Paxuho

Có một miền minh triết nhưng rất xa...!

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Về một số yêu cầu mang tính bổn phận trong Nho giáo và ảnh hưởng của chúng ở Việt Nam hiện nay

1. Một số yêu cầu mang tính bổn phận theo tư tưởng của Nho giáo đối với các quan hệ gia đình và xã hội
Trước hết cần phải thấy rằng, những yêu cầu có tính bổn phận của Nho giáo xuất phát từ nội dung căn bản của Nho giáo đó là thuyết "Tam cương, ngũ thường". "Tam cương" là quan hệ vua - tôi, cha - con, vợ chồng và "ngũ thường" là: "nhân, nghĩa, lễ, trí, tín". Xoay quanh các mối quan hệ cơ bản gọi là "tam cương" ấy, Khổng Tử đề ra các yêu cầu về "ngũ thường" với những yêu cầu khắt khe về nghĩa vụ, bổn phận của các tầng lớp trong xã hội và đây chính yếu là sợi dây ràng buộc, điều tiết các hành động của con người. "Tam cương, ngũ thường", được coi là 3 mối quan hệ cơ bản của xã hội và 5 đức tính căn cốt của đạo làm người của đạo Nho.
Về sau, "tam cương, ngũ thường" dần đã trở thành nội dung cốt lõi để các triều đại phong kiến định hình nên thứ bậc trong xã hội, điều chỉnh hành vi của con người, đưa con người vào khuôn phép theo chế độ lễ pháp của nhà Chu trước đây. Tuy các triều đại phong kiến theo mức độ bảo thủ ít hay nhiều và ở những cấp độ khác nhau đã nối tiếp tư tưởng Nho học, có "gia giảm" ít nhiều để cai trị và ổn định xã hội, song "Cương - Thường" đã trở thành nhân tố quan trọng làm cho xã hội ổn định theo thứ bậc, là cơ sở đảm bảo quyền thống trị của thiên tử trong xã hội lấy Nho giáo làm lý thuyết chính.
Nho giáo cũng phân biệt xã hội làm hai loại người, người quân tử và kẻ tiểu nhân. Người quân tử phải biết giữ khí tiết của mình và kẻ tiểu nhân phải biết thân phận của mình. Hoặc Nho giáo đề cao vị thế và vai trò của nam giới trong gia đình và ngoài xã hội; phân biệt, hạ thấp thân phận phụ nữ như quan niệm "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" (một con trai là có, mười con gái cũng như không), "phu tử tòng tử" (chồng chết thì theo con). Phụ nữ trong con mắt của Nho giáo là hạng tiểu nhân "khó dạy".
Những quan niệm này đã làm cho Nho giáo là một điển hình của phân biệt đẳng cấp, nặng tính gia trưởng, tồn tại sự vô lý và thiếu nhân đạo đối với con người.
Trong các nội dung xoay quanh ứng xử các mối quan hệ tam cương đó, chúng tôi đề cập đến hai lí luận căn bản của Nho giáo là quan niệm về lễ và về chính danh. Theo chúng tôi, đây là những quan niệm thể hiện rõ những yêu cầu về bổn phận của con người trong xã hội Nho giáo, là một thứ ràng buộc vừa có mặt tích cực nhưng cũng đầy bảo thủ, thậm chí cực đoan.
 Những chuẩn mực của Lễ: Trong "ngũ thường", "ngũ luân"- "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín", nổi lên tư tưởng về "lễ". Phạm trù lễ, theo Nho giáo, là các quy định về mặt đạo đức trong quan hệ ứng xử giữa người với người. Người quân tử trong xã hội luôn phải đề cao việc "khắc kỷ, phục lễ, vi nhân" (giữ mình, khôi phục lễ giáo để làm người).
Lễ là nội dung có ý nghĩa và giá trị chi phối các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong quan hệ vua - tôi, cha - con, vợ - chồng Nho giáo đều có những quan niệm khá cụ thể. Ví dụ, bề tôi phải trung với vua, con phải hiếu với cha mẹ, chồng vợ có nghĩa với nhau, anh em phải trên kính dưới nhường, bạn bè phải giữ được lòng tin. Những quy tắc này là bất di bất dịch mà ai cũng phải tuân theo. Lễ là sợi dây buộc chặt con người với chế độ phong kiến tập quyền. Khổng Tử yêu cầu, từ vua cho đến dân phải rèn luyện và thực hiện theo lễ. Thậm chí có những xã hội đã đề cao các tư tưởng ấy một cách cực đoan, khuôn con người vào những luật lệ khắc nghiệt như xã hội Trung Quốc đời Đông Hán. Thời kỳ này, Đổng Trọng Thư đã đề cao lòng trung thành một cách tuyệt đối, coi đó là phạm trù đạo đức bất di bất dịch tới mức "Vua bảo thần tử, thần bất tử, bất trung" (vua bảo thần chết, thần không chết là bất trung), buộc bề tôi phải trung thành tuyệt đối với vua, sẵn sàng lấy cái chết để chứng minh lòng trung ấy. Và thời kỳ này đã đẻ ra không ít những tấm gương "ngu trung", "ngu hiếu".
