Hai người con của quê hương Hà Tĩnh, một TS văn chương, một
doanh nhân thành đạt trên đất Nga, vì yêu mến quê hương, vì tự hào với danh
nhân đất Việt ở quê nhà đã dày công chuyển thể “Truyện Kiều” của Nguyễn Du sang
tiếng Nga.
ĐỊNH MỆNH TẠO NÊN CẦU NỐI
Là một người yêu văn
chương Nga từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Huy Hoàng từng mơ tới
nước Nga (lúc đó là Liên Xô). Xuất thân từ dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng văn
chương ở Can Lộc (Hà Tĩnh), rời cấp 3 Nguyễn Huy Hoàng thi đỗ vào khoa văn Đại
học Tổng hợp khi đó, rồi được đi làm NCS Văn học Nga tại chính quê hương Puskin.
Như một định mệnh, vào năm 1993, trong lúc cả hai vợ chồng mãi mê với luận án
tiến sĩ, thì đứa con gái đầu Quỳnh Nga bị thất lạc tại bãi biển Sochi.
Tai họa ấy, đã khiến anh
suy nghĩ bạc trắng đầu, rong đuổi khắp nẻo nước Nga rộng lớn tìm con gái. Định
mệnh trớ trêu ấy khiến anh phải từ bỏ những dự định dang dở ở quê hương, nương
náu lại nước Nga để sống, làm việc, đợi chờ trong hi vọng. Lời tiên đoán của
nhà tiên tri Bungary Vanga gieo vào lòng anh hi vọng giúp anh trụ vững đến bây
giờ, rằng: đứa bé không chết, anh sẽ gặp lại con gái anh trên chính nước Nga
này. Định mệnh ấy cũng đã khiến anh không hẹn mà nên, anh đóng vai là một sứ
giả tích cực của nhịp cầu văn hóa Nga - Việt.
Tha hương ở xứ người
nhưng lòng luôn đau đáu phía quê hương. Nặng lòng với những di sản văn hóa dân
tộc, muốn bạn bè Nga biết đến một hình ảnh người Việt Nam nhân ái, những tác
phẩm văn chương đầy tính nhân văn, Nguyễn Huy Hoàng đã có nhiều ấp ủ, trong đó
có mong muốn mang tác phẩm văn học vĩ đại, kiệt tác vô song của Việt Nam- "Truyện Kiều" tới công chúng Nga.
BẢN DỊCH CÔNG PHU
Tác phẩm Truyện Kiều bản "tiếng Nga" |
Khởi sự dự án từ năm
2013, mặc dù trước đó, ý tưởng chuyển thể "Truyện Kiều" sang tiếng Nga do chính
Nguyễn Huy Hoàng nêu ra từ dịp tổ chức Festival Đại thi hào Nguyễn Du - Puskin
tại Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do hậu quả của cơn bão năm đó (2010) quá nặng nề nên sự
kiện này đành phải hủy bỏ. Trước đó, năm 2012, Nguyễn Huy Hoàng là chủ biên
dịch quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Nga với sự tham gia của hai dịch giả
Lê Văn Nhân và Xocolov, với tên gọi “Nhật ký chiến trường của một bác sĩ” tạo
nên một tiếng vang lớn đối với công chúng độc giả Nga.
Lần này, dự án chỉ cho
phép tiến hành trong hai năm, nên để hoàn thành công việc, cả nhóm gần như chạy
đua với thời gian. Để bắt tay vào một công việc vô cùng khó khăn này, nhóm đã có sự
chuẩn bị và xác định khá kỹ lưỡng. Từ việc chọn bản Kiều tiếng Việt để dịch,
cho đến nguyên tắc triển khai ra tiếng Nga, việc chọn điển tích điển cố để giải
thích.
Nhóm dịch giả tại lễ ra mắt tác phẩm "Truyện Kiều" dịch sang tiếng Nga |
Tuy nhiên, khó khăn lớn
nhất là nhóm dịch phải đối mặt với kho điển tích điển cố đồ sộ (trong "Truyện
Kiều" có tới 3236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán Việt. Vì
thế, nhóm dịch có sự cân nhắc, lựa chọn “Chúng tôi không có kỳ vọng chú thích
toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt
được ý nghĩa nội dung. Chỉ những điểm thật cần thiết nhất, chúng tôi mới chọn
lọc để chú thích, chú giải”, TS.Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Khó khăn là vậy nhưng
điều cốt lõi là dự án đã tập hợp được một đội ngũ các nhà dịch thuật có uy tín
trong và ngoài nước. TS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết thêm: “Với các tác phẩm văn
học thông thường, việc dịch thuật chỉ phải vượt qua rào cản ngôn ngữ là chủ
yếu; nhưng đối với việc dịch Truyện Kiều, một tác phẩm đặc biệt, phải vượt qua
trùng trùng, điệp điệp những kiến thức tổng hợp về ngôn ngữ, thành ngữ, tục
ngữ, tiếng địa phương, điển cố và và các danh xưng hơn 200 năm về trước”
Mục đích quan trọng nhất
mà nhóm xác định không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà làm sao
để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh,
chuyển tải được trọn vẹn nội dung “Truyện Kiều” mà không làm mất đi vẻ đẹp của
nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, với một công
trình dịch lớn như “Truyện Kiều” đã đi vào tâm thức người yêu văn học Việt Nam
và bạn bè thế giới, sự thành công lần này chưa hẳn đã làm nhóm dịch hài lòng,
như lời một dịch giả trong nhóm dịch chia sẻ: “Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng,
nhưng chắc chắn bản dịch không thể tránh khỏi những sai sót, chúng tôi mong
nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của các thức giả, hy vọng lần tái
bản tới, bản dịch sẽ có chất lượng cao hơn”.
Phạm Thạch Hoàng. Bài đăng Báo Phụ nữ Việt Nam số 142, ngày 27/11/2015
***
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI LỄ RA MĂT TÁC PHẨM "TRUYỆN KIỀU" BẢN TIẾNG NGA"
Nhà thơ Visili Popov, dịch giả bản thơ tiếng Nga "Truyện Kiều" trả lời phỏng vấn báo chí |
Vợ chồng doanh nhân Hoàng Văn Vinh (người con của Quê hương Nghi Xuân, hiện sống tại Nga) - nhà tài trợ của dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga |
Nhà thơ, TS.Nguyễn Huy Hoàng- chủ biên dự án |
Lễ ra mắt tác phẩm "Truyện Kiều" bản tiếng Nga tại Hội trường Viện Hàn lâm KHXH |