Kính tặng trường Phan Đình Phùng, đặc biệt
những người thầy cô giáo cũ đã dìu dắt bước chân em
Note: Bv đã đăng trong Kỷ yếu: Trường Phan Đình Phùng, 60 năm một chặng đường, Nxb CTQGHN, 2006. Phần in nghiêng, không được đua vào in trong kỷ yếu.PXH
_____________________________
Đã lâu lắm rồi
tôi chưa có dịp về thăm lại mái trường xưa, trường Cấp III Phan Đình Phùng. Mới
đó thôi, nay đã kỉ niệm sáu mươi năm thành lập, trường đã thêm mười tuổi, điều
đó cũng có nghĩa là bề dày truyền thống của trường ngày càng được bồi đắp thêm,
thêm nhiều quả ngọt được gặt hái_ Những nhân tài, nguồn lực cho đất nước- sau
những năm tháng gieo trồng những mầm xanh. Vinh dự mang tên nhà chí sĩ yêu nước
Phan Đình Phùng, người đã tiếp tục phong trào Cần Vương kháng giặc cứu nước,
người tiêu biểu cho truyền thống bất khuất của xứ Nghệ và dân tộc Việt Nam. Sáu
mươi năm qua, bao thế hệ học sinh Phan Đình Phùng đã thành đạt khắp mọi miền
đất nước. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi nghĩ trường Phan Đình Phùng đã hòan
thành sự nghiệp cao cả của mình.
Vẫn sừng sững và
tôn nghiêm đó tượng đài cụ Phan trơ gan cùng tuế nguyệt quan năm tháng, song ý
nghĩa hơn là mái trường mang danh của Cụ đang năng sản cho đất nước những lớp
người kế tục truyền thống yêu nước, hiếu học của cha ông. Mười năm trước đây,
khi tôi còn là học sinh lớp 10 dưới mái trường này. Hồi đó tôi vẫn là một cậu
bé bỡ ngỡ bước vào lớp mười, được vinh dự chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm thành
lập trường đã không dấu nỗi niềm tự hào khâm phục khi xem lại những hình ảnh
quý giá được lưu giữ trong phòng truyền thống về lịch sử của ngôi trường, về
những con người thành đạt công danh mà tên tuổi của họ trở thành tầm cỡ, là
niềm tự hào cho giới trí thức và nhân dân.
Ngày ấy, cậu bé tôi mong một ngày
được vươn cao, bay xa, vượt lên khỏi đồng quê lam lũ, thoát khỏi cảnh nghèo
thành danh như mong mỏi của Mẹ. Tôi còn nhớ như in những khuôn mặt thầy cô đức
độ, bao dung. Ngoài những bài giảng trên lớp là sự quan tâm, những lời động
viên, khích lệ. Cá nhân tôi được đón nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là của
thầy chủ nhiệm dạy văn Nguyễn Kim Thư, cô giáo Tiếng Anh Nguyễn Thị Tỷ, thầy
Nguyễn Hoài Sanh. Mỗi thầy cô có những sự giúp đỡ và tình cảm riêng. Cô Tỷ đã
khuyến khích tôi học tiếng Anh, có lần cô đã miễn học phí cho tôi, nhờ khuyến
khích đó mà sau này tôi có ý thức học ngoại ngữ, lên đại học, tôi có điều kiện
tiếp cận nhanh và học khá môn này. Thầy Thư quan tâm nâng đỡ khuyến khích tôi
đi học ôn để có kiến thức chắc cho kỳ thi đại học. Thầy Sanh truyền cho tôi bao
điều bổ ích của kiến thức triết học, chính thầy là người có nhiều ảnh hưởng tới
việc nộp đơn lựa chọn chuyên ngành ở trường đại học của tôi sau này. Tất cả, đó
là những sự giúp đỡ nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn. Tôi luôn mang trong lòng niềm tri
ân các thầy cô. Ân nghĩa đi qua có bao giờ trả lại hết được, nhưng tôi mãi trân
trọng và ghi sâu trong tâm khảm những tấm lòng thầy cô.
Tôi đã ra đi từ mái trường này, mái
trường đã đánh dấu bao sự đồi thay lớn của cuộc đời, mái trường đã đưa tôi đến
với cánh cổng trường đại học. Mái trường đã ghi dấu bao cảm xúc e lệ hồn nhiên
và những tình cảm bạn bè vô tư trong sáng: nào Đông, nào Quỳnh, nào Oanh, nào
Thắng...tôi muốn có nhiều dịp gặp lại các bạn, nhưng vì điều kiện địa lý và
công việc, chỉ biết tin về nhau qua bạn bè. Ngày đó, tôi quý các bạn ở chí học
hành, tôi mến các bạn ở sự chân thành, tôi mong đợi các bạn sự thành đạt và
thực tế ngày nay, các bạn đang trở thành những người có ích cho quê hương đất
nước. Dịp gặp lại nhau cách đây mấy năm vừa rồi tôi đã được sống lại tình cảm
tuổi hoa niên, dẫu là chưa đầy đủ các thành viên của lớp cũ. Tôi mong ta sẽ có
dịp ngồi lại bên nhau, ôn về những kỉ niệm tuổi học trò.
Sẽ là may mắn cho những ai trong cuộc
đời có một mái trường để tự hào, để hoài niệm. Đối với tôi, trường Phan là nỗi
nhớ, là nơi chắp cánh cho cả bầu trời mơ ước. Tôi và ông cụ thân sinh tôi, các
cô tôi cùng các em tôi đều học tập dưới mái trường này. Ông cụ thân sinh tôi,
sinh ra trong thời buổi chiến tranh chống Mỹ, đang học cuối cấp III, gác bút
nghiên lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ cứu nước, còn tôi may mắn được sống
trong hòa bình, đèn sách dưới mái trường Phan, thi vào đại học, trở thành sinh
viên, tiếp bước ước mơ của cha tôi còn dang dở do đất nước còn bóng giặc. Bây
giờ trở thành một giảng viên, tôi mới thấy được ý nghĩa công việc của người
thầy, của sự nghiệp trồng người tuy nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang. Tôi quý
trọng hơn ân nghĩa của cha mẹ, của thầy cô, của những mái trường đã đi qua.
Mười năm kể từ ngày tôi rời trường, đó là một khoảng thời gian không ngắn,
trường đã đỗi thay nhiều. Bao thế hệ thầy
cô đã về hưu đã chuyển cơ quan công tác, riêng mái trường vẫn yên bình nằm đó
trang nghiêm bên con đường mang tên người chí sĩ họ Phan, vẫn âm thầm chở những
chuyến đò đầy, nuôi dưỡng những mầm xanh cho tương lai đất nước. Với tôi, dẫu
mười năm hay hơn nữa, chắc hẳn vẫn nguyên sơ tình cảm với mái trường như buổi
ban đầu:
Ngưỡng mộ và tự hào
Yêu mến và ngợi ca
Thành kính và tin tưởng
vào truyền thống vẻ vang và tương lai rạng
rỡ của nhà trường.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường,
tôi muốn làm điều gì đó cho mái trường thân yêu, hướng về trường với tất cả tấm
lòng lưu luyến, tôi viết những dòng này xem đó như một lời tri ân, lời chúc tốt
đẹp nhất tới quý thầy, quý cô và những người bạn của tôi đã có những năm tháng
đèn sách dưới mái trường này. Chúc cho trường Phan mãi mãi xứng đáng với niềm tin
yêu, quý trọng của các thế hệ học trò./.
Xuân
Mai, Hà Tây, 05/11/2004