Hoặc đối với phụ nữ, Nho giáo đề cao tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh", coi đó là chuẩn mực của người phụ nữ, đã khuôn người phụ nữ vào lễ giáo, kiểu trong hôn nhân thì "cha mẹ đặt đâu con người đấy". Nam, nữ không có tự do trong quan hệ tình ái, đời sống vợ chồng. Nho giáo đề cao sự trinh tiết của người phụ nữ, thậm chí là "thủ tiết thờ chồng".
Tính tích cực trong tư tưởng lễ của Nho giáo với các xã hội ứng dụng Nho giáo trước đây thể hiện ở chỗ, lễ đã đạt tới mức độ sâu sắc, trở thành thước đo, đánh giá phẩm hạnh con người. Việc giáo dục con người theo lễ đã tạo thành một dư luận xã hội rộng lớn, biết quý trọng người có lễ và khinh ghét người vô lễ. Lễ không dừng lại ở lý thuyết, ở những lời giáo huấn mà đã đi vào hành động của con người, đến mức trong các triều đại phong kiến xưa, nhiều người thà chết chứ không bỏ lễ. Nhờ tin và làm theo chuẩn mực của lễ mà các xã hội theo Nho giáo đã giữ được yên ổn trong gia đình và trật tự ngoài xã hội trong khuôn khổ của chế độ phong kiến. Lễ trở thành điều kiện bậc nhất trong việc quản lý đất nước và gia đình.
Tuy nhiên, như trên đã phân tích, lễ cũng bị đẩy lên cực đoan làm xơ cứng các quan hệ xã hội, đã biến lễ trở thành sợi dây trói buộc con người, làm cho con người thụ động trong cả suy nghĩ và hành động, trở thành lực cản sự phát triển của xã hội và là một trong những nguyên nhân làm cho xã hội phương Đông trì trệ (2).
Yêu cầu về chính danh: Hầu hết các nhà Nho, các nhà nghiên cứu về Nho giáo và Khổng Tử đều thừa nhận rằng học thuyết Chính danh là một phát kiến mới của Khổng Tử về phương diện chính trị và luân lý xã hội. Do chính ngài quan sát thấy được tình trạng lộn xộn, mất tôn ti trật tự, trên không ra trên, dưới không ra dưới; vua không ra vua, tôi không ra tôi, "bá đạo nổi lên lấn át vương đạo"… nên ngài mới đề ra học thuyết Chính danh với mong muốn chấn chỉnh tình trạng suy vi của xã hội đương thời. Cũng là nhằm mục đích duy trì các quan hệ tam cương.
Khi Tử Lộ hỏi: "Nếu vua nước Vệ đợi Thầy về đặng giúp ngài cai trị. Thầy làm gì trước hết? Đức Khổng Tử đáp: Ắt là ta sẽ làm cho ra chính danh chính phận" . Tuy nhiên, trong tình hình thực tế thời đó, những tư tưởng chính danh định phận của Khổng Tử cũng khó được áp dụng.
Câu nói của Khổng Tử về Chính danh khi ông trả lời học trò mà thường được người đời sau nhắc lại như một phương châm để người quân tử chấn chỉnh xã hội đó là: "nếu danh mà chẳng chính, chẳng hạp nghĩa, thì lời nói chẳng thuận; lời nói chẳng thuận thì công việc chẳng thành, thì lễ tiết và âm nhạc chẳng thạnh vượng; nếu lễ tiết và âm nhạc chẳng thạnh vượng, tức là chẳng có sự thạnh vượng và niềm hòa khí; nếu lễ tiết và âm nhạc chẳng thạnh vượng, tức là khi, thì sự hình phạt chẳng đúng phép; nếu sự hình phạt chẳng đúng phép, thì dân biết chỗ nào mà đặt tay chân. Cho nên người quân tử, tức nhà cầm quyền xưng danh thì đúng với phận, với nghĩa; đã xưng đúng với danh phận, thì phải tùy theo đó mà làm. Cho nên người quân tử rất dè dặt với việc xưng danh gọi phận"
Chính danh và lễ có quan hệ với nhau. Mục đích của chính danh của Khổng Tử xét cốt yếu là để giữ lễ, thực hành lễ. Lễ của kẻ trên đối với người dưới và ngược lại. Chính danh là tiền đề để lễ nhạc hưng vượng lên; lễ nhạc hưng vượng chính là cái bản để trị nước. Chỉ vì lễ nhạc không hưng vượng, hình phạt mới không trúng, hình phạt không trúng thì dân không biết phải làm gì?
