“Công cha, áo mẹ, chữ thầy”;
“Mồng
một tết cha, mồng ba tết thầy”
Công lao ấy, ân tình đó cái nào cũng
lớn, chẳng thể đong đo. Ơn sinh dưỡng, ơn dạy dỗ ơn nào cũng trọng.
Vì thế dân gian nhắc nhau:
“Con ơi ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ
quên”.
Cha mẹ sinh ra ta trên đời đã là một
cái duyên. Mỗi chúng ta ai cũng có một người cha, người mẹ đó là lẽ đương
nhiên. Không ai tự thế mà có mặt trên đời.
Còn người thầy với ta vừa là lẽ đương
nhiên, lại không đương nhiên.
Đương nhiên ở chỗ, con người sinh ra
lớn lên cần được dạy dỗ, tức cần vai trò của người thầy, “không thầy đố mày làm
nên”. Bởi thế cho nên, dân gian khuyên: “Muốn sang sông thì bắc Cầu Kiều, muốn
con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Tuy nhiên, người thầy/trọng thầy
không là đương nhiên với những người không có cơ may ngồi trên ghế nhà trường,
do hoàn cảnh và số phận bất hạnh, thì khái niệm và hình ảnh người thầy với họ, thường
rất mơ hồ.
“Muốn con hay chữ, phải yêu lấy thầy”.
Chữ “hay” và chữ “yêu” rất thú vị. Hay là biết một cách giỏi giang, am hiểu,
thành thạo và phải yêu, tức là tôn kính/trân trọng một cách thực bụng, thực
lòng.
“Yêu lấy thầy”, phải được hiểu là không
chỉ là người thầy dạy cụ thể của mỗi chúng ta mà rộng hơn phải yêu lấy giáo
dục, chăm lo sự nghiệp trồng người.
“Tiên học lễ, hậu học văn, “nhất tự
vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nữa chữ là thầy), thầy ở mọi lĩnh vực,
từ lễ giáo đến văn hóa, đôi khi dạy ta chỉ một điều rất nhỏ nhặt, ta gặp người
đáng làm thầy ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Điều đó để nói rằng, phải
biết cầu thị tri thức, phải biết coi trọng nhân tài, không ngừng học tập để
tiến bộ.
Và đối với những người đang tìm kiếm
tri thức, đang lấy tri thức làm công cụ/ phương tiện sống của cuộc đời thì cầu
học, cầu thị, tôn vinh tri thức, trí tuệ đích thực mới có thể làm nên sự nghiệp
và giúp ích cho đời, tức không thể mang tri thức/trí tuệ giả dối để mưu sinh và
cầu danh. Câu “Trọng thầy mới được làm thầy”, tưởng chừng như khó hiểu ấy nhưng
lại là một triết lý thâm sâu.
Ngày nay, chúng ta đã có khá nhiều lý
thuyết về giáo dục, khoa học giáo dục, chính sách và chiến lược giáo dục, nhưng
những câu tục ngữ, ca dao xưa ấy vẫn cứ thâm thúy nhẹ nhàng nhắc nhủ ta tiếp
tục vun trồng cho sự nghiệp giáo dục, phát triển con người.