Sưởi ấm những chàng trai

Hà Nội, 11/2015

P.T.H

YÊU CÙNG GIỌNG NGHỆ

Chi, mô, răng, rứa... lời đầu miệng
Nỏ, hẹ, ê, hầy... tiếng đầu môi
Giọng Nghệ đó, nghe chút nhọc nhằn
Chỉ có người Nghệ mới hiểu nhau cùng tiếng ấy
*
Buổi quen nhau cứ hỏi hoài điều anh nói
Cứ như hai người đến từ hai thế giới
Bạn bè hỏi sao không đổi giọng
Cho dễ nghe giao tiếp với muôn người
Đôi khi chỉ biết gãi đầu cười
Ngập ngừng lắm, nói sao cho dễ hiểu
*
Cái giọng ấy biết mần răng thay đổi
Thuở cha sinh mẹ nở đã ri rồi
Có chăng hỏi đất, hỏi trời
Mần răng lại rứa giọng người quê tôi
*
Tiếng quê hương muôn đời đã thế
Một tiếng thân thương bao nốt nhạc lòng
Âm nghe nặng nặng, líu lo như chim
Em thương thì chịu vậy, yêu cùng tiếng anh
(P.T.H). Vanhoalamhong.blogspot.com 

Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi không hiểu vẫn ấn tượng


Giọng nói đậm chất quê hương nhưng lại gây ấn tượng mạnh với mọi người.
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Những câu nói xứ Nghệ nghe mãi vẫn không hiểu
Tác giả bài viết: Dung Nhi
 NguồnBáo Đất Việt