Vua Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về cách cai trị, Khổng Tử nói: "Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử" (Nghĩa là, vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi, cha ở hết phận cha, con ở hết phận con). Tức là người nào ở vị trí nào thì phải ứng xử ở vị trí đó, không được lẫn lộn, không được tùy tiện, phải tuân theo phép tắc, quy củ của xã hội đã quy định.
Những tư tưởng trên đây, chúng ta thấy Khổng Tử rất coi trọng danh phận trong vòng trật tự mà nguồn gốc tư tưởng này đã có trước thời Khổng Tử (tức thời nhà Chu), nhưng nó bị biến dạng dưới thời Khổng Tử, do đó, ông đề cao học thuyết chính danh để chỉnh trị lại trật tự xã hội, sự cai trị. Đặt sự vật đúng tên gọi của nó nhằm giúp xã hội vận hành một cách ổn định.
2. Những ảnh hưởng của yêu cầu về bổn phận trong tư tưởng Nho giáo đối với cá nhân trong gia đình và ngoài xã hội Việt Nam hiện nay
Cách đây chưa lâu, nhà nghiên cứu Nho giáo Nguyễn Đức Sự cho rằng, "Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã làm cho Nho giáo ở Việt Nam suy sụp hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của chế độ phong kiến nửa thuộc địa. Từ đây, có thể nói, trên bình diện là một vũ khí tư tưởng của giai cấp thống trị và trên bình diện là một tôn giáo với những nghi lễ cung đình phức tạp, Nho giáo không còn tồn tại nữa. Nhưng, trong xã hội Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám, tàn dư và "âm hồn" của Nho giáo vẫn còn sống một cách dai dẳng trong các quan hệ xã hội, trong sự ứng xử giữa người và người, trong phong tục tập quán và cả trong những nghi thức thờ cúng tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Ngày nay, nhân dân Việt Nam đang thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Song, những tàn dư và "âm hồn" của Nho giáo vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và tác động vào đời sống xã hội theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực". Điều nhận định trên đây của vị học giả này vẫn còn đúng với tình hình hiện nay khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào quốc tế.
Theo chúng tôi, hiện nay những yêu cầu nói trên của Nho giáo, được thể hiện khá rõ trong các quan hệ xã hội, cái mà nhiều người thường gọi nó là tư tưởng phong kiến, thể hiện ở mấy điểm sau:
Một là, hạn chế dân chủ trong các mối quan hệ, do thói gia trưởng vẫn còn nặng nề.
Trần Đình Hượu cho rằng, cái xã hội trật tự, phận vị nho giáo "không có chỗ cho cá nhân, không thừa nhận bình đẳng"(1). Nho giáo coi trọng tính tôn ti trật tự, thứ bậc và như vậy thường có sự thiên lệch trong các mối quan hệ, mà tính gia trưởng là một thói xấu rất cần loại trừ.
Gia trưởng là một đặc điểm nổi trội của xã hội phong kiến dưới ảnh hưởng của Nho giáo. Gia trưởng trong gia đình, dòng họ, và tính gia trưởng này dễ bề phát huy thành tính độc đoán, chuyên chế trong cai trị xã hội, ở cơ quan, đoàn thể.
Hiện nay, trong các quan hệ gia đình, nhà trường, cơ quan vẫn mang dấu ấn của quan hệ thứ bậc, chưa thực sự được dân chủ và cởi mở khi so sánh với xã hội phương Tây. Thậm chí nhiều quan hệ từ trên xuống, mệnh lệch phục tùng, khiến cho người cấp dưới không dám góp ý và đấu tranh với khuyết điểm, làm giảm khả năng sáng tạo, thui chột tính tự tin, tự chủ của mỗi người. Thậm chí có nơi tính gia trưởng bị đẩy lên cực đoan thành độc đoán, chuyên quyền.
