Bàn
chuyện thoát Trung trong khi Việt Nam và Trung Quốc có quá nhiều thứ
tương đồng, cảm giác như là một điều gì đó không thật chính đáng và không
tưởng! Nhưng không, đó lại là một vấn đề chính đáng và có sức thuyết phục cả về
phương diện lý thuyết lẫn thực tế.
Về mặt lý thuyết mà nói, có hợp tác ắt có đấu
tranh. Nếu hợp tác mà không đấu tranh thì về lâu dài, thực thể mạnh hơn sẽ chi
phối thực thể yếu hơn, thậm chí bị đồng thuộc và bị nô lệ hay ít ra cũng bị bất
cân bằng, chịu sự bất bình đẳng về vị thế.
Trên thực tế, những sự bất hòa, bất
ổn, không yên tâm về một mối quan hệ, người ta có thể lạnh nhạt hoặc có giữ
quan hệ cũng chẳng lấy gì làm mặn mà hay thực lòng chân thành với nhau.
Trong
lịch sử Việt Nam, quá trình “chống Hán hóa” đó chính là những sự phản kháng với
Trung Hoa trung tâm, và chính sự phản ứng ít nhiều thoát ra đó, Việt Nam mới có
cơ hội độc lập về mặt bản sắc, mới giữ được một nền văn hóa như hôm nay.
Sau sự
kiện giàn khoan HD981, ở Việt Nam nổi lên luồng tư tưởng "thoát
Trung" khá là mạnh mẽ (dẫu trước đó nơi này nơi kia đã âm ỉ), đặc biệt
trong nhân dân mà tâm lý "dị ứng" với Trung Quốc là một biểu hiện khá
rõ. Một ví dụ trong lĩnh vực kinh tế thể hiện tư tưởng “bài Trung” là sự cảnh
giác, thậm chí nói không với hàng Tàu!
Những lời
lẽ phát biểu của ông chủ tịch Tập trong những ngày thăm Việt Nam đã le lói
hi vọng về sự hòa dịu và tăng cường hơn trong quan hệ hai nước sau những biến
cố xẩy ra trong mấy năm nay đặc biệt trên Biển Đông. Nhưng niềm hi vọng ấy, bị
dập tắt ngay sau khi vừa rời Việt Nam, ngài Chủ tịch Tập đã phát biểu tại Đại
học Quốc gia Singapore những ý tưởng trước đó ông đã nói ở Mỹ và Anh rằng, Biển
Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại !
Sự bất
nhất trong quan hệ không bao giờ có thể tạo dựng trong nhau được niềm tin bền
vững.
Câu
chuyện "thoát Trung" sẽ còn dài, mà về mặt lý luận sẽ là cả một sự
dích dắc.
Nhìn vào
thực tế hiện nay, một thầy giáo của tôi nhận định: "Việt Nam đang thoát Trung!"
P.X.H