Hai là, thiếu tôn trọng người phụ nữ. Do từ chỗ coi thấp vị thế của người vợ trong mỗi gia đình, người phụ nữ ngoài xã hội đã dẫn đến sự đối xử bất bình đẳng với phụ nữ, dẫn tới định kiến với phụ nữ, chưa thực sự tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển. Trong thực tế gia đình, tư tưởng xem thường phụ nữ vẫn còn khá nhiều thể hiện ở quan niệm coi trọng "con trai" dẫn tới buộc nhiều gia đình bằng mọi giá để sinh con trai; phụ nữ nội trợ, phụ nữ bếp núc dẫn tới nhiều ông chồng hạn chế phụ nữ đi làm tiếp xúc giao lưu xã hội.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã dẫn đến một số người lãnh đạo không tin vào khả năng của phụ nữ, ngại tiếp nhận, đề bạt nữ giới vào các vị trí cao hơn hoặc không coi trọng ý kiến phụ nữ… đó là những trở ngại cho việc đấu tranh vì quyền bình đẳng giới. Những quan niệm này vẫn còn rơi rớt tồn tại trong đầu không ít vị nam giới và đã cản trở con đường vươn lên tiến bộ của phụ nữ. Phụ nữ không có nhiều cơ hội trên con đường chính trị, đảm nhận các vị thế, trọng trách, gánh vác việc xã hội.
Những tư tưởng ràng buộc với phụ nữ đã ngấm dần trong tư tưởng phụ nữ làm cho không ít phụ nữ an phận thủ thường, thậm chí cam chịu, ngại đấu tranh với nam giới và hạn chế sự vươn lên trong xã hội.
Thậm chí, vì gia trưởng mà nhiều nam giới sẵn sàng vũ phu với vợ mình. Ngày nay, với sự tham chiếu các lý thuyết phát triển của xã hội tiến bộ và việc đề cao quyền con người trong tham gia chính trị - xã hội, phụ nữ có được vị thế xã hội lớn hơn trước trong các ngành nghề, lĩnh vực, quan hệ. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn bị lệ thuộc vào đàn ông và chưa thực sự có được vị thế bình đẳng trong nhiều gia đình.
Ba là, việc nặng hành xử theo các chuẩn mực bổn phận đạo đức truyền thống của Nho giáo có phần cảm tính, kinh nghiệm mà thiếu sự tiếp nhận các chuẩn mực pháp luật của xã hội văn minh.
Tư duy coi trọng tình cảm, nhân nghĩa đã góp phần tạo nên chủ nghĩa duy tình, đề cao nhân đức mà thiếu coi trọng yếu tố lý và pháp lý trong ứng xử và giải quyết các vấn đề xã hội.
Tư tưởng "thân thân" (coi trọng người thân), làm cho những quan hệ có tính gia đình bị đem vào các quan hệ xã hội khiến xảy ra tình trạng nể nả, cục bộ, cản trở giải quyết vấn đề trên tư duy khoa học và minh bạch; Tư tưởng "một người làm quan, cả họ được nhờ", đã dẫn đến dựa dẫm, cục bộ, tham ô, tham nhũng, trục lợi, v.v...
Các lễ giáo phong kiến, một thời được coi là khuôn vàng thước ngọc, hiện nay vẫn còn có nhiều điểm chi phối xã hội hiện đại như tư tưởng "môn đăng hộ đối" cũng làm cho quan hệ hôn nhân trở nên vị lợi.
3. Khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của yêu cầu về bổn phận theo Nho giáo, phát huy dân chủ bình đẳng trong gia đình và xã hội Việt Nam hiện đại
Nho giáo từng tồn tại hàng nghìn năm trong xã hội Việt Nam, từng có những thời kỳ góp phần đưa xã hội đến thịnh trị như thời Lê sơ (thế kỷ XV), cũng có những thời kỳ độc tôn, những mặt hạn chế của Nho giáo được khai thác triệt để như thời Nguyễn thế kỷ XIX, tuy nhiên, trước những đòi hỏi của thời cuộc Nho giáo đã bộc lộ những suy thoái không thể tránh khỏi.
Trên thực tế, những ảnh hưởng của Nho giáo vẫn còn trong gia đình và ngoài xã hội Việt Nam hiện đại, cần được ứng dụng một cách hợp lý. Ví dụ, Nho giáo có vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng những thiết chế về đạo đức gia đình. Và trong việc xây dựng, đề cao nền giáo dục gia đình. Gia đình mà yên ổn thì xã hội mới có thể đi lên được. Nho giáo đề cao việc "tu tề trị bình" (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Đây là những mặt tích cực cần phải nghiên cứu để kế thừa.
Ngày nay, trong bối cảnh "sức mạnh mềm" (Soft Power) Trung Hoa trỗi dậy, các học viện Khổng Tử ra đời và phát triển mạnh trên thế giới, những tư tưởng Khổng Tử trở thành nội dung nhân tố cốt lõi của các chương trình này. Hiện ở Việt Nam các chương trình đào tạo học của Học viện Khổng Tử đã được chấp nhận ở một số trường đại học, việc ảnh hưởng của tư tưởng Khổng Tử là sự lựa chọn không thể khác. Tuy nhiên, việc dạy/ học này cũng cần có sự phê phán, cần được nhìn nhận dưới phương diện văn hóa và cần cảnh giác với các mục đích chính trị.
Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (5/2014), ở Việt Nam nổi lên tư tưởng "bài Trung", nhiều học giả đã thảo luận về cái gọi là "thoát Trung". Xét trong tình hình hiện thời, sự bức xúc với những "di sản" của Trung Hoa ở Việt Nam là điều dễ hiểu, tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác. Bởi lẽ, sự ảnh hưởng của Trung Hoa truyền thống không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc...), thậm chí có quan điểm cho rằng, quốc gia phát triển như Hàn Quốc là vì vẫn duy trì và khai thác được Nho giáo. Và giữa Trung Quốc học, Hán học và Nho học, tuy có sự giao thoa nhưng không đồng nhất. Những tư tưởng của Khổng Tử với tư cách là giá trị văn hóa vẫn cần được tiếp thu phát triển với một thái độ trân trọng và có những sự lựa chọn ứng xử phù hợp với xã hội hiện nay.
Việt Nam hiện nay đang hướng tới xây dựng mô hình "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh". Việc tồn tại những tư tưởng bảo thủ, phong kiến, các định kiến về giới, v.v... là điều không đáng có. Bởi chính nó, là những lực cản dai dẳng con đường đi lên văn minh, tiến bộ. Tận dụng những mặt mạnh của các học thuyết chính trị, luân lý xã hội, trong đó có Nho giáo và triệt tiêu tính cực đoan là điều cần thiết để góp phần vào xây dựng các mối quan hệ dân chủ, bình đẳng trong xã hội ta hiện nay.
Hồ Chí Minh là một người xuất thân từ gia đình khoa bảng, am hiểu những triết lý của Nho giáo, song bản thân Người do được hấp thụ những tư tưởng đổi mới và cách mạng đã không bị ảnh hưởng bởi những hạn chế của Nho giáo về yêu cầu bổn phận mang tính khắt khe, Người đã thể hiện một nhận thức độc lập trong việc kế thừa Nho giáo, cùng với sự tiếp biến nhiều quan niệm khác nhau để phát triển văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu các bài học về hành xử của Hồ Chí Minh đối với Nho giáo, chúng tôi thấy rằng, cần coi Nho giáo bình đẳng như bao học thuyết đạo đức luân lý đã có trong lịch sử, chấp nhận cái hay cái tốt của nó, bên cạnh đó không đẩy lên cực đoan những mặt hạn chế của nó, không để chúng chi phối tư tưởng và hành động của các cá nhân trong hành xử gia đình và quan hệ xã hội trong xã hội hiện đại.
Từ việc nhận thức các hạn chế về ràng buộc bổn phận đã nêu trên, chúng tôi cho rằng, cần khắc phục những cực đoan trong các yêu cầu đó về cả phương diện nhận thức và hành động, cụ thể:
Một là, coi trọng "chính danh" (danh chính trực), theo nghĩa danh phải đi liền với thực, chứ không tôn vinh và duy trì cái danh hão, bệnh hình thức chủ nghĩa, bằng mọi giá để đạt được danh vị, có danh mà không có thực; chính danh trong xã hội phải là biết thực thi bổn phận đúng chức trách, đúng vai vế của mình chứ không phải là coi trọng, chạy theo hình thức, thành tích, mang danh không chính trực đó để chưng diện xã hội và làm điều bất chính, có hại cho lợi ích của nhân dân. Hiện nay trong xã hội, không ít người núp danh, mượn danh ông nọ bà kia, để trục lợi. Đó là biểu hiện của cái lối "hư danh" và "ngụy danh", rất cần phê phán và loại trừ.
Đồng thời, trong giáo dục, cần phê phán lối học khoa cử, chạy theo bằng cấp, học để làm quan mà phải coi trọng thực học, học để tạo ra giá trị và sự đa dạng nghề nghiệp xã hội. Ngày nay xã hội đã trở nên đa nguyên giá trị. Giá trị con người phải được đánh giá từ góc độ mà con người đó đóng góp cho xã hội, bất kể ngành nghề gì. Việc tôn trọng tri thức, coi trọng nhân tài hoàn toàn không chỉ thể hiện ở việc học làm quan và tiến thân bằng con đường quan trường. Mà mỗi người cần căn cứ vào năng lực sở trường của mình để đặt đúng vị thế, làm đúng vai. Có những người chí thú với khoa học mà lại không có hứng thú chính trị và năng lực hành chính. Khoa học tôn sùng bình đẳng, tự do tư tưởng mà quan trường thì chú trọng thực thi mệnh lệnh thi hành, tuân thủ lề lối, chính sách, coi trọng việc thực hiện chủ trương kế hoạch. Không nên buộc nhà khoa học vào chốn quan trường, cũng không nên lấy quan trường để định vị giá trị nhà khoa học.
Hai là, một mặt không phủ nhận tính thứ bậc trong gia đình, vì đây là một quan hệ tự nhiên do các yếu tố huyết thống, dòng họ tạo ra; mặt khác, cần coi trọng sự bình đẳng giữa các thành viên, điều tiết thành viên bằng nguyên tắc dân chủ, cởi mở. Cần loại bỏ tư tưởng gia trưởng trong quan hệ vợ chồng, anh em, con cái, càng không để thói "gia trưởng" kiểu gia đình áp dụng trong tổ chức, tập thể, sẽ dễ dẫn tới chuyên quyền độc đoán mất dân chủ, gây nên sự trì trệ, kéo lùi sự phát triển.
Ba là, bỏ định kiến với phụ nữ và vai trò của phụ nữ, nâng cao nữ quyền
Cần tiến hành các nghiên cứu khoa học về phụ nữ, và những tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức làm chủ và giải phóng bản thân của nữ giới. Phụ nữ cũng là con người, phụ nữ cần có vị thế đồng đẳng với đàn ông trong công việc gia đình, cơ hội phát triển bản thân và tham gia đóng góp vào sự phát triển xã hội.
Bốn là, đề cao những kiến thức khoa học và pháp lý trong công việc và quan hệ, loại trừ sự cảm tính, những định kiến và tính bảo thủ của các quan niệm Nho giáo trong việc điều hành và ứng xử các quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội.q
Phạm Xuân Hoàng

Chú thích
(1). Trần Đình Hượu (1990), "Hiểu gia đình truyền thống: đổi mới chứ không phải phục cổ", Tạp chí xã hội học, số 3 (31).

Tài liệu tham khảo
1. Đoàn Trung Còn (dịch) (2011), Luận ngữ, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Nguyễn Thị Thanh Mai, "Tư tưởng đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở nước ta hiện nay", Nghiên cứu văn hóa, Trường Đại học Văn hóa, số 2/2010.
3. Nguyễn Đức Mậu, "Nho giáo ảnh hưởng như thế nào trong gia đình người Việt?", Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 288, ngày 10/3/2015.
4. Lê Phước, "Sự lùi bước của Nho Giáo ở Việt Nam thế kỷ XIX", http://vi.rfi.fr/viet-nam/20130802-su-lui-buoc-cua-nho-giao-o-viet-nam-hoi-the-ky-19/#, truy cập ngày 10/4/2015.
5. Hồ Sĩ Quý, "Về số phận của Nho giáo", Văn hóa Nghệ An, số 290, ngày 10/4/2015.
6. Nguyễn Đức Sự, "Vị trí và vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam", Văn hóa Nghệ An, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/vi-tri-va-vai-tro-cua-nho-giao-trong-xa-hoi-viet-nam
7. Nguyễn Tài Thư (2009), "Một số đặc trưng của Nho giáo Việt Nam", Tạp chí Triết học, số 9 (220). 
CHUYÊN SAN KHXH&NV NGHỆ AN SỐ 10/2015
(Bài đăng đã tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tư tưởng các nước Đông Á thế kỷ XIX”, do Viện Thông tin Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 22 tháng 4 năm 2015)